Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

TẢN MẠN VỀ TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH



Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Phú phong, nơi có sở dệt tân tiến Delignon nổi danh tận Pháp quốc, tôi xin được tự nhận là con dân Tây sơn - Bình định. Tình cảm của tôi đối với quê hương cũng thăng trầm như sự thăng trầm của quê hương mình.

Theo thời gian, nhiều ít đậm nhạt khác nhau, trong tôi thường có sự suy tưởng cảm kích (không dám nói là tự hào) về cái "hùng tâm dũng khí", về "địa linh nhân kiệt" của Tây sơn Bình định. Ðây là nơi phát tích của các anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, rồi đến Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ ( ...   ... )

Bên đó, thú thật, có đôi lúc tôi lại lởn vởn chút mặc cảm u buồn, chút bàng hoàng ngao ngán về tâm địa, về sự đối xử trong quá khứ giữa người Bình định với nhau - gay gắt quyết liệt giữa những người khác chiến tuyến đã đành, mà nhiều khi chỉ vì chút danh lợi nhất thời đã có sự phũ phàng với cả bạn đồng hành. Có phải đây là mặt trái của một tấm huy chương? Dầu sao tôi vẫn yêu mến quê hương và yêu mến thiết tha hơn khi mình phải rời bỏ quê hương tìm sống nơi đất khách quê người.

Quê hương chúng ta là một tỉnh duyên hải trù phú của miền trung Trung phần Việt nam, nằm trên dưới vĩ tuyến 14. Phía bắc giáp tỉnh Quảng ngãi với đèo Bình đê. Phía nam giáp tỉnh Phú yên với đèo Cù mông. Phía đông là biển. Phía tây ngăn cách với tỉnh Gia lai (Pleiku) bởi rừng rậm và đèo cao (có khi là đèo An khê tức đèo Ngang, có khi là đèo Mang Yang do vùng An khê thuộc tỉnh Gia lai hoặc tỉnh Bình định). Tỉnh ta có biển sâu, có núi cao, có sông dài. Quốc lộ 1 chạy theo chiều nam bắc từ đèo Cù mông đến đèo Bình đê. Quốc lộ 19 từ cầu Bà Gi đến Pleiku. địa thế vừa hùng vĩ vừa hiểm hóc, có cái thế "long bàng hổ cứ", Bình định là đất dụng binh tiến thủ lợi hại của ngày xưa. Có người khái quát về Bình định bằng mấy câu:

Ba dòng sông chảy
Mấy dãy non cao
Biển đông sóng vỗ dạt dào
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh!

Ba dòng sông lớn là: sông Côn chảy qua các huyện Bình khê, An nhơn, Tuy phước đổ vào đầm Thị nại; sông Lại giang chảy qua các huyện Hoài ân, Hoài nhơn đổ về biển đông, và sông La tinh chảy giữa hai huyện Phù mỹ , Phù cát đổ về cửa Ðề Gi.

Những dãy núi nổi tiếng ở Bình định là:

-  Dãy Tây sơn, dãy Sọc Kính (Lộc Ðổng) và Hoành sơn ở huyện Bình khê. Trong dãy Tây sơn và Hoành sơn có những địa danh lưu dấu tích của ba vua Tây Sơn, còn Lộc Ðổng là nơi anh hùng Mai Xuân Thưởng lập căn cứ chống Pháp:

Ngó vô Linh Ðổng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ khởi binh

-  Ở huyện Phù cát có núi Bà (Bà Sơn), hình thể hoành tráng hiên ngang, ôm ấp mối tình chung thủy của người vợ trông chồng - hòn Vọng phu:

Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.

Ở đây còn có chùa Linh Phong ghi tạc câu chuyện ly kỳ của nhà sư tục gọi là ông Núi, câu chuyện huyền hoặc nhưng chưa đựng nhiều chất thơ và chất đạo...Phía bắc Bình định có hòn Tổng Dinh ở Hoài ân, còn treo gương anh dũng của nhà cách mạng tiền bối Tăng Bạt Hổ. Ngoài ra còn nhiều ngọn núi nhỏ mang những sự tích và huyền thoại kỳ thú.

Bình định vốn là đất cũ của Chiêm thành, dấu tích rõ rệt là thành Ðồ bàn và các tháp cổ. Thành Ðồ Bàn nằm trong phạm vi thôn Nam tân, xã Nhơn hậu, quận An nhơn, bị hoang phế từ lâu, chỉ còn lại các bờ thành đắp bằng đất hoặc xây bằng đá ong, sụp lở chỗ thấp chỗ cao. Gần đó là "tháp Cánh Tiên riêng đứng dãi dầu" cùng chung cảnh ngộ với đền thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu: lạnh lẽo, hoang tàn, sụt sùi trong nắng mưa, sương gió.

Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
Cảm thương ông Hậu thủ thiềng ba năm.

Có lẽ nhờ lòng người cảm thương ông Hậu quân Võ Tánh thủ thành ba năm mà tháp Cánh Tiên được nhắc nhở trong câu ca dao trên, trở thành câu hát ru của dân gian Bình định ở ba vùng An nhơn, Bình khê, Tuy phước. Nhiều người Bình định chắc còn nhớ câu đối nổi tiếng ở lăng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu:

Quốc sĩ vô song - song quốc sĩ
Trung thần bất nhị - nhị trung thần

Ngoài tháp Cánh Tiên, Bình định còn nhiều ngọn tháp kỳ vĩ khác như:

-  Tháp Dương long (3 ngọn tháp) và tháp Thủ thiện ở huyện Bình khê.
-  Tháp Bánh Ít ở Phước hiệp, Tuy phước bần cầu Bà Gi, gần tu viện Nguyên Thiều.
-   Tháp Ðôi ở Qui nhơn, gần cầu Ðôi
-  Tháp Tri thiện ở Phước quang, Tuy phước.
-  Và một ngọn tháp mồ côi ở quận Phù cát, trên đường đi về hướng núi Bà, ở phía ngoài Bá canh, An nhơn.

Kể cũng lạ là các quận ở phía bắc không có một ngọn tháp Hời nào. Và những ngọn tháp kể trên, ngoài tháp Cánh Tiên, không thấy "đi vào lòng người"; không có những câu ca, câu thơ nhắc nhở đến tháp. Mãi gần đây, thật gần đây, mới nghe những câu ca dao "tân thời", chẳng hạn:

Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi
Người vào Nam kẻ ra Bắc ai cũng đi con đường này
Tháp Ðôi đứng cạnh cầu Ðôi
Vật vô tri còn có đôi lứa huống chi tôi với nường
Vững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thủ thiện, bên này Dương long...

Dưới thời Hậu Lê (giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh) Bình định có hai huyện là Tuy viễn và Phù ly. Huyện Tuy viễn trông coi các quản hạt: An nhơn, Tuy phước, Bình khê. Huyện Phù ly: Phù cát, Phù mỹ, Hoài nhơn, Hoài ân. Cơ quan đầu não đóng ở thành Qui nhơn (cạnh Ðồ bàn). Dưới thời Tây Sơn, vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc đóng đô ở đây tức Trung ương Hoàng đế thành, dân gian gọi là Ðế Kinh.

Chiều chiều mây phủ Ðế Kinh
Ếch kêu giếng lạn thảm tình đôi ta...

Sau này dưới triều Nguyễn, thành được xây dựng vững chắc, bề thế và mang tên thành Bình định (nằm trong xã Nhơn hưng, quận An nhơn). Khoảng thập niên 1930, cơ quan tỉnh của Nam triều được dời về thành phố biển Qui nhơn cho gần với dinh Công sứ của Pháp.

Dưới triều Nguyễn, tỉnh Bình định có các phủ Hoài nhơn, An nhơn, Tuy phước và các huyện Phù mỹ, Phù cát, Hoài ân, Bình khê (năm 1944 huyện Phù mỹ đổi ra phủ). Sau năm 1945 không còn gọi là phủ mà gọi chung là huyện. Mỗi huyện trong các năm 1947-1948 có các cuộc sát nhập các làng nhỏ thành một xã vừa, và đến năm 1949 thì hai hay ba xã vừa sát nhập thành một xã lớn. Người ta dùng một chữ của tên huyện kèm theo một chữ khác để đặt tên cho xã mới. Các xã của Hoài nhơn là: Hoài đức, Hoài mỹ, Hoài vương, Hoài thanh... (ngoại lệ là Bồng sơn và Tam quan). Các xã của Hoài ân: Ân phong, Ân tín, Ân tường... Huyện Phù mỹ: Mỹ quang, Mỹ trinh, Mỹ an, Mỹ thọ... Huyện Phù cát: Cát trinh, Cát tài, Cát hanh, Cát sơn... Huyện Tuy phước: Phước nghĩa, Phước lộc, Phước quang, Phước hậu... Huyện An nhơn: Nhơn hưng, Nhơn hậu, Nhơn an, Nhơn hạnh... (ngoại lệ là xã Ðập Ðá). Huyện Bình khê: Bình phú, Bình nghi, Bình tường, Bình giang, Bình quang, Bình thành, Bình hòa, Bình an, Bình tân, Bình thuận.

Sau tháng 5 năm 1955 tỉnh Bình định vẫn giữ nguyên các huyện và xã như trước, chỉ có đổi huyện thành quận, và đến năm 1961 đổi thôn thành ấp (khi có quốc sách Ấp chiến lược).

Từ năm 1957 tỉnh Bình định thành lập các Nha Phái viên Hành chánh trông coi các xã miền Thượng: Nha Hành chánh Vĩnh thạnh, nha Hành chánh Vân canh và nha Hành chánh An lão. Ðến năm 1961-1962, mỗi nha Hành chánh trên lại trông coi một, hai xã kinh của quận lân cận và được đổi thành các quận Vĩnh thạnh, Vân canh, An lão. Từ năm 1965 về sau, do tình hình chiến sự ác liệt, các quận trên không còn nữa và sát nhập vào các quận kế cận.

Năm 1960, vùng An khê, huyện Tân an tỉnh Pleiku được đặt thống thuộc tỉnh Bình định với tên mới là quận An túc. Công việc hành chánh, trị an được điều hành tương tự những quận khác của Bình định.

Năm 1970, quận Tam quan được thành lập, lãnh thổ gồm các xã Tam quan, Ðức hựu, Hoài thanh mang tính chất một địa bàn quân sự tạm thời hơn là một quản hạt có ý nghĩa chính trị, lịch sử.

Từ tháng 5-1955 thành phố Qui nhơn mang tên là xã Qui nhơn trực thuộc toà Hành chánh tỉnh. Năm 1972 thị xã Qui nhơn được chính thức thành lập, lãnh thổ gồm xã Qui nhơn cũ và các xã lân cận nguyên của quận Tuy phước là Phước hậu, Phước lý, Phước hải, Phước tấn. Thị xã Qui nhơn gồm hai quận Nhơn bình và Nhơn định với 16 (?) phường trực thuộc, phường nào cũng mang chữ Trung: Trung chánh, Trung đức, Trung từ v.v... Việc đặt tên phường này thực ra chưa thỏa đáng lắm, nhiều tên hay nhưng cũng có tên bị gán ghép gò bó như Trung cảng. Tất cả đã là quá khứ và chìm vào quên lãng! Tưởng cũng nên nhắc lại xã Phước tấn nói trên là nơi có bệnh viện Qui hòa và phía ngoài trên một ngọn đồi của Gành Ráng là mộ Hàn Mặc Tử.

Sau tháng 4-1975 tỉnh Bình định cùng với tỉnh Quảng ngãi sát nhập làm một, mang tên tỉnh Nghĩa bình! Mãi đến 1989 hai tỉnh lại tách ra và mỗi tỉnh lại trở về với tên cũ của mình. Các huyện, xã của tỉnh Bình định cũng có nhiều thay đổi, nhất là ở cấp xã, thôn. Huyện Bình khê đổi thành huyện Tây sơn. Riêng quận An túc từ tháng 4-1975 trở lại với tên huyện An khê và trực thuộc tỉnh Gia lai.

BTK
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét