Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

ĐÔI ĐIỀU VỀ PHỦ THÀNH "PHỦ QUY NHƠN"

Thành Bình Định - Ảnh chụp trước năm 1945
Thành được dời từ Đồ Bàn về An Ngãi - Tuy Viễn năm 1814. 

            Năm 1471, hạ xong thành Đồ Bàn, bắt Chiêm vương Trà Toàn đem theo quân thứ ban sư về kinh, chỉ vài tháng sau vua Lê Thánh Tông lập ra đạo thừa tuyên thứ 13 là Thừa Tuyên Quảng Nam. Rồi vị tướng nhiều công trạng trong cuộc chiến tiến binh vào kinh đô Đồ Bàn năm ấy là Trung quân Đô thống Phạm Nhữ Tăng, ông được giao quyền Đô Ty Quảng Nam kiêm Trấn Phủ Hoài Nhơn. Phủ Hoài Nhơn là châu Vijaya của người Chiêm trước kia, là một trong 3 phủ mới được thành lập : Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn, chúng đã được ghi tên vào bản đồ Đại Việt sau cuộc nam chinh của vua Lê. Từ một số thông tin của tộc phả họ Phạm dòng dõi Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão nầy cho thấy Đô thống phủ, lỵ sở của Thừa Tuyên Quảng Nam lúc ấy đặt tại thành Đồ Bàn. Quan Đô thống đã thọ bệnh qua đời và chôn cất tại đây vào tháng 2 năm 1478, sau được cải táng về làng Hương Quế nay thuộc Quế Phú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Như vậy vị quan đầu tiên trấn nhậm Quảng Nam kiêm lý phủ Hoài Nhơn, ông ở chức chỉ được 6 năm tại Hoài Nhơn, vùng cực nam của Đại Việt thời bấy giờ - là vùng đất cả tỉnh Bình Định bây giờ.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

HUYỆN DIÊN KHÁNH - PHỦ ĐIỆN BÀN (QUẢNG NAM)


Năm 1306, vua Trần Anh Tông vâng mệnh Thượng Hoàng Nhân Tông gả em gái Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân (Tiếng Phạn : Jaya Sinhavarman III) của vương quốc Chiêm Thành để nhận lấy sính lễ là 2 châu Ô và Rí (Hán ngữ không có âm R nên châu Rí sách xưa ghi là châu Lý). Châu Ô là vùng nam Quảng Trị và Huế hiện nay, bấy giờ Đại Việt gọi là Thuận Châu, còn Châu Rí là vùng đất của một phần xứ Huế trải xuống đến sông Thu Bồn, Đại Việt gọi là Hóa Châu. Khi Giản Định đế - Trần Ngỗi khởi binh chống lại nhà Minh (năm 1408), đánh thắng vài trận lớn là nhờ vào quân binh dưới quyền của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân ở Thuận Hóa (Thuận châu và Hóa châu) theo về.

Thời nhà Hồ, đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành ở phía nam Thuận Hóa đã sáp nhập vào Đại Việt. Hồ Quý Ly chia Chiêm Động làm 2 châu Thăng và Hoa, chia Cổ Lũy làm 2 châu Tư và Nghĩa (Cổ Lũy là phần đất Quảng Ngãi ngày nay). Năm 1402 nhà Hồ lập ra Lộ Thăng Hoa quản lĩnh 4 châu Thăng Hoa Tư Nghĩa. Nhưng từ đó về sau vùng Chiêm Động Cổ Lũy - Thăng Hoa Tư Nghĩa lại là địa bàn tranh qua giành lại của 2 nước Việt Chiêm, sách sử nhà Minh cũng chen vào ghi khống các châu huyện nầy là của Minh triều.