Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

BÀI THƠ KỶ HỢI TUẾ CỦA TÀO TÙNG


Kỷ Hợi tuế nghĩa là năm Kỷ Hợi. Năm Kỷ Hợi nói trong bài thơ của Tào Tùng là năm dương lịch 879, thời vua Hy Tông nhà Đường. Lúc nầy nhà Đường bên Tàu xảy ra loạn Hoàng Sào. Còn ở Việt Nam, theo Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ thì đây cũng là thời điểm mà Hào trưởng vùng Chu Diên (Hải Dương bây giờ) là Khúc Thừa Dụ, ông đã cùng dân chúng nổi dậy, chiếm giữ thành Đại La, thủ phủ của Tỉnh Hải Quận (tên gọi đất Việt thời Đường Hy Tông). Năm 880 Khúc Thừa Dụ tự xưng làm Tiết độ sứ Tỉnh Hải Quận, đặt nền móng cho việc kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa.

Tào Tùng 曹松 người An Huy nhà Đường. Bài thơ Kỷ Hợi Tuế của ông như sau :

己亥歲(僖宗廣明元年)

澤國江山入戰圖,
生民何計樂樵蘇。
憑君莫話封侯事,
一將功成萬骨枯。


KỶ HỢI TUẾ
(Hy Tông - Quảng Minh nguyên niên)

Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ
Sinh dân hà kế lạc tiều tô
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự
Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Do bài thơ được viết vào năm Quảng Minh nguyên niên (năm 880), nên có một vài từ mang ngữ nghĩa cổ :

- “Trạch quốc” nghĩa là Vùng sông nước. Ngày xưa gọi, chỉ vùng đất Giang Nam (phía Nam sông Trường giang).

- “Tiều tô” nghĩa là Mót củi, Cắt cỏ. Theo liệt truyện Hoài Âm Hầu trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, có câu Tiều tô hậu thoán, sư bất túc bão (Mót củi cắt cỏ mà nấu ăn, quân lính không đủ no).

Tạm dịch nghĩa bài thơ :

NĂM KỶ HỢI
(Hy Tông, niên hiệu Quảng Minh năm thứ nhất)

Non nước Giang Nam đã rơi vào chiến loạn
Kế sinh nhai của dân đâu còn cảnh vui thú nhặt củi hái rau
Xin đừng nói chi chuyện phong hầu, thăng quan tiến chức
Một tướng được đề danh, trong khi đó ngoài chiến trường phơi vạn ngàn xương trắng

Nhà Đường bên Tàu do Đường Cao Tổ - Lý Uyên kiến lập vào năm 618. Đến năm 907 thì chấm dứt triều đại, khi mà các thế lực địa phương nhân loạn lạc đã không tuân phục triều đình, đã cát cứ địa phương mình, hình thành nên giai đoạn 5 triều đại, 10 nước (Ngũ đại Thập quốc) từ năm 907 đến 979 trong sử Trung Hoa.

Nhà Đường là triều đại cực thịnh về mọi mặt, nhưng cũng là triều đại hết đem binh tảo Bắc, chinh Đông, rồi lại chinh Tây. Loạn lạc trong nước cũng luôn xảy ra. Đời Đường Huyền Tông xảy ra loạn An Lộc Sơn, kéo dài từ năm 755 đến 763. Chiến trận ác liệt đã khiến vua cũng phải rời kinh đô, đem Dương Quý Phi chạy vào đất Thục lánh nạn. Người dân sống giữa binh đao, đầy cơ cực. Trong khi đó quyền thần, ngoại thích như Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung… đấu đá nhau, tạo nên các phe phái trong triều chỉ nhằm giành giật tư lợi, quyền lực, cầm quyền mà không vì quốc thái dân an. Thành thử người dân hiếm được có thời gian an lành, ngơi nghỉ. Ước mơ vui sống chỉ bằng việc mót củi, hái rau của họ thật nhỏ nhoi, nhưng cũng quả thật là to lớn.

Năm 875, trước áp chế của triều đình giành độc quyền bán muối, thương nhân bán muối người Sơn Đông là Hoàng Sào đã tập hợp người dân nổi dậy, thực hiện khí chất vốn có của ông :

Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng
Nhất trạo giang hồ tận địa duy

Nửa vai cung kiếm tung hoành trời đất / Một mái chèo đi khắp cả sông hồ. Cụ Nguyễn Du của ta đã mượn tứ nầy mà thảo nên câu thơ “Giang hồ quen thói vẫy vùng / Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” trong truyện Kiều.

Năm 879, binh Hoàng Sào tiến công Quảng Châu. Đây là bối cảnh ra đời bài thơ Kỷ Hợi Tuế của Tào Tùng.

Bài thơ đã nói lên mơ ước sống yên lành, nhỏ nhoi của người dân trong xã hội vốn đã cơ cực. Nhưng người dân cũng đã nhận chân ra khi lâm cảnh binh đao, họ là người trước tiên đứng trước đầu đạn mũi tên. Chiến đấu cho thế lực nào, đứng về phía triều đình, hay đứng về phía quân nổi dậy, họ cũng chỉ là người phải đụt pháo, xông tên. Đã từng quen với loạn lạc, binh đao, họ rõ rằng thế lực nào khi kết thúc cuộc chiến đều cũng chăm chăm những việc lo cho tư lợi, quyền lực của họ. “Bằng quân mạc thoại phong hầu sự”. Đã hiểu được thân phận của dân đen, của những kẻ khốn cùng, đã thấu hiểu sự đời, xin đừng nói là chiến đấu, lăn xả trước hàng quân để hòng được thăng quan tiến chức, nhận tước phong hầu.

Nếu được phong quan phong tướng, thì trước những khốc liệt của binh đao, ngồn ngộn mối cảm xúc trước hình ảnh những đồng đội phải nằm xuống, với cái nhìn nhân bản về cuộc sống… phải rõ rằng chức quan, hàm tướng nầy có được, chỉ một kẻ được nên danh, trong khi đó ngoài chiến trường hàng vạn ngàn xương trắng phơi khô. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” là tiếng kêu thảng thốt của người Giang Nam vào năm Kỷ Hợi 879 trước loạn Hoàng Sào.

Cũng những tháng năm nầy, Khúc Thừa Dụ ở Giao Châu ta cũng làm cuộc binh biến giành quyền tự chủ cho đất nước. Văn thơ, sách sử của ta truyền lại không cho thấy tâm tình của dân tộc trước sự kiện đặt nền móng giành độc lập đó. Năm nhà Minh đánh chiếm Việt Nam, đền đài, sách vở… của người Việt đều bị phá hủy, đốt sạch, hoặc thu mang về Tàu, đã làm phai mờ dấu tích văn hóa của Việt Nam.. 

Bây giờ chỉ còn biết dựa vào chi tiết năm 906, vua nhà Đường phải chính thức công nhận, phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tỉnh Hải Quận Tiết độ sứ. Điều nầy cho phép ta hình dung ra được nỗi vui mừng của người dân trước sự kiện người Việt ta làm chủ lấy ta. Và cũng hình dung ra được với tâm tình vốn cùng tộc Bách Việt với người Giang Nam, người Việt cũng có thể đã có chung cái nhìn Nhất tướng công thành vạn cốt khô trong bài thơ Năm Kỷ Hợi của Tào Tùng. Cái nhìn nhân bản đối với sinh linh trước khói lửa binh đao.

NĂM KỶ HỢI

Non sông binh lửa ngập tràn
Hái rau, nhặt củi non ngàn còn đâu
Nhắc chi khanh tướng công hầu
Danh đề một kẻ, trắng màu xương phơi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét