Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

TRI HUYỆN BÌNH KHÊ (1)

MỘT ÔNG QUAN LÃNG TỬ

Đọc Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, người nào có chút lòng hoài cổ thấy ngậm ngùi nhưng thật hào sảng với truyện Chữ Viết Người Tử Tù, thấy một chút khoan khoái qua Chén Trà Trong Sương Sớm, thấy cả không gian đầm ấm, hương vị Tết như thơ của mấy cụ Đồ với bài Hương Cuội … Phải nói cả 11 truyện ngắn của Vang Bóng Một Thời không có bài nào non tay qua bút lực của Nguyễn Tuân.
Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân dành ra đến 2 truyện ngắn là Thả Thơ và Đánh Thơ để xây dựng lại hình ảnh món ăn chơi của “một thời vang bóng”.
Nếu không tường tận cái thú chơi của người xưa thì thật khó mà thấy được cái ý vị của món chơi chữ nghĩa mà bây giờ đã tuyệt tích trong xã hội công nghiệp. Nhưng nếu có chút hồn thơ thì xem Thả Thơ, Đánh Thơ, thấy người xưa chơi thơ thật “nên thơ”.
Nhưng trong món chơi thơ nầy có một ông quan huyện Bình Khê xuất hiện qua ngòi bút của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn Đánh Thơ. Quan Phủ Tam Nguyên Trần Bích San ở Bình Định thật sự là một Kẻ Sĩ, nhưng ông quan huyện nầy lại là một anh ma mãnh với trò đời. Ông đã bị mụ Mộng Liên (nhân vật trong truyện) bắt nọn được mánh lới của mình … “… nên mỗi lần sau, ông huyện Bình Khê động tay vào lá thơ là mụ lại buông tay đàn, chận lấy giấy và nhìn trừng trừng vào giữa mặt ông huyện có tính gian giảo kia … (Đánh Thơ – Vang bóng một thời)
Là dân Bình Khê – Tây Sơn mà thấy Nguyễn Tuân “phê” như thế nầy thì thật “tự ái quê hương” qua cái láu cá của ông huyện nào đó. Nhân vật Mộng Liên và ông Phó sứ trong Đánh Thơ là nhân vật thực ở ngoài đời. Giới am tường văn học có thể nhận ra được ông Phó sứ trong truyện là cụ Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ (1860 – 1913) từng vang bóng một thời du Nam du Bắc với thú chơi thơ cùng nàng Mộng Liên. Với “cái thâm nho sĩ Bắc Hà” của Nguyễn Tuân không thể không có ông huyện Bình Khê thực sự ở ngoài đời. Xã Bình Khê thì có đâu ngoài tận Quảng Ninh thuộc huyện Đông Triều. Không biết xuất xứ Xã Bình Khê nầy xa kia từ đâu ra. Còn huyện Bình Khê chưa thấy có sự trùng lặp ngoài huyện Bình Khê ở Bình Định.
Bây giờ cụ Nguyễn Tuân đã ra người thiên cổ (Nguyễn Tuân 1910 – 1988). Mà thời cụ còn tại thế có hỏi đi nữa chắc gì cụ đã chỉ ra. Nếu đúng ông huyện Bình Khê của Nguyễn Tuân là ông quan ở vùng đất mến võ chuộng văn Bình Định thì cái ông quan huyện Bình Khê nào đó trong Đánh Thơ thật là “mất mặt bầu cua” cho dân Tây Sơn. Chơi thơ mà không có cái chất lãng tử của “người thơ” lại còn lộ rõ cái máu mê cờ bạc kẻ có chức quyền.
Xem lại một vài nét cách chơi đánh thơ của người xưa và cái ma mãnh của ông tri huyện nào đó qua ngòi bút của Nguyễn Tuân :
“ … Cái ông huyện Bình Khê, người trông đứng đắn thế vậy mà nhảm lạ. Ông ta chúa hay vờ vĩnh. Nhà cái chưa thả thơ xong, ông cứ vờ vĩnh giục ồn lên những là lâu và làng đặt tiền chậm như thế, thì một đêm, phỏng thả được mấy câu thơ. Thế rồi ông vồ lấy lá thơ đặt ở giữa chiếu, dọa mọi người nếu không đặt tiền nhanh lên thì ông thổi tuột lá thơ ra và xin làng, nếu nghĩ lâu quá, thì đợi đến câu sau hãy đánh vậy. Một lần ông cầm lên đặt xuống lá thơ, cái mẫu giấy tàu bạch cuộn tròn như tổ sâu kèn lại nới giãn dần ra một chút. Và ông đã hé nhìn được chữ gì viết trên đầu giấy cuốn tròn tận vòng trong cùng của lá thơ. Mắt ông ta tinh lạ, và nhanh như cái cắt. Có lần ông Phó vòng một chữ “bút”, ông huyện vờ xin thổi thế nào mà nhìn được cái nét sổ dài. Rồi là có bao nhiêu tiền đem đặt tại chữ “bút” đến tột cửa. Nhưng mụ Mộng Liên xem chừng cũng hiểu, nên mỗi lần sau ông huyện Bình Khê động tay vào lá thơ là mụ lại buông tay đàn, chận lấy giấy và nhìn trừng trừng vào giữa mặt ông huyện có tính gian giảo kia …  ”
(Nguyễn Tuân – Vang bóng một thời)
Huyện Bình Khê chính thức thành lập năm 1888 triều Đồng Khánh. Từ lúc lỵ sở Bình Khê xây dựng ở Đồng Phó (Xã Tây Giang -  huyện Tây Sơn ngày nay) cho đến lúc truyện Đánh Thơ xảy ra được Nguyễn Tuân ghi nhận khoảng cuối triều Thành Thái (Thành Thái 1889 – 1907) , có bao nhiêu quan Tri huyện trấn nhậm ở đây ? Chưa thể tra kỹ sách sử của triều Nguyễn, nhưng nếu có tra ra rồi thì với hư cấu văn chương,  quan trọng gì đến thời điểm xảy ra chuyện. Nếu có tra ra rồi nhưng biết ai là ông huyện có hành trạng lảng nhách được thể hiện qua truyện ngắn Đánh Thơ !?
Người Bình Định có một Tri huyện trấn nhậm Bình Khê  lúc Bình Khê vừa mới thành lập. Một ông quan có tài văn thơ mà không rõ có thích cái thú chơi thả thơ, đánh thơ của đất thần kinh không. Một ông quan sắc sảo trong cai trị, nhưng lại là một lãng tử hòa hợp cùng các bạn văn, mà các bạn văn lại đầy khí phách như Song Cuồng của Bình Định Nguyễn Bá Huân, Phạm Trường Phát. Một ông quan lãng tử sống gắn bó tri âm tri kỷ với những người bạn không thiết tha gì với lối học cử nghiệp của ngày xưa, chính ông sau nầy cũng bị quan đầu tỉnh kiếm chuyện cách chức vì cho rằng bài Phú của ông viết nói xiên nói xỏ nhà quan. Một ông quan với phong cách “người thơ” như vậy khó có thể là quan huyện máu mê cờ bạc, ma mãnh trong Vang Bóng Một Thời qua ngòi bút Nguyễn Tuân.
Ông quan huyện Lãng tử Bình Khê rất mẫn tiệp, xuất khẩu là thành thơ ngay từ lúc nhỏ.
Theo nhà thơ Quách Tấn (1910 – 1992) trong Thi Thoại Hương Vườn Cũ, học trò ngày xưa chỉ biết chọc gái chứ không biết tán gái. Chọc gái đôi lúc bị “đáp từ” bằng những câu không mấy êm tai, mà nếu chọc hơi quá tay (bóp vú) bị mắng vốn với thầy thì ăn roi là cái chắc. Thơ “bóp vú” ngày xưa có những câu :
            -  Con cháu nâng niu đôi nấm đất
               Ông cha lừng lẫy bốn phương trời
             - Tay ngọc nâng niu đôi chúa trẻ
               Tiếng vàng sang sảng chín tầng cao
            -  Quãng vắng dần lân tay đớp nhụy
               Sân trường vun vút đít ăn mây
            -  Ngực tròn chi lắm tay sanh ngứa
               Miệng lấp không xong đít nổi vồng
Hai câu trên tả cảnh bị gái chửi. Hai câu dưới tả cảnh bị thầy đánh.
Cậu học trò sau thành Quan huyện Lãng tử Bình Khê đã từng chọc gái mà không bị chửi, mà mông không bị thầy đánh nổi vồng nhờ ở tài xuất khẩu thành thơ. Một hôm cậu cùng các bạn đi học về, gặp một cô con gái nhà giàu ở nơi vắng vẻ. Các bạn thách cụ làm thế nào bóp vú cô ả mà không bị đánh bị chửi. Cụ liền bước đến gần cô con gái, vừa đi vừa đọc :
Đã bấy lâu nay gặp chị nầy
Lấy chi cho thỏa tấm lòng đây
Kề vai đọ thử lưng cao thấp
Cô ả tai lắng nghe thơ nên không để ý cậu học trò vừa xích lại gần vừa đọc :
Xuống cánh rờ xem yếm mỏng dày
Miệng đọc là tay làm liền.
Cô ả không kịp thời phản ứng gì hết thì cậu đã đọc tiếp :
Cũng đã thỏa tình trăng giỡn thỏ
Nhưng chưa phỉ chí nhạn trông mây
Bên đường vắng vẻ không ai biết
Vuốt giận thôi thôi chị chớ ngầy
Một lần nữa thuyết “ngôn hành hiệp nhất” được thực hiện mà không bị ăn câu chửi nào.
Kỳ thi Hương 1873 niên hiệu Tự Đức thứ 26 ở Trường thi Bình Định, cậu học trò người làng Phương Danh, phủ An Nhơn đó đậu Cử nhân thứ 9/15, đồng khoa với Đặng Đức Xứng người làng Mỹ Đức (Tuy Viễn). Khi Tuy Viễn tách ra thành lập huyện mới, và rồi sau (chưa xác định được năm) ông về ngồi Tri Huyện huyện mới Bình Khê. Ông là NGUYỄN ĐÔN PHỤC …
Tri huyện Bình Khê Nguyễn Đôn Phục có tiếng hay chữ và giỏi nôm nhưng cũng không thiếu tài cầm cân nẩy mực. Theo Quách Tấn trong tiểu sử Nguyễn Bá Huân, con trai trưởng của cụ Tú Nguyễn Khuê (Nhà Nguyễn Thôn Vân Sơn), một ngày nọ để tìm vui, Nguyễn Bá Huân cùng nhóm bạn văn chương rủ lên Bình Khê thăm bạn. Cụ Nguyễn Đôn Phục mừng rỡ sai thịt một con gà cồ làm gỏi đãi khách. Với hứng thơ văn, quan huyện xin khách phải có một bài hịch kết tội con gà trước khi cho cắt cổ nó. Khoảnh khắc bài ông Huân đã làm xong :
Tánh ưa bôi mặt,
Sao chẳng biết thân ?
Thoát Mạnh Thường tài gã thấy đâu, chẳng qua là mơ hồ tiếng Khách nhân, nghìn thuở cũng khoe khoang công cứu nạn;
Khuông Đường thất mặt ngươi sao vắng, để đến nỗi lẫy lừng hơi Võ thị, bấy nhiêu năm inh ỏi giọng thư thần!
Đức nghiệp gì đầu đội văn quan, trau chuốt xuê xoang hoài phấn nước;
Tài cán mấy chân đeo võ cự, lăm le bươi chải nát nhà dân!
Trời tạnh sáng chưa kêu, công báo biểu không xong một nỗi;
Mổng cối xay ăn quẩn, tội xé phay đáng đã mười phân.
Các bạn đồng hành đều gác bút, khen hay. Riêng quan huyện cười :
-  Phàm lên án phải dựa vào luật. Những tội trạng nêu trong bài hịch kia phạm vào điều luật nào ? Phạt vi cảnh còn chưa được huống hồ buộc đến tội xé phay.
Mọi người đồng thanh thách :
            -  Thế thì quan lớn buộc tội đi.
Chẳng chờ lâu, quan huyện buộc tội con gà :
           Mái chẳng chịu cũng lên lưng. Coi sức nó đã ngang quá ghẹ
           Con có kêu thời mặc cẳng. Sá chi mày mới ló đuôi tôm.
Mọi người vỗ tay khen :
-  Đúng là đao bút của quan. Kết được tội cưỡng dâm, hiếp cô. Đáng đem nó ra cắt cổ.
Với giai thoại Cầm cân nẩy mực vận vào văn thơ. Tri Huyện Bình Khê Nguyễn Đôn Phục đúng là một ông quan lãng tử …

 (Còn tiếp …)

6 nhận xét:

  1. ... Chờ phần "còn tiếp" của Nghị!...

    Trả lờiXóa
  2. Chắc chắn là phải tiếp thôi.
    Xin lỗi BuuChau và mọi người về phần 3 của bài Lụa Phú Phong chưa thể xuất đăng. Tinh anh, khí phách của cụ Tam Nguyên phát tiết sớm, cụ giã từ cuộc đời tuổi vừa cập tứ tuần trong tình thế đất nước ngả nghiêng. Sự ra đi của cụ thật ngậm ngùi. Để sau Tết mình chia nỗi đau cùng tiết tháo của cụ vậy.

    Trả lờiXóa
  3. co huyen binh khe tinh binh dinh ko moi nguopi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu bạn đọc kỹ trang NonNuoc BinhKhe, bạn sẽ thấy rõ rằng huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định chính là huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định ngày nay.

      Xóa
  4. neu co cho minh biet nhe minh dang tim mo liet si nhung hoi bao gio ko co binh khe
    neu ai o binh dinh noi minh nhe 0987542650 call minh nhe. cam on

    Trả lờiXóa
  5. Bình Khê là tên của Tây Sơn trước 1975. Sau 1975 nhập Bình Khê và Vĩnh Thạnh thành Tây Sơn, rồi sau đó tách ra như bây giờ. Xét về lịch sử thì Bình Khê có từ lâu đời rồi. Bây giờ mà thấy có ai ghi : Quận An Túc Tỉnh Bình Định cũng tìm sáng con mắt chưa chắc đã ra.

    Trả lờiXóa