TIẾT KHÍ VÀ NHỊ THẬP BÁT TÚ CỦA ÂM LỊCH (tiếp theo)
Tinh Tú - Cơ sở để làm Lịch |
Lịch Ta – Lịch Âm mà Việt Nam đang sử dụng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Ông cha ta ngày xưa đã có những cố gắng nhận diện, tìm ra những quy luật phức tạp của Lịch Tuần trăng để vận dụng riêng cho đất nước. Mỗi triều đại đều có lập ra các cơ quan “coi sóc” về Lịch, về thời tiết như Lầu Chính Dương thời Lý, Thái Sử Cục thời Trần, Thái Sử Viện thời Lê, Khâm Thiên Giám thời Nguyễn.
Ngoại trừ Thời Trần có việc Đặng Lộ chế tạo Lung Linh Nghi để xem sao tượng, hầu như các hoạt động về Lịch của Việt Nam đều sử dụng Lịch Trung Hoa như Thụ Thời, Thời Hiến, Đại Thống … Cho nên tên Tiết Khí dùng cho thời tiết ở Trung Hoa vẫn sử dụng để coi sóc việc gieo trồng trong nước, dù rằng có sự khác biệt thời tiết cùa 2 nước.
Tiết Khí trong Lịch Âm là yếu tố cơ bản mà người xưa căn cứ vào đó để trồng trỉa. Ngày quy chiếu của nó vào DL là ngày cố định hằng năm. Lập Xuân luôn vào 4/2, Đông Chí luôn vào 22/12 (dung sai ±1). Các nhà làm lịch xưa đã đặt ra “Thập nhị chỉ Trực” để xác định khoảng thời gian chuyển vận từ Tiết Khí nầy sang Tiết Khí kia cho phù hợp theo tên tháng ÂL.
Thập nhị chỉ Trực gồm 12 Trực theo thứ tự là Kiến, Trừ, Mãn, Bình, Định, Chấp, Phá, Nguy, Thành, Thu, Khai, Bế. Quy ước của Thập nhị chỉ Trực là khi ghép với ngày tháng ÂL, lúc nào gặp ngày Tiết Khí như Tiểu Hàn, Lập Xuân, Kinh Trập, Thanh Minh … không chuyển vận theo thứ tự nữa mà lấy Trực trước đó định Trực cho ngày có Tiết Khí. Thao tác nầy gọi là Hòa Trực.
Ví dụ ngày 3/2/2011, Âm lịch là ngày Kỷ Sửu, Trực Kiến. Qua ngày 4/2/2011 ngày Canh Dần, theo chuyển vận đáng lý là Trực Trừ, nhưng gặp Tiết Lập Xuân nên để hòa Trực, ngày 4/2/2011 vẫn là Trực Kiến, qua ngày sau mới chuyển vận tiếp là Trực Trừ.
Quy ước hòa Trực nầy tạo điều kiện cho các ngày từ Tiết Lập Xuân (4/2 DL) đến Tiết Kinh Trập (6/3 DL), các ngày có Địa Chi là Dần đều là ngày Trực Kiến tương ứng. Khoảng thời gian nầy lịch pháp gọi là tháng Kiến Dần. Tương tự các tháng còn lại, từ Tiết Kinh Trập đến Tiết Thanh Minh (4/4 DL) gọi là tháng Kiến Mẹo (Mão), các ngày Mẹo trong khoảng thời gian nầy đều là ngày Trực Kiến. Từ Tiết Thanh Minh đến Tiết Lập Hạ (6/5 DL) gọi là tháng Kiến Thìn, ngày có Trực Kiến đều là ngày Thìn … Từ Tiết Tiểu Hàn (6/1 DL) đến Tiết Lập Xuân (4/2 DL) gọi là tháng Kiến Sửu.
Lịch pháp của Lịch tuần trăng phức tạp, nhưng uẩn tàng những vi diệu, huyền bí của Khoa học Đông phương lấy tượng hóa làm nền. Khoa học Tây phương là Khoa học số hóa nhưng cũng không loại trừ ảnh hưởng của Thần học, Huyền bí học. Tây phương xưa chẳng phài đã có nhà Tiên tri Nostradamus mà ai cũng sùng bái, ngày nay Tây phương chẳng phải cũng nhan nhản người tìm hiểu Cung chiêm tinh của mình đấy sao …
Lịch pháp của Dương lịch khi đặt ra tuần Lễ không rõ tại sao lại lấy 7 ngày, trong khi tháng dù thiếu đủ cũng không chia hết cho 7, năm dù nhuận hay không nhuận cũng không chia hết cho 7 để lập một chu kỳ khép kín.
Nghe truyền rằng các nhà soạn lịch Tây phương căn cứ vào Kinh Thánh ghi Thượng đế với 6 ngày làm việc : ngày thứ nhất tạo ra ánh sáng và bóng tối, ngày thứ hai nặn ra vũ trụ, ngày thứ ba nặn ra trái đất, thứ tư tạo ra mặt trời, mặt trăng, thứ năm cây cỏ và động vật, thứ sáu nặn ra con người. Đến đây Thượng đế cần 1 ngày thứ 7 nữa để nghỉ ngơi, nên các nhà soạn lịch mới lấy 7 ngày cho một tuần lễ lao động.
Trong cuộc sống, người Đông phương lẫn Tây phương đều có quan niệm xem số 7 là con số huyền bí. Trong tự nhiên cầu vồng có 7 sắc, các nguyên tố hóa học phân thành 7 nhóm để xếp thành Bảng phân loại tuần hoàn, Âm nhạc có 7 thang âm, Bắc Đẩu gồm 7 vì sao … Qua đó Mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh lúc đó (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tinh) không loại trừ là 7 yếu tố để kết cấu thành Tuần lễ trong lịch pháp.
Các Thứ ngày trong Tuần lễ của Lịch Tây đều mang hình ảnh của Thất diệu : Nhật, Nguyệt, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Nhật : Sunday (tiếng Anh), Sontag (tiếng Đức)
Nguyệt : Monday (Anh), Lundi (Pháp), Lunedi (Ý)
Hỏa tinh : Tuesday (anh), Mardi (Pháp), Martedi (Ý)
Thủy tinh : Wednesday (Anh), Mercredi (Pháp) …
Mộc tinh : Thursday (Anh), Jeudi (Pháp) …
Kim Tinh : Friday (Anh), Vendredi (Pháp) …
Thổ tinh : Saturday (Anh), Samedi (Pháp) …
Người Việt với Lịch Âm gọi tháng trăng có 3 tuần là Thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Nhưng trong Lịch Âm, hiện diện của Nhị thập bát tú được xem không khác gì tuần lễ của 7 ngày. 28 ngày của Nhị thập bát tú là bội số của 7, phân bổ Nhật, Nguyệt, Thủy, Hỏa, Thổ không khác gì Thứ ngày của Lịch Tây.
Nhị thập bát tú của Đông phương là 28 sao (chòm sao) nằm dọc theo Bạch đạo trên thiên cầu. Đây là những tinh thể có thực, nhìn được bằng mắt thường trong những đêm trời trong, mây tạnh. Các nhà thiên văn cổ Trung Hoa gộp 28 chòm sao nầy vào 4 nhóm theo 4 phương :
Đông phương Thanh Long có các sao Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
Bắc phương Huyền Vũ có các sao Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
Tây phương Bạch Hổ có các chòm Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.
Nam phương Chu Tước có Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.
Sơ đồ sao Đông phương Thanh Long |
Sơ đồ sao Bắc phương Huyền Vũ |
Sơ đồ sao Tây phương Bạch Hổ |
Sơ đồ sao Nam phương Chu Tước |
Giác, Cang, Đê … là tên gọi tắt của các sao Nhị thập bát tú. Tên gọi của chúng chữ đầu chỉ hình tượng như Giác là cái sừng, chữ thứ ba ghép tên một con vật ví dụ như Giao, chữ thứ hai ghép Thất diệu Nhật, Nguyệt, Kim, Mộc …. Tên đầy đủ của sao Giác là Giác Mộc Giao, sao Cang là Cang Kim Long … Chữ thứ hai chính là Thứ ngày tương ứng Thứ ngày trong Tuần lễ Lịch Tây.
Chủ nhật : Nhật Phòng Nhật Thố, Hư Nhật Thử, Mão Nhật Kê, Tinh Nhật Mã
Thứ hai : Nguyệt Tâm Nguyệt Hồ, Nguy Nguyệt Yến, Tất Nguyệt Ô, Trương Nguyệt Lộc
Thứ ba : Hỏa Vĩ Hỏa Hổ, Thất Hỏa Trư, Chủy Hỏa Hầu, Dực Hỏa Xà
Thứ tư : Thủy Cơ Thủy Báo, Bích Thủy Du, Sâm Thủy Viên, Chẩn Thủy Dẫn
Thứ năm : Mộc Giác Mộc Giao, Đẩu Mộc Giải, Khuê Mộc Lang, Tỉnh Mộc Can
Thứ sáu : Kim Cang Kim Long, Ngưu Kim Ngưu, Lâu Kim Cẩu, Quỷ Kim Dương
Thứ bảy : Thổ Đê Thổ Lạc, Nữ Thổ Bức, Vị Thổ Trĩ, Liễu Thổ Chướng
Nhị thập bát tú là những thiên thể thực trên bầu trời, vận dụng vào phép làm lịch của Lịch Âm, khởi đầu không rõ các nhà soạn lịch quy ước thế nào, nhưng ngày nay có thể quy chiếu nó qua DL, ngày nào có chữ thứ 2 là Nguyệt như Tâm Nguyệt Hồ, Trương Nguyệt Lộc …, nhất định ngày đó là thứ hai. Ngày nào có chữ Hỏa như Thất Hỏa Trư, Chủy Hỏa Hầu ..., nhất định ngày đó là ngày Thứ ba. Ngày nào có chữ Thổ như Nữ Thổ Bức, Vị Thổ Trĩ …, nhất định ngày đó là Thứ bảy.
Chu kỳ vòng Giáp Tý của ngày Can Chi là 60, vòng Nhị thập bát tú là 28, Bội số chung nhỏ nhất của chúng là 420. Nghĩa là theo vận hành : Ngày Kỷ Mẹo - Sao Trương, ÂL là 21/12 năm Canh Dần (DL 24/1/2011) đến 420 ngày nữa mới gặp lại ngày Kỷ Mẹo – Sao Trương (DL 19/3/2012), lúc nầy ngày Âm là 27/2 năm Nhâm Thìn. Nếu ghép Nhị thập bát tú vào năm Can Chi của ÂL, chu kỳ giáp vòng cũng phải 420 năm mới gặp lại.
Hiểu sơ lược Lịch pháp của Lịch Tây – Lịch Ta, tìm được căn nguyên cách ghi chép ngày, tháng, năm, hiểu được sự nhỏ bé của con người qua vận động của Con Tàu Thời Gian … Mấy ai đã tự hỏi với ngổn ngang sự việc trôi qua trước mắt, có ai tự soi gương xem tóc đã đổi màu mà thời gian đâu có tự ngừng …
Cam on anh Truong nghi da dang muc nay .Chuc anh nhieu suc khoe de suu tam nhieu bai bo ich .
Trả lờiXóa