Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

LỤA PHÚ PHONG (2)

HÌNH ẢNH MỘT KẺ SĨ QUA CÂU CHUYỆN TẤM LỤA

Quá Hải Vân Quan - Trần Bích San
Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San trấn nhậm ở Bình Định chỉ có mấy năm, nhưng trong lòng người Bình Định, Tuy Viễn, Bình Khê đã ghi nhận ở ông là một vị quan hết lòng vì dân, vì nước.
Đất Tuy Viễn mở rộng lên phía tây sau nầy thành lập nên huyện Bình Khê (Tây Sơn của Bình Định và Thị xã An Khê của Gia Lai ngày nay) là từ cặp mắt của người kinh bang tế thế Trần Bích San. Đưa các câu ca dạy dỗ con cái trong gia đình
truyền vào dân gian là đường lối của nhà giáo dục Tam nguyên Vị Xuyên Trần Hy Tăng. Ở ông lúc nào cũng thể hiện chất ngất cái khí hạo nhiên chí đại chí cương của một Kẻ Sĩ.
Câu chuyện Tam nguyên chỉ vì một xấp lụa mà phải nhận roi đòn của mẹ truyền tụng ở Bình Định đã thể hiện được hành vi của một Kẻ Sĩ, hành vi của người học chữ thánh hiền chỉ với mong mỏi đem đức tài giúp dân giúp nước.
Đứng ở góc độ của một kẻ cơ hội nhìn vào hành vi trên, có thể họ cho đó là một hành động đóng kịch của giới quan lại ăn trên ngồi trước ngày xưa. Cũng phải thôi, hằng hà sa số minh chứng những vỡ kịch được diễn khéo léo để thu phục nhân tâm xảy ra nhiều trong lịch sử.
Xem phim Tam Quốc chí qua phân cảnh chiến trận Đương Dương Trường Bản, đoạn Triệu Tử Long tả xung hữu đột phá trùng vây mang Á Đẩu về cho Lưu Bị. Đạo diễn cũng như diễn viên Trung quốc đã lột trần hết được vỡ diễn đầy kịch tính của kẻ định bá đồ vương Lưu Bị : Lưu Bị ẵm lấy Á Đẩu, mắt láo liên liếc qua liếc lại (?) rồi vứt Á Đẩu vào lòng Triệu Tử Long (!?) và khóc mắng :
-         Vì mày mà ta suýt nữa mất đi một viên Đại Tướng.
Đúng ra truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa tả Lưu Bị vứt Á Đẩu xuống đất, nhưng phim Tam Quốc chí diễn như vậy mới đáng diễn, diễn như vậy khán giả mới thấy con người hay khóc của Lưu Bị đóng kịch để thu phục nhân tâm giỏi đến mức nào. Lưu Bị rất giỏi khóc, khóc với Tôn phu nhân ở Đông Ngô để được Tôn phu nhân hộ tống về nước, khóc với Khổng Minh ở Bạch đế thành để Khổng Minh tận tụy phò tá Á Đẩu - Lưu Thiện …
Hành vi của Lưu Bị là hành vi thể hiện mục tiêu chính trị. Còn diễn tiến câu chuyện tấm lụa của Tam Nguyên thể hiện hành động của người con hiếu tử, thể hiện được bản chất, hình ảnh nguyên mẫu của con người học chữ thánh hiền. Ở vị trí ngày nay có thể xét vai trò của Kẻ Sĩ thời xưa có nhiều mặt hạn chế trong xã hội. Nhưng đứng ở bất kỳ vị trí nào mà xét thì con người của Kẻ Sĩ quả là hình ảnh của con người cần phải có trong xã hội. Xét đến con người của Kẻ Sĩ, phải xét đầy đủ những hành vi ứng xử của họ từ trong nhà, ra ngoài đường, cho đến tâm tư hành động của họ khi qua khỏi lũy tre xanh.
Tam Nguyên Trần Bích San trong gia đình là người con chí hiếu, đối với thầy trò thì được thầy nhìn bằng cặp mắt thương yêu, tin cậy, đối với bằng hữu thì là một người bạn chí tình.
Hai cậu học trò Trần Tằng Tiễu và Nguyễn Tất Thắng cùng là môn hạ của Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị. Cụ Hoàng Tam Đăng thấy học trò Trần Tằng Tiễu người làng Vị Xuyên văn hay hạnh tốt ông đổi tên cho là Trần Bích San, thấy học trò Nguyễn Tất Thắng người làng Yên Đỗ vì cha mất sớm nên thương tình, mến tài chu cấp cho ăn học. Trần Bích San và Nguyễn Tất Thắng là hai học trò mà cụ Hoàng trông mong nhiều nhất ở kỳ thi Hương Giáp Tý 1864.
Trước khi thi, Tam Đăng họp các môn sinh lại truyền đạt : Nguyễn Tất Thắng lấy cho được thủ khoa ở trường thi Hà Nội, Trần Bích San lấy cho được thủ khoa ở trường thi Nam Định và khi vào kinh thi Hội thi Đình phải lấy cho được Hội nguyên, Đình nguyên.  
Thấy bạn học Nguyễn Tất Thắng có ý hơi buồn, Trần Bích San chí tình khuyên bạn : Thầy truyền đạt như vậy là để khuyến khích ông, chứ thường ngày tài ông không thế nào bằng bạn. Khoa thi Hương năm ấy Yên Đỗ lấy Giải nguyên trường Hà Nội và Vị Xuyên Trần Bích San lấy Giải nguyên trường Nam Định. Kỳ thi Hội, thi Đình năm sau 1865, Trần Bích San lấy cả Hội nguyên, Đình nguyên, quả là cụ Hoàng Giáp có biệt nhãn.
Mừng bạn giật được Tam nguyên kỳ nầy, thông hiểu được chí tình của bạn, cụ Yên Đỗ biết mình chưa bằng bạn và sau nầy để tự răn, ông đổi tên là Nguyễn Khuyến. Sáu năm sau, đến khoa thi năm 1871 ông cũng giật được cả Hội nguyên Đình nguyên như bạn và được người đời xưng tụng Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến.
Với bạn, Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San sống chí tình, không tự phụ. Trong thơ văn còn lại của ông lúc nào cũng biểu lộ nét khiêm tốn, nhưng tâm tư thì luôn thể hiện chính khí của một sĩ phu.
Tháng 6 năm 1867, Pháp lấy Vĩnh Long rồi thôn tính luôn 3 tỉnh miền tây Nam kỳ. Ngoại bang chiếm xâm đất nước, ai cũng căm hờn đâu chỉ riêng ông, nhưng ở ông nỗi căm hờn truyền lan đến cả sóng biển. Trần Bích San đã viết bài thơ Hải Đào (Sóng biển) :
            Hoàng đường thu dạ tịch
            Ngọa thính hải đào minh
            Quỷ quốc do vi ngạnh
            Ba tâm tự bất bình
Phùng Uông dịch
            Phủ đường đêm thu lặng
            Nằm nghe sóng bể gầm
            Bọn quỷ còn ngang ngạnh
            Lòng sóng cũng hờn căm
( Bài thơ lấy từ nguồn newvietart.com )
Kẻ Sĩ dưới mắt của Uy Viễn Nguyễn Công Trứ dù lúc thân làm Đại tướng, lúc làm lính đi nữa cũng một mực “Chí làm trai đông bắc nam tây …”. Ở Tam nguyên Vị Xuyên thì hiểm nghèo nào đối với ông cũng chỉ là “dặm dài khói mây nở hoa dưới vó ngựa”.
Trong di cảo của Tam nguyên được lượm lặt có bài Quá Hải Vân Quan (qua Ải Hải Vân) thể hiện được chí hướng cũng như hành trạng của một Kẻ sĩ.
Năm 1867 Tam Nguyên được điều bổ làm Tri phủ Thăng Bình, Điện Bàn rồi thăng Án sát trấn nhậm Bình Định. Năm 1868 về kinh làm Phó chủ khảo trường thi Hương Thừa Thiên, vì ra đề thi gợi cho sĩ tử nói trái với ý Tự Đức nên bị giáng xuống làm Tri phủ. Năm 1869 được vời về triều đảm nhận Hộ bộ sự vụ rồi Lễ bộ sự vụ. Ba năm ba lần vượt đèo Hải Vân, ông đã có cảm tác :
            QUÁ HẢI VÂN QUAN
Tam niên tam thướng Hải Vân đài
Nhất điẻu thân khinh độc vãng hồi
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt
Càn khôn chích nhãn tiểu trần ai
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
Mạc đạo Tần quan chinh lộ hiểm
Mã đầu hoa tận đới yên khai !
Tạm dịch nghĩa :
            Ba năm ba bận vượt lên Hải Vân
            Một mình qua lại thân nhẹ tựa cánh chim
            Cỏ cây như nằm giữa lừng dưới vầng nhật nguyệt
            Càn khôn nghiêng tầm mắt nhìn trông thật nhỏ nhoi
            (Qua đó mới thấy)
Văn thơ mà không bắt nguồn từ sơn thủy thì không có cái khí chất kỳ diệu
            Con người mà chưa dày dạn với phong sương thì chưa phải là người lão luyện
            Chớ có bảo qua Ải Tần đường chông gai hiểm hóc
            Trước đầu ngựa hoa đang lồng khói mây mà rộ nở.
Dưới mắt nhiều người ngày nay, Kẻ Sĩ được sản sinh ra để làm dụng cụ cho một guồng máy cai trị, làm thủ hạ cho vua cho chúa. Nhưng giới trí thức bây giờ có thể chưa dám tự hào rằng mình đã thay thế được giới sĩ phu ngày xưa.
Ở thời đại nào cũng phải lấy tư cách con người làm đầu. Tư cách con người thể hiện qua hình ảnh của một Kẻ Sĩ phải nói là mực thước để đong đo. Chỉ với chuyện một tấm lụa, hình ảnh của Kẻ Sĩ sao mà đẹp.

( Còn tiếp : BI THẢM CỦA TIẾT THÁO KẺ SĨ )

5 nhận xét:

  1. Theo Phạm Trọng Yêm người ra nhiếp chính phải "Tiên thiên hạ nhi ưu, nhi ưu - Hậu thiên hạ nhi lạc, nhi lạc" có nghĩa là người ra làm quan "phải lo trước nỗi lo của mọi người, và vui sau niềm vui của mọi người"
    - Có lẽ xã hội thời nay đang khao khát câu nói ấy.

    Trả lờiXóa
  2. QUA NGỌN HẢI VÂN
    Liên tiếp ba năm vượt Hải Vân
    Cánh chim nhẹ bổng cả châu thần
    Cỏ cây mát rượi qua vầng nhật
    Trời đất sáng soi trước mắt trần
    Thơ chẳng nước non nào gọi khí
    Người không sương gió khó nên thân
    Quản bao gai gốc đường nguy hiểm
    Đầu ngựa xông pha khói Ải Tần
    Linh Đàn
    phụng dịch

    Trả lờiXóa
  3. TruongNghi cám ơn rất nhiều bài dịch thơ Qua Ngọn Hải Vân của chú Linh Đàn.

    Trả lờiXóa
  4. Phải nói thiệt tui không biết chữ Hớn nên không dám bàn luận gì về "ngữ" cũng như "nghĩa" của loại "văn tự" này đâu.
    Nhưng, hồi giờ thường nghe người ta hay nói câu: "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc", nay thấy ông/bà linh dan bảo rằng "Tiên thiên hạ nhi ưu, nhi ưu - Hậu thiên hạ nhi lạc, nhi lạc". Thấy là lạ, tôi mới vô Google mà "search" thì ra kết quả như vầy http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Tr%E1%BB%8Dng_Y%C3%AAm
    Mạo muội nêu lên ở đây, xin được Trường Nghị cùng chư vị chỉ giáo cho. Có gì thất thố xin chư vị bỏ qua cho!

    Trả lờiXóa
  5. Rất cảm ơn ông Bửu Châu đã cho ý kiến, Vì thời gian quá lâu, năm 1953 nhường như tôi bắt gặp "câu nói ấy" mà cũng chẳng nhớ ở đâu và sách nào rồi nhớ nhầm chăng chỉ một chữ "n" cũng thấy đã sai, vậy kính xin lỗi quý độc giả, và ông Bửu Châu.
    Vậy xin Qúy Vị đọc "Chi ưu nhi ưu, chi lạc nhi lạc" là đúng theo google, Trân Trọng

    Trả lờiXóa