Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

LỤA PHÚ PHONG (1)

VÌ XẤP LỤA, QUAN TAM NGUYÊN NHẬN ROI ĐÒN CỦA MẸ

Phú Phong xưa đã nổi tiếng nghề ươm tơ dệt lụa. Dòng nước mát Sông Côn hợp lưu cùng sông Đá Hàn, những bãi dâu xanh ngắt Hà Nhung, Trinh Tường, Phú Lạc … cùng với buồng tằm Thuận Nghĩa … đã làm nên thương hiệu Lụa Phú Phong. Năm 1911 Hãng dệt Delignon (Établissements L.Delignon) có trụ sở ở Paris đã mở nhà máy tại Phú Phong, nơi hợp lưu 2 con sông trên để khai thác nghề kéo sợi dệt vải của nơi nầy.
Lụa Phú Phong, lụa An Ngãi (An Nhơn hiện nay), bún Song thằng An Thái, đồ rèn Phương Danh, gốm Nhạn Tháp là những sản vật có tiếng của Bình Định xưa. Đặc biệt Lụa Phú Phong thường được khách phương xa ghé đến mua về dùng làm quà tặng vì sự sang trọng, quý phái của nó. Dưới triều Tự Đức, một vị quan đến trấn nhậm Bình Định cũng vì một xấp lụa của địa phương nầy mà phải chịu nhận roi đòn của mẹ.
Vị quan đó được người địa phương kính cẩn gọi là cụ Tam khôi (còn gọi Tam nguyên), vì ông đỗ đầu cả 3 kỳ ứng thí thi Hương, thi Hội, thi Đình. Cụ là Tam nguyên Trần Bích San (1838 – 1877).
Trần Bích San là bạn học của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, cùng là học trò của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Ông người làng Vị Xuyên, tổng Đông Triều, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Để phân biệt danh xưng với người bạn học cũng đỗ đầu cả 3 khoa là Nguyễn Khuyến người làng Yên Đỗ, người đời gọi ông là Tam nguyên Vị Xuyên.
Tam nguyên Vị Xuyên đỗ giải nguyên (thủ khoa) trường thi Hương Nam Định khoa Giáp Tý (1864), đỗ hội nguyên (đỗ đầu thi Hội) rồi tiếp sau là đình nguyên (đỗ đầu thi Đình) khoa Ất Sửu (1865) niên hiệu Tự Đức thứ 18. Khi chấm quyển của ông Tự Đức đã châu phê : "Người tuổi còn trẻ mà đỗ liền thủ khoa 3 kỳ cũng là hiếm có. Sau nầy nếu có tài kinh bang tế thế là điều may mắn cho nước nhà, cũng không phụ lòng mong mỏi của Trẫm. Nay ban cho người đổi tên là Trần Hy Tăng để tỏ ý mong chờ (ví như Vương Tăng đời Tống cũng đỗ tam nguyên). Làm bề tôi mà được như thế quả là không xấu hổ”.
Khi vinh quy, vua Tự Đức ban cho ông lá cờ thêu “Liên trúng Tam Nguyên.”
Sinh trong một gia đình nền nếp, con của Phó bảng Trần Đình Khanh (Trần Doãn Đạt), Ông được cha kèm cặp từ nhỏ với phương châm :
Trí thân trực dục cao thiên nhận
Xử thế tu đương hạ nhất tằng
Lập thân những muốn cao nghìn trượng;
Xử thế mình nên hạ một tầng
Khi con đỗ đầu liên tục 3 khoa, ông răn con :
Có kiến thức không khó, khó là phải hiểu biết đến nơi
Không danh vọng không đáng lo, chỉ lo tiếng tăm phù phiếm
Từ những lời răn dạy đó, khi làm quan ông luôn đi sát với dân, không háo danh, luôn trau dồi kiến thức, luôn làm tròn bổn phận một công bộc của dân chứ không phải kiểu quan “phụ mẫu” thường tình. Còn đối với những kẻ thị quyền hống hách với dân, ông không kiêng nể. Lúc làm tri phủ ở Thăng Bình, Điện Bàn, Quảng Nam, ông thẳng tay bắt giữ hai tên cố đạo Tây vi phạm luật lệ của triều đình. Súy phủ Pháp ở Nam Kỳ can thiệp bắt vạ ông, Tự Đức buộc phải giáng ông hai cấp.
Về với Bình Định, Tam nguyên lấy lòng thành đối với dân chúng làm căn bản. Đến nửa thế kỷ đầu của thế kỷ 20, lớp tuổi già ở Bình Định nhiều người thuộc lòng những bài ca răn dạy sống trong gia đình của cụ (Gia huấn ca) và gọi đó là Thơ Tam khôi. Năm 1870, ông tấu trình Tự Đức xin mở Nha Doanh điền ở miền tây của huyện Tuy Viễn, khởi đầu cho việc vùng nầy lập nên Nha Kinh lý An Khê năm 1877 và về sau cải lập thành huyện Bình Khê với ranh giới từ hợp lưu sông Hà Giao (bên kia Phú Phong) trở lên Vĩnh Thạnh, An Khê bây giờ.
Từ năm 1867, trải qua hoạn lộ ông đã từng là Tri phủ Thăng Bình, Điện Bàn, Án sát Bình Định, Tri phủ An Nhơn, Hộ bộ sự vụ, Lễ bộ sự vụ, Nội các sự vụ, Thị lang bộ Lại, Tuần phủ Nà Nội … Khi ông mất năm 1877 (chỉ mới 40 tuổi), vua Tự Đức làm thơ viếng, làm văn tế ông trong đó có câu :
Danh tiếng Tam nguyên chỉ còn trên giấy tàn
Mưa gió một đêm rụng bông mai sớm
Một vị quan chánh trực như Tam nguyên sao chỉ vì một xấp lụa mà phải chịu nhận roi đòn của mẹ.
Hiện nay người dân Bình Khê vẫn còn lưu truyền câu chuyện của Tam nguyên :
Năm làm Tri phủ An Nhơn quản hạt 2 huyện Tuy Viễn và Tuy Phước của Bình Định, Tam nguyên thấy lụa ở đây có tiếng, ông mua một tấm cho người mang về Bắc biếu mẹ. Mẹ ông chẳng nói chẳng rằng, tiếp đãi người mang quà chu đáo rồi nhờ người ấy mang hộ một gói đồ vào cho ông.
Tam nguyên nhận gói đồ mở ra, ông thấy còn nguyên tấm lụa kèm bên trong gói một cái roi mây. Biết mẹ răn mình thân làm quan không nên lấy chuyện công làm chuyện tư, không vì tư lợi nhận đồ biếu xén. Hướng về Bắc lạy mẹ, Tam nguyên nằm xuống khóc lấy roi đặt lên mông chịu nhận đòn của mẹ.
Nghe chuyện xưa, nhìn chuyện nay …  Ước gì còn được nền nếp giáo dục gia đình căn bản … Ước gì còn có lụa Phú Phong …

2 nhận xét:

  1. Tuyệt vời!
    Hoan hô Trường Nghị!
    Quả mình đoán không sai khi vài tuần trước đây trên blog của Nghị, mình đã tán thán entry giới thiệu về địa danh Bình Khê và đề nghị Nghị giơi thiệu về Lụa Phú Phong và nghề tằm tang ở Bình Khê, phải không?
    Ở đây xin được nói thêm 1 chi tiết, Nghị rất chính xác về chính tả khi viết từ "Song thằng" trong khi mọi người cứ viết sai thành "song thằn", ngay cả "nhà nghiên cứu" Vũ Ngọc Liễn.
    Thằng là "cái sợi", "cái dây" ("Sợi xích thằng chi để vướng chân"...) sao lại là "thằn" được.
    Việc "tiêu thổ kháng chiến" đã làm cho Bình Khê chúng ta mất đi "Sở Delignon" mà không phục hồi lại được, theo mình quả là 1 điều quá "đáng tiếc", thậm chí là "đáng trách".
    Trong sự kiện đó làng tớ cũng đã mất đi 1 cái đình làng rất hoành tráng (thời gian đến tớ sẽ có 1 entry về sự kiện này!)

    Trả lờiXóa
  2. Ước gì quan ngày nay học được 1/100 tác phong của quan liêm ngày xưa nhỉ !
    Ước gì cha mẹ và vơ của quan ngày nay học đươc một chút xíu cách xử thế của cha mẹ và vợ quan ngày xưa nhỉ !

    Trả lờiXóa