SƠ LƯỢC LỊCH TÂY – LỊCH TA (tiếp theo)
Lịch Gregory tháng 10 / 1582 |
Dương lịch Việt Nam đang sử dụng là loại Công lịch mà nước ta chính thức công nhận năm 1967. Độ dài của năm Dương lịch được tính bằng khoảng cách trung bình giữa hai điểm Xuân phân trên Hoàng đạo khi trái đất quay giáp vòng quanh mặt trời. Đây là Lịch Gregory đã cải tiến từ Lịch Julius do Hoàng Đế La Mã Julius Caesar ban hành năm 45 trước công nguyên
Ngày 1 tháng 3 năm 1582, Giáo Hoàng La Mã XIII là Gregory (Gregorius) đã ban bố cải cách Lịch Julius đang sử dụng với nội dung như sau :
1) Liền sau ngày Thứ năm 4/10/1582 là ngày Thứ sáu 15/10/1582
2) Những năm Công nguyên có thể chia hết cho 4 là năm nhuận. Riêng những “năm thế kỷ có hai số “zero” ở sau, phải chia hết cho 400 mới là năm nhuận.
Nguyên nhân của sự cải cách nầy là theo Lịch Julius có độ dài trung bình một năm là 365,25 ngày. Trong khi đó độ dài trung bình của năm hồi quy trái đất đi giáp vòng là 365,2422 ngày. Qua 128 năm lịch sẽ lệch so với chu kỳ khí hậu là 1 ngày, qua 400 năm sẽ lệch mất 3 ngày. Giáo Hoàng Gregory sử dụng phương án của nhà thiên văn người Ý Liliao, cứ qua 400 năm, bỏ bớt đi 3 năm nhuận theo Lịch Julius bằng cách quy ước không tính nhuận cho những năm đầu thế kỷ không chia chẵn cho 400.
Lịch Gregory tương đối chính xác, sử dụng phổ biến trên thế giới. Nhưng với tính toán ngày nay, Lịch Dương nầy vẫn còn sai số so với năm hồi quy là 26 giây mỗi năm. Nghĩa là cứ 3300 năm lịch vẫn còn sai số lệch -1 ngày (!?).
Âm lịch Việt Nam đang sử dụng là loại lịch được người Trung Hoa cổ cải tiến bằng cách thêm tháng nhuận cho phù hợp chu kỳ khí hậu, với quy ước “Thập cửu niên thất nhuận”. Nghĩa là cứ 19 năm có 7 năm nhuận, năm nhuận Âm lịch có 13 tháng “sóc vọng”. Sóc là ngày không trăng đầu tháng, Vọng là ngày trăng tròn giữa tháng. Tháng sóc vọng là tháng tuần trăng, điểm không trăng cuối tháng giáp mối điểm không trăng đầu tháng sau.
Lịch Tây và Lịch Ta hay Lịch Âm và Lịch Dương hiện nay có xấp xỉ tương đồng với nhau về độ dài trung bình qua 19 năm.
Lịch Ta cứ 19 năm có 7 năm nhuận, nghĩa là có tất cả 235 tháng sóc vọng. Tháng sóc vọng có độ dài trung bình 29,5306 ngày, như vậy qua 19 năm có 6.939,6910 ngày. Trong khi đó Lịch Tây có độ dài trung bình năm là 365,2422 ngày, qua 19 năm có 6.939,6018 ngày. Sai số xấp xỉ 0,09 ngày.
Từ cơ sở của phép làm lịch Dương và phép làm lịch Âm, với chu kỳ 19 năm, ta có ngày Âm lịch tương ứng của ngày Dương lịch năm nầy chính là ngày Âm lịch của ngày Dương tương ứng 19 năm trước hoặc 19 năm sau. Ngày tương ứng có thể lệch nhau 1 ngày do có sai số xấp xỉ 0,09 ở trên.
Cụ thể hơn :
ngày 15/6 Âm lịch năm 2010 có ngày Dương lịch tương ứng là 26/7/2010
ngày 15/6 Âm lịch năm 1991 có ngày Dương lịch tương ứng là 26/7/1991
ngày 15/6 Âm lịch năm 1972 có ngày Dương lịch tương ứng là 25/7/1972
ngày 15/6 Âm lịch năm 1953 có ngày Dương lịch tương ứng là 25/7/1953
ngày 15/6 Âm lịch năm 1934 có ngày Dương lịch tương ứng là 26/7/1934
Âm – Dương, Đông – Tây, Trời – Trăng … mặt nào đó cũng đã có chừng mực tương đồng, gặp gỡ nhau qua Lịch pháp. Con tàu thời gian tự nó vẫn trôi với ngày, tháng, năm … nhưng với bao nhiêu thiên kỷ, thế kỷ, bao nhiêu năm, bao nhiêu bước đi để văn hóa Đông Tây mới gặp được nhau !?
Người “Tây” ăn Tết sau Đông chí (22/12 DL) khoảng 7 ngày. Người “Ta” với lịch pháp tuần trăng, ngày giao thừa của Tết là ngày giao hội của Đất – Trời (không trăng), và không ăn Tết cận giữa mùa Đông như vậy, mà thường ở trong tiết Lập xuân tức khoảng từ 21/1 đến 20/2 DL. Năm Âm lịch nào không nhuận mà có ngày Tết năm sau sớm hơn 20/1 thì năm sau đó nhất định có tháng nhuận.
Với lịch pháp của Lịch Ta và Lịch Tây ở trên, dùng con số gọi ngày, tháng của ÂL để thấy mức tương đồng độ dài trung bình 19 năm. Nhưng khoa học của Đông phương là khoa học tượng hóa, ngày, tháng, năm của Âm lịch được biểu hiện qua nguyên tắc Can – Chi ký pháp. Nếu công nghệ vi tính sử dụng hai con số là 1 và 0 để mã hóa thông tin, Âm lịch sử dụng Can nầy ghép với Chi nọ để có tên gọi cho ngày, tháng, năm.
Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý là 10 Thiên Can
Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi là 12 Địa Chi
Lần lượt lấy Thiên Can theo thứ tự ghép với Địa Chi tương ứng, bắt đầu là Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mẹo (Mão), Mậu Thìn … Quý Dậu, Giáp Tuất, Ất Hợi … cho đến cuối là Quý Hợi được 60 lần. Để tiếp tục lại bắt đầu Giáp Tý tính tiếp. Chu kỳ 60 lần nầy gọi là một Giáp Tý.
Bắt đầu năm nào được gọi là năm Giáp Tý trong lịch sử Á Đông, hiện vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét lại. Để ghi chép năm Âm lịch, ngày xưa các nhà viết sử, các nhà biên chép các sự kiện xảy ra phải ghi kèm thêm niên hiệu của vị vua trị vì đương thời. Ví dụ năm Nhâm Tuất Gia Long thứ 2 (DL năm 1802), năm Nhâm Tuất Tự Đức thứ 21 (DL năm 1862), năm Nhâm Tuất Khải Định thứ 6 (DL năm 1922) …
Phép ghi chép, gọi tên cho tháng cho ngày cũng dùng vòng Giáp Tý theo Can Chi ký pháp. Hiện nay Lịch Ta gọi tháng giêng là tháng Dần, tháng 2 gọi là tháng Mẹo, tháng 3 gọi là tháng Thìn … giống lịch thời nhà Hán, thời nhà Hạ bên Trung Quốc. Lịch Trung Quốc xưa thời nhà Ân tháng giêng gọi Sửu, lịch nhà Chu thì Tý là tháng giêng. Chưa rõ thế nào và lúc nào mà ngày xưa gọi tên theo số đếm để chỉ các tháng : tháng một (tháng 11), chạp (tháng 12), giêng (tháng 1), hai (tháng 2), ba (tháng 3) … mười (tháng 10).
Gọi tháng giêng là tháng Dần theo Địa Chi, còn Can Chi thì tùy Thiên Can của năm đó mà có sự sắp xếp theo chu kỳ Giáp Tý. Quy luật sắp xếp nầy có thể ghi nhận qua bảng sau :
Năm có Thiên Can là :
Giáp hoặc Kỷ, tháng giêng là tháng Bính Dần
Ất hoặc Canh, tháng giêng là tháng Mậu Dần
Bính hoặc Tân, tháng giêng là tháng Canh Dần
Đinh hoặc Nhâm, tháng giêng là tháng Nhâm Dần
Mậu hoặc Quý, tháng giêng là tháng Giáp Dần
Các tháng sau cứ tuần tự ghép Can Chi thứ tự với nhau theo vòng Giáp Tý. Với tháng, đây là tên gọi chung của Âm lịch, nhưng theo lịch pháp, Âm lịch gọi Kiến Dần để chỉ khoảng thời gian từ Tiết Lập Xuân đến Tiết Kinh Trập, Kiến Mẹo từ Tiết Kinh trập đến Tiết Thanh Minh, Kiến Thìn từ Tiết Thanh Minh đến Tiết Lập Hạ … đây chính là yếu tố Dương lịch trong lịch Ta.
Trong mối quan hệ giữa Lịch Tây và Lịch Ta trong phép làm lịch, với công nghệ thông tin, kỷ thuật vi tính hiện nay có thể dễ dàng tính toán, xác định những quy luật, những quy ước làm lịch Âm mà ta đang sử dụng. Xác định được, ta mới thấy mấy “ông bà già xưa” quả thật đáng gờm.
(Còn tiếp)
Ngày Lập Xuân theo Dương Lịch, năm nào cũng vào ngày 4 tháng 2, nó có xê dịch một chút xíu thì Lâp Xuân vào ngày 3 tháng 2, hãy xem bảng đối chiếu dưới đây mà Linh Đàn mất công tìm kiếm
Trả lờiXóaSự sai biệt Lập Xuân của năm Âm Lịch :
Năm Canh Tý 1900 Lâp Xuân ngày 5 tháng Giêng Canh Tý (4-2-1900)
Năm Ất Sửu 1925 Lập Xuân ngày 12 tháng Giêng năm Ất Sửu (4-2-1925)
Năm Canh Dần 1950 Lập Xuân ngày 18 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (4-2-1950)
Năm Ất Sửu 1985 Lập Xuân ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Tý (4-2-1985)
Năm Canh Thìn 2000 Lập Xuân ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (4-2-2000)
Năm Quý Mùi 2003 Lập Xuân ngày 4 tháng Giêng năm Quý Mùi (4-2-2003)
Năm Canh Dần 2010 Lập Xuân ngày 21 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (4-2-2009)
Năm Ất Mùi 2015 Lập Xuân ngày 16 tháng Chạp Giáp Ngọ (4-2-2015)
Năm Canh Tý 2020 Lập Xuân ngày 11 tháng Giêng năm Canh Tý (4-2-2020)
Năm Ất Tỵ 2025 Lập Xuân ngày 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ (3-2-2025)
-Vậy ta thấy sự sai biệt của Âm Lịch quá xa, mà sai biệt của Dương Lịch chỉ một ngày không đáng kể
1./"Lịch Tây" thì rõ ràng ràng rồi, nó là của người Tây Dương! Còn "Lịch Ta", liệu có chính xác không? Có phải là của "Ta" không?
Trả lờiXóaKhi "âm lịch" đã được bổ sung 24 tiết và tháng nhuận, tức là nó đã có tính đến yếu tố "dương lịch" rồi. Như vậy thì "âm lịch" này (chính xác nên gọi là "âm - dương lịch") rõ ràng phong phú hơn "dương lịch" rồi đấy!
2./Có một giai thoại, các O hát Phường vải hỏi cụ Phan Sào Nam (không phải Phan trường Nghị nghen):
Vì chàng là đấng văn nhân,/Ba năm sinh một tháng nhuần là sao?
Phan Tiên sinh đáp lại:
Thiên thời độ số cũng vừa,/Vì chưng "đó thiếu", "đây thừa" xảy ra.
Tiền nhân của ta rất dí dỏm mà cũng rất "pha học", phải không?