Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

CON TÀU THỜI GIAN (3)

TIẾT KHÍ VÀ NHỊ THẬP BÁT TÚ CỦA ÂM LỊCH

Tiết Khí phân định 4 mùa

Con Tàu Thời Gian tự nó nó trôi. Như ngựa chạy, như tên bay, thời gian là chuyển động, không ai bắt thời gian dừng lại để chờ đợi dòng đời. Lịch là công cụ ghi nhận chuyển động của dòng đời theo thời gian. Lịch tồn tại cùng văn minh lịch sử nhân loại, nó phản ánh nhận thức của con người với xã hội và tự nhiên của vũ trụ.
Với Lịch, người nầy đi bằng ánh chiếu của mặt trời, kẻ dõi theo ánh chiếu của mặt trăng. Với ký pháp ghi ngày, tháng, năm của chúng, quan hệ và qui chiếu nhau như thế nào ?
Thuật toán quy đổi ngày DL ra ngày Can Chi, ngày Can Chi ra ngày DL, tìm ngày Can Chi cho ngày Âm lịch … với kỷ thuật vi tính bây giờ không khó trong lập trình. Để đơn giản, gọn gàng, chỉ thử tính với năm DL, làm thế nào ghi nhận được năm Can Chi của nó ?
Âm Lịch có 10 Thiên Can, lấy số 0 gán cho Thiên Can “Canh”, các Can thứ tự khác có biến tương ứng :
            Tân      1          Bính    6
            Nhâm  2          Đinh    7
            Quý     3          Mậu     8
            Giáp    4          Kỷ       9
            Ất        5         Canh    0
Như vậy, lấy năm DL chia cho 10, số dư bao nhiêu tra vào các biến số trên sẽ có được Thiên Can của năm đó. Hay rõ hơn, con số cuối cùng của năm DL nếu có số 1 là năm Tân, số 2 là năm Nhâm … số 9 là năm Kỷ không sai một năm. Nhưng nếu dùng để tra cứu năm Âm lịch trước công nguyên phải tính ngược lại : số 1 năm Kỷ, số 2 năm Mậu, số 3 năm Đinh … số 9 năm Tân.
Âm lịch có 12 Địa Chi, tương tự, lấy số 6 gán cho Đia Chi “Dần”, các Địa Chi thứ tự khác có biến tương ứng :
            Mẹo       7        Dậu     1
            Thìn       8        Tuất     2
            Tị           9        Hợi      3
            Ngọ     10        Tý        4
            Mùi      11        Sửu     5
            Thân      0        Dần     6
Như vậy, lấy năm DL chia cho 12, số dư bao nhiêu tra vào các biến số trên sẽ có được Địa Chi của năm đó. Trước công nguyên cũng phải tính ngược lại như Thiên Can.
Năm 2010 có số cuối bằng 0 tương ứng chữ Canh, 2010 chia 12 có số dư bằng 6 tương ứng chữ Dần, Gọi năm Can Chi của năm 2010 là Canh Dần
Vòng Thiên Can là bội số của 10, vòng Địa Chi là bội số của 12, vòng Giáp Tý là bội số của 60. Quy luật của thuật toán, đơn giản là lấy số dư của phép chia năm DL cho 10, 12, hay 60 gán thành biến số để quy chiếu.
Nhưng dùng để tra cứu, trong DL phải cẩn thận tính lại 10 ngày bị mất khi Gregory ban hành lịch cải tiến đã cho ngày 4/10/1582 nhảy qua liền ngày 15/10/1582, trong ÂL phải cẩn thận xem lại ngày mồng 1 Tết  ÂL là ngày DL nào để tra cứu đúng tên Can Chi đã ghi chép.
Xem lại ngày 21/1/2011 :
Năm 2011 có số cuối cùng là số 1, Thiên Can năm 2011 là Tân
Số dư của phép chia 2011/12 bằng 7, Địa Chi của năm 2011 là Mẹo (Mão)
Can Chi của năm 2011 ghép lại thành Tân Mẹo, nhưng Âm lịch ngày 21/1/2011 là 18 tháng chạp vẫn còn là năm Canh Dần.
Nói đến cách quy chiếu giữa Âm lịch và Dương lịch để thấy dễ dàng nhận ra mối quan hệ của 2 phép làm lịch, nhưng để Âm lịch có được “chất” Dương lịch thì người Á Đông cũng khá vất vả mới có hệ thống Tiết Khí mà phân định thêm tháng nhuận cho Âm lịch, đặt nền cho Lịch phù hợp với chu kỳ khí hậu.
Theo biểu kiến, mặt trời chuyển vận trên Hoàng đạo trong một năm lần lượt qua các điểm Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí biểu hiện sự thay đổi 4 mùa. Theo phương Tây thì 4 điểm nầy khởi đầu của 4 mùa, theo Á Đông  thì nó xác định giữa mùa của năm.
Lịch Ta đang sử dụng hiện nay có 24 Tiết Khí, mỗi tháng có 2 Khí. Tên gọi các ngày Tiết biểu hiện thời tiết, mùa màng của nông nghiệp. Khí nửa tháng đầu gọi là Tiết khí, Khí nửa tháng sau gọi là Trung khí. Trên Hoàng đạo chia làm 12 cung, mỗi cung 300 tương ứng 1 tháng Tiết khí. Khi mặt trời đi vào đầu cung tương ứng với ngày Trung khí, đi vào giữa cung tương ứng ngày Tiết khí. Ngày Tiết Khí xác định bằng cách nầy sẽ rơi vào một ngày DL tương ứng (có thể có dung sai ±1).
Quan hệ ngày Tiết khí có thể ghi nhận qua bảng sau :
TIẾT KHÍ       (DL)    TRUNG KHÍ       (DL)   (ÂL)
Lập Xuân        4/2       Vũ Thủy          19/2     Giêng                         
Kinh Trập        6/3       Xuân Phân      21/3     Hai
Thanh Minh     4/4       Cốc Vũ           20/4     Ba
Lập Hạ           6/5       Tiểu Mãn         21/5     Bốn
Mang Chủng   6/6       Hạ Chí             21/6     Năm
Tiểu Thử         7/7       Đại Thử           23/7     Sáu
Lập Thu          8/8       Xử Thử           23/8     Bảy
Bạch Lộ          8/9       Thu Phân         23/9     Tám
Hàn Lộ           8/10     Sương Giáng   23/10   Chín
Lập Đông       7/11     Tiểu Tuyết       22/11   Mười
Đại Tuyết        7/12     Đông Chí        22/12   Một
Tiểu Hàn         6/1       Đại Hàn          20/1     Chạp
Trung khí ở đầu cung, Tiết khí ở giữa cung Hoàng đạo nên mồng 1 tháng giêng ÂL thường dao động trong khoảng 20/1 đến 20/2 DL, tức là nằm trong khoảng Tiết Đại Hàn đến Tiết Vũ Thủy, quy ước Lịch gọi là nằm trong Tiết Lập Xuân.
Khi chưa sử dụng Lịch Tây, mấy ông bà già xưa của ta đã nhận ra quy luật lịch pháp của ngày Can Chi ÂL cũng như quy luật của Tiết Khí :
            Quy luật Can Chi ÂL qua bài vè :
“Tám năm về trước tháng hai
  Rằm là mồng một Tết không sai chút nào”
Ý nghĩa của câu ca là Can Chi ngày 15 tháng 2 của 8 năm trước chính là Can Chi ngày mồng 1 tháng giêng năm nay.
Ví dụ ÂL 15/2 năm Nhâm Thân 1992, ngày Can Chi là ngày Quý Tị (18/3 DL)
Ngày 1/1 Tết năm Canh Thìn 2000, ngày Can Chi cũng là ngày Quý Tị (5/2 DL)
Ví dụ ÂL 15/2 năm Canh Thìn 2000, ngày Can Chi là ngày Đinh Sửu (20/3 DL)
Ngày 1/1 Tết năm Mậu Tý 2008, ngày Can Chi cũng là ngày Đinh Sửu (7/2 DL)
Tương tự Can Chi của 15/3 ÂL của 8 năm trước là Can Chi của 1/2 ÂL năm nay.
            Quy luật về Tiết Khí :
“Bát niên Thiên Can tiến 2, Địa Chi tiến 6”
Ý nghĩa của vận hành nầy là với Can Chi của ngày Tiết 8 năm trước, có thể xác định được ngày Tiết đó trong năm nay bằng cách lấy Thiên Can tiến lên 2 bước (nếu Can là Giáp tiến 2 bước là Bính), lấy Địa Chi tiến lên 6 bước (Chi là Tý tiến 6 bước là Ngọ).
Ví dụ ngày Tiết Lập Xuân năm Nhâm Thân 1992 (DL 4/2/1992) là ngày Canh Tuất (ÂL 1/1 năm Nhâm Thân), Tiết Lập Xuân 8 năm sau Canh Thìn 2000 (DL 4/2/2000) là ngày Nhâm Thìn (ÂL 29/12 năm Kỷ Mẹo). Can Canh tiến 2 là Nhâm, Chi Tuất tiến 6 là Thìn.
Ví dụ ngày Tiết Lập Xuân năm Nhâm Ngọ 2002 (DL 4/2/2002) là ngày Quý Mẹo (ÂL 23/12 năm Tân Tị), Tiết Lập Xuân 8 năm sau Canh Dần 2010 (DL 4/2/2010) là ngày Ất Dậu (ÂL 21/12 năm Kỷ Sửu). Can Quý tiến 2 là Ất, Chi Mẹo tiến 6 là Dậu.
Với những Ví dụ trên, dễ dàng nhận thấy là khi gặp Tiết Lập Xuân, dù ngày tháng theo số đếm là tháng 12 ÂL, nhưng ÂL quy ước đã là tháng sau nghĩa là đã thuộc khí Kiến Dần của năm sau. Tháng của Lịch Âm ta đã biết qua tháng số đếm, tháng Can Chi, giờ có thêm một pha của tháng Âm lịch nữa gọi là Nguyệt Kiến.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét