Tháp Dương Long - Tây Sơn |
Huyện Tây sơn ngày nay, xa xưa chưa biết tên gì khi các cư dân Hời, Bana còn sống hòa trộn với nhau dưới các vương triều Chăm. Thế kỷ thứ 13, có thể vương triều Chăm đã mở rộng ảnh hưởng đến Gia lai, Đak lak (!?). Khi quân Nguyên Mông của Toa Đô (năm 1282), hoặc ngay cả sau nầy vua Trần Duệ Tông (năm 1373) thân chinh đánh vào thành Đồ Bàn (Bá Canh, Đập Đá Bình Định) đều thất bại vì các vua Chăm an toàn ẩn thân ở vùng núi (có lẽ Tây Sơn ngày nay). Rồi từ căn cứ miền núi nầy, quân Chăm đã làm nản lòng chiếm đóng của Toa Đô, đã xuất binh vây phục phá vỡ quân Trần.
Ở Xã Tây giang hiện giờ vẫn còn sử dụng các tên gọi của những tiểu vùng quan hệ với ngôn ngữ Bana, Jarai, Chăm như Hà nhung, Hà nhe, Cầu Ba la, Cầu Cà ná … Cư dân Việt chắc là sau cuộc chinh phạt của vua Lê Thánh Tôn năm 1471 mới hiện diện ở vùng “ đất võ trời văn “ nầy. Rồi tên gọi được lưu truyền dài lâu, được tồn tại lâu hơn tên gọi hành chính.
Quân Đại Việt tấn công tới núi Thạch Bi (Đèo Cả), nhưng rút quân về lấy Cù Mông làm giới tuyến, tổ chức hành chính 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn đặt thành phủ Hoài nhơn (gồm cả tỉnh Bình Định ngày nay), cho thuộc Thừa tuyên Quảng Nam. Đất Tây Sơn thuộc Tuy Viễn (gồm cả Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn) nhưng chưa biết tên gọi là gì. Vè chàng Lía cũng chỉ đề cập đến những địa danh như Tuy Viễn, Phù Ly bao hàm một lãnh địa rộng lớn. Chỉ đến khi xuất hiện cuộc khởi nghĩa của 3 anh em Nhạc, Huệ, Lữ , mới thấy xuất hiện tên Ấp Tây sơn cho vùng đất nầy, cũng như Tả chi nhất, Tả chi nhị, Tả chi tam là tên gọi của Thượng Giang, Tả Giang, Hữu Giang ngày nay.
Tên gọi đơn vị hành chính cấp huyện mãi đến năm 1832 mới có sự thay đổi từ 3 thành 5 huyện. Triều Minh Mệnh chia Tuy Viễn làm 2 huyện là Tuy Viễn và Tuy Phước thuộc phủ An nhơn, chia Phù Ly làm 2 huyện là Phù Cát và Phù Mỹ, Phủ Hoài nhơn kiêm lý 2 huyện nầy và Bồng sơn. Huyện Tuy Viễn lúc nầy có 2 Tổng là Thời Đôn và Thời Hòa. Một phần Tổng Thời Hòa chính là Huyện Tây sơn ngày nay.
Năm 1877 triều Tự Đức, từ sông Đá Hàn (chảy qua cầu Phú Phong hiện nay) trở ngược lên lập làm Nha Kinh lý An khê. Cơ bản vùng đất nầy đến năm 1888 triều Đồng Khánh được cải làm huyện mới với tên gọi Huyện Bình Khê. Lấy đồn phó thu thuế cũ (đồn chính trước ở Cây muồng) làm lỵ sở huyện đường, nay là Đồng Phó Thượng Giang, xã Tây Giang. Huyện Bình Khê lĩnh coi 4 tổng Tân Phong, Thuận Tuyên, An Khê, Vĩnh Thạnh. Tổng Vĩnh Thạnh bao gồm Bình Tường lên đến Vĩnh Thạnh ngày nay.
Năm 1910, Tổng Mỹ Thuận và Tổng Phú Phong vẫn còn trực thuộc Phủ An nhơn. Năm 1917, hai Tổng An Khê và Tân Phong cắt chuyển Tỉnh Kontum (Gia Lai và Kon Tum ngày nay). Đến 1929 huyện đường dời xuống Gò Sặc Trinh Tường. Năm 1937 lập Tổng Trường Định, rồi 1942 lỵ sở lại chuyển xuống Cây Cốc Phú Phong. Với bao dâu bể đổi dời, ranh giới huyện Bình Khê - quận Bình Khê (của giai đoạn 1955 – 1975) lúc co, lúc nở để đến nay có địa giới với tên gọi Huyện Tây Sơn.
Bình Khê hay Tây Sơn chỉ là một tên gọi.
Tên gọi nào tự bản thân của nó đều mang một ý nghĩa tốt đẹp để con người ghi nhớ, tự hào vùng đất mình “chôn nhau, cắt rốn”. Bình Khê hay Tây Sơn, nơi được Công chúa Ngọc Hân gọi là Non Tây Áo vải Cờ đào mong sao được mọi người quan tâm hơn, được ghi chép lại đầy đủ hơn. Lịch sử, Dư địa chí Tây Sơn – Bình Khê phải được hoàn thiện hơn để những người xa xứ tận tường và cảm thông nỗi niềm của những người đang sống ở vùng đất địa linh nhân kiệt.
"Gò Sặc Trinh Tường" phải có "cái gì" đó giữa "Gò Sặc" và "Trinh Tường".
Trả lờiXóaHơi bị "cục bộ" 1 chút đó nghen, vì nơi đó là quê của tớ!
Tương tự với "Cây Cốc Phú Phong"
Thân!
Rất vui mừng khi đọc những dòng viết về quê hương TS
Trả lờiXóa