Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

HAY NHẤT VÀ DỞ NHẤT

THƯ GỞI BẠN
T.

Bửu thân,
Nhận được thư Bửu, thật mừng, lâu lắm rồi anh em mình mới có tin qua tin lại. Cuộc sống mỗi đứa mỗi nơi, thằng thì mài mòn phấn, thằng thì có tới mấy đứa cháu gọi bằng ông. Chết rồi ! Già hết rồi mà vẫn cứ gọi đứa gọi thằng, tật xưa chẳng bỏ.
Thôi, bỏ lại một bên chuyện thăm hỏi gia đình đi, mình mượn weblog nầy của Ng để nói đến việc của Bửu. Bửu nói Thầy không nhớ Bửu, nhưng Thầy có hỏi lại Bửu là chắc em học một lớp với T (là mình đây) phải không ? Bửu ơi, nghe Bửu kể phải khóc lên được. Chỉ có học trò mới nhớ, phải nhớ đến Thầy, học trò của Thầy tính đến hằng trăm mà ba mươi mấy năm qua vẫn để được tên tuổi ở ký ức Thầy. Bửu kể làm mình lại nhớ đến chuyện của An Di cùng cha thăm Thầy cũ của cha trong Tâm hồn cao thượng mà Hà Mai Anh đã dịch từ cuốn Le Grand Coeur. Ngày xưa, ngày xưa sao nhớ quá …
Giờ Bửu bảo mình phải giải thích sao Thầy không đoán Bửu học một lớp với đứa nào đấy mà lại đoán trúng phóc học lớp với mình. Nay cảm xúc đã dần vơi, mình trả lời Bửu đây.
Nếu học trò mà được Thầy nhớ (khác với chuyện cử tri nhớ ứng cử viên trong chuyện bầu cử đó nha) chỉ có thể xảy ra một trong hai trường hợp :
-         Hoặc đứa học trò đó có những tố chất mà Thầy đặt niềm tin ở tương lai
-         Hoặc đứa học trò đó quậy hết cỡ (không phải kiểu bây giờ gọi là học sinh cá biệt)
Một bài thơ hay nhất ai cũng nhớ, nhưng một bài thơ dở nhất như bài thơ Con Cóc ai cũng nhớ, và hẳn nhiên ai cũng thuộc.
Bửu thấy mình là bài thơ hay nhất hay bài thơ dở nhất ?
Nói vậy, mỗi trường hợp sẽ có thêm nhiều hệ luận, vì cuộc sống là vô cùng phải không Bửu, nó đâu phải một cộng một bằng hai. Thời gian, tuổi tác chất chồng, sinh nhai, lóc lăn của cuộc sống bây giờ tâm trí ai cũng mòn cũng mỏi. Nhớ hay quên không bằng ngồi lại với nhau.
Họp lớp năm nào mấy đứa cũng ỏm tỏi chuyện xưa, năm nào mấy Thầy cũng thăm hỏi còn vắng em nào. Bửu thấy đấy, nhớ hay quên, bài thơ hay nhất hay là bài thơ dở nhất, năm nào mình không về họp lớp được, không về thăm quê, thăm nhà được, cứ ngồi buồn mà nhớ ngày xưa.
Thân.


2 nhận xét:

  1. Nghị thân!
    Gần nửa tháng nay, lu bu công chuyện cuối năm, không zô net được, chỉ tranh thủ check mail phục vụ cho công việc!
    "Một trong hai trường hợp" được thầy (và cả bạn nữa) nhớ đến mình, đơn giản hơn, là do mình đã để lại nhiều "ấn tượng". Ấn tượng, có 2, 1 là "tiêu cực" và 2 là "tích cực".
    Riêng mình nhớ hoài đến Nghị, ngoài cái việc là 1 thằng tích cực trong phong trào văn nghệ và báo chí (nếu bi giờ thì ngừ ta kêu là "văn thể mỹ"), là năm đệ lục, hình như Nghị bị shock thuốc gì đó mà mình mẩy bị "loang lổ, có vằn, có vện"!.
    Nhân đây, nhắc lại chuyện sau gần 30 năm, gặp lại thằng Duy Sơn, thấy "răng cỏ" của nó bây giờ sao trắng, và đều quá, mình mới hỏi: "sao hồi xưa thấy mầy rụng mất mấy cái răng cửa mà bây giờ mọc lại trắng, đẹp zẫy chắc là "cải lão hoàn đồng quá"! Nó mới khen:"Trời ơi sao mầy nhớ dai dữ! Đúng là hồi đó tao bị rụng 2 cái răng cửa, còn bi giờ không phải "mọc" đâu mà tao trồng lại, "giả" chớ hổng phải "thiệt" đâu! Chỉ có mầy mới nhớ cái chi tiểt đó của tao thâu!"
    Còn lối 1 tuần nữa mình mới tạm thư thả 1 chút được!
    Thân,mến!

    Trả lờiXóa
  2. Bửu thân,
    Thật-giả, Tiêu cực-tích cực, Hay nhất-dở nhất, Hư-thực, Thiện-ác ... là phân biệt quyết liệt của nhị nguyên. Trong cuộc sống, trong con mắt người đời ranh giới nó khá mong manh. Sống làm sao đừng để đánh mất mình mới là điều đáng để quan tâm, đáng để tồn tại.
    Tuổi thơ, tuổi còn cắp sách đến trường sao mà đẹp, mà thực. Bửu hay ở chỗ nhớ, nhớ nhiều chuyện của ngày xưa.
    Mến

    Trả lờiXóa