Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

THƯỞNG PHẠT KHÔNG CÔNG BẰNG


Khi một kẻ cầm vận mệnh đất nước như vua Khải Định đã dám tôn mình như thần thánh, nghênh ngang trên đầu dân … thì tránh sao khỏi sự lạm quyền trong việc gìn giữ kỷ cương, phép nước. Tội thứ hai của vua Khải Định trong Thư Thất điều hài ra chính là tội vua lạm quyền thưởng phạt. Tội đáng chết bằng mười vua cho biến thành không, tội chưa phạm đến mảy lông nào vua biến ra thành có. Vua có người thị vệ tên Nguyễn Đắc Vọng, hằng đêm chỉ có nhiệm vụ ôm vua ngủ cũng được vua ban Ngũ đẳng Thị vệ …

Một triều đại thưởng phạt không công bình, làm sao mà có được lòng dân, họa chăng chỉ được lòng của những kẻ xu phụ, những kẻ cơ hội. Phan Châu Trinh trong Thư Thất điều đã vạch ra cái tội lạm quyền thưởng phạt chính là cái họa làm đảo điên đất nước đưa đến cái họa diệt vong vậy.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

TÔN BẬY QUÂN QUYỀN


Trong thư thất điều vạch 7 tội của vua Khải Định, Phan Châu Trinh chỉ ra tội thứ nhất là Tôn bậy quân quyền.

Vạch tội một ông Vua, Phan Châu Trinh hài tội cả hệ thống quyền lực tôn quân, xem Vua là thiên tử - con trời thay mặt cho trời thống trị. Nền tảng lý luận của ông lấy ngay từ tư tưởng Nho gia chính thống : Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (trong nước dân là quý nhất, thứ đến mới nói tới đất đai, vật sản, còn vua thì xem nhẹ, không bằng dân và xã tắc). Ông còn mượn tư tưởng phương Tây để xác định vị trí của một ông Vua : Ông Vua hay ông Giám quốc, chẳng qua là người thay mặt cho một nước, cũng như một người quản lý thay mặt cho một Công ty mà thôi

Phan Châu Trinh chỉ thẳng cái nghêng ngang của Khải Định : Bệ hạ lại dám tôn mình như thần thánh, nghênh ngang trên đầu dân. Vậy thời chẳng những dân Việt Nam không thể dung được Bệ hạ, mà dân nước Pháp lại càng khi dễ Bệ hạ nữa

Vì những ông vua từng cho mình là thần là thánh như vua Kiệt, vua Trụ : Rút cuộc lại, vua Kiệt thời đày ra nội Nam Sào, vua Trụ thời đầu treo cờ Thái Bạch

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

THƯ THẤT ĐIỀU



Khoảng hạ tuần tháng 6 năm 1922, vua Khải Định đã có mặt tại Pháp trong chuyến đi gọi là tham dự Hội chợ đấu xảo thuộc địa ở Marseille. Lần đầu tiên một ông vua của một nước phong kiến xuất ngoại. Lần đầu tiên một đấng con trời đã bị thần dân vạch mặt chỉ tên là kẻ đã không làm gì ích cho nước, lợi cho dân. Trong lá thư thất điều gởi đến Khải Định vào thời lúc bấy giờ, chí sĩ Phan Châu Trinh hài ra 7 tội của vua :

Một là tội tôn quân quyền
Hai là tội thưởng phạt không công bình
Ba là chuộng sự quỳ lạy
Bốn là tội xa xỉ vô đạo
Năm là phục sức không đúng phép
Sáu là du hạnh vô độ
Bảy là việc Pháp du ám muội

Bảy tội của một ông vua phong kiến, ngày nay đọc lại vẫn thấy âm vang đanh thép lời cụ Tây Hồ buộc tội kẻ cầm quyền mà không đoái hoài đến thống khổ của tứ dân !