Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

TRUY CÙNG SÁT TẬN



Đánh bại nhà Tây Sơn, mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh lên ngôi cửu ngũ, lấy niên hiệu là Gia Long, bày tỏ đã thống nhất cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, mở rộng quyền bính từ Gia Định ra tới tận Thăng Long. Đến ngày Giáp Tuất, mồng 7 tháng 11 âm lịch, Gia Long đem chiến tù bắt được dâng lên Thái Miếu, hình xử binh tướng, vua chúa nhà Tây Sơn một cách tàn khốc, nhằm vì “chín đời mà trả thù” như đã nêu ở bài Chiếu công bố trong ngày lễ Hiến phù.

Theo Thực Lục thì trong lễ Hiến phù, vua Quang Toản và em là Thái tể Quang Duy, Nguyên soái Quang Thiệu, Đốc trấn Quang Bàn bị cho 5 voi xé xác. Hài cốt của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bị giã nát rồi vất đi. Riêng đầu lâu của ba vua Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Nguyễn Huệ thì đem giam ở Nhà đồ Ngoại (sau đổi là Võ khố - kho khí giới. Đến năm Minh Mệnh thứ 2, đổi giam vào ngục thất). Còn binh tướng Tây Sơn đã bị bắt như Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dũng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ, Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng… đều đem xử chém, lăng trì, hoặc cho voi giày… bêu đầu cho mọi người biết.

Trong ngày thảm án đó, những người bị trảm quyết còn có các con của Ngọc Hân cũng như con và phu nhân của các tướng lĩnh Tây Sơn (Mẹ già của Trần Quang Diệu được tha cho về, thể theo lời cầu xin của quan Thiếu phó). Trước đó, anh của Quang Toản là Tiết chế Nguyễn Quang Thùy đã tự vẫn khi bị bắt ở Bắc Ninh, Tham đốc Phạm Văn Điềm, Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đã bị bắt, giết ngay lúc Gia Long còn ở hành cung Bắc hà, Thống chế Từ Văn Chiêu đã bị cho giết ngay trong ngục…, liệu miêu duệ nhà Tây Sơn còn có ai thoát khỏi sự trả thù của vua đầu triều nhà Nguyễn (!?).

Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán chép vào tháng Chạp năm 1830 :
(…)
Người Bình Định là Lê Văn Lễ làm thư nặc danh, tố giác bọn Nguyễn Văn Thể che giấu nòi giống Tây Sơn là Nguyễn Văn Lương (con Nguyễn Văn Nhạc) và Nguyễn Văn Trượng (con Nguyễn Văn Đức, Đức là anh tên Lương). Quan trấn thần bắt được bọn Thể, nghiêm giam rồi mật tấu lên.
(…)

Như vậy ngoại trừ một người tên là Lân đã bị bắt ở Bắc hà năm 1802, đến 28 năm sau, con cháu của Nguyễn Nhạc vẫn còn ở tại vùng Bình Định. Người Bình Định trước đây cho rằng họ lẩn trốn trên các buôn làng của ấp Tây Sơn, triều đình không truy lùng được. Sau có lẽ vì tộc người thiểu số ở đây không còn mặn mà với vương triều cũ, chú cháu Văn Lương phải xuống đồng bằng, họ không tránh khỏi sự dòm ngó của chung quanh. Số phận của họ lúc ấy như thế nào :
(…)
Vua sai ngay Tả tham tri Hình bộ là Trương Minh Giảng lĩnh cờ bài khâm sai, đem theo thuộc viên ở bộ và trấn phủ vệ Cẩm y đến nơi để tra xét. Những tên phạm bị bắt đều nói rằng hai tên Lương và Trượng nghe tin lùng bắt đã trốn đi, nếu không ở Thạch Thành trấn Phú Yên, thì ở trong hạt Gia Định. Trương Minh Giảng tâu rõ duyên do. Vua bèn sai truyền chỉ cho các quan địa phương từ trấn Phú Yên trở vào Nam đến Gia Định, cho đi mọi nơi dò bắt, lại treo giải thưởng cho quân dân ai bắt được hai tên phạm ấy giải nộp quan thì thưởng cho 100 lạng bạc, thám báo được sự thực thì thưởng cho 50 lạng bạc, nếu dung ẩn và dẫn đường cho phạm đi trốn thì xử cùng tội.
(…)

Trương Minh Giảng đã cho “tra bắt những con cháu dòng dõi Tây Sơn còn sót lại, trước sau bắt được các thân thuộc của giặc nguỵ cùng phạm nhân chứa chấp tới hơn 100 người…”. Từ đó triều đình huy động cả quan chức địa phương, treo tiền thưởng hậu hĩnh để truy lùng anh em Văn Lương, Văn Đức. Đến tháng Tư năm 1831, theo thông tin từ Thực Lục thì Cẩm y binh Lê Công Chất, Nguyễn Văn Hòa bí mật đến trấn Gia Định, đã bắt được Nguyễn Văn Đức và con là Nguyễn Văn Đâu. Thự Hiệp trấn Hoàng Văn Quyền lĩnh quân và thuyền áp giải, đem về Kinh đợi chỉ. Còn Nguyễn Văn Lương và Văn Trượng đã lọt lưới từ trước.

Nguyên trước Văn Lương và Văn Trượng nghe được tin triều đình nã bắt, bèn đổi họ đổi tên trốn vào Nam, đáp theo thuyền công vận tải của Đốc vận Trần Văn Tha. Thuyền đến Cần Thơ, Tha tố cáo với Thủ ngự Lê Thiện Anh. Lê Thiện Anh cho là không phải nên thả cho đi. Chú cháu Văn Lương, Văn Trượng trốn ở lại trấn Vĩnh Thanh. Trấn Vĩnh Thanh là một khu vực rộng lớn, trải từ biên giới Việt – Miên ra đến biển, sau được chia làm 2 tỉnh là Vĩnh Long và An Giang. Nhưng đất Nam bộ dù rộng lớn cũng không dung túng được cháu con của Nguyễn Nhạc. Theo tin báo của thám tử Mai Văn Cự, trấn thần Vĩnh Thanh đã vây bắt được Nguyễn Văn Lương nộp về triều. Đình thần đã xét xử án :

- Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Đâu, đều bị chém ngang lưng, ném thây xuống bể.
- Những người chứa chấp gồm 15 người nhóm Nguyễn Văn Thể, con của Thiếu phó Trần Quang Diệu là Trần Quang Tồn, con gái và thân thuộc của nhà Tây Sơn tất cả đều bị trảm quyết.
- Những thân thuộc của nguỵ còn nhỏ tuổi, viên Thủ ngự Lê Thiện Anh khinh thường thả dòng dõi nguỵ, viên Đốc vận Trần Văn Tha tri tình mà cố ý tha, cộng 14 tên phạm đều phải án chém nhưng được giam đợi lệnh.
- Lại phát vãng làm quân, làm nô lệ, và bị tội đồ, tội lưu tất cả hơn 40 tên phạm. Còn bao nhiêu đều tha.

● Ở đây không thấy sử quan nhà Nguyễn nói rõ số phận của Văn Trượng ở trấn Vĩnh Thanh, chỉ thấy sử ghi là Văn Lương bị bắt, bên cạnh đó thì thời điểm nầy lại xuất hiện danh tính Trần Quang Tồn trong Đại Nam Thực Lục. Liệu có phải chú cháu Văn Lương trốn vào Nam là để tìm đến cháu con của Trần Quang Diệu đã vào đây từ trước. Ít ra dưới mắt của người Gia Định, Trần Quang Diệu là viên tướng trọng nghĩa khí. Khi vào tiếp quản thành Bình Định năm 1801, ông đã không cho giết bất kỳ một người lính Nam hà nào trong quân thứ Gia Định của Hậu quân Võ Tánh. Như vậy Nguyễn Văn Trượng với một số con cháu của Thiếu phó nhà Tây Sơn, liệu có phải là họ đã thoát được nanh vuốt truy cùng sát tận của Nguyễn triều !?

Tranh vẽ Vua Minh Mạng

● Ở đây cũng thử xét lại hành vi truy cùng sát tận của Nguyễn triều :

- Khi Gia Long làm lễ Hiến phù, dâng lên Thái miếu những tù nhân bị bắt trong chiến tranh, bài chiếu công bố sự việc có câu “Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu…”. Theo Công Dương truyện trong kinh Xuân Thu, khi Tề Tương Công chinh phạt nước Kỷ, đã loan truyền rằng Tề khởi binh phục thù, vì trước kia Kỷ hầu đã gièm pha Tề Ai Công (ông tổ xa đời của Tương Công) với thiên tử nhà Chu, Ai Công đã bị vua Chu bỏ vào vạc sôi giết chết. Người đời gọi đây là mối thù chín đời, bất quá đó là cái cớ để Tề dấy động binh đao chiếm nước Kỷ.

Không phủ nhận Nguyễn Ánh khá gian nan trong giai đoạn bôn tẩu, không thể không có sự uất hận của ông đối với nhà Tây Sơn. Nhưng bên cạnh việc “vì chín đời mà trả thù”, có thể thấy được thảm án lễ Hiến phù được xem như là một hành động dằn mặt dân binh từ Gia Định ra tới Thăng Long. Với người có mưu đồ định bá đồ vương như Gia Long, khi nắm được chính quyền, ông phải biết cách giữ lấy bính quyền. Trảm quyết tàn khốc binh tướng nhà Tây Sơn, là cũng để uy hiếp đám nho sĩ Bắc hà vẫn còn hoài vọng triều Lê, và cũng để răn đe binh tướng Gia Định bấy lâu theo mình, nay tranh công dễ nảy sinh ra kiêu loạn.

Dễ thấy rõ điều nầy. Chỉ vì 2 câu cuối bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên Thử hồi nhược đắc sơn trung tể / Tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ (Giá mà có được người tài ở trong núi kia / Giúp cho ta sắp đặt xoay chuyển lấy cơ trời), cha của ông là Tổng trấn Bắc Thành - Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã bị bức tử năm 1817. Còn đám nho sĩ Bắc hà dù có ra giúp rập cho nhà Nguyễn, như Tiên Điền - Nguyễn Du cũng chỉ biết thố lộ sự hoài vọng nhà Lê một cách kín đáo qua văn thơ.

Gia Long vì sự uất hận binh tướng nhà Tây Sơn, đã có thể cho giết ngay các tướng Từ Văn Chiêu, Phạm Văn Điềm mà không cần đưa ra xét xử. Từ Văn Chiêu cùng Phạm Văn Điềm là những hàng tướng đã theo về quân Gia Định, sau lại bỏ Gia Định mà về với nhà Tây Sơn, lại còn gây không ít tổn thất binh tướng của Nam hà trên chiến trường. Nhưng sự việc trải qua đã 30 năm hơn, mối hằn thù có dai dẳng trong lòng Minh Mạng đến nỗi để ông truy cùng sát tận con cháu binh tướng nhà Tây Sơn không (!?).

- Minh Mạng là người mà chính Gia Long đã cố tình sắp đặt kế nhiệm vị trí ngôi cửu ngũ. Captain Rey, một nhà buôn người Pháp có mối quan hệ buôn bán với triều đình Gia Long, trong một thiên hồi ký, ông có nhận xét là Hoàng tử Đảm (Minh Mạng) đã biết phép trắc địa bằng cách đo góc độ các thiên thể, biết đọc viết chữ Quốc ngữ, là thứ chữ mà các thừa sai đạo Thiên chúa dùng ghi chép, giảng đạo trong thời đó. Rey cho biết chính Hoàng tử Đảm đích thân xem xét những mẫu máy, vũ khí mà Rey chở đến. Rey còn cho rằng Gia Long không chọn con cả (ý nói Hoàng tử Cảnh) làm người thừa kế, mà chọn người có khả năng và cứng rắn (ý nói Minh Mạng). Rey dẫn lời của Gia Long “đó là người mà có thể vung cây roi và sử dụng nó không nể nang đối với thần tử, bất kỳ ai, dù họ lớn hay bé”.

Lịch sử cho thấy Minh Mạng đã dấy động can qua để trấn an nội trị. Vua đã cho đem quân khống chế Ai Lao, đánh bại quân Xiêm, bảo hộ Cao Miên… Trong nước thì cho điều binh dập tắt các cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân ở Bắc hà, năm 1831 cho bãi bỏ đơn vị hành chánh Bắc thành. Ở Nam hà thì khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất năm 1832, Minh Mạng liền cho bãi chức Tổng trấn Gia Định thành, cho đổi các trấn ở Nam kỳ thành lục tỉnh. Từ đây quyền lực ở các địa phương đều tập trung hết về chính quyền trung ương.

Ở đây ta thấy năm 1831 là năm mà chú cháu Văn Lương, Văn Trượng trốn vào Nam. Còn Lê Văn Duyệt bấy lâu thường tỏ ra lạm quyền, làm sai ý triều đình, là cái gai trong mắt của vua Minh Mạng. Có thể hình dung được việc cho trảm quyết chú cháu Văn Lương, Văn Đức, Văn Đâu, biết đâu đó cũng là nhân tiện sử dụng kế sách Sát kê hách hầu (Giết gà dọa khỉ) để uy hiếp dân Nam hà. Vài năm sau đó, triều đình đã cho san phẳng mộ Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, luôn cả mộ Tổng trấn Bắc thành Lê Chất. Một người biết vung roi trong cai trị như Minh Mạng, lẽ nào ông lại sợ bóng sợ vía nhà Tây Sơn tới mức phải truy cùng sát tận cháu con Nguyễn Nhạc !

Cướp quyền và để duy trì quyền lực, những người mang đầu óc định bá đồ vương không từ bỏ những thủ thuật nào, cho dù có tạo nên cảnh máu đổ đầu rơi. Chỉ tội cho con cháu Ngụy triều Tây Sơn, 30 năm lẩn trốn rồi cũng phải làm cái cớ để cho Nguyễn triều duy trì quyền lực có hệ thống.


Tháng 8.2017

THAM KHẢO

- Đại Nam Thực Lục - Quốc sử quán triều Nguyễn Tập I - Nxb Giáo Dục 2007

- Hành Trình Từ Pháp Đến Việt Nam - Captain Rey, bản dịch Nguyễn Duy Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét