Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

HIỆP BIỆN ĐẠI HỌC SĨ TRẦN ĐÌNH TÚC

Khâm sai Trần Đình Túc (góc trái) trong lễ ký Hòa ước quý Mùi 1883


Tiểu Sử ngài Hiệp Biện Đại Học Sĩ TRẦN ĐÌNH TÚC

Ngài Tổ Thế hệ thứ 11 húy TRẦN ĐÌNH TÚC (1816 – 1899), thọ 84 tuổi. Người làng Hà Trung, Huyện Gio Linh, Tỉnh Quảng Trị, làm quan Hiệp Biện Đại Học Sĩ, Lễ Bộ Thượng Thơ, Tước Lại An Tử, Thụy Văn Ý, thời vua Thiệu Trị, Tự Đức.  

Trong thời làm quan, đất nước gặp lúc có nhiều giặc giã rối ren, mặc dù có nhiều vị quan chức tước cao hơn, nhưng khi gặp những sự việc khó khăn, Ngài được nhà vua chỉ định đi trấn nhậm giải quyết, hay đi công cán nhiều nơi trong Nam, ngoài Bắc, đi sứ Trung Quốc, Hồng Kông, giao tiếp với các phái đoàn Anh Quốc, Triều Tiên, cầm đầu phái đoàn thương thuyết gay go với phái bộ Pháp, nhất là việc thương thuyết lấy lại thành Hà Nội 2 lần bị thất thủ.

Gia phả chép Ngài tính tình ôn hòa, trung thực, có tài ngoại giao, giao tiếp rộng rãi, từng trải, luôn được Nhà Vua trao những sứ mạng khó khăn, nguy hiểm như được cử đảm nhiệm chức Tổng đốc Hà Ninh để thương thuyết hết sức khó khăn và đầy nguy hiểm với quân Pháp lấy lại 4 tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương bị thất thủ lần thứ 1 trong khi viên chỉ huy Pháp là đại úy Francis Garnier bị quân ta và quân Cờ đen phục kích giết chết. Đảm nhiệm Tổng đốc Nam Định để thương thuyết đầy cam go lấy lại thành Hà Nội khi bị thất thủ lần thứ 2. Mỗi khi thực hiện xong trọng trách, ổn định xong sự việc, Ngài đều trao lại nhiệm vụ cho người kế tục đảm trách, xin về hưu dưỡng tuổi già, không tham quyền cố vị, sống đời sống thuần khiết, thanh bạch.

Ngài có những đề nghị mở mang như khai khẩn đất hoang tại Thừa Thiên và Quảng Trị, tăng thêm ruộng đất cho dân; mở cửa giao thương thay vì bế quan tỏa cảng để có tiền mua sắm máy móc, vũ khí, cho thanh niên du học để tiếp thu văn minh khoa học, kỹ nghệ, cơ giới, canh tân đất nước; trao đổi kinh nghiệm với phái đoàn Triều Tiên đồng hoàn cảnh nước nhỏ trước họa xâm lăng, lấn át của các cường quốc.  Khi đi sứ Hương Cảng về, Ngài dâng sớ tâu vua xin mở cửa biển Trà Lý thuộc tỉnh Nam Định nay là Thái Bình để mở mang việc giao thương cho dân chúng và ngoại quốc vào buôn bán, nhất là với nước Anh để làm thế quân bình ảnh hưởng giữa Anh và Pháp, tránh việc Pháp muốn sử dụng sức mạnh quân sự độc quyền xâm chiếm đất nước, nhưng vua do dự đưa ra triều đình hội nghị. Trong triều có nhiều vị quan chức tước cao hơn và có nhiều vị thủ cựu nên đề nghị bị bác bỏ bất thành. Sử sách cũng có ghi rõ.

Ngài luôn tận tụy với đất nước, và cũng có những đề nghị, kế sách đóng giữ những nơi hiểm yếu phòng thủ đất nước, có những đề nghị được nhà vua nghe cho thực hiện, nhưng cũng có những đề nghị không được nhà vua và triều thần chấp thuận !  Với tuổi già, Ngài đã được vua cho nghỉ hưu trí ở tại làng Bàn Môn (tỉnh Thừa Thiên).  Sau khi vua Tự Đức băng hà đến vua Hiệp Hòa lên ngôi, mặc dù các quan chức, các sĩ phu trong nước và dân chúng đều dốc lòng đánh quân Pháp giữ gìn đất nước, nhưng vì vũ khí thô sơ, cổ điển nên đều thất bại. Trong khi các nước Âu Châu với kỹ nghệ phát triển, vũ khí và cơ giới tối tân, đua nhau đi chiếm thuộc địa khắp nơi, quân Pháp đã tăng cường lực lượng, đánh chiếm toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh, đóng quân ở Hà Nội, Hải Phòng sẵn sàng đánh chiếm Bắc Kỳ bất cứ lúc nào. Tại Trung Kỳ hải quân Pháp đánh chiếm cửa bể Thuận An, cách kinh đô Huế vài chục cây số, tại Đà Nẵng chiến hạm Pháp và Bồ Đào Nha nã đại bác bắn phá tan các chiến tuyến phòng thủ của ta. Tình hình quân sự của ta bị yếu kém không chống nổi với vũ khí tối tân. Quân Pháp có thể đánh chiếm kinh đô Huế như trở bàn tay. Trước tình thế nguy ngập, kinh thành bị uy hiếp, vua phái một vị võ quan làm sứ giả, hỏa tốc triệu vời Ngài lập tức về chầu vua theo lệnh “Lôi Lệ Phong Hành” nghĩa là nếu không đi thì sứ giả có quyền chém đầu tại chỗ mang về ! 

Tại kinh thành Huế, Toàn quyền Pháp Harmannd từ Hà Nội vào, tập họp binh tướng đưa yêu sách triều đình Huế phải qua tòa Khâm Sứ Pháp hội nghị ký hòa ước nhận sự bảo hộ của Pháp. Vì thế yếu không chống cự nổi, không còn cách nào khác, theo lệnh vua và triều đình Ngài phải cùng phái đoàn triều đình ký Hiệp Ước Harmand chịu nhận sự bảo hộ của Pháp, để hòa hoãn tránh việc can qua bại trận, núi xương sông máu, tàn phá đất nước, giết hại sanh linh !  Một khúc quanh của lịch sử !!! 

Vào thế kỷ 19, thời kỳ Pháp đánh nước ta, nước Cao Miên và Ai Lao (Lào) cũng bị Pháp chiếm, ngay cả nước lớn đất rộng, dân đông hơn trăm lần nước ta, lực lượng mạnh hơn ta nhiều như Trung Hoa cũng bị các cường quốc kỹ nghệ Tây phương xâu xé, cắt đất thuộc địa , phân chia tô giới trong nội địa.  Ấn Độ là nước lớn thứ 2 cũng bị đô hộ của nước Anh.  Nước ta gặp lúc quốc vận không may, nền văn minh còn sơ khai, chưa kịp thời phát triển, nên bị yếu kém, chứ không phải dân và quan quân thời đó không có tinh thần tích cực chiến đấu !

Ngài có để lại 2 câu đối ghi trong gia phổ :

Ấu nhi học tráng nhi hành, bất như ý sự thường bát cửu
Hiếu ư gia trung ư quốc, kỷ khuyết tâm tất hữu nhị tam

Tạm dịch :

Nhỏ đi học lớn đi làm, việc không vừa ý mình thường xảy ra 8, 9 .
Dù hiếu với nhà trung với nước, nhưng kiểm điểm lại vẫn còn khuyết điểm 2, 3.

Ngài có sáng tác Bộ Tích TIÊN SƠN CHỦ NHÂN TOÀN TẬP, gồm có : Thi, Văn, Sớ, Biểu, Thơ Giản. Cộng tất cả 19 quyển để làm gia bảo. Có lẽ Ngài đã gởi gắm tâm tư vào Bộ Tích này, và ghi lại những việc Ngài đã làm và đã trải qua trong thời buổi giặc giã nhiễu nhương.

Bộ sách này viết bằng chữ Nho để tại nhà thờ của Ngài tại làng Hà Trung, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Rất tiếc nhà thờ đã bị đốt cháy năm 1947 trong thời gian chiến tranh vừa qua với rất nhiều sách Hán văn về văn học, chánh trị, sử, địa, sách thuốc, địa lý, toán học ; về võ bị có các sách binh thư, đồ trận ,võ nghệ. do các vua Tàu tặng khi Ngài đi sứ Tàu. Sách vở rất nhiều như là một thư viện.  Và ấn kiếm của Ngài thờ trong Nhà Thờ cũng bị cháy tiêu hủy.  -  Bên cạnh ngôi Nhà Thờ này có ngôi Nhà Thờ vuông 2 vài, l gian 2 chái cao lớn (con cháu gọi là Nhà Thờ Chi) do Ngài làm để thờ Ngài Duệ Đức Hầu (Tổ Đời Thứ 9, Ngài gọi Ông Nội, trở xuống) cũng bị cháy hủy.

Kẻ viết bài này thời niên thiếu đã từng được thấy ngôi Nhà Thờ của Ngài và còn nhớ rõ trong tiềm thức : ngôi Nhà Thờ cột kèo bằng gỗ mít, có 4 vài, 3 gian và 2 chái, mái ngói, vách gạch, rất rộng rãi. Gian giữa thờ Ngài, gian bên hữu (phía Đông) thờ Ngài Cố Hiệp Biện Đại Học Sĩ , Hộ Bộ Thượng Thư Lễ Môn Tử, đời thứ 12 (con của Ngài), gian bên tả (phíaTây) thờ quý vị Thúc Bá. Trong các tủ thờ đều đựng đầy sách Hán văn. Và chái phía Tây chứa đầy những rương đài nắp hình khum phía trên có 2 lỗ quai cho 2 quân lính khiêng gánh (di chuyển từ bên Tàu về) và những kệ sách đầy ắp hằng pho sách.

Trong những ngày giỗ, ngày Tết, tôi được theo Thân Phụ và các vị Thúc Phụ lau chùi bàn thờ và quét dọn nhà Thờ. Thỉnh thoảng Ông Nội là vị quan hưu trí thường hay lên Nhà Thờ, trải chiếu nằm đọc sách, tôi được hầu trà, có hỏi Ông Nội những sách trong Nhà Thờ là những sách gì ?  Ông Nội cười và cho biết đều là những sách quý như đã nói trên. Ông nói con cháu muốn học và nghiên cứu môn gì đều có sẵn hàng pho sách ở đây. Ông nói ông đang coi về sách Địa lý. Ông còn nói mấy chục năm đọc sách nhưng ở đây có nhiều sách ông chưa hề đọc tới ! 

Kho tàng văn hóa của Nhà Thờ Ngài đã bị tiêu hủy, Bộ sách TIÊN SƠN do Ngài sáng tác tưởng cũng đã bị thất truyền hoàn toàn !  Đọc Gia Phổ, thấy ghi là gia bảo nên thế hệ thứ 15, cháu 5 đời của Ngài là TRẦN ĐÌNH TÀI có liên lạc hỏi quý chú bác bà con ở tại Nhà Thờ của Ngài ở làng Bàn Môn (Truồi), huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, có lưu trữ bổn nào bộ sách của Ngài không, nhưng không có. Lúc Ngài làm quan, giữ chức Dinh Điền Sứ, Ngài có mở mang ruộng đất cho dân ở làng Bàn Môn, nên có 1 nhánh con cháu ở tại đây và có Nhà Thờ thờ Ngài và Tiên Công của Ngài là Ngài TRƯNG TƯỜNG HẦU, Tổ đời thứ 10

Ngũ đại tôn TRẦN ĐÌNH TÀI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét