Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

TẢN MẠN CHUYỆN GIỖ VÀ GIỖ TỔ



Giỗ quải là chuyện đặc thù của người phương Đông, của người Việt Nam ta. Thử hỏi trong đời có mấy ai không đi ăn giỗ, không có tổ chức đám giỗ trong nhà. Giỗ là ngày tưởng niệm người thân trong gia đình đã quá vãng mà làm sao không có được !? Có người cho rằng dân phương Tây coi trọng ngày sinh, còn dân phương Đông lại coi trọng ngày mất của một đời người. Tại sao như vậy chỉ có những bậc hiền triết mới giải thích giúp, còn cỡ mình thường thường chỉ “năm ba chữ vẩn vơ”, chỉ biết quải giỗ là tập quán lâu đời mà ông cha ta đã để lại, cứ đến ngày người thân đã mất là tập trung anh em, họ hàng, bà con cùng gặp với nhau.

Hẳn nhiên bà con cùng gặp với nhau có thể là để cùng nhắc với nhau về phẩm hạnh, về chuyện đã làm của người đã khuất, có thể là nhân đó mà bàn về chuyện giữ gìn gia phong, họ tộc. Nhưng ngày gặp nhau đó, đã quây quần tụ hội lại với nhau thì không thể thiếu chuyện … ăn. Chuyện ăn mới là chuyện hàng đầu của con người. “Trời đánh cũng phải tránh bữa ăn”. Chả vậy mà sau từ Ăn trong ngôn ngữ Việt, có quá nhiều từ đi kèm để diễn tả chuyện ăn. Nào là Ăn như hổ lốn, Ăn như mèo mửa, Ăn ké, Ăn theo, Ăn trộm, Ăn cướp, Ăn cả phân cả sắt thép, Ăn bẩn, Ăn quịt, Ăn hại, Ăn gian … Ăn Ăn Ăn gì đấy mà không đủ sức để liệt kê ra ! Cũng từ chuyện ăn mà Ăn giỗ cũng mang nhiều hệ lụy thể hiện cái con trong con người.

Vì gặp nhau không thể thiếu chuyện ăn nên ngày xưa mấy cụ đã định ra “hương hỏa”. Để có điều kiện nhang khói, đủ điều kiện tổ chức lâu dài cho ngày gặp nhau, các cụ dành riêng một gia sản có thể sinh ra lợi tức hằng năm hồi đó là ruộng đất mà giao cho người “thừa tự”, dĩ nhiên là con trai trưởng trong gia đình, là cháu đích tôn của một tộc họ. Anh trai Cả phải lo phụng tự, phải lo gìn giữ giềng mối cho gia đình cho họ tộc. Ai đi đâu thì đi chớ anh chàng thừa tự nầy không thể bỏ xứ, bỏ họ tộc mà đi được. Có phải vì vậy chăng mà thời tiến về phương Nam, chỉ có anh thứ hai, thứ ba mới ly hương đến khẩn hoang nơi xứ lạ. Tiến vô Nam không thể có anh Cả ra đi, nên thế thứ lớn nhất trong Trung, trong Nam hiện nay mới gọi với nhau là anh Hai chớ không phải là anh Cả !?

Xem vậy trọng trách của anh chàng thừa tự phải lo gìn giữ giềng mối cho gia đình cho họ tộc, trong đó không thể thiếu là lo chuyện Ăn Giỗ. Các cụ ngày xưa có câu : “Chồng là cái đó, Vợ là cái toi”. Chồng phải đơm đó, phải làm ra của cải, Vợ phải là người biết gìn giữ của cải mà chồng đã làm ra. Nhưng nhiều nàng dâu trưởng đã gìn giữ quá mức cần thiết, đã vặt đầu nầy, vặt đầu kia, ngày Giỗ Họ lại đi giấu món nầy, giếm món nọ. “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, họ hàng sinh ra chuyện đá thúng đụng nia cũng chỉ vì chuyện Ăn giỗ. Thực ra ngày xưa các cụ có khuyên với nhau “Liệu cơm mà gắp mắm”, gặp nhau chỉ cần đĩa dưa muối với chén mắm cà. Thậm chí các cụ còn sắp xếp với nhau “Góp giỗ”, “Gửi giỗ”, anh em trong nhà chung tay lại với nhau lo ngày giỗ quải chớ đâu phải chỉ riêng người được Ăn hương hỏa.

Nhưng kể cũng lạ, từ xưa tới nay cái hợm hĩnh của con người trong chuyện Ăn giỗ không có chút gì giống như lời khuyên của cha ông. Không ít người quan niệm Giỗ là phải mâm cao cỗ đầy mới tỏ là có hiếu nghĩa (hic !). Người xưa kể lại chuyện Góp Giỗ phải mua đủ mười voi về làm cỗ chớ tám con chả bỏ bèn gì. Rồi, thật là “Mười voi chẳng bằng bát nước xáo”. Ngày nay không ít người đã quan niệm giỗ quải là chuyện trả nợ miệng (hic !). Đi Ăn giỗ là để tỏ cho thiên hạ biết mối quan hệ thân thiết của ta với nhà có đám giỗ. Bày giỗ, mời cỗ là để gặp nhau “dzô dzô”, nhân lễ giỗ hậu hĩ mà có của đút lót trá hình, chẳng màng đến người đã khuất có yên lòng ở cõi khác hay không. Đúng là :

Khi sống thì chẳng cho ăn
Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi

Nhưng nói cho cùng, mọi lễ nghi cho người đã khuất đều là để tác động đến người hiện còn ở dương thế. Nếu giỗ mà có mâm cao cỗ đầy, thật ra cũng là điều đáng mừng. Ngày nay ta được ăn sung mặc sướng, sắm được mâm cao cỗ đầy, nghĩ lại mà thương cho người đã khuất thuở sinh tiền gặp nhiều thiếu thốn, khó nhọc, còn phải chắt chiu từng hạt gạo, mớ rau nuôi con khôn lớn, nuôi cháu thành danh. Tại sao bây giờ với cha mẹ, ông bà may mắn hiện đang còn ở với chúng ta, ta không rót được chén nước, không thả được cái mùng, chăm sóc từng miếng ăn, từng giấc ngủ cho người đã già yếu bằng những cái gì mà hiện chúng ta có được … Tu tâm dưỡng tánh làm người thì “Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ mới là chân tu” … Trong những ngày giỗ quải, truyền tải được cho con cháu, cho đời sau rõ ý nghĩa nầy là đã thực hiện được ý nghĩa đạo lý “hương hỏa” của người xưa. Người xưa sống với tính cộng đồng “tứ đại đồng đường”, bốn đời cùng ở chung trong một nhà. Để hiểu người xưa, hướng về cội nguồn, không thể không lưu tâm đến tính cộng đồng của một gia tộc.

Lễ hội Đền Hùng năm 1904

Nói đến giỗ quải trong một gia đình, cũng không thể không nhớ tới ngày giỗ ông Tổ của dân tộc Việt. “Chim phải có tổ, người phải có tông”. Các thị tộc xa xửa xa xưa với niềm tin thiêng liêng, sùng bái một con vật, hoặc một loài cây, một đồ vật nào đó, coi đó là tổ tiên của thị tộc mình (totem). Chưa rõ các nhà nghiên cứu đã đồng thuận tới đâu về việc xác định totem của người Việt là cá sấu hay chim lạc, là rồng hay chim hay là tiên …  Dù sao đi nữa cả nghìn năm qua dân Việt ta đều cho quốc Tổ của ta là các Vua Hùng. Từ lâu trong dân gian truyền lại câu ca :

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Tấm bia “Hùng Miếu Điển Lệ Bi” ở Đền Thượng trên núi Hùng, lập năm Khải Định thứ 8 (1923) đã cho biết các triều đại xưa tế lễ các Vua Hùng vào mùa thu, là mùa có các lễ hội có tính lịch sử cổ xưa. Năm Đinh Tỵ niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), bộ Lễ thuận theo tấu trình của Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc, ấn định ngày mồng 10/3 âm lịch hằng năm (trước ngày giỗ Vua Hùng đời thứ 18 một ngày) làm ngày quốc lễ, ngày cúng giỗ quốc tổ của dân tộc Việt. Xem ra lịch sử ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức hóa bằng luật đã gần được 100 năm. Mãi đến gần đây, ngày 02/4/2007, luật pháp CHXHCNVN mới nâng ngày 10/3 hằng năm thành ngày lễ lớn, cho người lao động nghỉ lễ được hưởng nguyên lương.

Lễ hội Đền Hùng năm 1905

Cũng nhờ từ đây, con cháu của 50 người con vượt đồi non phá rừng núi, khai rẫy nương, con cháu của 50 người con dọc Trường sơn đi xứ Bắc, đi xứ Nam sau bao nhiêu năm vật lộn với miếng ăn đã có lưu tâm hơn, có ý thức hơn về cội nguồn, về tiên tổ. Nhưng cũng thật trớ trêu là khi đã có cái ăn cái mặc, ấm cật no cơm, sự thành tâm của con cháu cho ngày giỗ Tổ đã không vượt qua được những lỗ hổng trong con người mà phải bao đời mới bồi đắp nên vóc nên hình. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2008 xảy ra sự cố lễ vật tiến cúng Đền Hùng bánh chưng nặng 2 tấn bị rữa và lên men, bánh dầy 1 tấn phần lớn nhân bằng xốp. Năm 2010 lại xôn xao chuyện cúng tiến các Vua Hùng chai rượu vodka khổng lồ dung tích 4000 lít, lễ vật dâng lên được diễn giải với tâm niệm “phi tửu bất thành lễ”, không có rượu là không đúng lễ. Phải vậy không (!?) Phải chăng chàng rể đã mua được mười voi về làm cỗ, hay là nàng dâu hợm hĩnh khoe mẽ đã mượn ngày giỗ để quảng cáo thương hiệu (!?). Ấn đền Trần, rồi mới đây loạn ấn đền Hùng, tiên tổ chắc cũng phải khóc ròng trước máu me mượn danh để kiếm tiền của con cháu.

Chuyện Giỗ quải cho người đã mất của người Việt là nhắc nhở cho người còn sống biết quây quần đùm bọc lẫn nhau, nhắc nhở cháu con là uống nước phải biết nhớ nguồn, biết kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Dâng hương trước bàn thờ phải nghiêm trang, quần áo chỉnh tề là tỏ sự thành kính. Cỗ bàn cho ngày giỗ chỉ nén hương, chén nước lạnh cũng đủ sự thành tâm. Giỗ quải dung dị, đơn giản là vậy, nhưng kệch cỡm của đời thường đã biến dạng giỗ quải. Không riêng gì ngày xưa, mà ngay cả ở thời đại ngày nay.

Hoài An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét