Bình Định bấy giờ chỉ
có một nhóm người mà các bạn yêu thơ do Trần Thống ở Kiên Mỹ đại diện, đặt tên
là “Bàn Thành tứ hữu”. Nhóm thơ gồm có: Hàn - Chế - Yến - Quách. Bốn người này
mang tên một con vật trong bộ Tứ linh. Hàn Mặc Tử là Rồng, Chế Lan Viên là Phượng,
Yến Lan là Lân, Quách Tấn là Rùa.
Bấy
lâu nay, giới văn học thường nhắc đến nhóm thơ tiền chiến của Thành Đồ Bàn (tức
Bình Định xưa). Vì biết tôi là con gái của “con Lân” trong nhóm “Tứ linh”, Có
người hỏi: “Thế nào là Trường thơ Bình Định? Vì sao gọi các cụ ấy là Tứ
linh?…”.
Theo sự hiểu biết hạn hẹp, qua những bức thư của bác Quách Tấn gửi cho ba tôi - nhà thơ Yến Lan - tôi xin phép thông tin lại để các bạn yêu thơ hiểu thêm về cái nôi thơ mà người đời thường tâm đắc “Bình Định là đất võ mà ẩn chứa trong mình những bí ẩn về văn chương”.
Trong
bức thư đề “Nha Trang lập xuân 88”, bác
Quách bức xúc viết: “Rất tiếc là không có người có đủ tài, học, tâm, chí để
cùng nhau khai thác kho tàng Văn hóa của Bình Định. Tôi nhận thấy phần đông anh
em làm văn nghệ vì danh, vì lợi hơn là vì bổn phận thiêng liêng. An Nhơn có nhiều
nhân vật văn học và lịch sử lắm, chú và anh em văn sĩ đừng phụ cổ nhân…”.
Theo
bác Quách: “Không có Trường thơ Bình Định, chỉ có Trường thơ loạn gồm: Chế Lan
Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan. Trường thơ này không thể trở thành Trường thơ Bình Định
được”.
Bình
Định bấy giờ chỉ có một nhóm người mà các bạn yêu thơ do Trần Thống ở Kiên Mỹ đại
diện, đặt tên là “Bàn Thành tứ hữu”. Nhóm thơ gồm có: Hàn - Chế - Yến - Quách.
Bốn người này mang tên một con vật trong bộ Tứ linh. Hàn Mặc Tử là Rồng, Chế
Lan Viên là Phượng, Yến Lan là Lân, Quách Tấn là Rùa.
Có
câu thơ bằng tiếng Hán của Nguyễn Đức Sung:
Tấn bộ bồng lai lạc cảnh
khoan
Hoan tình hội họp tứ
thi lang
Trí hân khôi thỏa tâm
hoài vọng
Lang phóng hương nồng
nhập tiểu bang
Tạm
dịch:
Tấn tới bồng lai vui cảnh
tiên
Hoan tình họp mặt bốn hữu
thi
Trí sáng đẹp lòng bao mong
nhớ
Lan tỏa hương nồng nhập xứ
men
(Ghi
chú: Bốn chữ đầu của từng câu là tên của bốn nhà thơ nhắc tới trên. Hoan (Phan
Ngọc Hoan) là tên thật của Chế Lan Viên, Trí (Nguyễn Trọng Trí) là tên thật của
Hàn Mặc Tử).
Và
người đầu tiên đưa tên của nhóm Tứ linh vào thi đàn thời bấy giờ là nhà phê
bình văn học Hoài Thanh.
Còn
tại sao ông Trí lấy bút danh Hàn Mặc Tử: Bút danh đầu tiên và cũng khá nổi tiếng
của ông là Phong Trần. Nhưng nhiều người thấy dáng dấp thư sinh của ông nên
trêu “người mảnh mai như cậu làm sao chịu đựng được phong trần, nó lại không hợp
với vóc dáng của cậu”. Sau đó ông lại đổi là Hàn Mạc Tử (tức rèm lạnh).
Nhưng
bác Tấn vẫn chưa chịu: “Đã có rèm thêm bóng trăng vào, hỏi còn cảnh nào nên thơ
bằng”. Ông Trí ngẫm nghĩ rồi lấy bút ra vạch thêm vành trăng non vào đầu chữ A.
Chỉ thêm một cái dấu mà nghĩa khác hẳn: Hàn Mạc Tử = Rèm Lạnh giờ thành Hàn Mặc
Tử tức Bút Mực
Bút
danh của chú Hoan ban đầu là Chế Bồng Hoan. Một hôm biết ba tôi sắp đi xuống
Qui Nhơn để học, chú đến chùa Ông thăm, thấy trời tối mà ông nội tôi vẫn thắp
đèn tưới cây, và ba tôi ngâm nga:
Rồi đây mỗi ngả một thân đơn
Con ngọn đèn xanh, cha mảnh
vườn
Đêm lụi, đèn tàn ai gạt bấc
Vườn lan ai ấy tưới thay
con.
Nghe
xong chú Hoan cảm động quá nói: “Mình muốn làm một cái gì đó để kỷ niệm câu thơ
của cậu”. Nghĩ một lát chú Hoan reo to: “À mình sẽ đổi bút danh thành Chế Lan
Viên”. Ba tôi cũng thấy đó là ý hay nên đồng ý ngay. Và thế là từ đó trên thi
đàn Việt Nam xuất hiện bút danh mới: Chế Lan Viên.
Về
bút danh của ba tôi thì nhiều người biết rồi. Lúc đầu ông dùng bút danh có khi
là Xuân Khai, có khi Thọ Lâm. Còn Yến Lan là tên ghép của hai giai nhân. Trong
lớp ông dạy có hai cô gái trông khá xinh, chơi thân nhau, một tên là Yến, một
là Lan. Họ thường thì thầm: “Tao, mày chơi thân với nhau như vầy sau này chỉ lấy
một chồng”. Ba tôi nghe được thấy câu chuyện của hai người hay hay nên quyết định
đổi bút danh Xuân Khai thành Yến Lan.
Tuy
xuất thân và trưởng thành từ Gò Bồi - Bình Định, nhưng nhà thơ Xuân Diệu ban đầu
không nhập vào nhóm này. Bác Tấn nói vui: “Xuân Diệu đấm Hàn, thoi Yến, đá
Quách, từ biệt quê hương để ra Hà Nội bắt tay với Huy Cận lập thành nhóm Huy -
Xuân”
Tại
Thu Xà - Quảng Ngãi, nhà thơ Bích Khê lẻ loi, cô quạnh đành lui vào Bình Định
cùng bốn chàng thi sĩ nọ lập thành nhóm Ngũ hành. Nhóm Ngũ hành tuy mới thành lập
nhưng họ rất tâm đầu ý hợp. Chỉ có bác Tấn ở Nha Trang nhưng họ vẫn thường
xuyên vào, ra để thăm nhau.
Ông
cụ tôi tâm sự: “Bình Định là nơi phối hợp để thành quả trứng còn Nha Trang là
lò ấp trứng. Tôi và các bạn đã gửi lại Nha Trang một thời tâm đắc và tuổi trẻ
đam mê, làm sao quên được những ngày tháng cùng nhau học hỏi, vui chơi, nghiên
cứu thơ đường, học chữ Hán”.
Một
thời gian ngắn, Hàn Mặc Tử bị trọng bệnh rồi mất, ông hưởng dương 28 tuổi. Chẳng
bao lâu sau Bích Khê lâm bệnh nặng (lao). Cả nhóm bàn đưa Bích Khê vào Nha
Trang tìm cách nuôi nhau. Họ góp tiền thuê một nhà ở phường Củi cho Bích Khê ở.
Vì
lòng tốt của bạn, được một thời gian Bích Khê lại lặng lẽ bỏ ra đi. Nhà thơ
Nguyễn Đình đã tìm lại được Bích Khê. Sau khi bàn bạc kỹ, nhóm quyết định đưa
ông ra Huế chữa trị và an dưỡng. Về kinh tế, tùy theo hoàn cảnh từng người mà
góp tiền nuôi Bích Khê.
Chú
Chế Lan Viên phải nuôi cha mẹ góp 10 đồng, bác Quách 20 đồng, chú Nguyễn Đình
20 đồng, vì không vướng bận gì nên ba tôi góp 30 đồng. Như vậy mỗi tháng nhà
thơ Bích Khê nhận được 80 đồng, theo tôi biết đó là số tiền rất lớn, cơm tháng
hồi đó chỉ có 4 đồng. Tất cả việc thu và gửi tiền ra Bệnh viện Paskiê cho chú
Bích Khê đều do vợ bác Tấn đảm nhận.
Một
thời gian sau ba tôi nhận được một lá thư viết bằng bút chì:
"Yến Lan
Mình rất cảm ơn cậu và các bạn
đã chăm lo cho mình. Bây giờ mình không thể chịu đựng được nữa, mình đành vĩnh
biệt cuộc sống, vĩnh biệt bạn bè”.
Thời
gian sau, không biết năm nào nhà thơ Xuân Diệu trở về Bình Định, nhập vào nhóm
Ngũ hành để thành nhóm Lục căn (Nhãn - Nhỉ - Tỷ - Thiệt - Thân - ý). Tôi không
biết ai mang bí danh của những bộ phận này vì tên nhóm ít ai nhắc đến .
Trong
nhóm này chú Xuân Diệu là khôn ngoan nhất, bác Quách Tấn thường trêu: “Thằng Diệu
nó chẳng cho ai xem thứ gì khi chưa in thành chữ trên báo bao giờ”. Nhưng điều
này bác lại cho là đúng và đó là kinh nghiệm quý báu trong sáng tác, vì thời
gian sau này bác bị người khác đứng tên trong nhiều bài viết của mình!
Lâm Bích Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét