Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

TỰ SỰ CỦA QUAN HIỆP BIỆN ĐẠI HỌC SĨ

Trần Đình Túc (1816-1899)


Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc (1816 – 1899) người làng Hà Trung, Huyện Gio Linh, Tỉnh Quảng Trị, đỗ cử nhân năm 1842, có tài ngoại giao, làm quan trong giai đoạn đất nước bị họa xâm lăng. Quân dân thất bại liên miên trước vũ khí tối tân của thực dân Pháp, Ông là một trong những đại thần có trọng trách phải đàm phán với quân xâm lược.

Một chuyện nhỏ, có ghi trong gia phả dòng họ Trần Đình : Năm 1883, ông Trần Đình Túc, khâm sai đại thần, đại diện cho triều Nguyễn đi ký hòa ước với Pháp tại Hà Nội. Hòa ước này có 27 khoản, trong đó có khoản 1 đại ý: "Tất cả các nước muốn giao thương với nước Nam thì phải được sự đồng ý của Chính phủ Pháp". Đọc xong, chưa ký, ông Túc có ý kiến, xin sửa lại thêm: "Tất cả các nước (kể cả Trung Quốc) muốn giao thương với nước Nam…".

Phía Pháp thấy không có gì trở ngại nên đồng ý sửa đổi. Thế nhưng, chính vì việc mở ngoặc thêm như vậy nên sau khi hòa ước được ký thì rắc rối cho Pháp. Trung Quốc cho rằng: Pháp chỉ đích danh Trung Quốc, muốn gây hấn với Trung Quốc. Và tinh thần bài Pháp nổi lên ở Trung Quốc mạnh mẽ. Âu đó cũng là cái tài khéo léo, thâm thúy của một nhà nho làm ngoại giao.

NonNuoc BinhKhe giới thiệu Tự sự của ông, nguyên tác bằng chữ Nôm, bản dịch do Lão nông thi sĩ Linh Đàn chuyển cho, có đính kèm Tiểu sử của Ngài Hiệp Biện do cháu 5 đời của cụ là Trần Đình Tài chấp bút.

TỰ SỰ
Hiệp Biện Đại Học Sĩ TRẦN ĐÌNH TÚC

Nay mừng Năm cũ đã qua
Thung dung mới kể nôm na vài lời
Đã sinh ra đứng (đấng) làm trai
Ở sao cho xứng những lời dạy khuyên
Tam xuân tất cả chưa đền
Mười ân đã mất ba nguyền lại vương
Tình kia hiếu nọ đôi đường
Ơn bằng trời đất nghĩa dường núi sông
Tội riêng như đá chất chồng
Niềm chung nghĩ đến hãi hùng xiết bao
Thung đường tuổi hạc càng cao
Mười đời trâm hốt(a) quang hào hiển vinh
Đôi phen trọng trấn Long Thành
Nhờ ơn chín bệ(b) thỏa tình bốn phương
Thỉnh hữu lũy sớ liên chương
Chín tầng(b) trên cũng rộng thương tôi già
Từ thành thị, giã phồn hoa
Tạ Nùng Sơn, biệt Nhị Hà lui xe
Từ đây gió huệ đưa che
Làng nhà hơn tháng phút về đến nơi
Người tiếp rước kẻ khuyên mời
Những câu thanh cát những lời hàn huyên
Tiệc nầy thân thích dưới trên
Chỉ Xuân Kinh(c) lại tách miền xa xăm
Đồng liêu tay bắt tay cầm
Chen vai hàng lệ sang sân lạy quỳ
Chờ cho muôn đội hàng uy
Tăng gia phẩm cấp sử ghi tiếng vàng
Cát nhân thiên tướng ngự ban
Nóc mưu đầu đội thanh nhàn chân lui
Bàn Môn cây cỏ đua tươi
Trăng Hương Bình gió Ứng Đôi đón chào
Mừng mừng rỡ rỡ xinh sao
Chắt reo trong sảnh, cháu chào ngoài sân
Thảnh thơi bỏ lúc phong trần
Vườn Xuân một thuở - bản Xuân muôn ngày
Cầm đàn cầm độ đưa tay
Tiệc vui thôn ấp, lộc đầy đỉnh chung
“Một đời được mấy anh hùng”
Kìa nhà Bùi Độ(d) - nọ cung Hàn Kỳ(e)
Nền văn học món cầm thi
Trước so Văn Cử (f), sau bì Tạ An(g)
Cổ nhân vầy tiệc truy hoan
Đàn thông phách suối tơ vàng thảnh thơi
Công tu cùng nặng hai vai
Anh khen em hiếu em thời anh trung
Bút nghiên về với xóm làng
Sớm hôm cần mẫn điểm trang ruộng đồng
Bạn bè cùng với lão nông
Đào sông ngăn đập thỏa lòng bấy nay
Dạy con cháu - nhắc tớ đầy
Đứa chèn hói nọ, đứa cày ruộng kia
Tiếng chim thánh thót quanh hè
Cá tung tăng nhảy dưới khe lững lờ
La Ông lụm cụm chào thưa
Ruộng xưa ta đắp bây giờ đã nên
Hơn năm trăm mẫu thành điền
Công dân mọn mọn, nhờ quyền cao cao
Xin dâng dưỡng lão chốn nào
Kẻo lòng trên dưới ước ao những ngày
Biết tình cố cựu xưa nay
Ơn Vua ban cấp lộc đầy chung thân(h)
Chi phiền của lính công dân
Lãnh phần ruộng ấy xin dâng lại Làng.
Hội Xuân mát mẻ vừa sang
Trúc reo tiếng hát đào ran giọng cười
Nước Hương Bình vẫn trôi xuôi
Cá tôm luống những đượm mùi quê hương
Tóc râu ngoài độ điểm sương
Phơ phơ đầu bạc sắp sang bát tuần
Hỏi ai còn mấy mùa xuân
Hỏi duyên kỳ ngộ Châu Trần mấy khi

Lao nhân trời đã dành chia
Ngửa nghiêng với sách mệt mề theo bông
Duyên cá nước - hội mây rồng
Phút đâu lại thấy tơ lòng dục đôn(i)
Một lời dặn khắp cháu con
Guốc tre gác lại cửa son bước vào(k)
Quên mình ra vẻ trâm đào
Ngập ngừng bước thấp bước cao lạy quỳ
Lệnh truyền đâu dám suy bì
Bắc Nam là phận truy tùy đã quen
Chín tầng đã nhớ đến tên
Một lòng xin quyết muôn truyền họa may
Hỏa cơ thuyền khói xa bay
Theo chân một trẻ vài ngày đến nơi
Công đường gươm dáo sáng ngời
Bốn phương súng đạn một trời lầm than
Cờ Đen Vĩnh Phúc kéo sang (l)
Áo ào gió thổi bụi đường chiến chinh
Thương thay vận nước dân mình
Đông tây hai ngả hãm thành Thăng Long
Đòi phen lưỡng hổ tranh hùng
Thứ dân vô tội, Hoàng cung rối bời
Triều Thần còn chỉ một hai
Phụng vâng chiếu chỉ, đơn sai đàm nào
Nghĩ mình Khâm mạng trời cao
Trong cơn nước lửa liệu sao vuông tròn
Thương người lòng dạ sắt son
Cổ thành tuẩn tiết sữ còn lưu danh
Luân hồi sanh tử tử sanh
Phận mình đâu trót dân tình sao đây?
Quân Tàu hạ sát tướng Tây
Trên Ô Cầu Giấy máu đầy thịt phơi(l)
Một mình chống chọi đôi nơi
Là đem dân chúng chôn vùi thảm thê
Thiệt hơn phải chịu một bề
Cửu trùng đã có châu phê nghị hòa
Nước nhà khỏi bước phong ba
Thanh bình cho đỡ phiền hà lê dân
Bắc Hà giao lại quan quân
Kinh kỳ trở gót, trước sân lạy quỳ
Vua ban “Xữ thế tùy nghi”
Lão lai tài tận xin về cố hương
Hồ Sơn ngào ngạt đua hương
Sử xanh ghi lại mấy chương tâm tình
Nợ nần từ buổi thư sinh
Trân cam từ buổi tóc xanh đã từng
Đỉnh chung đâu dám phụ lòng
Điền viên vui thú Ngư Ông tháng ngày
Rôi đây thế cuộc vần xoay
Một lòng chung thủy dở hay khôn lường
Đời người có lúc sang trang
Chuyện đời còn mãi rõ ràng trước sau
Dặn dò con cháu đôi câu
Hiếu trung tiết hạnh khắc sâu trong lòng./.

------------------------------------------

a) Trâm Hốt  =  Cái trâm cài đầu, và cái hốt cầm tay, người quyền quý, - ngày xưa thi đậu tiến sĩ  hay làm đến Đường quan mới có trâm hốt (Hán Việt Từ Điển - Đào Duy Anh)
b) Chín bệ, chín tầng = Cửu Trùng là vua
c) Xuân Kinh  =  Kinh Thành Phú Xuân = là Huế
d) Bùi Độ 裴度 (765-839) tự Trung Lập 中立, người Văn Hy, Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên, được bổ làm Giám sát ngự sử, sau được thăng làm Ngự sử trung thừa rồi làm đến chức Tể tướng. Năm Nguyên Hoà thứ 12 (817), Ngô Nguyên Tế chiếm giữ Thái Châu (Hoài Tây) nổi loạn chống triều đình. Tháng bảy, ông được phong làm Hoài Tây tuyên uý chiêu thảo sứ đi đánh dẹp. Sau khi dẹp được loạn, ông được phong tước Tấn quốc công, về sau hoạn quan chuyên quyền, ông từ quan về ở Lạc Dương. Khi mất, ông được phong thuỵ là Văn Trung. Trong "Toàn Đường thi" hiện còn mười tám bài thơ của ông.
e) + f) chưa tim ra điển tích (NNBK :  có thể Hàn Kỳ là tể tướng triều Tống Anh Tông và Tống Thần Tông, đồng liêu với Tư Mã Quang, Phạm Trọng Yêm, còn Văn Cử có lẽ là Thừa tướng Văn Thiên Tường đời Nam Tống chăng)
(g) Tạ An người đời Đông Tấn (265-420) là một nhà thế phiệt trâm anh, lúc thư nhàn thường hay chở rượu đến Đông Sơn, cùng các k nữ hòa nhạc vui chơi, lúc hưng thịnh chim én về làm tổ đầy nhà, lúc suy vong chim én bay đi hết, để phân biệt người sang kẻ hèn. Họ Vương, họ Tạ thời ấy thường mặc áo đen, nên người đời nói cửa ngõ của Vương, Tạ là "Ô - Y hạng" = là hẻm áo đen, sau nầy có bài thơ Ô Y  Hạng của Lưu Vũ Tích
Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia.
h) Cấp ruộng đất để làm hưu bổng đến hết đời. nhưng rộng đất ấy Ông đem chia cho dân làng.
i) Dục Đôn = Tiếng Việt cổ = cõi lòng thấy thúc dục, và đôn đốc hối hả.
k) Đoạn nầy tác giả tả lúc hồi hưu ở Bàn Môn, tỉnh Thừa Thiên, nhưng vua triệu hồi nhân lệnh mới
l) Lưu Vĩnh Phúc :  Chủ tướng giặc khách quân Cờ Đen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét