Trước
tháng Tư năm 1975, từ bến xe Qui Nhơn băng qua đường Gia Long, theo đại lộ Võ
Tánh, đi về phía biển, cuối cùng gặp đường Nguyễn Huệ, rẽ mặt về hướng Tây Nam.
Con đường Nguyễn Huệ chạy dọc theo bờ biển, bên trái là xóm dân chài Khu Hai,
bên mặt có Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Qui Nhơn, rồi qua khúc quanh Eo Nín Thở, đến
ngã ba Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Lộc, ở góc đường phía Tây là cơ sở Quân Sự. Vẫn
trên con đường Nguyễn Huệ, từ đây, bên trái là bãi Thùy Dương; bên phải, đi một
quãng nữa, sẽ gặp Trường Trung Học Vi Nhân, rồi Trường Sư Phạm Qui Nhơn, kế đến
là Trường Trung Học Kỹ Thuật, tiếp theo có Quân Y Viện và kho Y Dược 720 của
Quân Đoàn 2. Nơi đây, qua khỏi ngả ba, là khu vực Ghềnh Ráng, nếu vẫn tiếp tục
đi trên đường Nguyễn Huệ, bên phải là phía hông của Trung Tâm Huấn Luyện Nhân
Dân Tự Vệ của ông Võ Trấp, nằm dựa lưng vào núi Vũng Chua. Và bên trái, nhìn
lên chân đồi là mộ Hàn Mạc Tử .
TRƯỜNG SƯ PHẠM QUI NHƠN
Có
thể nói Trường Sư Phạm Qui Nhơn là trường cao cấp nhất tại Qui Nhơn thời bấy giờ.
Nhiệm vụ chính là đào tạo Giáo chức ngạch Giáo Học Bổ Túc cho các tỉnh Miền
Trung. Ngoài ra, theo Trần Đình Thái [1], Trường còn giữ vai trò mở những khóa
Tu nghiệp vào dịp ba tháng nghỉ hè, cho Giáo viên Tiểu học tại các Ty Tiểu Học
thuộc Vùng I và Vùng II.
I - Quá trình thành lập:
Trường
Sư Phạm Qui Nhơn thành lập bởi Nghị định số 701- GD/BC/NĐ, ký ngày 10- 5- 1962,
của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa [2]. Trường được xây cất trên thửa đất
rộng ở Khu Sáu, mặt tiền ngó ra Biển Đông và giáp đường Nguyễn Huệ. Theo Trần
Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn [3], đồ án với kinh phí 20 triệu [4] xây cất trong
18 tháng mới xong, và khánh thành ngày 3 tháng 10 năm 1962. Cơ sở gồm hai dãy lầu
với đầy đủ phòng học, giảng đường, thư viện, phòng âm nhạc, câu lạc bộ, trung
tâm Y tế và chỗ ở cho một số viên chức nhà trường.
H
2: Cổng Trường Sư Phạm QN trước năm 1975
Ảnh
từ Đặc San Sư Phạm Qui Nhơn - 2012.
Tháng
12 năm 1967, trường xây cất thêm khu nội trú với kinh phí 737.761 Mỹ Kim và
11.320.754 đồng Việt Nam [5], gồm hai dãy lầu 3 tầng, một cho nam giáo sinh và
một cho nữ giáo sinh, cách biệt nhau.
II - Quy chế nhập học:
Muốn
vào học Trường Sư Phạm Qui Nhơn phải có bằng Tú tài 1 trở lên, tuổi từ 18 đến
26, tình trạng Hợp lệ Quân dịch (cho Nam ứng viên), và qua kỳ thi tuyển.
Thí
sinh trúng tuyển phải làm giấy cam kết phục vụ cho ngành giáo dục ít nhất là 10
năm, sau khi tốt nghiệp. Khóa học trong hai năm, tốt nghiệp với ngạch Giáo Học
Bổ Túc. Trong 3 khóa đầu, chỉ số lương 320, từ khóa 4 tăng thành 350. Các khóa
trước cũng được điều chỉnh chỉ số và truy lãnh [6].
Giai
đoạn đầu (1962- 1969), Trường thu nhận giáo sinh tất cả các tỉnh Miền Trung từ
Quảng Trị đến Phan Thiết. Từ các niên khóa 1969- 1975, Trường chỉ thu nhận giáo
sinh 5 tỉnh gồm Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn. Và niên
khóa 1972- 1973, Trường có khoảng gần 1000 giáo sinh, tính cả học viên năm thứ
nhất với năm thứ hai.
H
3: Trước sân Trường Sư Phạm QN (nk.1967- 1968)
Ảnh
từ Đặc San Sư Phạm Qui Nhơn, 2009.
III - Vấn đề nội trú:
Sư
Phạm Qui Nhơn thu nhận giáo sinh cho tất cả các tỉnh Miền Trung, nên ngay từ
niên khóa đầu, nhà Trường đã nghĩ đến việc nội trú cho những giáo sinh từ xa đến.
Nhưng lần xây dựng đợt đầu (1961), chú trọng vào trường sở, nên phương tiện nội
trú còn hạn chế, nhà trường chỉ nhận nội trú cho nữ giáo sinh. Tháng 12 năm 1967,
xây cất đợt hai, dành cho hai khu nội trú, gồm một cho nam và một cho nữ, cách
biệt nhau.
Mỗi
khu nội trú có: 1 Văn phòng, 1 Phòng khách khá rộng rãi đủ cho các Giáo sinh tiếp
thân nhân cùng lúc, 1 Phòng phát thuốc, 1 Nhà giặt, 1 Nhà ủi quần áo, 7 Khu nhà
tắm và vệ sinh, 6 Đơn vị cư trú dành cho Quản đốc và Giám thị, Khu công viên và
sân chơi cho giáo sinh.
Niên
khóa 1968- 1969, có 393 nữ giáo sinh nội trú. Kể từ niên khóa1969- 1970, hai
khu nội trú mới hoàn thành, có thể chứa 392 nam và 312 nữ. Cứ 4 giáo sinh ở một
phòng riêng, với đầy đủ tiện nghi cho từng người như giường, nệm, tủ gương, bàn
ghế, kệ sách v.v... [7].
IV - Chương trình giáo
khoa:
Khóa
trình năm thứ nhất [8], phân phối số giờ học trong một tuần, gồm các môn chuyên
nghiệp như: Sư phạm Lý thuyết 4 giờ, Sư phạm Chuyên biệt 2 giờ, Giáo dục Cộng đồng
4 giờ, Tâm lý Giáo dục 2 giờ, Luân lý Chức nghiệp 1 giờ, Giáo dục Y tế (Y tế Học
đường) 1 giờ, Hoạt động Thanh niên 1 giờ, Dụng cụ Giáo khoa 2 giờ, Canh nông 2
giờ, Thủ công 1 giờ, Thể dục 2 giờ, Âm nhạc 1 giờ. Ngoài ra, còn các môn nâng
cao trình độ học vấn như: Quốc văn 2 giờ, Sinh ngữ 2 giờ, Toán học ứng dụng 2
giờ, Hội họa 1 giờ. Tổng cộng, giáo sinh phải học mỗi tuần 30 giờ.
H
4:Lớp 6, khóa 3, năm thứ nhất (nk.1964- 1965)
Trong
giờ dạy của Thầy Dương Minh Ninh [9].
Ảnh
từ Cuongde.org
Khóa
trình năm thứ hai [10], gồm các môn: Sư phạm Thực hành 8 giờ, Quản trị và Thanh
tra Học đường 2 giờ, Giao tế Xã hội 1 giờ, Kinh tế Chính trị 2 giờ, Giáo dục Cộng
đồng 4 giờ, Các vấn đề Giáo dục 2 giờ, Thể dục 2 giờ, Hoạt động Thanh niên 1 giờ,
Giáo dục Phụ nữ (cho nữ giáo sinh) 2 giờ, Ngành mộc (cho nam giáo sinh) 2 giờ.
Ngoài ra cũng học môn Quốc văn 2 giờ, Sinh ngữ 2 giờ, Âm nhạc 1 giờ, Hội họa 1
giờ, để trau dồi trình độ văn hóa. Tổng cộng 30 giờ mỗi tuần.
V - Vấn đề thực tập:
Với
Trường Sư Phạm Qui Nhơn, năm thứ nhất nặng về Sư phạm Lý thuyết, sang năm thứ
hai chương trình đào tạo đặt trọng tâm vào Sư phạm Thực hành, 8 giờ mỗi tuần.
Ba khóa đầu (1662- 1965), chưa lập Trường Sư Phạm Thực Hành, giáo sinh phải thực
tập lưu động ở các trường Tiểu học gần với Trường Sư Phạm. Từ khóa Bốn, giáo
sinh thực tập giảng dạy ở Trường Sư Phạm Thực Hành.
Theo
Giáo sư Đặng Văn Bồn [11], do nhu cầu phát triển mạnh và nhanh của nền Giáo Dục
Cộng Đồng, ngay từ năm thứ nhất và cả năm thứ 2 của Trường Sư Phạm Qui Nhơn,
môn này cũng được chú trọng hàng đầu, với 4 giờ 1 tuần. Và trong kỳ thi tốt
nghiệp, cũng chiếm hệ số cao nhất. Ở năm thứ nhất, giáo sinh được thực hiện đường
lối Giáo Dục Cộng Đồng, bằng cách về các vùng nông thôn thực tập Nghiên Cứu Địa
Phương, dưới dạng cắm trại. Nội quy sinh hoạt, giống hệt như trại các đoàn thể
Hướng Đạo, Phật Tử, Thanh Sinh Công.
H
5: Giáo sinh đi thực tập Giáo dục Cộng đồng.
Ảnh
từ Đặc San Sư Phạm Qui Nhơn, 2009.
Nếu
năm thứ nhất, giáo sinh thực tập môn Giáo dục Cộng đồng bằng những Trại Nghiên
Cứu Địa Phương. Từ đó, tiếp cận với Cộng Đồng, phát hiện được những nhu cầu của
dân chúng cần cải thiện như: nước uống trong lành, bài trừ sán lãi, giáo dục
tráng niên... Năm thứ hai, đặt kế hoạch giải quyết những nhu cầu ấy, bằng cách
tổ chức các hoạt động xã hội. Chẳng hạn như mở đêm văn nghệ dân gian, thu hút
quần chúng đến xem. Nhân đó, phổ biến cách thức cải thiện đời sống của họ. Việc
làm này gọi là "Thực hiện chủ điểm giáo dục".
Ngoài
ra, Trường Sư Phạm Qui Nhơn còn tổ chức những lần thực tập môn Giao tế Xã hội,
như viếng thăm Trại Phong Qui Hòa, các cơ sở từ thiện...
H
6: Giáo sinh, trước giờ đi thăm Trại Phong Qui Hòa.
Ảnh
từ Đặc San Sư Phạm Qui Nhơn, 2009.
Sau
hai năm học, giáo sinh phải qua kỳ thi tốt nghiệp, căn cứ trên số điểm tổng kết,
giáo sinh theo thứ tự ưu tiên chọn nhiệm sở trong các tỉnh thuộc khu vực hoạt động
của Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Xem ra, chương trình đào tạo ngạch Giáo Học Bổ
Túc, không chỉ là một thầy giáo thuần túy dưới mái học đường, mà còn mang sứ mạng
tiếp cận với quần chúng thực hiện Giáo Dục Cộng Đồng.
VI - Ban Giám Đốc:
Từ
năm 1962 đến 1975, trường Sư Phạm Qui Nhơn, mở được 13 khóa [12], trải qua ba đời
Hiệu trưởng. Đầu tiên là Đinh Thành Chương, kế nhiệm Nguyễn Trọng Lương và vị
Hiệu trưởng sau cùng là Trần Văn Mẫn. Trường cũng có bốn đời Giám học: đầu tiên
là Cao Minh Khải, rồi đến Trần Văn Mẫn (lên làm Hiệu trưởng), kế tiếp là Lê
Minh Tâm, sau cùng là Võ Sum (có Phụ tá Giám học là Dương Quang Phùng). Các vị
Tổng Giám thị có: Đinh Thành Chương, Nguyễn Trọng Lương, Trần Văn Mẫn, Nguyễn
Khàm, Đặng Ngọc Tuấn, Đặng Văn Bồn, Phan Minh Ba, Đoàn Việt Tuyền, Đặng Văn
Tháo. Ngoài ra, Trường còn có bốn vị Quản đốc Nội trú: Nguyễn Dũ, Lê Thị Hậu,
Công Tằng Tôn Nữ Nghi Trinh, Nguyễn Thị Đính [13].
H
7: Mời các Thầy Cô tham dự buổi tiệc liên hoan tại Trường.
Ảnh
từ Cuong de.org
VII - Thành phần Ban Giảng Huấn:
Trong
13 năm hoạt động của Trường Sư Phạm Qui Nhơn, số giáo sư thay đổi tùy theo sự
phát triển của Trường. Vì vậy danh sách này liệt kê không đầy đủ, chỉ mang tính
cách tương đối, và tính vào thời điểm những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập
niên 1970.
01/
Thầy Võ Đình Ái dạy môn Thể dục.
02/
Thầy Lê Văn Ba dạy môn Quốc Văn.
03/
Thầy Nguyễn Văn Ba dạy môn Hoạt động Thanh niên.
04/
Thầy Phan Minh Ba dạy hai môn: Hoạt động Thanh niên và Thể dục.
05/
Thầy Đinh Thành Bài dạy hai môn: Sư phạm Thực hành, Vấn đề Giáo dục Học đường.
06/
Thầy Đặng Văn Bồn dạy hai môn: Giáo dục Cộng đồng, Dụng cụ Giáo khoa và Thính
thị.
07/
Thầy Võ Thành Công dạy môn Tâm lý Giáo dục.
08/
Thầy Hồ Văn Cứ dạy môn Hoạt động Thanh niên.
09/
Thầy Hồ Sĩ Duy dạy môn Quốc Văn.
10/
Thầy Đức dạy môn Karate (Môn võ tự vệ của Nhật Bản).
11/
Cô Lê Thị Mộng Hòa dạy môn Hội họa.
12/
Thầy Phạm Sĩ Học dạy môn Vận dụng Khoa học.
13/
Cô Nguyễn Thị Kim Hưng dạy môn Canh nông.
14/
Thầy Song Nhi Hoàng Hy dạy môn Âm nhạc.
15/
Thầy Kellog dạy môn Anh văn.
16/
Thầy Phạm Xuân Khuyến dạy môn Anh văn.
17/
Thầy Lương Thế Kiệt, Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Thực Hành, dạy môn Sư phạm Thực
hành.
18/
Thầy Đinh Kim dạy hai môn: Sư phạm Thực hành và Quốc văn.
19/
Cô Langley dạy môn Anh văn.
20/
Thầy Lê Ngọc Linh dạy môn Quốc Văn và Ngữ pháp.
21/
Thầy Nguyễn Trọng Lương dạy hai môn Anh văn và Toán học Ứng dụng.
22/
Thầy Trần Văn Mẫn dạy hai môn: Giao tế Xã hội và Anh văn.
23/
Thầy Dương Minh Ninh dạy môn Âm nhạc.
24/
Thầy Nguyễn Văn Nở dạy môn Tâm lý Giáo dục.
25/
Thầy Dương Quang Phùng dạy môn Quốc Văn.
26/
Thầy Võ Sum dạy hai môn: Giao tế Xã hội và Pháp văn.
27/
Thầy Tôn Thất Tạ dạy môn Pháp văn.
28/
Thầy Nguyễn Trí Tài dạy môn Anh văn.
29/
Thầy Lê Minh Tâm dạy môn Quốc Văn.
30/
Thầy Đoàn Nhật Tấn dạy các môn: Sư phạm Lý thuyết, Sư phạm Thực hành, Giao tế
Xã hội.
31/
Thầy Đặng Văn Thảo dạy hai môn: Giáo dục Cộng đồng, Dụng cụ Giáo khoa và Thính
thị.
32/
Thầy Phan Thâm dạy môn Hội họa.
33/
Thầy Bùi Thường dạy hai môn Hội họa, Thủ công.
34/
Thầy Nguyễn Kim Tính dạy môn Giáo dục Cộng đồng.
35/
Thầy Lê Văn Toản dạy hai môn: Sư phạm Lý thuyết, Quản trị và Thanh tra Học đường.
36/
Thầy Nguyễn Văn Tôn dạy môn Kinh tế Chính trị.
37/
Thầy Nguyễn Xuân Triêm dạy môn Thể dục.
38/
Thầy Tôn Thất Tuân dạy hai môn Sư phạm Thực hành và Pháp văn.
39/
Thầy Trần Quý Tuệ dạy môn Sư phạm Thực hành.
40/
Quý Thầy Trường Sư Phạm Thực Hành dạy hai môn Sư phạm Thực hành và Thể dục
[14].
H
8: Thầy dạy và Giáo sinh chụp ảnh kỷ niệm trước khi mãn khóa.
Ảnh
từ Cuongde.org
TRƯỜNG SƯ PHẠM THỰC
HÀNH
Nếu
Qui Nhơn không có Trường Sư Phạm, dĩ nhiên không bao giờ thành lập Trường Sư Phạm
Thực Hành. Nhưng nếu chỉ mở Trường Sư Phạm Qui Nhơn, mà không có Trường Sư Phạm
Thực Hành kèm theo, thì việc đào tạo viên chức ngạch Giáo Học Bổ Túc chưa trọn
vẹn. Vì vậy, khi nói đến Trường Sư Phạm Qui Nhơn, chúng ta không quên nhắc đến
Trường Sư Phạm Thực Hành.
Ngôi
trường được xây cất tại Khu 6, kinh phí 500.000 đồng, do Quốc Trưởng Phan Khắc
Sửu tặng, lúc ra thăm Qui Nhơn [15]. Cơ sở này là hai dãy nhà trệt, hình chữ L,
gồm 9 phòng, nằm đối diện với trường Tiểu Học Đồng Tiến và phía hông mặt giáp
đường Nguyễn Thái Học. Trường được mang tên là Sư Phạm Thực Hành và bắt đầu hoạt
động từ niên khóa 1965- 1966. Tính đến niên khóa 1972- 1973, Trường có 12 lớp
(2 mẫu giáo, 10 tiểu học) với 480 học sinh. Lương Thế Kiệt làm Hiệu trưởng từ đầu
đến năm 1975.
Đây
là trường tiểu học kiểu mẫu dành cho Giáo sinh Trường Sư Phạm (kể từ khóa 4) thực
tập. Phòng học rộng rãi, mỗi lớp 40 học sinh, bàn học cá nhân, học cụ đầy đủ,
có cả một thư viện. Ngoài ra, Trường có một sân chơi rất rộng, đủ tiện nghi,
đáp ứng nhu cầu về môn Thể dục và Hoạt động Thanh Niên. Như vậy, Trường Sư Phạm
Thực Hành vừa dạy học sinh từ mẫu giáo đến tiểu học, vừa đào tạo giáo sinh.
Ngoài ra, hằng năm trong ba tháng hè, còn dùng trường này để tu nghiệp giáo
viên từ các nơi gửi về. Nghiệp vụ này cũng do Trường Sư Phạm đảm trách.
Tóm
lại, Trường thu nhận học sinh cấp 1 và giảng dạy chương trình Tiểu học, nhưng mục
đích chính là dành cho giáo sinh thực tập và luyện tay nghề. Giờ thực tập của mỗi
Giáo sinh, có Thầy dạy ở Trường Sư Phạm đến hướng dẫn và chấm điểm, có Giáo
viên phụ trách lớp dự khán phê bình, có các Giáo sinh cùng lớp dự thính để học
hỏi. Vì vậy, cũng có thể coi là trường Cao đẳng, đào tạo thầy giáo ngạch Giáo Học
Bổ Túc.
THAY LỜI KẾT
Năm
1962, Trường Sư Phạm đến với Qui Nhơn thắm duyên tình nghĩa. Qui Nhơn phát triển
nhanh chóng nhờ có Trường Sư Phạm, ngôi trường duy nhất đào tạo Giáo Học Bổ Túc
của Miền Trung (thời bấy giờ), thành lập với kinh phí khổng lồ và kiến trúc hiện
đại. Trường lại thu nhận Giáo sinh từ tỉnh Quảng Trị đến Phan Thiết, nên được cả
Miền Trung chú ý đến, vì hằng năm con em họ, về đây ứng thí vào ngành Sư Phạm.
Lại nữa, Giáo sinh có dịp biết nhiều đến một vùng "đất lành chim đậu"
qua hai năm học. Cũng không ít Giáo sinh khác tỉnh đã tính chuyện vàng đá với
người địa phương và lập nghiệp tại Qui Nhơn.
Ngược
lại, Trường Sư Phạm cũng được vinh hạnh tọa lạc trên Miền Đất Võ Tây Sơn Tam Kiệt
[16], vùng đất địa linh nhân kiệt. Chính nơi bờ biển Qui Nhơn, Trần Khắc Chung
giải cứu Huyền Trân Công Chúa, thoát cuộc hỏa đàn. Đầm Thị Nại còn để lại trang
quân sử những trận hải chiến trời long đất lở giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Một
Vùng Đất có Chú Lía [17], chọc trời khuấy nước, một Á Vương, đúng hơn là một
"Từ Hải" của phủ Qui Nhơn. Một Vùng Đất có Mai Nguyên Soái [18] hào
hùng, lãnh tụ Cần Vương của Bình Định. Một Vùng Đất có Danh Nhân Văn Hóa Đào Tấn
[19] là một Nhà thơ, Nhà lý luận sân khấu, Nhà viết tuồng lỗi lạc. Chưa hết,
nơi đây, còn có "Bàn Thành Tứ Hữu", bốn nhà thơ nổi tiếng [20] của tiền
bán thế kỷ 20.
Và
trên hết, phủ Qui Nhơn có Thành Hoàng Đế oai hùng, một thời vang bóng. Vùng Đất
sản sinh ra những tướng lãnh Tây Sơn kỳ tài [21], với đạo quân thần tốc, đánh
Nam dẹp Bắc, thống nhất đất nước (1786), tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm (1784) và 20
vạn quân Thanh (1789) trong một thời gian ngắn kỷ lục.
H
9: Trường Sư Phạm QN, chụp từ cổng vào (1967- 1968).
Ảnh
từ Đặc San Sư Phạm Qui Nhơn, 2009.
San Jose, ngày 15-
7- 2011.
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
GHI CHÚ
[1]
Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn (Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản,
1973); trang 55.
[2]
Đoàn Thêm; Hai Mươi Năm Qua, Việc Từng Ngày (1945- 1964), tái bản ở Hải Ngoại;
trang 321.
[3]
Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn; trang 55.
[4]
Trần Vũ Mỹ Trân; Đôi Nét về Trường Sư Phạm Qui Nhơn; "Đặc San Sư Phạm Qui
Nhơn 2009"; trang 370 và 371: Kinh phí xây cất Trường Sư Phạm Qui Nhơn là
19.389.199 đồng Việt Nam.
[6]
Khóa 3 (1964- 1966) ra trường vẫn chỉ số lương là 320, nhưng khoảng 3 hay 4
tháng sau chỉ số được điều chỉnh thành 350, và truy lãnh từ tháng 9 năm 1966.
[5,
7, 8, 10] Trần Đình Thái, sách đã dẫn, từ trang 55 đến 57.
[9]
Trong ảnh có hàng chữ, viết nét mực màu tím, "Trường Sư Phạm Qui Nhơn
1960". Nhưng thời điểm năm 1960, Qui Nhơn chỉ có Sư Phạm Cấp Tốc; hơn nữa,
lối kiến trúc phòng ốc và bàn học trong ảnh đúng là: Trường Sư Phạm Qui Nhơn, bậc
Cao Đẳng, đào tạo Giáo Học Bổ Túc, thành lập và đưa vào hoạt động từ ngày 3
tháng 10 năm 1962.
Email
ythnguyen@yahoo.com ngày 16- 6- 2012 của cựu giáo sinh Nguyễn Thy Tứ (người ngồi
đầu bàn của bàn đầu, mặc áo dài trắng), hiện ở Canton (GA) đã xác nhận: Đây là ảnh
chụp vào niên khóa 1964- 1965 tại Lớp Sáu, Năm thứ nhất, Khóa 3, Trường Sư Phạm
Qui Nhơn.
[11]
Đặng Văn Bồn; Nhìn Về Một Khung Trời; "Đặc San Sư Phạm Qui Nhơn
2009"; trang 5- 10.
[12]
Đúng ra, Trường Sư Phạm Qui Nhơn mở được 12 khóa rưỡi, gồm: Khóa 1 từ 1962-
1964; Khóa 2 từ 1963- 1965; Khóa 3 từ 1964- 1966; Khóa 4 từ 1965- 1967; Khóa 5
từ 1966- 1968; Khóa 6 từ 1967- 1969; Khóa 7 từ 1968- 1970; Khóa 8 từ 1969-
1971; Khóa 9 từ 1970- 1972; Khóa 10 từ 1971- 1973; Khóa 11 từ 1972- 1974; Khóa
12 từ 1973- 1975; Khóa 13 chỉ học được năm thứ nhất (1974- 1975), rồi gặp biến
cố Tháng Tư Năm 1975, Trường SPQN bị xóa tên.
[13,
14] Đặng Văn Bồn sưu tập; Cơ Cấu Trường Sư Phạm Qui Nhơn; "Đặc San Sư Phạm
Qui Nhơn 2008"; trang 14- 16. Và Nguyễn N. Nghĩa, cựu Giáo sinh SPQN, khóa
6; Email RBC4Career@aol.com (Wed, July 13, 2011, 11:33:49 PM); trang 1.
[15]
Trần Vũ Mỹ Trân, Đôi Nét về Trường Sư Phạm Qui Nhơn, trang 374, chép:
"...do Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu tặng một triệu đồng khi đến thăm Qui
Nhơn..."
Trần
Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn, trang 57, ghi là "... kinh phí nửa triệu đồng
do Ông Phan Khắc Sửu, lúc đó là Quốc Trưởng VNCH, tặng."
[16]
Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc (?- 1793), Nguyễn Huệ (1753- 1792), Nguyễn Lữ (?-
1788), người ấp Kiên Mỹ, xã Bình Thành; nay thuộc thị trấn Phú Phong.
[17]
Chú Lía, tên là Võ Văn Doan, sống vào thời Chúa Nguyễn, người huyện Phù Ly, nay
là Phù Mỹ. Một tướng cướp có lương tâm, lấy của nhà giàu, chia làm ba phần đều
nhau: phần để lại cho khổ chủ, phần đem về sơn trại, phần còn lại phân phát cho
dân nghèo.
[18]
Mai Nguyên Soái, tức Mai Xuân Thưởng (1860- 1887), người thôn Phú Lạc, xã Bình
Thành, huyện Tây Sơn.
[19]
Đào Tấn (1845- 1907), người thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Nói
đến nhân tài của tỉnh nhà, người đời thường nhắc: "Bình Định có hai ông
vua: Quang Trung vua võ, Đào Tấn vua văn".
[20]
Bàn Thành Tứ Hữu: Chế Lan Viên (1920- 1989), Hàn Mặc Tử (1912- 1940), Quách Tấn
(1910- 1992), Yến Lan (1916- 1998).
[21]
Các tướng Tây Sơn người Bình Định, tiêu biểu có: Đô Đốc Đặng Văn Long, tự là Tử
Vân, người huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, nay là tỉnh Bình Định. Võ Văn Dũng (?-
1835), người xã Bình Phú, quận Bình Khê; nay là xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Trần
Quang Diệu (?- 1802), người xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Bùi Thị Xuân (?- 1802),
người thôn Xuân Hòa, xã Bình Phú; nay là xã Tây Xuân, huyện Bình Khê.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
ĐOÀN THÊM; Hai Mươi Năm Qua, Việc từng ngày (1945- 1964); tái bản tại Hải ngoại,
không ghi hồ sơ xuất bản.
-
NHIỀU TÁC GIẢ; Đặc San Trường Sư Phạm Qui Nhơn; xuất bản tại Nam California, do
Hội Ái Hữu Sư Phạm Qui Nhơn California – Hoa Kỳ thực hiện, 2009.
- TRẦN
ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.
- PHỎNG
VẤN QUA ĐIỆN THOẠI:
Ngày
17- 5- 2011, phỏng vấn Nguyễn N. Nghĩa, cựu Giáo sinh SPQN khóa 6 (1967- 1969),
nay là Chủ Tịch Hội Ái Hữu Trường Sư Phạm Qui Nhơn, hiện ở Huntington Beach,
Nam CA.
Ngày
22- 5- 2011, phỏng vấn Tạ Chí Thân, cựu Học sinh Trường Sư Phạm Thực Hành, hiện
ở Chatsworth, Nam CA.
Ngày
9- 7- 2011, phỏng vấn Lê Cẩm Khoáng, cựu Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Nguyễn
Công Trứ Qui Nhơn (gần Trường Sư Phạm), hiện ở Irvine, Nam California.
Ngày
10- 7- 2011, phỏng vấn Tạ Chương Ánh, khóa 1 Sư Phạm Qui Nhơn (1962- 1964), dạy
Trường Sư Phạm Thực Hành và sau chuyển ngạch giữ chức Phụ tá Giám học Trường
Trung Học Tỉnh Hạt Tuy Phước, hiện ở Fontana, Nam California.
Ngày
16- 6- 2012, Email của Nguyễn Thy Tứ, cựu giáo sinh khóa 3 (1964- 1966) Sư Phạm
Qui Nhơn, hiện ở Canton, Georgia.
Nguồn
: CuongDe.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét