Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

THƯỞNG PHẠT KHÔNG CÔNG BẰNG


Khi một kẻ cầm vận mệnh đất nước như vua Khải Định đã dám tôn mình như thần thánh, nghênh ngang trên đầu dân … thì tránh sao khỏi sự lạm quyền trong việc gìn giữ kỷ cương, phép nước. Tội thứ hai của vua Khải Định trong Thư Thất điều hài ra chính là tội vua lạm quyền thưởng phạt. Tội đáng chết bằng mười vua cho biến thành không, tội chưa phạm đến mảy lông nào vua biến ra thành có. Vua có người thị vệ tên Nguyễn Đắc Vọng, hằng đêm chỉ có nhiệm vụ ôm vua ngủ cũng được vua ban Ngũ đẳng Thị vệ …

Một triều đại thưởng phạt không công bình, làm sao mà có được lòng dân, họa chăng chỉ được lòng của những kẻ xu phụ, những kẻ cơ hội. Phan Châu Trinh trong Thư Thất điều đã vạch ra cái tội lạm quyền thưởng phạt chính là cái họa làm đảo điên đất nước đưa đến cái họa diệt vong vậy.

.
THƯ THẤT ĐIỀU
II. Hai là tội thưởng phạt không công bình

Thưởng phat là cái phép lớn của Triều đình. Mạng sống của dân, kỉ cương của nước, đều quan hệ ở đó cả. Đức Khỗng Tử nói: “Hình phạt không nhằm phép, thời dân không có chỗ thò tay chân”. Mạnh Tử nói rằng: “Người trên không theo lẽ thẳng, người dưới không giữ phép luật, cái nước như thế, thời thế nào cũng phải mất”. Đời xưa thưởng người phải ở Triều, là tỏ ra người cả nước cùng thưởng, phạt người phải ở chợ, là tỏ ra người cả nước cùng phạt; nếu hai sự đó mà mất cả công bình, thời dân cần gì phải có vua có quan ?

Tôi nghe đích rằng: Bọn tên X là bạn chơi bời lẳng lơ với Bệ hạ khi trước, khi bệ hạ làm vua rồi, thằng thời được thăng chức Thống chế để hầu hạ bên mình, thằng thời làm cho Tri phủ, Tri huyện, quan Tỉnh hay quan Kinh v.v…Lại nghe có anh quan Thị lang nọ, vợ anh ta có oán riêng với Bệ hạ lúc còn chưa là vua, khi Bệ hạ lên ngôi rồi, nhơn sự rủi ro nho nhỏ, anh ta bị cách chức đuổi về ngay. Lại một Thượng thơ hay rao bán những cái tịt riêng của Bệ hạ ra ngoài, nhân dịp đó mất chỗ dựa, Bệ hạ tìm cớ buộc tội nặng, xử 8 năm tù, án đã làm rồi, sau nghe anh này rút ra 5 vạn đồng bạc, lại được lại, giáng chưa đuổi về

Vậy thời sự thưởng phạt, Bệ hạ cứ theo ý riêng của mình, chẳng cần gì phép nước, làm cho thêm sự gian dối lo lót ra. Vua như thế, thời vua làm gì ?

Lại nghe Bệ hạ nuôi một tụi lính kín hơn 40 người, để mai chiều đi do thám chốn hương thôn, nơi thành thị, xem có ai gièm chê mình không? Nếu có, thời Bệ hạ hoặc là tìm cách buộc tội ngay, hoặc là dùng cách bí mật làm hại mà không cho người ta biết. Những quân đó rặt là quân côn đồ, cậy thế gần vua, làm điều phi pháp, khiến cho lương dân ai ai cũng sợ hãi, khóa mồm bịt miệng, ra đường gặp nhau chỉ lấy mắt trông nhau mà thôi, thiệt là làm cho nhân dân khổ sở thảm thê

Xưa vua Lệ nhà Châu là người lắm nét xấu, sợ dân chỉ trích, mới đặt ra một cái phép để khỏi sự chê gièm, cũng làm như Bệ hạ vậy. Ông Thiệu Công can rằng: “Bịt miệng dân khó hơn là bịt miệng sông”, vua Lệ không nghe, sau quả bị dân giết. Sao Bệ hạ không lấy gương đó mà soi ?

(Phan Châu Trinh)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét