Người
Pháp có hai công trình thật thú vị, chúng ra đời gần như cùng một lúc và nay đều cùng
trở thành biểu tượng của hai quốc gia : Tháp Eiffel, kiến trúc bằng sắt thép cao
ngất dựng bên bờ sông Seine và Tượng Nữ Thần Tự Do, tác phẩm điêu khắc đồ sộ đứng
trên đảo Liberty. Những ai vui bước đến Paris đều muốn lên tới tận đỉnh tháp cao hơn
300m để rộng tầm nhìn Kinh đô hoa lệ của Pháp. Những ai đặt chân đến New York đều
muốn ghé thăm Tượng đài quốc gia của Hoa Kỳ để chiêm ngưỡng hào quang Lý tưởng
tự do. Cả hai công trình đến nay xem ra đã hơn 120 năm tuổi.
Trong
quá khứ, cả người Pháp lẫn người Mỹ đều có mang ngôn ngữ của mình đến với Việt
Nam. Lớp tuổi chúng tôi hồi ấy học cả 2 ngoại ngữ. Chọn tiếng Pháp là sinh ngữ
phụ nên hiện giờ nhiều lắm chỉ còn biết un
là một, deux là hai. Nhưng những cái gì còn sót lại sau khi đã quên hết là quý giá lắm rồi. Nhớ chút nào mừng chút ấy. Ngôn ngữ, Văn hóa, Văn minh Kỷ thuật chính là những vũ khí tranh giành thế lực hoặc là dùng để bảo vệ, kháng cự lại sự thôn
tính. Nói công bằng, người Pháp ở lại Việt Nam lâu hơn, nên những công trình kiến
trúc xây dựng mà người Pháp đã để lại ở Việt Nam có nhiều ấn tượng hơn là của người
Mỹ. Cho đến nay hầu như chúng đều trở thành biểu tượng hoặc là địa điểm hấp dẫn
của địa phương nơi chúng tọa lạc. Khi người Pháp đến Việt Nam thì ngành luyện
kim đã có một bước tiến khá dài. Vì thế mà thời bấy giờ sắt thép đã được đem vào
sử dụng trong công trình xây dựng Cầu trên đất Việt. Ở Hà Nội có Cầu Long Biên.
Ở Huế có Cầu Trường Tiền … Miền Tây sông nước thời ấy một số cây cầu bằng sắt
thép cũng đã được bắc qua kênh qua rạch nên giờ vẫn còn vang đâu đó câu ca của người
xưa :
Bước lên cầu sắt, nắm tay
cho chắc, hỏi gắt người tình
Bướm xa bông tại nhụy, hai đứa
mình lỗi tại ở ai ?
Ngày
nay ngồi lẩm nhẩm tính. Những cây cầu bắc qua Sông Hồng ở thủ đô Hà Nội đếm được
trên đầu mấy ngón tay. Còn cầu bắc qua Sông Seine ở thủ đô Paris có đến những
37 cái. Trong số đó có cây cầu sắt Mirabeau, tuổi của nó chỉ thua Tháp Eiffel
chừng đâu mươi tuổi, lớn hơn Cầu Long Biên chỉ vài năm tuổi. Đối với nhiều người,
cây cầu nối liền sự giao thương là dấu ấn của nền kinh tế phát triển, tỏ rõ sự
phồn vinh của một đô thị. Nhưng cũng không ít người đã sống với cây cầu bằng tâm
tưởng, bằng những hò hẹn, những nhớ thương. Cây cầu sắt Mirabeau bên trời
Tây bấy lâu đã nối nhịp cùng với tâm hồn mộng mơ của nhà thơ người Pháp gốc Ba
Lan Guillaume Apollinaire. Bài thơ “Cây Cầu
Mirabeau” của ông cũng đã nối nhịp, đem
lại niềm tin tương lai cho những mối tình chung thủy keo sơn : Bên dưới cầu Mirabeau
là dòng sông Seine đang chảy, và mối tình của đôi ta cũng đang trôi chảy
… nhắc đến dòng chảy của muôn đời, tiếp theo sau nỗi ưu phiền là niềm vui sẽ chảy
đến đó thôi :
Le Pont Mirabeau
Sous le pont Mirabeau coule
la Seine
Et nos amours
Faut-il qu'il m'en souvienne
La joie venait toujours
après la peine …
(Apollinaire)
Với
Việt Nam, từ lâu hình ảnh cây cầu bàng bạc trong thơ ca. Cây cầu là nơi những mối
tình gặp gỡ, là nơi giúp cho các cô gái chớm yêu, lãng mạn có sự biện hộ thật đáng yêu :
Em thương anh bỏ nón dìa dầu,
Dìa cha mẹ hỏi, qua cầu gió
bay.
Những
cây cầu tre lắt lẻo bao đời đã ghép nên đôi nên lứa nhiều cuộc tình, nhưng chúng cũng
đã từng làm thót ruột thót gan người thương :
Cầu tre lắt lẻo,
Anh thắt thẻo ruột gan,
Sợ em đi chửa quen đàng,
Rủi em có mệnh hệ, lỡ làng
duyên anh.
Khi
những cây cầu bằng sắt bắc qua kênh qua rạch, có lẽ chúng đã làm yên lòng hơn
cho những người đón đợi. Sự vững chắc của sắt thép đã đẩy đưa nam thanh nữ tú dám lấy
cây cầu sắt đem vào câu thề ước :
Chừng nào cầu sắt gãy hai
Sông Sài Gòn lấp cạn anh mới
sai lời nguyền.
Nhưng
có lẽ sự vững chắc nào, cấu trúc beton, sắt thép nào cũng đều lở lói, han gỉ với
thời gian. Tháp Eiffel, Tượng Nữ Thần Tự Do có là gì so với những Tháp Chàm nghìn
năm tuổi. Thế thì với thời gian, với lòng người, bao lâu nữa Tháp Eiffel và Tượng
Nữ Thần Tự Do cùng chung số phận với những ngọn Tháp xưa nằm dọc dãy Trường Sơn
: Đây,
những Tháp gầy mòn vì mong đợi / Những đền xưa đổ nát dưới thời gian / Những sông vắng lê mình trong bóng tối / Những
tượng Chàm lở lói rỉ rên than. (Chế Lan Viên) ... Rêu phong của thời gian tàn
phá mọi thứ, sự tham lam của con người tàn phá mọi thứ. Đền đài tráng lệ nào rồi
cũng sẽ bị tàn phá của “mưa sa bão táp”. Hoang tàn phế tích nào rồi cũng để lại sự ngậm ngùi trong lòng những người vốn đã mang nặng nòi tình :
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
…
(Bà Huyện Thanh Quan)
Cây
cầu nối liền sự đi lại cho người đời. Cây cầu còn nối nhịp Xưa và Nay. Cầu bằng
tre bằng nứa. Cầu bằng thép bằng beton. Những cây cầu hiện hữu trên đời không
thể nào tồn tại mãi với thời gian. Những cây cầu trong lòng của người hữu tình
có lẽ mới có nhiều tuổi thọ. Cây cầu được nối nhịp bằng những câu văn, bằng những vần thơ mới
có tuổi đời cao hơn là những cây cầu đang bắc trên sông. Văn hóa là những gì còn
sót lại sau khi người ta đã quên tất cả. Nhưng người hữu tình lâu nay đâu có hiếm
trên thế giới dẫy đầy sắt thép của gươm giáo, của mảnh đạn bom !?
Người
xưa Qua Bến Tang Càn, ngoảnh lại nhìn Tinh Châu mới thấy Tinh Châu đích thị là
cố hương. Trên chuyến bay từ Milano đến Saigon, ngày nay có người cũng đang tự
hỏi mình Đang Về hay Đang Sang … Ai cũng có quê hương. Ai cũng có riêng mình
một khoảng trời để thương để nhớ. Ai cũng có nơi để sống. Ai cũng có chốn để
trở về. Văn chương như chiếc vé trở về. Văn chương là nhịp cầu. Cây cầu nối lại
những bờ xưa, nó không là sắt thép, nhưng nó tồn tại, nó cứng rắn và bền bĩ như
lâu nay nó vốn đã có.
Sắt
thép tháp Eiffel nay vẫn ngạo nghễ soi bóng bên bờ Sông Seine. Sắt thép những cây
cầu trên Sông Sài Gòn nay đã được thay thế lần bằng những khối beton xám xịt.
Nhưng những cây cầu được xây với bất kỳ chất liệu nào, với cấu trúc nào chúng cũng đều oằn
oại trước sự nặng lòng của những người hết lòng với những gì mình thương mến.
Bước lên cầu, cầu oằn cầu oại
Bước xuống tàu, tàu chạy tàu
nghiêng
Em ơi ở lại đừng phiền
Anh đi làm mướn kiếm tiền cưới
em …
(Ca
dao Nam bộ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét