NGÀY XUÂN LAN MAN CHUYỆN CÂU ĐỐI
Từ giàu cho chí nghèo, ngày xưa ăn Tết mà trong nhà thiếu đi một Câu Đối thì giống như ăn Tết mà không có mùa xuân.
Tích xưa còn để lại chuyện vua Lê Thánh Tôn đêm giao thừa vi hành, vua đã ban câu đối cho một gia đình nghèo làm cái nghề không dám phô trương liễn đối. Minh chứng nầy cho thấy Câu đối Tết là món ăn chơi thi vị của người xưa.
Tích xưa còn để lại chuyện vua Lê Thánh Tôn đêm giao thừa vi hành, vua đã ban câu đối cho một gia đình nghèo làm cái nghề không dám phô trương liễn đối. Minh chứng nầy cho thấy Câu đối Tết là món ăn chơi thi vị của người xưa.
Làm cái nghề mà thiên hạ cho là chẳng hay ho gì (hốt phân), Tết lại có được trong nhà câu đối nói được cái nghề của mình :
Khoác một áo bào, gánh vác khó khăn thiên hạ
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.
Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
Nói cái nghề mình bằng cái khí phách ngang tàng mà vua ban cho, ai dám chê, sao không sướng.
Câu đối Tết một mặt nào đó thể hiện ý chí, sự ước muốn con người có được trong năm sắp đến, một mặt nào đó thể hiện mặt bằng tri thức của làng xã. Rộng làm kép, hẹp làm đơn. Tết đến, nhà nào tự tay viết được càng hay, không hay nhờ đến mấy Ông Tú, Ông Đồ. Ông Tú, Ông Đồ là những người tiến thì vi quan, thoái vi sư nhận nhiệm vụ bảo đảm mặt bằng tri thức cho làng xã.
Ngày nay chuyện câu đối không còn trọng thị như ngày xưa. Nhưng Tết đến mấy tờ báo, mấy trang mạng cũng râm ran chuyện liên quan đôi ba câu đối. Hiện các trang Bình Định như trang của anh Mang Viên Long có Tiểu luận về Ông Đồ, trang Văn thơ Việt của Lê Bá Duy có mục mời đối. Xem đi xem lại những câu đối có được trên các trang mạng, chưa câu đối Tết nào có hình ảnh hơn câu dân gian đã có từ xưa :
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Nhiều trang mạng luôn nhắc đến câu đối trên dù nay bánh pháo không còn, cây nêu tìm đỏ con mắt may ra mới có. Cũng phải thôi, có hay nó mới tồn tại được để lưu truyền cho đến ngày nay.
Trước nhất, cái hay của nó là một câu đối Nôm, không cầu kỳ, không bác học như những câu đối chữ Hán. Nói Nôm nói na ai cũng hiểu, cũng thích.
Thứ hai, nó là một câu phổ biến. Nhà nào Tết đến treo nó lên cũng đều phù hợp. Màu đỏ, màu xanh, bánh chưng, thịt mỡ … những an lành, sung túc ai cũng đều muốn có trong năm. Câu đối đó là một câu của đại chúng.
Thứ ba, Thịt mỡ - cây nêu, tràng pháo – dưa hành, bánh chưng xanh – câu đối đỏ. Xét vào Luật đối của nó, không ai phải hoài công xoi mói để khen chê.
Văn học xưa rất trọng đối đáp. Trong khoa cử từ thơ phú cho đến văn sách đều dùng thể văn biền ngẫu để sát hạch sĩ tử. Một vấn đề khi được đặt ra bao giờ cũng phải có hai mặt : Thiện – ác, Tốt – xấu, Trắng – đen … Thể đối trong văn biền ngẫu là một cách thể hiện sự phản biện, phải nhìn vấn đề ít nhất từ hai mặt trở lên. Thể đối trong phản biện, có thể tán đồng bổ sung thêm, có thể nhìn ngược lại vấn đề, hoặc có thể bày tỏ một cách nhìn khác. Phong phú của thể đối mà sĩ tử ngày xưa dùi mài, nếu truy từ nguyên lý thì nó là một trong những cách rèn luyện người có chức quyền nhìn được mọi mặt của vấn đề, từ đó có cách xử lý trong trướng cũng như ngoài cõi ấm êm.
Cũng với câu đối trên, một vài trang mạng cải biên lại theo thực tế ngày nay :
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Ê mây (email), bờ lốc (blog), bánh chưng xanh
Ngày xưa các cụ ăn Tết, phần chơi không thể thiếu Câu đối - Tràng pháo - Cây nêu, phần ăn chiếm một nửa là Bánh chưng - Thịt mỡ - Dưa hành. Ẩm thực ngày nay cũng vậy, trong không khí lành lạnh của ngày tết, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, món ăn nầy gia hương vị cho món ăn nọ, đúng là vẫn còn khoái khẩu. Món Bánh chưng từ thời Lang Liêu cho đến bây giờ, từ Bắc vào Nam, cái chất của bánh chưng vẫn không biến mất. Còn mấy món chơi thì đã thay bằng blog, email. Đúng là ngày nay ăn Tết mà không có email, blog thì buồn chết đi được, nhất là đối với những kẻ tha hương.
Xa quê, vài ngày nữa đã Tết, lang thang trên mạng tìm thử đôi câu đối mới. Nhưng chắc vì mới tham gia mạng chẳng bao lâu, chưa quảng giao, chưa rành tay nghề, nên lục hoài mà sao chưa thấy có câu nào ưng ý. Thôi thì lan man với những câu đối xưa vậy.
Câu đối Tết ở Việt Nam ta chắc chắn là có nguồn gốc từ Trung Hoa rồi. Mà xuất xứ của câu đối Tết Tàu nghe đâu phát tích từ chuyện Thục chúa Mạnh Sưởng thời Ngũ Đại ((919 – 965) viết hai vế đối lên mảnh gỗ đào, mảnh gỗ nguyên dùng để đến Tết treo hai bên cửa làm bùa (đào phù) trừ tà trục quỷ. Từ đó về sau, cứ mỗi Tết đến văn nhân tài tử Tàu đua nhau viết đối treo lên, vừa đuổi quỷ, đuổi xấu, vừa thể hiện tâm tình, ý chí của mình.
Câu đối Tết qua đến Việt Nam, với bà Chúa thơ Nôm, hình ảnh phồn thực lúc nào cũng ngồn ngộn trong thơ, nên đào phù, phồn thực quyện với nhau thật thú vị trong câu đối Tết tương truyền là của bà.
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.
Văn nào thì người ấy.
Uy Viễn tướng công lận đận hàn vi, nửa đời người mới tham chính, hoạn lộ lúc thì lên voi làm tướng, lúc xuống chó làm lính trơn. Mang trong mình hạo khí làm trai, cụ xem dòng đời như không tách bạch với thời gian. Nên khi gặp Tết :
Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà.
Người ưu thời mẫn thế như Tam nguyên Yên Đỗ, bỏ quan về quê. Một chút chức sắc nơi cửa đình, một chút thiên chức làm thầy trong làng, một chút bệnh già (mắt mờ), Tết của cụ một chút nào đó có thâm trầm lẫn chua xót :
Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên. Nào lềnh, nào trưởng, nào bàn ba, tiền làm sao, gạo làm sao, đóng góp làm sao. Một năm mười hai tháng thảnh thơi, cái thủ lợn nhìn thấy đà nhẵn mặt
Già chẳng già với trẻ, đàn tiểu tử lau nhau đứng trước. Này phú, này thơ, này đoạn một, bằng là thế, trắc là thế, điểm khuyên là thế. Ba vạn sáu ngàn ngày thấm thoắt, con mắt gà đeo kính đã mòn tai.
Dù sao Uy Viễn cùng Yên Đỗ cũng từng tham chính, dù nghèo cũng có khí chất thanh bạch của nhà quan. Nhưng nghèo như cụ Tú Vị Xuyên, việc nhà phó hết cho mẹ nó buôn bán ở mom sông, Tết của cụ là cái Tết thanh bần, hiu hẩm như mọi người chung quanh :
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi
Nhưng Câu đối Tết của cụ không thể chê vào đâu được ...
(Còn tiếp)
CÂU ĐỐI XUÂN :
Trả lờiXóa-----------------------------
Nguyễn Công Trứ nghĩ cho người mù câu đối tết
TỐI BA MƯƠI NGHE PHÁO GIAO THỪA Ờ Ờ TẾT
RẠNG MỒNG MỘT VẤP NÊU NGUYÊN ĐÁN À À XUÂN
-----------------------------
THỌ VÔ CƯƠNG
Xuân xưa ngay tại công đường huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), có tổ chức buổi họp mặt đầu xuân, bữa tiệc đó có mời cụ Xiển (quê ở Hoằng Bột) đến dự, bữa tiệc vừa bắt đầu thì có một vị trưởng lão ra vế đối :
NĂM KIA XUÂN, NĂM NGOÁI XUÂN, NĂM NAY XUÂN – XUÂN BẤT TÁI
Trong bữa tiệc ai cũng trân trọng kính mời cụ Xiển đối vế đối, trước khi chờ Cụ ứng khẩu có một chàng quan nhỏ ưa huênh hoang khoe mình viết chữ đẹp, nên mài mực cầm giấy bút chờ vế đối để trổ tài thư pháp, cụ Xiển cũng ứng khẩu đối ngay :
QUAN TỈNH THỌ, QUAN TÂY THỌ, QUAN HUYỆN THỌ -…..Rồi bỏ lững đó, Cụ cùng mọi người ăn uống no say, mà anh chàng quan nhỏ ấy chưa ăn được miếng nào, tức muốn chết nhưng phải đành chịu vậy, đến gần hết bữa tiệc Cụ à à nói THỌ VÔ CƯƠNG, thật đáng đời, nhưng cũng thấy thương tình cho anh chàng quan nhỏ, liền sau đó Cụ cũng mời anh ra quán ăn một bữa ngon lành rồi ra về trong tư thế thẹn thùng.
Chuyện kể của ông Lê Bá Hào (1912 – 1982)
---------------------------------
Thầy giáo nghèo Trần Ngọc Bổn (1911-1988)
ĐÓNG CỬA ĐUỔI TẾT ĐI, TẾT CŨNG KHĂNG KHĂNG VỀ TRỞ LẠI
CÀI THEN GHÌ XUÂN LẠI, XUÂN CÒN KHẲNG KHẲNG BƯỚC RA ĐI
------------------------------------
Ông Viên Năng
PHÁO KÊU NÊU CAO - VUI BA BỮA TẾT
HOA TƯƠI ĐÈN RẠNG - MỪNG BẢY NGÀY XUÂN
------------------------------------
Tác giả Vô Danh
NHÀ NGHÈO HỎI VỢ CÓ CHI – HOA DẠI TRONG RỪNG ĐEM CẮM TẾT
QUAN LỚN GỌI BÀ DẶN MÃI - NÉN VÀNG TRÊN GÁC LẤY MUA XUÂN
-------------------------------------
Linh Đàn
XUÂN HỰU PHÙNG XUÂN – XUÂN DIỆU HỶ
NHẬT LAI THỬ NHẬT - NHẬT KỲ HUY
Chú LinhDan cung cấp nhiều câu đối hay cho trang nầy thêm phong phú.
Trả lờiXóaTruongNghi cám ơn chú thật nhiều.