Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN

NGÔI TRƯỜNG TRUNG HỌC ĐẦU TIÊN Ở BÌNH KHÊ – TÂY SƠN, BÌNH ĐỊNH

Chiều Sông Côn, Ảnh nhìn từ Trường TH đầu tiên ở BinhKhe

Dưới Triều Nguyễn, cũng giống như các địa phương khác, trường lớp ở Bình Định xây dựng theo phân cấp hành chính Trường Tỉnh, Trường Phủ và Trường Huyện. Quan chức phụ trách giáo dục cấp Huyện có Huấn Đạo, cấp Phủ có Giáo Thụ và cấp Tỉnh có Đốc Học. Giống như trường tư bây giờ, ở mỗi làng xã còn có những Thầy Đồ là các Khóa sinh, các ông Tú hoặc các hưu quan, hoặc các vị đỗ đạt mà không muốn làm quan đứng ra tổ chức giảng dạy cho người trong thôn trong xóm. Những lớp học nầy đặt ở nhà Thầy hoặc nhà dân, dạy từ 5,  7 cho đến vài chục môn sinh.

Trường học tạm gọi là trường cấp tỉnh ở Bình Định được thành lập từ thời Gia Long, xây dựng tại thôn Kim Châu, huyện Tuy Viễn, nay thuộc Thị Trấn Bình Định (hiện là Thị Xã An Nhơn). Tháng 1 năm 1805, Gia Long đặt chức Đốc Học ở trấn Quy Nhơn, bổ Đặng Đức Huy người Hoài Nhơn phụ trách, kiêm khảo khóa sĩ tử (giám sát, tra xét, tổ chức việc thi cử) 2 Dinh Quảng Ngãi và Phú Yên. Đến năm 1842, Trường được dời về thôn Liêm Trực, phía nam tỉnh thành.

Năm 1888, huyện Bình Khê được thành lập trên cơ sở tách ra từ Tuy Viễn. Tuy Viễn lúc thì huyện, lúc thì phủ, nên Trường của Tuy Viễn có khi gọi là trường Phủ, có khi là trường Huyện. Đầu tiên trường đóng ở thôn Hòa Cư, nay thuộc phường Nhơn Hưng, Thị Xã An Nhơn. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1865 trường dời về thôn Mỹ Thịnh (!?) nằm phía tây phủ lỵ. Phủ lỵ của Tuy Viễn (năm 1852) nay thuộc An Thái (Nhơn Phúc, An Nhơn). Không rõ địa danh Mỹ Thịnh đúng hay sai, nằm phía tây An Thái thì nay cũng chưa biết rõ thuộc địa phương nào.

Nền giáo dục và khoa cử Nho học triều Nguyễn được xem như cáo chung với khoa thi Hội cuối cùng là khoa Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Người Pháp đã triệt bỏ chữ Hán, cắt đứt mối liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Người Pháp đã điều chỉnh, thêm bớt Hệ thống giáo dục Pháp cho phù hợp với thực tế Việt Nam thời bấy giờ, áp dụng, tổ chức đào tạo nhanh lớp người thừa hành phục vụ guồng máy cai trị. Tổ chức giáo dục theo hệ thống “Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ” (Enseignement Franco - Indigène, thường được gọi là Giáo Dục Pháp - Việt) phải mãi đến năm 1932, bộ máy quan lại của triều đình nhà Nguyễn mới thay thế được chữ Hán bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ (Chữ do các giáo sĩ chế tạo ra theo lối ghép vần mẫu tự La tinh đang sử dụng hiện nay) trong giao dịch hành chính. Sau năm 1932, không riêng gì ở Bình Định, ở các làng xã Việt Nam vẫn còn tồn tại việc cho con đi học chữ thánh hiền.

Tổ chức hệ thống giáo dục phổ thông của Pháp ở Nam Kỳ khởi đầu từ việc thành lập trường Collège Le Myre de Vilers tại Mỹ Tho năm 1879 (sau nầy là Trường Nguyễn Đình Chiểu), ở Trung Kỳ khởi đầu từ trường École Primaire Supérieure (Tên Việt là Pháp Tự Quốc Học Đường) tại Huế mở năm 1896 (sau nầy là Lycée Khải Định, nay là Quốc Học Huế), ở Bắc Kỳ khởi đầu từ trường Collège du Protectorat (Trường Bảo Hộ, Trường Thành Chung) tại làng Bưởi, Thụy Khê, Hà Nội mở năm 1905 (sau nầy gọi là Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An). Riêng ở Bình Định, trên nền tảng từ trường Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire (trường tiểu học Pháp – Việt), Collège de Qui Nhơn (Cao Đẳng Tiểu Học Quy Nhơn) được thành lập vào năm 1922, là tiền thân của Cường Đễ, Quốc Học Quy Nhơn hiện nay.

Thoạt đầu, các Trường mới mở dưới thời Pháp thuộc chỉ có các lớp cấp thấp. Học trình lúc đầu chỉ 12 năm, đến niên học 1927 – 1928 mới hình thành thêm lớp Nhì Nhị để hoàn chỉnh học trình 13 năm sử dụng cho đến năm 1945. Từ năm 1930, Hệ thống Phổ thông Giáo dục Pháp - Việt hoàn chỉnh có 3 bậc học.

Bậc Tiểu Học trải qua 6 năm. Ba lớp đầu còn gọi là bậc Sơ Học (Ấu Học) :

     -  Lớp Đồng Ấu  (Cours Enfantin)
     -  Lớp Dự Bị  (Cour Préparatoire)
     -  Lớp Sơ Đẳng  (Cours Élémentaire)

Học xong lớp Sơ Đẳng, học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire - thường được gọi tắt là bằng Yếu Lược). Hệ thống trường lớp thì có Hương Trường, là Trường ở thôn, có Hương sư dạy lớp Đồng Ấu và Dự Bị. Một số Tổng có mở thêm được lớp sơ Đẳng. 3 năm chính thức bậc Tiểu Học có các lớp học :

     -  Lớp Nhì Nhất  (Cours Moyen 1ère année)
     -  Lớp Nhì Nhị  (Cours Moyen 2ère année)
     -  Lớp Nhất (Cours Supérieur)

Mỗi Huyện, Phủ có 1 hoặc 2 Trường Tiểu Học có đến lớp Nhất, chưa kể các Tư thục Tiểu Học được chính quyền cho phép mở ở địa phương.

Ở Phú Phong – Bình Khê, Trường Tiểu Học tư thục nổi tiếng là Trường của 2 anh em Thầy Nguyễn Phàm, Nguyễn Đồng. Trường nằm phía trong Bàu Bờ Lặn, trên đường vào Khu Du Lịch Hầm Hô hiện nay. Thượng Tướng Nguyễn Nam Khánh là người đã từng cặm cụi gò từng chữ a, b, c  từ ngôi trường nhỏ bé nầy.

Học hết lớp Nhất, học sinh thi lấy bằng Tiểu Học Yếu Lược hay còn gọi là Sơ Đẳng Tiểu Học, Sơ Đẳng Pháp - Việt (Certificat d'Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI, gọi tắt là bằng Primaire). Có bằng Primaire, học sinh mới được dự tuyển vào bậc học lớp trên.

Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire Supérieurs) trải qua 4 năm, gồm các lớp học :

     -  Nhất niên  (Première Année)
     -  Nhị niên  (Deuxième Année)
     -  Tam niên  (Troisième Année)
     -  Tứ niên  (Quatrième Année)

Học hết năm Tứ niên được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Diplôme hay Thành Chung.  Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Tú Tài.  Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège. Tính đến năm 1928, không kể các Trường Dòng và Quốc Học Huế, ở Trung Kỳ bậc Cao Đẳng Tiểu Học chỉ có 3 trường là Collège Đồng Khánh ở Huế, thu nhận học sinh nữ từ Thanh Hóa vào Bình Thuận, Collège Vinh ở Nghệ An, thu nhận học sinh nam các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình, Collège Quy Nhơn ở Bình Định thu nhận học sinh nam từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.

Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire) trải qua 3 năm học.

     -  Đệ Nhất niên  (Seconde)
     -  Đệ Nhị niên  (Première)
     -  Đệ Tam niên  (Terminale)

Bậc học nầy còn gọi là bậc Tú Tài Pháp - Việt. Học xong năm Đệ Nhị niên thi lấy bằng Tú Tài phần nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Có được bằng nầy mới tiếp tục vào lớp Đệ Tam niên để cuối khóa học thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d'Études Secondaire Franco-Indigènes). Thập niên 30 thế kỷ trước, Ở Bắc Kỳ có trường Bưởi nâng cấp lên thành trường Lycée, Trung Kỳ có Quốc Học Huế dưới tên Lycée Khải Định, là 2 trong 4 trường ở Việt Nam có Bậc Tú Tài.

Việc phân bậc học hệ thống giáo dục Phổ thông Pháp - Việt trên đây, đúng ra nên xác định Bậc Trung Học gồm có 2 cấp là Cao Đẳng Tiểu Học và Ban Tú Tài. Đây là cơ sở để xác định sự tương đương bậc học (Đệ nhất cấp - Cấp 2, Đệ nhị cấp - Cấp 3) qua các thời kỳ kế thừa giáo dục cho đến nay. Đây cũng là cơ sở để đi tìm ngôi trường Trung Học đầu tiên của huyện Bình Khê, Tây Sơn hiện nay.

Căn cứ theo diễn văn của cụ Phan Chu Trinh diễn thuyết ở Sài Gòn năm 1925, Việt Nam lúc nầy chỉ mới hơn 20 triệu dân. Thời kỳ nầy, với các trường của các bậc học như trên, với hệ thống thi cử như trên, với kinh tế chủ yếu nông nghiệp … thì việc học sinh đi suốt hết học trình không thể gọi là dễ dàng. Ở Bình Định, những năm nầy Collège Quy Nhơn nhận học sinh cả mấy tỉnh miền Trung, nhưng ngay năm đầu thành lập, học xong Nhất niên, học sinh phải ra Huế để tiếp tục các khóa học sau. Cho đến năm 1927, bậc Cao Đẳng Tiểu học của Collège Quy Nhơn mới có đủ 4 khóa lớp, mỗi khóa lớp chỉ có 1 lớp, hằng năm mỗi lớp quãng chừng khoảng 45 học sinh. Năm 1944 Collège Quy Nhơn được đổi tên là Collège Võ Tánh, các lớp bậc Cao Đẳng Tiểu Học mỗi khóa lớp mới có được 2 lớp, sĩ số chừng 320 học sinh.

Tính chất sàng lọc trong hệ thống giáo dục thời Pháp, dù sao cũng đã đào tạo được một thế hệ học sinh sau là những nhà khoa học, nghệ thuật, giáo dục …, những nhà quản lý đầu ngành của đất nước khi người Pháp phải rút về nước. Có nhiều người trong đó xuất thân từ Collège de Quy Nhơn.

Collège Quy Nhơn ngay từ năm thành lập, song song với việc mở lớp Nhất niên (Première Année) đầu tiên, Trường có mở lớp Sư phạm Sơ cấp để đào tạo các Trợ Giáo dạy các lớp Sơ Học. Nguồn nhân lực nầy tạo điều kiện cho Bình Định sau năm 1945 có được lượng học sinh đủ để mở Trường Trung Học (theo như bậc Cao Đẳng Tiểu Học) ở mỗi huyện.

Ở Bình Khê – Tây Sơn, thời gian nầy có các Trợ Giáo còn được lớp trẻ thập niên 60 thế  kỷ trước biết đến như các Thầy Mai Cao Lương ở Trường Định, Huỳnh Nhu ở Trà Sơn, Huỳnh Ngô, Huỳnh Đồng, Nguyễn Đang ở Vĩnh Lộc, Nguyễn Ngọc Liễn ở Phú Xuân, Bùi Võ ở Vĩnh Thạnh …

Thời tiêu thổ kháng chiến, Collège Võ Tánh phân tán thành Trung Học Nguyễn Huệ Bắc ở huyện Hoài Nhơn, Trung Học Nguyễn Huệ Nam ở huyện An Nhơn với các cơ sở trường lớp rải rác các thôn Hòa Bình, Cảnh Hàng, Trung Lý … Trường lớp nằm kề với dân đã tạo điều kiện cho học sinh nhập học Trung Học thuận tiện hơn dưới nền giáo dục của một nước độc lập.

Từ tình hình nầy, năm 1948, Nhà Giáo Nguyễn Đồng cùng Phán Sự - Thi Sĩ Quách Tấn từng là cựu học sinh Collège de Quy Nhơn những năm 1924 - 1929, đứng ra xin mở các lớp đầu của bậc Trung Học ở huyện Bình Khê. Một số phụ lão Bình Khê còn nhớ thời ấy có bài ca cổ động :

Quách Tấn và Nguyễn Đồng
Có mở tại Phú Phong
Nhất, Nhì niên hai lớp
Bậc Trung Học Phổ Thông
Ai có tiền thì trả
Không tiền thì học không
Chỉ mong lòng chẳng phụ
Danh con cháu Tiên Rồng …

Năm 1949, trường tư thục nầy chính thức được thành lập ở thôn An Chánh (trước thuộc xã Bình An, Bình Khê, nay là xã Tây Bình, Tây Sơn) với tên trường là Trung Học Mai Xuân Thưởng. Trường mở lớp ở bên bờ Sông Côn, dưới chân Núi Thơm (Hương Sơn), thuê nhà của một người họ Phạm ở địa phương, tên con là Phựu, mọi người thường gọi là nhà Ông Bảy Phựu. Nhà thời ấy là nhà lá mái, có dãy nhà lẫm rộng rãi được sắp đặt là nơi Thầy trò cùng nhau miệt mài với con chữ.

Trường mở được 2 lớp Nhất niên và 1 lớp Nhị niên. Học sinh chừng khoảng hơn 100, không những là người ở Bình Khê mà còn đến từ Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ xa xôi … Học sinh của trường, một ít người còn nhớ được tên như Nguyễn Nhượng, Quách Gia, Trần Củng, Phan Trường Đàm, Nguyễn Thiều, Bùi Thúc Kháng, Mai Cao Vinh, Nguyễn Thế Huấn, Đặng Triêm, Hà Tiền, Nguyễn Cang, Hồ Vinh Quảng … Đoàn Chưu, Tạ Chương Phát, Huỳnh Công Cứ, Lê Tăng Hiển … Ở Phú Yên cơm đùm gạo dỡ ra học ở đây được năm, bảy người, trong đó có cô học trò nữ tên là Loan.

Ban giảng huấn ở nhờ nơi nhà Ông Xã Mẫn. Thầy Quách Tấn vừa là Hiệu Trưởng vừa là người phụ trách dạy Văn, Thầy Trần Đình Chi dạy Toán, Thầy Nguyễn Đồng dạy tiếng Pháp, Thầy Nguyễn Đồng Luân dạy tiếng Anh, Thầy Quách Vĩnh Khương dạy Nhạc … Những Thầy giáo của trường vừa là anh em, người trong nhà, vừa là thân hữu, đến với nhau để cùng một lòng diệt giặc dốt cho thế hệ sau.

Một Trường tư thục thời vừa học vừa chạy bom, khó khổ trăm bề. Học sinh phải học ban đêm, mỗi người một cái đèn thắp bằng dầu phụng, che gió bằng một cái thẩu (keo) thủy tinh. Thầy truyền cho kiến thức mà Ai có tiền thì trả, Không tiền thì học không … Điều tâm huyết mà Trường muốn truyền đạt cho học sinh là Chỉ mong lòng chẳng phụ, Danh con cháu Tiên Rồng … Theo tư liệu của anh Mang Viên Long (Giác Ngộ số 118 – 15/11/1995), ngày trường tổ chức lễ khai giảng, bên bàn thờ tổ quốc khói trầm nghi ngút có án thư đặt một thanh kiếm trên chồng sách. Với hình ảnh Thư - Kiếm đưa đến cho môn sinh, Trường mong muốn học sinh mình như là những Kẻ Sĩ của thời đại mới. Thời đại đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi nước và đem kiến thức khoa học dựng xây đất nước.

Tháng 7 năm 1950, ngành Giáo Dục kháng chiến tổ chức cải cách giáo dục toàn quốc, cho mở các trường Trung Học công lập ở các huyện, đóng cửa và trưng dụng các Giáo viên tư thục sang giảng dạy các trường công lập. Ở Bình Khê niên khóa 1950 – 1951, Trường Trung Học Công Lập Bình Khê được mở ra cũng ở khu vực An Chánh. Sau phân tán thành 2 cơ sở, một ở Phú An (Phú Phong) Nam sông Côn, và một ở Thuận Truyền (xã Bình Thuận) phía Bắc Sông Côn.

Các cựu học sinh của Trung Học Mai Xuân Thưởng hiện nay đều trên 80 tuổi. Họ được học dưới mái trường của họ chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Nói công bằng, dù là Tư thục, nhưng Trường Trung Học Mai Xuân Thưởng đáng được xem là Ngôi Trường Trung Học Đầu Tiên của Huyện Bình Khê, Tây Sơn ngày nay. Ngôi trường có mang dấu ấn của một nhà giáo nặng lòng với quê hương, người sau nầy có công trạng không nhỏ trong việc thành lập nên Trường Trung Học Quang Trung Bình Khê của Bình Định năm 1965 : Thầy Nguyễn Đồng.


Trường Nghị
Hạnh nguyệt, Nhâm Thìn niên, 2012


 63 năm trước, vị trí nầy là ngôi trường TH đầu tiên ở Bình Khê
Người trong hình là người ngày xưa giúp trà nước cho Trường


 63 năm trước, ngôi nhà nầy là nơi các Thầy của Trường
Trung Học Mai Xuân Thưởng - Bình Khê nghỉ trọ


 Sông Côn Trăng lên
Ảnh nhìn từ TH Mai Xuân Thưởng ngày xưa về hướng An Vinh



7 nhận xét:

  1. Nghị có viết "... Collège de Qui Nhơn (Cao Đẳng Tiểu Học Quy Nhơn) được thành lập vào năm 1922, là tiền thân của Cường Đễ, Quốc Học Quy Nhơn hiện nay."

    Theo các tư liệu khá phổ biến đang lưu hành thì Collège de Qui Nhơn được thành lập vào năm 1921. Tớ cũng co 1 bản nho nhỏ ở đây

    Việc đổi từ Collège de Qui Nhơn sang Collège Vo Tanh - Qui Nhơn, theo các tư liệu phổ biến đều cho rằng là vào năm học 1941 - 1942; nhưng theo tư liệu mà tui đang có (bản in hẳn hoi) thì việc đặt lại tên trường được thực hiện vào đầu năm 1944 theo nghị định của khâm sứ Trung kỳ và thông báo của nha học chánh Trung kỳ.

    Nói thiệt nghen. lẽ ra cũng định tham góp trên QTBK cho nó thêm đông vui, nhưng ở đó mà góp không giúng ý tác giả dễ bị quần hùng "ném đá" quá, nên tui chỉ góp ở đây, tuy hơi "vắng vẻ" nhưng khỏi lo bị "mắng", nghen!

    Trả lờiXóa
  2. Chín người mười ý mà ! Biết vậy cứ an nhiên đi Buu. Lần hồi sẽ có cái nếp tạo nên mức độ tương tác có nền móng hơn. Buu cứ gặp gỡ anh em bên đó, không sao đâu.

    Việc Buu đặt vấn đề năm thành lập Collège de Qui Nhon mình cũng đã cân nhắc :

    1. Năm ngoái ở ngoài đó cũng tổ chức kỷ niệm 90 năm thành lập (xác định năm 1921)
    2. Hiện nay mình chưa tiếp cận quyết định thành lập Collège de Qui Nhon.
    3. Xét trường Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire (trường tiểu học Pháp – Việt) thành lập tháng 9 năm 1921. Nền trường trước 75 là trường Ấu Triệu, nay là Lê Lợi. Khi thành lập, Trường có nhô thêm 1 lớp Nhất niên.
    4. Năm sau 1922, Trường không mở được Nhị niên, học sinh phải ra Huế. Lớp Nhất niên được mở tiếp và chuyển cơ sở về vị trí Trường Lê Hồng Phong bây giờ.

    Mình chưa khẳng định được tên gọi Collège de Qui Nhon có từ năm 1921 hay chưa. Quyết định thành lập vào năm 1921, rồi mượn cơ sở Trường Tiểu Học để giảng dạy hay là đến năm 1922 mới có quyết định lập Collège de Qui Nhon. Thành thử khi viết bài, đúng ra mình nên đưa vấn đề tồn nghi vào bài viết mới phải cách. Nhưng dung lượng của bài viết sẽ lớn, mà chủ đề chính là Trường Trung Học Mai Xuân Thưởng chẳng bao nhiêu.

    Đây cũng là kinh nghiệm để học cách sử dụng tư liệu cho phù hợp với đề tài mà viết về Trung Học Quang Trung Bình Khê thận trọng hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cẩn trọng cho các bài viết dạng nầy là điều nên có. Bạn gắng lên.

      Xóa
  3. Cam on anh Truong Nghi da dang nguon goc cua truong THQT Binh Khe .

    Trả lờiXóa
  4. Có thông tin này, Trường Nghị có thể liên hệ để tham khảo coi thử có thể giúp ích được gì cho khảo cứu của Nghị không. Vì tuy đã nhiều tuổi, có thể họ không còn nhớ chính xác như các sách vở đã ghi, nhưng các vị này, bản thân học họ đã từng "mài đũng quần" ở vài ngôi trường ở Bình Khê nói trên.

    Sắp đến, vào ngày 01/5/2012, các cựu hs cấp II Bình Khê, giai đoạn 1950 - 1955, được sự tài trợ của cụ Đoàn Tấn Quyết (thân sinh của đại gia "Bầu Đức") sẽ có cuộc họp mặt ở TP Pleiku - Gia Lai. Ngoài các vị đang ở tại bổn quán, còn có một số vị đang sinh sống ở HN và SG cũng sẽ về dự. Họ đang thành lập một "Ban Biên tập" để viết hồi ký về ngôi trường họ đã học, trong đó có sự tham gia của thầy Quách Hiếu, thầy giáo thời cấp II của chúng ta, cựu giáo sư TH Quang Trung BK.

    Nguồn: Do nhà báo Hùynh Hiến, cựu hs Trường "Ông Phàm", cựu hs trường cấp II BK, cung cấp.

    Trả lờiXóa
  5. Năm 1905 trên nền tảng từ trường Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire (trường tiểu học Pháp – Việt- CT Hồ Chinh Minh Theo hoc 1909-1910), Collège de Qui Nhơn. Như Vậy Quốc học Quy Nhơn tính thành lập 1905 sẽ phù hợp bề dày của trường

    Trả lờiXóa