BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA – CUỐN TIỂU
THUYẾT LUẬN ĐỀ CỦA TRƯƠNG VĂN DÂN
Có 2 tuyến nội dung chạy dọc cuốn tiểu thuyết này, và có thể,
tùy theo cái tạng của từng độc giả, tuyến nào sẽ có tác động mạnh mẽ hơn tới
tâm trí họ. Tuyến thứ nhất, những lo lắng, ám ảnh về sự bất an của nhân loại
trước hàng loạt những nguy cơ đã thấy và sẽ thấy trước cơn lốc hiện đại hóa,
toàn cầu hóa. Tuyến thứ hai, câu chuyện tình vô cùng lãng mạn của Gấm và anh
nhà báo.
Theo cảm nhận của cá nhân độc giả là tôi, có lẽ, người viết
còn thiếu chút gì đó để tạo sự nhuần nhuyễn giữa hai vỉa mạch nội dung này. Nó
khiến người đọc phải phân thân, phải tự tách bạch lý trí và tình cảm khi trải
nghiệm từng trang sách. Những trang cuối của tiểu thuyết, khi người viết tập
trung tinh thần và trí lực vào việc miêu tả cảm xúc và cái chết của cô Gấm, khi
anh dường như quên đi mất cái mạch nội dung thứ nhất thì hình như trang văn có
được vẻ thống nhất hơn.
Nhưng theo ý riêng tôi, rõ ràng, người viết không hề vụng dại
trong kỹ thuật viết khi tạo dựng 2 vỉa mạch nội dung tưởng như hoàn toàn chẳng
liên quan gì đến nhau trong cuốn sách này. Cái anh muốn “đánh động” tới tất cả
độc giả chính là cái vỉa nội dung thứ nhất, nhưng cái anh muốn lắng lại trong
lòng người đọc, lại chính là cái vỉa nội dung thứ 2. Cuộc sống rồi sẽ còn tiếp
diễn khôn lường, nhân loại sẽ, dù muốn hay không, phải trải qua vô vàn những
cuộc khủng hoảng và suy kiệt khác vì lòng tham lam, ích kỷ, nhưng tình yêu vẫn
sẽ là điểm tựa duy nhất và cuối cùng của con người sau tất cả những biến cố,
suy vi đó. Người viết dụng công miêu tả những khoảnh khắc thăng hoa, lãng mạn
tới mức không tưởng trong mối tình thứ 3, và cũng là mối tình cuối cùng, của
Gấm. Và anh cũng đã dụng không không ít trong việc khắc họa tới mức “nhìn thấy,
sờ thấy” những nguy cơ khủng khiếp của nhân loại trong từng bước đi hôm nay.
Người ta cần phải thoát ra ngoài để nhìn rõ hơn những thứ ở bên trong một không
gian hạn hẹp. Với Trương Văn Dân, phải chăng, với quãng thời gian hơn 40 năm
sống và làm việc tại Italia, nhưng vẫn không thôi dõi đôi mắt đau đáu yêu
thương và trăn trở về tổ quốc, đã cho anh con mắt nhìn thật sâu, thật thấm thía
về những nguy cơ có thật đã, đang và sẽ xảy ra trên đất nước mình. Những bãi
rác công nghiệp độc hại đang ngày càng trở nên lộ liễu và bành trướng, nạn ô nhiễm
môi trường, thực phẩm độc hại, những cuộc mua bán hôn nhân trần trụi, trơ tráo
giữa người Việt và người nước ngoài, những cuộc hội nhập, toàn cầu núp danh các
mỹ từ để một nhóm người có cơ hội thao túng từ kinh tế cho đến chính trị của
một quốc gia, vùng lãnh thổ, và thậm chí là cả khu vực rộng lớn hơn thế. Ai
dám bảo đó là những nỗi lo vô cớ? Ai dám bảo đó là chuyện của thiên hạ, là
trách nhiệm của những người có vai vế trong xã hội, trong thế giới? Không, đó
là những điều rất nhỏ đang tác động vào cuộc sống mỗi ngày của chính chúng ta.
Là mớ rau có màu xanh đậm và non mướt tới mức nghi ngờ trong bữa cơm gia đình.
Là những xóm, những làng ung thư đang ngày một trở nên phổ biến trên cả nước.
Là những đứa trẻ bị trưởng thành, dậy thì sớm do uống phải những loại sữa có
chứa chất kích thích tăng trưởng hormone ngay từ thuở sơ sinh, v.v… Đọc những
trang văn có phần luận chiến nhiều hơn miêu tả, giãi bày của Trương Văn Dân,
những ai còn có lương tri và hiểu biết thật khó mà yên được.
Và giữa tất cả những ám ảnh bất an đó, tình yêu của Gấm như
một con suối mát lành cố như muốn làm dịu đi sự gay gắt, nhức buốt của hiện
thực. Mới đọc sách, tôi cứ tưởng người viết đang trở lại với lối viết tiểu
thuyết theo kiểu “ba xu” của những cuốn sách in chữ to dành cho những bà nội
trợ, bán hàng thuê đọc ngày xưa. Ấy vậy mà càng đọc, càng thú vị và thấm thía
với những khoảnh khắc đầy trải nghiệm sâu sắc của một người vốn đã nhấm nháp
khá nhiều cái dư vị chua chát của cuộc đời. Đọc sách của Trương Văn Dân, thấy
anh đọc nhiều văn chương của bạn bè, của các tác giả lớn trên thế giới, lại
cũng thấy anh mê kinh Phật, mê những triết lý gần gũi với cuộc đời hơn là những
mớ lý thuyết suông, nghe thì vô biên mà thực chất chẳng đem lại chút giải
thoát, thanh thản gì cho cuộc đời. Tiêu đề cuốn sách không hiểu sao gợi một cảm
giác thật xót thương. “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, nó phải
chăng cũng chính là biểu tượng về thân phận của con người giữa cuộc đời này.
Mỗi thân phận đang trôi đi giữa dòng đời có lẽ cũng chỉ là một bàn tay nhỏ,
chẳng che nổi chính mình, sao có thể che đỡ nổi cho ai khác giữa cơn mưa dông
ập tới. Cơn mưa cuộc đời chẳng chừa ai cả. Nó trút xuống mỗi số phận, mỗi bàn
tay nhỏ, dù bàn tay đó chấp nhận buông xuôi hay vẫn luôn gắng gượng che chắn
trong hy vọng.
Có lẽ, với tình yêu, tôi đã đọc được nhiều trang sách trước
khi đến với “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của Trương Văn Dân. Nhưng với toàn cầu hóa,
với hiện đại hóa được đưa vào văn chương, anh là người đầu tiên khiến tôi cảm
nhận được sự gần gũi và sát thực đến thế của những câu chuyện, những vấn đề
mang tầm cỡ nhân loại. Người ta phải đủ uyên bác tới mức thế nào mới có thể nói
một cách giản dị về những điều phức tạp. Trương Văn Dân đã làm được điều mà
tôi cho rằng không hề đơn giản. Người ta nói đông, nói tây, nhưng những câu
chuyện của đời sống hàng ngày, những điều đe dọa cuộc sống hàng ngày thì không
phải ai cũng có khả năng lý giải thuyết phục. Tôi chỉ tiếc, giá như anh “mềm”
hơn nữa trong cách ứng xử với những tư liệu về thời sự, chính trị, kinh tế, xã
hội, “mềm” hơn trong cách đưa chúng vào văn chương, tạo ra những bối cảnh,
những kết cấu để chúng xuất hiện tự nhiên hơn thì chắc chắn, tác phẩm của anh
sẽ thành công hơn nữa.
Có lẽ, tôi là một người đọc nhiều lý trí hơn tình cảm nên
thực sự bị lôi cuốn vào mạch nội dung thứ nhất. Và rất chủ quan, tôi đồ rằng,
người viết cũng dụng công vào mảng nội dung này hơn là những trang viết, dù rất
công phu, kỹ lưỡng, anh dành cho cuộc tình của Gấm. Vẫn biết rằng, dù nhân loại
có tiến đi đâu đi nữa thì câu chuyện của văn chương vẫn chỉ loay hoay quanh
những vấn đề của tình yêu và cái chết mà thôi. Nhưng để cảm nhận được sâu sắc
giá trị lớn lao và đích thực của tình yêu, người ta cũng lại phải hiểu thật rõ
những nguy cơ, những mối hại mà đời sống đang làm nảy sinh ra thêm trong tiến
trình phát triển này đối với tình yêu. Chẳng phải chính những nhu cầu hưởng
thụ, ham vật chất của thời hiện đại đang làm con người xa lánh nhau hơn đó sao?
Chẳng phải chính những truyền thông về thái độ, quan điểm sống tôn sùng giá trị
vật chất đang đẩy con người thành những cỗ máy, những rô bốt lãnh cảm, từ lúc
mở mắt đi làm cho tới khi nhắm mắt bước vào giấc ngủ chỉ đau đáu với ý nghĩ làm
thế nào kiếm được thật nhiều tiền đó sao? Trên thực tế, thế giới hiện đại với
tất cả những tổng lực của nó đến từ nhiều phía đang tạo ra một guồng quay khốc
liệt với những thang bậc giá trị được định hình vô lối. Người ta bị ảo tưởng
giữa những lời khen, những tung hô tưởng như rất thực, song thực tế lại là
những viên kẹo bọc đường. Thế giới hiện đại có khả năng kỳ diệu trong việc tạo
ra những hệ thống mỹ từ có thể xoa dịu, đánh tráo khái niệm với những sự thật
vốn trần trụi và thô thiển hơn rất nhiều. Người ta bị “đánh bả” bởi những ngôn
từ mỹ lệ như “hội nhập”, “toàn cầu”, “phát triển bền vững”, “hai bên cùng có
lợi”, v.v… Rõ ràng, tất cả những áp lực kinh hoàng đó đang khiến con người xa
rời nhau, xa rời những tình cảm chân thành, đúng mực, những giá trị sống căn
bản, cốt lõi của loài người vốn tôn thờ qua bao nhiêu thế hệ. Vậy nên tôi vẫn
nghĩ, câu chuyện tình của Gấm, rốt cuộc, chỉ là một cái đòn bẩy để Trương văn
Dân nói nhiều hơn về những nguy cơ của thời đại đối với con người, với tình yêu
và những giá trị nhân bản lớn lao. Gấm chết bởi sao? Chẳng phải chính bởi ung
thư, căn bệnh vốn đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của toàn thế giới trong
khoảng vài thập kỷ trở lại đây và khoảng mươi năm gần đây với người Việt Nam đó
hay sao? Vì sao có ung thư? Câu trả lời có lẽ chẳng cần nói ra ở đây nữa. Bởi
gần như xung quanh cuộc sống của mỗi người Việt Nam bây giờ, việc tìm ra một
người chết vì căn bệnh này xem ra quá đơn giản. Cái chết trở thành điều bình thường
cũng là một ám ảnh quá đỗi kinh hoàng của thời đại chúng ta đang sống.
Mặc dù người viết (hoặc nhà xuất bản) đã định danh thể loại
cho cuốn sách này là “tiểu thuyết”, nhưng tôi muốn thêm vào hai chữ “luận đề”
vào đó. Bàn tay nhỏ dưới mưa là cuốn tiểu thuyết trình bày quan điểm của người
viết về những nguy cơ ở tầm thế giới nhân loại đang diễn ra khốc liệt ngày hôm
nay. Người viết đã khéo léo tìm một cách nói rất “trữ tình”, dù đôi lúc anh
không thể vịn vào cái áo trữ tình đó khi nội dung luận bàn về quan điểm trở nên
quá “chật chội”. Nhưng theo ý riêng của tôi, ở một chừng mực nhất định, Trương
Văn Dân đã nói được cái điều anh định nói một cách giản dị nhưng vô cùng thuyết
phục. Cuốn sách của anh là một món quà quý với những độc giả ham chuộng tư
tưởng khi đọc văn chương.
Hà Nội ngày 3-9-2012
Dương Kim Thoa
Tác phẩm “BTNDM”_ Tiểu thuyết luận đề của Nhà văn TVD_
Trả lờiXóaĐọc bài viết nhận định của Chị /cô DKT đã rút ra hai luận đề chính xuyên suốt Tác phẩm ,làm tôi rất tâm đắc :
_ Nổi ám ảnh,ray rức của con người trước dòng xoáy “hiện đại hoá”như vết dầu loang trên mặt phẳng trái đất.
_Cái “tình” của con người trước bối cảnh cuộc sống gần như đang quằn quại, hấp hối qua (hai nhân vật Gấm_Anh Nhà báo) trong Tác phẩm
Đó là hai mảng chính nổi bật trong “BTNDM”:
_Một cái dễ nhận”THẤY” bằng mắt và,
_Một cái “THẤY” trừu tượng hơn phải qua chiêm nghiệm, động não quan sát hiện tượng, bản chất sự vật…
Nhưng theo thiển ý cá nhân tôi ,nói chung _Hai nội dung chính này, không hoàn toàn tách bạch, song song riêng rẽ mà “NÓ” được “đan xen” , lúc “ĐẬM” lúc “NHẠT”theo dòng cảm xúc mô xẻ ý tưởng rốt ráo của Tác giả !
Bằng giọng văn nhẹ nhàng,câu văn ngắn, gọn, từ ngữ không màu mè ,nhưng đầy tính nhạc qua cái nhìn uyên bác liên đới nhiều lĩnh vực cuộc sống của Anh !
Bằng nghệ thuật độc thoại nội tâm suy xét như những “lát cắt” tâm lý dẫn người đọc tự “tư nghì” xuyên suốt Tác phẩm _đọng lại cái tư duy tan biến, dịch chuyển , cái lẽ vô thường của Tạo hoá ; gẫm suy nhiều về sự sống& cái chết, toát lên cái hồn Đông phương nhuốm đầy triết lý Phật giáo sâu sắc ,dù Anh đã sống hơn 2/3 đời mình ở Ý…
Chính tư duy đó, làm người đọc tự đặt nghi vấn, tự giải quyết trước “cái tình” đang băn khăn,hấp hối của Gấm trong “BTNDM” _ lưu tâm đến lòng “nhân ái” , về tính “nhân bản” , lòng vị tha đang bị xói mòn, xơ cứng trước vật chất hoá đời sống chúng ta hiện nay trong Tác phẩm…
Đọc “BTNDM” cá nhân tôi rất thích và rất mong được đọc những tác phẩm mới khác của Anh TVD!
Và cũng cảm ơn Chị/cô DKT về bài viết trên đã lô gíc , cô đong gần như sắc nét “BTNDM”!