Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

THẦY TRÒ NGÀY XƯA ẤY


(NHỮNG NGÀY CÒN ĐI HỌC)

Trung Học Quang Trung Bình Khê mở lớp từ năm 1965. Đến niên khóa 1974 - 1975, trải qua 10 năm hình thành và xây dựng đã có đủ các lớp bậc Trung học từ lớp 6 đến lớp 12. Học sinh Đệ nhị cấp của trường thời ấy thấy lớn lên ra, mang niềm hãnh diện là đàn anh đầu đàn của mấy lớp nhỏ.

Học trò Trung học Đệ nhị cấp chúng tôi hồi ấy không còn xưng con với Thầy như ngày xưa xa nữa. Một vài Thầy dạy Đệ nhất cấp mới ra trường, khi về đến Trung Học Quang Trung Bình Khê đã chủ động gợi cho học sinh lớp lớn chúng tôi xưng hô với mấy Thầy như là anh em khi ở ngoài lớp học. Nhưng lớp học trò chúng tôi vẫn ngập ngừng, không dám. Một không khí cởi mở, gần gũi đã có giữa Thầy với Trò. Với phong cách nghiêm nghị, chững chạc … của những người Thầy ngày ấy đã tạo nên một hình ảnh vừa thân, vừa kính giữa Thầy Trò với nhau.

Đặc biệt với Thầy Nguyễn Đồng, người Thầy đã có công tạo nên vóc, nên dáng ngôi trường thân yêu, chúng tôi vẫn phải xưng con với Thầy. Vì chính các Thầy dạy chúng tôi hồi ấy vẫn phải xưng con với Thầy kia mà. Thầy đứng lớp từ những năm cuối thập niên 20 thế kỷ trước. Có gia đình ở Bình Khê có đến 2 hoặc 3 thế hệ đã từng học, từng nghe Thầy giảng dạy. Quan niệm xã hội, phong cách người Thầy, chương trình học, cách giảng dạy… của thời ấy đã đặt chúng tôi vào vị trí hiển nhiên phải biết kính trọng người đã truyền kiến thức cho mình.

Đâu quãng cuối năm 1973, thi sĩ Quách Tấn có dịp về thăm quê, Trường tổ chức, mời cụ Quách đến nói chuyện với mấy lớp học trò lớn chúng tôi. Cụ Quách nói chuyện về hát bội Bình Định, về danh nhân của Bình Định là cụ Đào Tấn. Buổi nói chuyện có dàn nhạc cổ của Thầy Vũ Phan Long ở Quy Nhơn lên hổ trợ, có nghệ sĩ Tuồng danh tiếng là bác Cửu Vị minh họa. Đúng là một buổi học hứng thú. Buổi nói chuyện của cụ Quách đã đọng lại trong chúng tôi hình ảnh của cụ Đào Tấn, một ông quan Phủ Doãn kinh thành Huế dám chém đầu tên hống hách bồi Tây thân tín của Khâm sứ Pháp - tục gọi là Bồi Ba - rồi mới báo cho triều đình. Cụ Quách đã khắc sâu trong chúng tôi hình ảnh ông quan Hiệp Tá Đại Thần về quê đến lạy Thầy (mất đã lâu), xin Thầy cho phép ông được hiệu đính một đoạn trong vỡ tuồng mà Thầy đã biên soạn.

Nguyên trước đây cụ Đào Tấn (1845 - 1907) theo học cụ Tú Nguyễn Diêu. Cụ Nguyễn Diêu hiệu Quỳnh Phủ, người làng Nhơn Ân huyện Tuy Phước. Ông đỗ Tú Tài khoa Canh Thân năm Tự Đức thứ 13 (1860), là nhà soạn tuồng kỳ tài. Ông có 2 bổn tuồng nổi tiếng là Liệu Đố và Ngũ Hổ Bình Tây. Văn chương tuồng trong Ngũ Hổ Bình Tây rất điêu luyện, nhưng trong lớp tuồng Địch Thanh ly Thợn quốc lại có tỳ vết.

Trong lớp tuồng Địch Thanh trốn đi nầy, người vợ mới cưới của Địch Thanh là Thợn quốc Công chúa Thoại Ba đuổi theo chồng. Theo bổn tuồng cụ Nguyễn Diêu soạn, Bà đã ra lệnh cho tướng giữ quan ải của mình là Cáp Man :

-  Cáp Man, Vâng lệnh thiếp ân cần, đóng ải quan cẩn mật.
    Nhược hữu nhất hào sơ thất, tất can trọng tội nan đào.

Qua tâm tình, Địch Thanh đã thuyết phục được Thoại Ba cho ông rời Thợn quốc đi đánh Tây Liêu để cứu mẹ. Người mẹ già đang bị giam cầm vì triều đình nghe theo lời sàm tấu của gian thần. Thoại Ba đồng ý cho đi, dù lòng đau như cắt :

Thoại Ba :
 -  Mối duyên Chức Nữ, Ngưu Lang
    Cầu Ô đã bắc, lại toan đứt cầu.

Địch Thanh :
-  Dùng dằng nghĩa trước tình sau
   Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang,

Địch Thanh và Thoại Ba :
-  Dứt tình một khúc Dương quan
   Tây Liêu anh tới, Đơn Bang em về.

Tỳ vết của lớp tuồng là diễn cảnh kẻ về lại Thợn quốc, người thẳng đến Tây Liêu, “hồn nhiên” chia tay nhau lên đường mà quên rằng cửa ải vẫn còn đang đóng theo lệnh của Thoại Ba trước đây.

Cụ Quách đã kể chuyện lại là cụ Đào trình cúng con heo, xin Thầy “mở cửa ải cho Địch Thanh lên đường”. Cụ Đào đã hiệu đính, thêm đoạn văn tiếp theo câu :

Địch Thanh :
-   Dùng dằng nghĩa trước tình sau (công chúa ơi)
    Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang,

Thoại Ba :
-  Cáp Man ! Truyền Cáp Man mở cửa ải đặng ta đưa nguyên súy lên đường.
   Phu quân ơi!
   Song lụy san san,
   Thốn tâm cảnh cảnh.
   Hồn ly biệt dường mê dường tỉnh.
   Mối ân tình khó dứt, khó chia (lắm phu quân ơi! )
   Nẻo Tây Liêu hiểm ác sơn khê. 
   (còn thằng) Tinh La Hải cao cường pháp thuật
   (Em sợ là sợ?) Khó nỗi bêu đầu ác tặc,
   (Úy mẹ, mẹ ơi) Biết bao giờ thấy mặt từ nhan,
   (Phu quân ôi),
   Rượu vơi vơi nâng rót chén vàng,
   Chân rén rén dìu đưa người ngọc.
   Rén rén dìu đưa người ngọc.
   Kể khôn cùng chân tóc, kẽ răng,

Địch Thanh :
- Thôi em ở lại cho sương sa, hoa nở, mẹ tròn con vuông, để cho anh vãng bình Liêu tặc rồi quy yết từ nhan chẳng can chi, em ơi!
   Anh hùng một bước còn săn,
   Đừng dun mày liễu mà quằn ruột lan,

Địch Thanh và Thoại Ba :
-  Dứt tình một khúc Dương quan
   Tây Liêu anh tới, Đơn Bang em về.

Đoạn văn cụ Đào thêm vào lớp tuồng thật là thấu tình, đạt lý mà không làm giảm đi hương vị văn thơ vốn có của Thầy.

Giai thoại chỉnh sửa một lớp tuồng của đất Bình Định ấy đã ghi lại được tinh thần tôn sư trọng đạo của nền giáo dục ngày xưa. Thầy trò gắn bó, gần nhau trên đường văn học nhưng phải có một khoảng cách tôn kính trong vị trí Thầy - Trò, cho dù Trò có là một người quyền cao chức trọng. Buổi học ngày ấy, câu chuyện kể của cụ Quách đã để lại trong lớp học trò chúng tôi hình ảnh về Thầy ra Thầy, Trò ra Trò của thời Những Ngày Còn Đi Học của chúng tôi.

2 nhận xét:

  1. Đọc bài viết “THẦY TRÒ NGÀY XƯA ẤY” của anh Trường Nghị thấm đẫm “tình thầy trò” , gợi lại bao hoài niệm “Những ngày còn đi học” ở ngôi trường Quang Trung Bình Khê thân thương , bằng cái tình thầy trò rất chân chất , gần gũi , quý mến…thật cảm động !

    Bài viết làm tôi cứ “nhớ” cái cảm nghĩ của mình thời ấy! Trong mắt tôi, các anh chị lớp lớn, sánh vai bên cạnh các thầy cô như tình anh em một nhà là hình ảnh đẹp rất “ngưỡng mộ” cho những học trò nhỏ chúng tôi noi gương , học hỏi …và hình thành nhân cách của chính mình vậy !

    Cảm ơn anh TN về bài viết nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam (20_11) , đọng đầy tình thương mến như một lời “tri ân” gởi đến Các Thầy Cô đã từng dạy dỗ mình nên người …và xin cầu chúc Các thầy cô luôn khỏe và hạnh phúc !

    Trả lờiXóa
  2. NgocTho nhớ chuyện tướng Carnot của Pháp về trường ghé thăm thầy không !? Xem ra đâu có kịch tính, thấm đẫm tình Thầy Trò bằng cụ Đào với cụ Quỳnh Phủ ở Bình Định mình phải không.

    Trả lờiXóa