Vè
là những chuyện kể bằng câu ca có vần điệu, thường là câu 4 chữ, nhưng có khi
là câu 5 chữ, câu lục bát…, vè không bị bó buộc bỡi một thể loại nào. Nội dung vè
thường là những chuyện xảy ra trong xóm trong làng, chuyện của một địa phương,
nên vè có tính thời sự, lại mang tính dân gian. Ngôn ngữ vè mộc mạc, ai đấy
cũng có thể tham gia làm nối đuôi cho bài vè, cũng vì vậy đôi khi bài vè bỗng
dài thêm ra theo thời gian như những bài vè nói về bánh trái, chim cá…, cuối
cùng khó mà biết ai là tác giả chính của nó. Vè được đặt ra từ những người
không tên không tuổi, đề tài của vè thường là chuyện vặt vãnh của xóm làng, nên
sức sống của vè cũng vì vậy mà mau chóng đi vào quên lảng. Chỉ có những bài vè
đủ sức vượt qua khỏi lũy tre làng may ra mới còn lưu lại được cho người đời sau.
Giống
như nhiều địa phương khác, những bài vè ra đời ở Bình Định chắc chắn là không
ít, nhưng những bài được lan truyền khắp nơi và thường được nhiều người nhắc đến
là các bản vè : Vè Chàng Lía, Vè Bà Thiếu Phó và Vè Cô Thông Tằm.
Vè
Chàng Lía và Vè Bà Thiếu Phó là loại Vè lịch sử. Vè Chàng Lía kể chuyện những kẻ
cướp ở Truông Mây. Nhưng những kẻ nổi loạn đất Bình Định nầy lại chính là những
người đầu tiên đề ra và thực hiện tuyên ngôn “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, khuấy động cả phủ
Chúa xứ Đàng Trong hồi thế kỷ 18. Vè Bà Thiếu Phó kể chuyện Nữ kiệt Bùi Thị
Xuân, vợ của Thiếu Phó Trần Quang Diệu. Hai vợ chồng đều là lương đống của Nhà
Tây Sơn đã từng làm điên đầu con cháu của nhà Nguyễn Gia Miêu. Vì vậy cũng dễ
hiểu vì sao 2 bản vè nầy lại có sức sống lan truyền đi xa được.
Thế
còn Vè Cô Thông Tằm chỉ là chuyện kể về một phụ nữ bị cướp giết chết. Vậy thì tại
sao bản vè nầy lại cũng được lan truyền khắp nơi.
Ngày
xưa những sự kiện xảy ra trong xóm trong làng được giới “Nói Vè” mang ra khỏi địa
phương đi kể với bàng dân thiên hạ. Nhà nghiên cứu Tuồng ở Bình Định là Vũ Ngọc
Liễn có cho biết “Trước cách mạng tháng Tám ở quê tôi có ông Trùm Vạn chuyên
sống về nghề nói Vè Chàng Lía. Mấy chục năm hành nghề luôn no đủ, vì người
nghe không chán”. Hẳn nhiên người Nói vè phải có nghệ thuật để thu hút người
đến nghe, nhưng Chuyện vè phải có cái gì đấy mới làm cho mọi người phải muốn đến
nghe cho được. Như vậy bản Vè Cô Thông Tằm đã có sức sống của nó nên người dân
xứ Quảng mới nói là ngày xưa từng “thích nghệ nhân hát dạo ở Bình Định ra Nói
Vè Thông Tằm”. Nghe đâu Bà Từ
Cung, vợ của Vua Khải Định cũng từng biết đến bài vè nầy.
Bản
Vè Cô Thông Tằm hiện nay thấy có ghi lại trong cuốn Tiến Trình Văn Nghệ Miền
Nam của Nguyễn Q. Thắng (nxb An Giang - 1990) :
Cảm thương cho thím Thông Tằm
Chồng đau bệnh trượng xuống
nằm nhà thương,
Vợ chồng là nghĩa cang thường
Lên xe tôi xuống nhà thương
thăm chồng
Con thơ có mẹ ẵm bồng,
Lên xe tôi xuống thăm chồng
thế nao.
Vợ chồng là nghĩa tương
giao,
Tôi mới bước vào thấy mặt chồng
tôi.
Hai hàng nước mắt sụt sùi,
Xin anh ở lại em lui về nhà,
Kẻo mà con dại khóc la,
Nửa đêm giờ tý canh ba lỡ
làng.
Hay đâu mưu mẹo nó toan,
Hiềm mai nó giết, nó trang lột
đồ.
Không ai cho tiếng tri hô,
Một mình vắng vẻ, lột đồ lạnh
tanh.
Cúi đầu lạy hết các anh,
Để cho cải tử hườn sanh trọn
đời.
Giậm chơn xuống đất kêu trời,
Trời đâu không thấy, hồn dời
âm bang.
Giết rồi lại bỏ suối vàng,
Vớt lên cấp táng tại làng
Phong Niên.
Cô Thông thiệt đúng gái hiền,
Nửa đêm hiện hồn lên tỉnh
kêu cùng Cụ (1) hay.
Cụ tư xuống Sứ (2) ngày mai,
Sức Phong Niên hương chức,
hào mục quật rày lên coi.
Thầy Thông xem thấy hẳn hòi,
Thoa dầu đánh dấm vô coi rõ
ràng.
Trong tay còn chiếc nhẫn
vàng,
Thầy Thông thấy vậy hai hàng
lụy rơi.
Giậm chân xuống đất kêu trời,
Trời đâu không thấy hồn vời
âm gian.
Hai tay vuốt mặt cho nàng,
Em an phần mộ anh toan lên
chùa …
(1) Quan Tổng Đốc
(2) Quan Công Sứ Pháp
Câu
chuyện của bài vè nầy xảy ra quãng thập niên 20 thế kỷ trước. Có người tên Trần
Ngọc Dư làm ở sở tằm của hãng Delignon. Vì làm việc cho người Pháp nên người ta
thường gọi là Thầy Thông. Kiêng tên nên gọi luôn là Thầy Thông Tằm. Sở tằm lo gầy
giống cho hai nhà máy ươm tơ dệt lụa xứ Bình Định, một ở Bồng Sơn, một ở Phú
Phong. “Nhà Tằm” của ông Thông nằm kế bên nhà dây thép (bưu điện) và nhà thương
thí ở cửa Đông thành Bình Định (ở thị xã An Nhơn bây giờ). Về sau nầy nhà Tằm dời
lên sát nhập với xưởng Delignon Phú Phong.
Lúc
ấy Thầy Thông bị bệnh phải xuống Quy Nhơn nằm viện. Không lầm thì bệnh viện đó ở
góc đường Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn hiện nay, nằm gần bên Trường Nữ Trung Học (bây
giờ là trường Trưng Vương). Cô Thông khăn gói xuống thăm chồng, khi trên đường
trở về chẳng may gặp nạn, bị kẻ gian cướp hết tư trang rồi hãm hiếp, giết hại bỏ
vất vưởng ở bờ sông nơi làng Phong Niên phía dưới Tháp Bánh Ít, trên đường 19
bây giờ đi xuống chợ Dinh - Quy Nhơn.
Quan
Tri phủ Tuy Phước hồi ấy là Nguyễn Khoa Kỳ, thuộc dòng thế tộc, con cháu của
danh thần từng có công giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi. Hay tin có một tử thi
đàn bà không mặc quần áo nằm cạnh con sông nơi trấn nhậm của mình, Quan phủ
phái Thầy đề đi xem xét. Thầy đề về báo lại rằng đó chỉ là xác một mụ ăn mày,
không có thân nhân nhìn nhận. Quan Phủ liền cấp tiền cho hương chức sở tại chôn
cất tử tế, không biết đó là nạn nhân của một vụ cướp của giết người.
Theo
lời kể của con cháu Quan phủ thì sau đó Thầy Thông ở Quy Nhơn về, vợ mất tích, lại
hay chuyện có người đàn bà chết bên bờ sông, nên xin Phủ cho quật tử thi kiểm
tra lại. Gặp lúc xảy ra bệnh thiên thời đang lan tràn, Quan Tri phủ không chấp
thuận. Thầy Thông vô tình tìm thấy mảnh áo lót của vợ mình máng trên ngọn tre
chỗ phát hiện tử thi, nên làm đơn kêu lên Tỉnh đường.
Còn
theo bài vè cũng như lời truyền ở Bình Định thì Quyền Tổng đốc Bình Phú (bao gồm
Bình Định và Phú Yên) bấy giờ là Cụ Nguyễn Đình Hiến đêm nằm thấy Cô Thông hiện
hồn về báo mộng cho biết chuyện. Cụ Nguyễn Đình Hiến là người huyện Quế sơn -
Quảng Nam. Năm còn làm Tri phủ Phủ Hoài Nhơn ngoài Bồng Sơn, dù đương chức
nhưng cụ là người dám thiết hương án giữa đường, quỳ khóc đón đưa quan tài người
bị xử chém trong Khánh Hòa đi ngang qua đây là Chí sĩ Trần Quý Cáp, người đã bị
triều đình hài tội là chủ mưu cuộc nổi loạn của Giặc Đồng Bào xin sưu kháng thuế
năm 1908.
Năm
ấy Cụ Nguyễn Đình Hiến đã tin cho Tòa Sứ biết chuyện và lệnh cho làng Phong
Niên khai quật tử thi lên khám nghiệm, tạm cất chức quan Tri phủ Tuy Phước vì
đã thiếu trách nhiệm không phát hiện án mạng nơi mình quản hạt, cho tại ngoại
tra cứu sau. Sau đó tỉnh đường xét tra ra hung thủ là bọn kéo xe. Sau vụ án nầy,
năm 1925, cụ chính thức được thăng thực thụ Tổng Đốc.
Bây
giờ đọc lại bài vè, nhìn lại chuyện Cô Thông Tằm, có lẽ ai cũng cảm thấy nó
bình thường, quá bình thường giữa những tin tức nhan nhản chuyện cướp, hiếp luôn
xảy ra hằng ngày. Nếu ai đấy thấy chuyện một ông quan bị mất chức chỉ vì “thiếu trách nhiệm lảng xẹt” như vậy là chuyện bất bình thường thì
cũng chẳng có gì khó hiểu. Khi chuyện gì đó gây chấn động mọi người thì sẽ được
xem là bất bình thường, nhưng sẽ xem là bình thường nếu những chuyện như vậy xảy
ra đầy ắp cả chung quanh.
Hồi
xưa nếu có một án mạng xảy ra trong làng thì đó là chuyện động trời. Nhiều khi
một xác chết trôi sông tấp vô làng, người làng phải đẩy trôi đi nơi khác để khỏi
phải lao tam khổ tứ với quan trên. Chuyện một ông quan con dòng cháu giống mà không
quan tâm gì tới án mạng nơi mình trấn nhậm cũng là chuyện động trời. Chuyện động
trời mà ai chẳng muốn được nghe, được biết. Có lẽ cũng vì vậy mà bản Vè Thông Tằm
lan truyền được tới Xứ Quảng - quê hương của vị Tổng đốc đã xét tra ra vụ án,
lan truyền ra tận đất thần kinh - chốn ở của dòng tộc quan Tri phủ bị huyền chức
chỉ vì sơ sót trong việc thống quản lỵ sở của mình.
Bản
thân của bài Vè Cô Thông Tằm đất Bình Định vốn tiềm ẩn một sức sống nên nó đã
vượt qua khỏi lũy tre làng đi khắp chốn khắp nơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét