Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (14) - HẬN TRUÔNG MÂY


Chàng Lía được xem là người ra tuyên ngôn Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Lía tụ nghĩa ở Truông Mây là để thực hiện tuyên ngôn. Nhưng những đầu lĩnh Truông Mây bấy lâu chỉ được xem là những kẻ nổi loạn. Cuộc nổi loạn của Lía không có được người giúp rập như Giáo Hiến đã vạch đường chỉ lối cho 3 anh em Nhạc - Huệ - Lữ, nên Truông Mây chưa có được cơ nghiệp như Nhà Tây Sơn sau đó ít lâu.

Được là vua, thua là giặc. Truông Mây thất bại, những kẻ ở Truông Mây bị xem là giặc. Lía tự cắt đầu mình trước lão tiều phu. Hành động nầy xem như là sự tạ lỗi của Lía trước thiên hạ vì mình đã gây ra cuộc can qua máu chảy đầu rơi.


VĂN DOAN DIỄN CA (tiếp theo …)


Tiều phu:
Bạch lãnh san quê ngụ,
Lão biểu tự danh Thôi,
Như ta Lạc đạo an[1] bần hiền thánh trước,
Cùng cư sơn lãnh rất thanh nhàn.
Hôm mai vui với gió trăng
Ngày tháng bạn cùng hoa thảo.

Lía, kêu:
Cả tiếng kêu lão trượng
Ra mở cửa cho ta. nào.
 
Xướng:
Lão Tiều lật đật chạy ra
Tay bèn mở cửa, miệng thời hỏi ai.
Văn Doan khi ấy bước vô
Xem qua lão trượng tuổi đà tám mươi.
Hỏi rằng, ông ở sơn đầu
Lấy chi nuôi miệng, rừng hoang một mình?
Lão rằng, ý muốn thanh nhàn
Củi rừng nuôi bữa qua ngày thời thôi,
Một ngày thong thả một ngày,
Tranh đua danh lợi, hại mình chú ôi!
Doan rằng, trong ruột xót xa
Có gạo làm phước đỡ lòng cho tôi.
Lão Tiều thôi mới nói ra,
Vận nghèo lại gặp kẻ nghèo thương thay.
Còn ba sét gạo để mai,
Thôi thôi ngươi khá ăn đi cho rồi.
Văn Doan nghe nói khóc ròng
Thấy người thiện sĩ trong lòng khá thương.
Khi giàu thời chẳng gặp người,
Tới nay thất vận, thương thay vô cùng
Ta cho già một cái đầu
Đem dâng Quan lớn đặng mà lấy công.
Lão Tiều nghe nói hãi hùng
Phải chú điên cuồng, xin chú đi ra.
Doan rằng, lão chớ nghi nan
Ta thiệt sơn thành chủ tướng Văn Doan.
Thất cơ ta mới tới đây
Thấy người khó, đói, ta cho cái đầu.
Đầu nầy giá bạc trăm thoi,
Cho ngươi đem xuống Hòa thành hiến công.
Văn Doan bóc quẻ đã rồi.
Mạng căn đã tới chạy trời sao xong.

Lại nói:
Xưa ta ở sơn thành
Nhứt hô bá ứng
Phú quí ai bì, tới nay mà ta
Hà diện mục qui gia
Cảm quan ngô hương lý
cho đặng a.

Xướng:
Nói thôi mặt đỏ phừng phừng
Lấy đao Tiều lão vậy mà cầm tay.
Lão Tiều sợ đã bay hồn
Hai chưn quị xuống, gián can nhiều lời.

Lại nói:
Dám thưa chú, như tôi
Chẳng ham đường phú quí
Chẳng muốn chữ vinh huê.
có phải Người đời hằng bỉ thái
Nguyệt thường hữu doanh hư.
Xin chú chớ làm hung
Mà lòng già thêm sợ lắm nào.

Xướng:
Thưa già chớ khá gián can
Tôi là quân tử một lời mà thôi.
Văn Doan là tướng có gan,
Cầm đao cắt cổ hồn đà qui thiên.
Lão Tiều còn hỡi gián can
Ngó lên mới thấy rụng rời tay chưn.
Bò ra một đổi xa xa
Mới dám đứng dậy chạy mà báo quan.
Lịnh truyền mười tướng theo Tiều
Lấy đầu Văn Lía đem về cho tao.
Tiều cùng chư tướng ra đi,
Đứng xa mà ngó, không ai dám gần.
Lão Tiều nói đã thác rồi,
Làm sao còn đứng, tay thời cầm đao.
Có người Đội Sáu lớn gan,
Lại gần xem hản mới hay thác rồi.
Quân ta bây kíp lấy đầu,
Đem dâng quan lớn kẻo người đợi trông.
Quân nhân về tới dinh tiền
Dâng đầu Văn Lía, quan trên xem tường.
Khen rằng, thiệt tướng có gan
Kiến nguy trí mạng[2] nên trang anh hùng.
Tới nhà Tiều lão hóa thân[3],
Cho ngươi mười nén thưởng công lão Tiều.

Lại nói:
Thưa Quan Lớn thưởng công tôi mười nén bạc,
tôi lạy Quan Lớn.
Còn như cái thây người, xin cho tôi chôn, kẻo tội nghiệp lắm mà.
(Thời ta cho ngươi về mà chôn lấy người.)

Xướng:
Lão Tiều mừng lấy đem về,
Tới nhà sắm sửa chôn chàng kẻo thương.
Nghĩa nhân cho đủ ân chàng
Kiếm nơi chỗ khác, cất nhà ở chơi.
Lịnh truyền làm quách mai đầu[4],
Quan binh trở lại về tâu Thánh hoàng.
Phút đâu đã tới trào trung,
Chánh Tường y mão vào tâu Thánh hoàng,
Tay cầm một sắc dâng lên
Thánh hoàng xem hản lòng mừng một khi.
Khen rằng Dương Nghĩa trung trinh
Trước đền nợ nước sau là nghĩa phu.
Khá thương nàng lại thác oan,
Lập làm miếu võ ở nơi Bình thành.
Phong cho trung liệt Nghĩa nương,
Để đời cho biết danh truyền hậu lai.
Công lao lão tướng Chánh Tường,
Thái sư phong chức, bạc vàng thưởng cho[5].
Vương Long, Vương Hổ hai chàng,
Liều thân báo quốc phong làm Thống binh
Lê Văn, Lê Võ tội xưa
Nay cho phục chức Bình Hòa chăn dân.
Bá quan văn võ đều phong,
Gia tăng nhứt cấp, thảy đều thưởng công.
Bây giờ trẫm cũng rộng dung
Truyền đem thủ cấp phản thần chôn đi.
Xem qua cho biết chuyện đời,
Oan oan gia báo lẽ trời đâu sai.
Ngày nay mới đặng thái bình
Muôn dân cộng lạc, chúa[6] tôi vui hòa.

Bá quan, loạn:
Kính chúc Nam trào an xã tắc
Thái bình thiên tử, thái bình dân.



[1] N.tham
[2] Gặp nguy nên mất mạng. Lời khen anh hùng gặp khốn.
[3] Dung chữ hóa thân ở đây cũng là tỏ ý kính trọng.
[4] Lão Tiều là người quá tốt, xin được chôn cất lại, làm quách chứa đầu Lía rồi mới chôn. Mai: chôn.
[5] Mới đánh dẹp được một đám giặc mà phong làm thái sư thì hoặc là giặc Lía quá mạnh, hoặc nhà vua tửng rồi.
[6] Nôm vương e rằng là chữ chúa lâu ngày bản sao mất dấu chấm chăng? Nếu là chữ chúa thì chuyện nầy được sáng tác đầu thế kỷ 18  



LỜI BẠT
Nguyễn Hiền Tâm

Nhìn lại tình hình viết lách, in ấn bằng chữ nôm từ khoảng giữa thế kỷ 19 trở đi, ta thấy có những hiện tượng nầy:

  1. Tuồng, thơ (nói thơ Vân Tiên), truyện, phần lớn còn vay mượn, bắt chước Tàu, từ tuồng tích      cho đến cách viết chương hồi (cho đến đầu thế kỷ 20, truyện ông Trạng Lợn, văn viết sáng sủa, con nít đọc cũng hiểu, vẫn còn viết theo lối chương hồi). Đó là thị hiếu của người đọc, người nghe. Ai cũng thích nghe truyện lạ. Truyện của Tây, của Tàu, bên Tây, bên Tàu. Kể thì có nhiều người nghe, viết thì có người mua đọc. Còn cái đám nghe lóm, đọc cọp thì thời nào cũng có.

  1. Nhưng tại sao lại có Lục Vân Tiên, Trần Bồ, Trương Đồ Nhục, Trương Ngáo, Trương Ngố…, rồi Vân Tiên cờ bạc, Ông Trượng Tiên Bửu, thơ Sáu Trọng, vè cậu Hai Miêng, Thằng Lãnh bán heo?

  1. Té ra, nhà văn ngoài nhu cầu ăn uống, còn có nhu cầu sáng tác. Mấy ổng rình, lúc độc giả hờ cơ thẩy ra một cuốn, không có tuồng tích gì hết, chưa nghe ai kể gì hết, mà chèng ơi, cuốn nào cũng hay dàn trời. chuyện cũng ly kỳ, hấp dẫn quá cỡ thợ mộc: thằng Lía

Tôi được đọc Văn Doan diễn ca, bổn cũ thứ nhứt, thứ nhì sửa lại, xuôi câu xuôi vần của Hoàng – Tịnh Paulus – Của, in lần thứ ba năm 1906 ở Sài – gòn. Truyện  hay thiệt. Tôi cũng chưa vừa bụng. Ở đời, được voi, lại đòi tiên. Tôi ao ước được cầm trên tay truyện thằng Lía bằng chữ nôm hẳn hoi, bản khắc chớ không phải bản chép tay, để coi thầy Của phiên âm như thế nào. [Quyển tự vị của ổng thì khỏi chê]. Hữu cầu tắc ứng. Tôi đọc Văn Doan diễn ca, nhị bổn, do Minh Chương thị đính chánh, Bửu Hoa các tàng bản. Tiếc cái là không thấy ghi năm khắc in. Bản nầy, Minh Chương thị đính chánh. Nó chưa phải là bản chánh, bản gốc.

Tôi đem ra so hai bản. nó đây rồi: Có người ở phủ Qui nhơn. Coi hết trang đầu, tôi té ngửa. Vì muốn xuôi câu, xuôi vần, HTC sửa lại hết trơn. Bị vần câu thúc, nên cuốn của HTC không sáng sủa, tự nhiên bằng bản nôm. Bản Nôm còn hơi hám của tuồng (còn Vãn, Loạn, Tán, Thán), nhưng phần xướng (tôi gọi là phần nói thơ) tuy viết lối lục bát, nhưng đúng ra nó là . Một ít câu có vần, đa phần không có vần, chỉ giữ được điệu sáu tám để ngâm nga, để nói thơ. Tác giả, không làm văn, mà kể chuyện. “Đến đây, chẳng hát thì hò”, còn muốn nghe bình văn, nghe ngâm thơ Tao đàn, thì đi kiếm chỗ khác.

Tôi nghĩ: thằng Lía, Trương Ngố được viết sau Trương Ngáo, Trần Bồ.

Thằng Lía gần như bỏ hẳn phép đối (là một đặc trưng của tuồng) nên câu viết tự nhiên, sáng sủa. Mà lối Nôm cũng dễ đọc. (Hay mình đọc Tam Hạ Nam Đường rồi trở thành Xích Mi Lão tổ hồi nào không hay).

Thằng Lía mồ côi cha, còn mẹ già, nhà nghèo. Lía thương mẹ lắm. Nghe mấy tiếng Mẹ ôi, cứ lập đi lập lại, muốn đứt ruột. Bảy tuổi, đi ở đợ, coi trâu, để nuôi mẹ già. Chớ đâu phải như cái đám lớn đầu, cái thây sầm sầm còn về báo mẹ, báo cha. Mờ mờ đất, lùa trâu ra đồng, thả trâu gặm cỏ, ở không làm gì, thôi đi kiếm bậy con gà con vịt. Mẹ Lía rầy con, gọi nó là quân trộm cướp. Tác giả cũng không tả hai mẹ con ngồi ăn cháo gà. Lía gặp mẹ là bị rầy, bị chửi. Dầu nó bắt gà vịt về ăn, chớ không gánh đi bán. Với đầu óc non nớt của đứa bé 7 tuổi, Lía coi con gà, con vịt như con cu cườm, con cúm núm. Chim trời, cá nước, ai được, nấy ăn. Nấm mối vườn mình, vô nhổ tự nhiên, vì cho rằng nấm dưới đất mọc lên, một dạng chim trời, cá nước. Nhưng vườn nầy, đất nầy của ai? Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Hết ý. Nó bước đầu, thấy người lớn làm chuyện tầm bậy. Nó giận cành hông. Và ăn thua đủ. Nó đốt nhà người ta để lùa trâu về. thương mẹ đói khát, nó bắt gà vịt. Rồi ăn giựt, phá quán; gạt đám mướn ngựa lấy tiền; gạt chú lính ăn cơm, quảy gánh; rèn mác, không trả tiền…không thấy Lía giải thích. Vì nó đói, nó cần cây mác. Nó là thằng bán bầy le le cho chú ngốc, đè đầu thiên hạ lấy tiền, chừng nào trúng số độc đắc trả luôn.

Lía ngày một lớn. Nó làm những chuyện kinh thiên động địa. Nó giỏi võ, có đầu óc, làm lãnh tụ là chuyện đương nhiên. Nó gạt phăng những trở ngại trên đường và dễ dàng vượt qua những thử thách. So với Đơn Hùng Tín, Sáu Trọng, Ba Cam, Bảy Viễn, Tư Mắc, ngay cả Vân Tiên, Hớn Minh, Văn Doan cũng là bậc thầy. Gọi là anh hùng hảo hớn cũng được. Gọi là đầu trộm đuôi cướp, cô hồn các đảng cũng nên. Con người chọc trời khuấy nước đó đáng yêu vô cùng. Ở anh, hội tụ những phẩm chất kiệt xuất của các thiên tài. Mất trâu, anh không xuống trình với làng xã hay vác đơn ra tới trung ương khiếu nại. Tao đốt nhà mầy. Tao mổ bụng mầy (Lê Tiếp). Tao giết hết lính tráng, vợ con mầy. Lía dân Bình định, sức giở hai trăm cân dư và chết lẫm liệt như Hạng Võ. Tài điều binh khiển tướng đâu thua Hàn Tín. Tính toán, sắp xếp công việc kém gì Khổng Minh. Rồi sau cùng, cũng tiêu tan sự nghiệp, bỏ mạng sa trường vì đàn bà, như bao nhiêu thằng đàn ông từ cổ chí kim trong khắp gầm trời nầy.

Nhưng phần nổi trội nhứt là phần văn chương của vở tuồng.
Tôi so sánh hai câu:

“Mụ Bân nghe nói giận thay
Vung trôn, đá đít, đi ngay vào nhà.”

Với hai câu:

“Người đi, một nửa hồn tôi chết,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”

hay không chê vào đâu được!

Có chỗ, đọc nghe hết hồn, Huỳnh Tịnh Của lỗ tai lùng bùng, phải sửa lại cho xuôi câu, xuôi vần. Phần phiên âm Nguyễn Văn Sâm theo sát bản Nôm, chớ không nhát hít như Huỳnh Tịnh Của :

-       “Chạy vô chưn núi, chổng mông la làng."
-          “Hái mắt mèo bỏ vào quần mụ Bân.”

Mầy mò bao nhiêu năm trời, nay được đọc Văn Doan, thiệt cũng đáng đồng tiền bát gạo. Chỉ tiếc mình không đủ kiên nhẫn ngồi viết một bài nhận xét đầy đủ, đàng hoàng về truyện Thằng Lía … Điều đó cũng hay, mình chỉ đủ lực đem ra một dĩa đậu phộng, bà con nhai chơi, còn chờ Thằng Lía ra rồi cùng nhập tiệc.

Bến Tre, ngày 16.11.09


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét