Thanh Minh là
bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Đỗ Mục, một thi gia thời vãn Đường. Ông cùng với
người cùng thời là Lý Thương Ẩn được đời sau xưng tụng là Tiểu Lý - Đỗ. Gọi để phân biệt với Lý - Đỗ, thi tiên và thi thánh thời thịnh Đường Lý Bạch và Đỗ Phủ.
Qua bài phú Cung A Phòng (A Phòng Cung
Phú) của ông, người đọc dễ nhận thấy ngòi bút ông vạch rõ thói hoang dâm,
phung phí hưởng lạc của giới cầm quyền thời bấy giờ. Đọc qua bài thơ Thuyền Đậu
Bến Tần Hoài (Bạc Tần Hoài) cũng dễ
nhận ra trong ông nỗi ưu thời mẫn thế, lòng ray rức trước cảnh người đời hát xướng
ăn chơi, lơ mơ trước mối hờn nước mất (thương
nữ bất tri vong quốc hận / cách giang do xướng Hậu đình hoa). Nhưng với Thanh Minh, có thể có nhiều người đã
chưa thấy rõ nỗi đau đứt ruột của ông trước tình đời.
Giai
thoại văn chương Việt Nam còn ghi truyền chuyện các cụ nhà ta trước đây đã ngắt
câu, biến bài thơ Thanh Minh của ông
thành một bài ngũ ngôn tứ tuyệt.
Nguyên
văn bài Thanh Minh của Đỗ Mục :
Thanh
minh thời tiết vũ phân phân
Lộ
thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá
vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục
đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
Tiết
thanh minh trời mưa rơi lất phất
Người
còn đi trên đường buồn muốn đứt ruột
Ướm
hỏi thử nơi nào có quán rượu
Trẻ
chăn trâu chỉ về phía xa xóm Hạnh Hoa
Các
cụ cho rằng bài thơ trên rườm rà, thừa chữ. Thừa ít nhất 2 chữ mỗi câu. Các cụ lý
luận rằng : “Thời tiết vũ phân phân” đã
đủ diễn tả cảnh mưa bay, không nhất thiết phải của tiết Thanh Minh. “Hành
nhân dục đoạn hồn” cũng đã đủ
nghĩa, cần chi có 2 chữ Lộ Thượng, đi
trên đường chớ không lẽ đi dưới nước. “Tửu gia hà xứ hữu” vốn đã là câu hỏi, thêm Tá
vấn là thừa ! “Dao chỉ Hạnh Hoa thôn”, ai chỉ cũng được, lẽ gì phải nói rõ Mục đồng, đứa trẻ chăn trâu kia mới chỉ
cho cái quán rượu… Thế là các cụ ra tay ngắt phứt những chữ mà các cụ cho là thừa
kia để thành một bài mới :
Thời
tiết vũ phân phân
Hành
nhân dục đoạn hồn
Tửu
gia hà xứ hữu
Dao
chỉ Hạnh Hoa thôn.
Trời mưa bay lất phất
Người đi lạnh mất hồn
Hỏi nơi nào bán rượu
Được chỉ Hạnh Hoa thôn
Xem
ra cái bài mới nầy không phải là không có nghĩa, đọc thấy cũng lý thú. Nhưng
Giai thoại ghi lại chuyện vui chỉ để mà vui, gượng gán bài thơ chỉ để minh chứng
cho tinh thần không nên quá lệ thuộc cổ nhân của các cụ. Thật ra với tiêu đề
bài thơ là Thanh Minh, Đỗ Mục đã trải
nỗi lòng lúc tiết Thanh Minh, lấy bối cảnh ngày tiết Thanh Minh mà xét thì những
gì mà các cụ cho là thừa kia chẳng thừa một chút nào.
Trong
tâm thức của người Hoa cũng như người Việt xưa, tiết Thanh Minh được xem là
ngày Tết của cõi Âm, cũng là ngày hội du xuân của nam thanh nữ tú sau rét mướt
mùa Đông, sau tháng ngày sang Xuân mà tiết trời vẫn còn âm u, ướt át (Vũ Thủy) :
Thanh Minh trong tiết tháng
ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp
thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi
xuân …
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Đến
tiết Thanh Minh - tiết khí trong sáng trời quang mây tạnh, lúc nầy cỏ non đã xanh dợn chân trời, là lúc mà cháu con phải lo tu tảo, thắp nén
nhang cho mộ phần Tiên tổ. Thế ấy thì trong Thanh
Minh của Đỗ Mục, đã tiết Thanh Minh rồi mà mưa vẫn còn lất phất bay, người
vẫn còn đang ở trên đường (Lộ thượng),
còn xa nhà, hỏi sao người chẳng vương phải nỗi buồn muốn đứt ruột. Thiếu 2 chữ Thanh Minh ở câu đầu (câu khai), thiếu 2
chữ Lộ thượng ở câu 2 (câu thừa), là không
thấy sắc nét nỗi đau của khách hữu tình không có mặt ở nhà trong ngày Tết cõi
Âm. Nỗi đau mà Nguyễn Trãi đã nói rõ hơn trong bài thất ngôn bát cú Thanh Minh của ông :
Nhất tòng luân lạc tha hương
khứ,
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ
qua.
Thiên lý phần doanh vi bái tảo,
Thập niên thân cựu tẫn tiêu
ma …
Từ
khi lưu lạc quê người đến nay,
Bấm
đốt ngón tay tính ra tiết thanh minh đã mấy lần rồi.
Xa
nhà nghìn dặm không săn sóc phần mộ tổ tiên được,
Mười
năm qua bà con thân thích đã tiêu tán hết …
Hiện
nay dù ở xa cố quốc, một số người Hoa ở Việt Nam vẫn còn giữ được phong tục tu
tảo mộ phần Tiên tổ trong ngày tiết Thanh Minh. Nhưng một số khác như người Hải
Nam lại lấy ngày tiết Đông Chí làm ngày tu tảo, giống như người Việt, bộ tộc Lạc
Việt của tộc Bách Việt phía Nam Trường Giang từ lâu nay vẫn còn giữ được cách
thế sống tự nghìn xưa. Tháng chạp là tháng sau tiết Đông Chí, người Việt thường
chạp mả Ông bà để Ông bà thảnh thơi về
ăn Tết Nguyên Đán với cháu con. Đến tháng ba, không những đi thăm phần mộ Tổ
tiên sau tháng ngày tiết trời ướt át, hỗn độn cỏ lau, người Việt còn mang cuốc rựa
sang sửa những mả mồ lâu nay không có người nhang khói. Mỗi xóm của làng quê
xưa Việt Nam trước đây đều có Miếu Thanh Minh. Đến ngày tiết Thanh Minh cả xóm
cùng nhau ra công tu tảo những mộ phần vô chủ trong xóm, lấy ngày nầy làm ngày
cúng ở Miếu Thanh Minh, Tết của những người Âm thế. Hội đạp thanh - dẫm cỏ xanh của người Việt không mang tính chất nam
thanh nữ tú du xuân mà cả làng ra sức với nhau thể hiện ý thức cộng đồng, tình
làng nghĩa xóm.
Mang
ý nghĩa ngày Thanh Minh của tộc Bách Việt nầy mà đọc lại Thanh Minh của Đỗ Mục thì sẽ đứt đoạn từng khúc ruột, nói tới chi
là thấy muốn đứt ruột !
Thử
hình dung cảnh người còn xa nhà của Đỗ Mục đứng cạnh bãi tha ma bên vệ đường,
ngày Thanh Minh mà những mả mồ ở đây đều hoang lạnh, đầy cỏ lau… xem ra chẳng
khác nào cảnh Thúy Kiều du xuân gặp mộ Đạm Tiên :
Sè sè nấm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa
xanh
Rằng sao trong tiết Thanh
Minh
Mà đây hương khói vắng tanh
thế mà …
Người
còn ở trên đường của Đỗ Mục đã gặp Thúy Kiều của Nguyễn Du ở tấm lòng đối với
tha nhân :
Trải bao thỏ lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng
thăm
Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm
châu sa …
Mối
thương tâm của Người còn ở trên đường không thể hiện ra ngoài đầm đầm châu sa như Thúy Kiều, mà ruột
quặn từng cơn trước cảnh ngổn ngang mả mồ hoang lạnh, đây đó bò nhởn nhơ gặm cỏ
cùng đôi đứa mục đồng. Chung quanh không một bóng ai, nơi đó đã không có người
ra công thể hiện tình làng nghĩa xóm với những mộ phần vô chủ. Bỡi thế mới có
chuyện mục đồng chỉ cho quán rượu chớ nơi đó có ai đâu mà chỉ. Ngữ cảnh từ 2 chữ
Mục đồng ở câu 4 (câu kết - câu hợp) mới
nói lên đủ cái hoang lạnh làm đứt đoạn lòng người trong Thanh Minh của Đỗ Mục. Mà ngữ cảnh đó có được là nhờ ở 2 chữ Tá vấn của câu 3 (câu chuyển). Chung
quanh hoang tàn, lạnh lẽo, có phải người lữ khách muốn tìm nơi có rượu để sưởi lòng
(!?) Hỏi nơi nào có quán rượu chỉ là mượn cớ hỏi (Tá vấn) để xem quanh đây có xóm có làng, người trong xóm trong làng
có còn tình nghĩa với người nằm xuống không ai nhang khói (!?) Cay đắng một điều,
thôn xóm dưới xa kia lại mang tên Hạnh Hoa, một cái tên gợi lên biết bao là thơ
mộng.
Đường
thi tứ tuyệt chỉ với 4 câu vẫn phải diễn ý đủ cấu trúc của một bài thơ xưa :
khai - thừa - chuyển - hợp. Cái thần câu chuyển của Đỗ Mục không những đã làm
rõ hơn không gian ngày Thanh Minh ở câu thừa mà còn làm cho câu kết hiển hiện nỗi
cay đắng tình đời. Lo cho người Âm thế, ý thức chúng sinh sẽ làm cho người Dương
thế biết chia sẻ, đùm bọc nhau hơn. Khi con người sống chỉ biết cho riêng mình
không còn mang tính cộng đồng làng xóm có phải chăng tình người đã phân hóa
(!?). Có phải chăng đây là nỗi đau đứt ruột của Tiểu Đỗ trong bài thất ngôn tứ
tuyệt Thanh Minh (!?)
Tiết Thanh Minh
Giáp Ngọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét