TRUNG KỲ DÂN BIẾN (3)
Tù nhân kháng thuế đày Côn đảo - 1908 |
Đến năm 1908, ở Bình Định không rộ lên việc mở các hội buôn, trường tân lập … nhưng khi cuộc nổi dậy của dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lan vào Bình Định thì nông dân Bình Định cũng từ tình đồng bào mà hô hào cùng nhau đi xin sưu, giảm thuế. Quan lại nhà Nguyễn gọi những người áo rách, nón cời ở đây là Giặc đồng bào.
Ngày 6/4/1908 tại Bình Định, được sự hổ trợ của đại diện Duy Tân Hội Quảng Ngãi là Lê Cơ và Phan Long Bằng, dân chúng Bồng Sơn cùng 500 dân Quảng Ngãi lân cận do các ông Nguyễn Khiêm (Bồng Sơn), Trần Vỹ (Hoài Nhơn), Đặng Tiên (Hoài Ân) tổ chức kéo lên Phủ Bồng Sơn nói rõ mục đích của dân là xin giảm thuế, giảm xâu.
Ngày 7/4/1908 tại Quảng Nam, sau khi các ông Lê Thúc Duyện, Lê Cơ … bị Pháp bắt nhốt ở nhà lao Hội An hôm trước, dân chúng làng Gia Cốc phủ Duy Xuyên bắt viên Chánh Tổng Trần Quất, đốt râu, buộc đá dìm chết rồi kéo đến phủ lỵ. Công sứ Charles tăng cường lính thêm cho các phủ huyện đàn áp đoàn biểu tình.
Cùng ngày, tại Quảng Ngãi, Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết, và một số người nữa bị bắt giam. Công sứ Daudet lệnh cho Lãnh binh Phạm Kế Năng bắn vào đoàn người biểu tình. Hàng ngàn người nông dân vẫn không nao núng.
Ngày 9/4/1908 tại Phủ Thừa Thiên, Ông Lê Đình Mộng hội họp dân chúng hai làng Gia Lê và Công Lương phát động phong trào. Hay tin, Phủ doãn Thừa Thiên là Trần Trạm, Phó Quản Trần Phán được Tri huyện Phú Vang Trần Hữu Chí dẫn đường về Gia Lê hiểu dụ. Xô xát giữa dân chúng và lính khố xanh xảy ra, đã có người chết, dân bắt trói hết các quan.
Ngày 11/4/1908, khi dân làng Gia Lê và Công Lương khiêng xác ông Nguyễn Cường - người bị chết, lôi các quan bị trói vào Huế đấu tranh, dân 6 huyện Thừa Thiên hưởng ứng xúm bao vây Tòa Khâm sứ. Khâm sứ Levecque xua lính Pháp ở đồn Mang Cá lên đàn áp.
Ngày 13/4/1908 tại Bình Định, dân phủ Hoài Nhơn nổi dậy bắt viên Tri phủ, hôm sau dân Huyện Phù Mỹ vây huyện lỵ, bắt nha lại, tổng lý đem cắt tóc ngắn rồi vận động họ cùng đi biểu tình. Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo người Hòa Cư – An Nhơn đang giữ chức Tri huyện Tân Định ở Khánh Hòa về cư tang mẹ cũng tham gia đứng ra xin xâu, giảm thuế cùng nông dân. Những người cùng đi biểu tình đều gọi nhau là “đồng bào”, khắc ấn “Đồng bào ký” sử dụng trong tuyên truyền cũng như điều động công việc. Từ đó phong trào lan ra các huyện khác, hưởng ứng biểu tình số đông lên đến 10.000 người.
Ngày 16/4/1908 tại Quảng Nam, Triều đình Huế xử chém thủ lĩnh Trần Thuyết ở Tam Kỳ để thị uy. Ông bị chém đầu và chặt một cánh tay.
Ngày 17/4/1908 tại Quảng Ngãi, sau khi Pháp điều lính khố đỏ (trung đội Lagani) từ Quảng Nam vào tiếp ứng, các thủ lĩnh bị bắt, phong trào ở Quảng Ngãi tan rã. Nguyễn Bá Loan và Lê Khiết sau bị hành quyết ở bờ sông Trà Khúc ngày 23/4/1908.
Hai đại đội lính Âu do Thiếu tá Grimaud và Đại úy Diodo chỉ huy được điều từ Bắc kỳ vào Bình Định trấn áp đoàn biểu tình. Phan Long Bằng và Nguyễn Khiêm được mời vào thành nhưng liền bị bắt giam, sau đó bị chém và đầu bêu ở cửa Đông thành Bình Định.
Ngày 18/4/1908 tại Bình Định, Án sát Bùi Giản (trước thuộc lực lượng Cần Vương sau về đầu hàng Pháp, nhận Trần Bá Lộc làm cha nuôi) cùng Giám binh Sauvaille dẫn toán lính khố xanh và lính Âu ra giải tán giặc đồng bào. Nhiều người dân bị thương, lý trưởng làng Mỹ Trung (Tuy Phước) là Bùi Bàn bị chết. Dân tổ chức lễ truy điệu và khiêng xác ông Bùi Bàn theo đấu tranh cùng đoàn biểu tình bao vây tỉnh thành.
Ngày 26/4/1908, đại đội lính khố đỏ của Thiếu tá Grimaud từ Quy nhơn kéo lên mới giải vây được thành Bình Định. Lính Pháp ruồng bố, trấn áp, bắt các thủ lĩnh. Phong trào ở Bình Định vẫn tiếp tục đấu tranh dai dẳng, đến 26/7 mới hoàn toàn bị dập tắt.
Ngày 5/5/1908 tại Phú Yên, một nhóm người từ Bình Định do Hương Chánh Đôn dẫn đầu vào La Hai hổ trợ phong trào huyện Đồng Xuân. Các nhân sĩ Phạm Tư Cung, Huỳnh Thượng Trung, Nguyễn Nho Trân hướng dẫn dân kéo đến huyện lỵ. Ở nam Phú Yên, các tổng Hòa Đa, Hòa Lạc, Hòa Mỹ, Hòa Bình … cũng nhất tề hưởng ứng, hơn 2000 người tiến về phủ lỵ Tuy Hòa. Tri phủ Nguyễn Hoàng điện báo cho Công sứ Pháp ở Sông Cầu rồi trốn biệt.
Ngày 11/5/1908 tại Phú Yên, hơn 200 người vây phủ phủ đường Tuy An, dân chúng xông vào cướp súng của Giám binh Fourre nhưng bị đẩy lui.
Ngày 13/5/1908 tại Phú Yên, đoàn biểu tình kéo ra tỉnh lỵ Sông Cầu, quân Pháp do Legot chỉ huy bắn xả vào đám đông không tấc sắt trong tay. Đến ngày 14/5, hằng trăm người bị giết, hằng chục người bị bắt giam, cuộc biểu tình ở Phú Yên tan rã.
Ngày 23/5/1908 tại Nghệ Tĩnh, 600 người áo xác, quần xơ theo Nguyễn Hàng Chi, Trần Ty, Phan Hiệp, Nguyễn Lương Nhân … cơm đùm, cơm nắm kéo lên vây huyện lỵ Can Lộc. Tri huyện Nguyễn Doãn Văn sợ hãi bỏ trốn. Đoàn biểu tình tiến về tỉnh lỵ, lính của Trung úy Gaillard chặn lại. Xô xát xảy ra, Công sứ Pháp bị xô ngã dập nát ngón tay, đoàn biểu tình bị đẩy lui. Nguyễn Hàng Chi và một số người khác bị bắt.
Ở huyện Nghi xuân, đoàn biểu tình hơn 200 người do Trịnh Khắc Lập lãnh đạo bắt trói Tri huyện Lê Trần Thụy giải về tỉnh kêu sưu. Đoàn người vừa lên đường thì gặp toán lính của Babut. Viên Đội Tây lừa bắt được Trịnh Khắc Lập và những người cầm đầu.
Vài ngày sau, các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ … tập hợp được nông dân hưởng ứng thông tri của Nguyễn Hàng Chi, nhưng tin từ Can Lộc, Nghi Xuân đã tan nên cũng tự giải tán.
* * *
Biến động của nông dân Trung kỳ chỉ tồn tại có mấy tháng, những người chỉ huy đoàn biểu tình là những hào mục, hương lý hoặc văn thân, nhân sĩ ở địa phương. Mỗi tỉnh với số dân lúc đó như Bình định chỉ xấp xỉ 200.000 người mà có ngày huy động biểu tình lên đến 10.000 người.
Sau dân biến, cả Trung kỳ có đến 216 người bị bắt xử án. Các yếu nhân khởi xướng Duy tân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng ... xử đày Côn Đảo. Nhiều thủ lĩnh từng tỉnh khác cũng lưu đày hoặc Côn Đảo, hoặc Lao Bảo ... Nhiều người chỉ huy đoàn biểu tình bị hành quyết như Trần Thuyết, Ông Ích Đường (Quảng Nam), Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan (Quảng Ngãi), Phan Long Bằng, Nguyễn Khiêm (Bình Định), Nguyễn văn Khoa (Phú Yên), Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập (Nghệ Tĩnh) … Riêng ở Khánh Hòa là nơi không xảy ra biến động nghiêm trọng, không tìm lấy được một chứng cớ rõ rệt nào mà cũng bắt Tiến sĩ Trần Quý Cáp đang làm Giáo thụ nơi đây, xử chém ngang lưng ngày 15/6/1908.
Đàn áp, đối phó với những người nông dân áo rách nón cời ở Trung kỳ, đến ngày 5/8/1908 Pháp mới dám rút hết những đơn vị lính Âu trả về lại Bắc kỳ. Theo Trung kỳ Dân biến Thủy mạt Ký của Phan Chu Trinh viết năm 1911, trường tân học Phú Lâm bị đình chỉ, một số hội nông, hội buôn, trường tân lập bị khống chế, thu hẹp hoạt động. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội đã bị đóng cửa từ tháng 11 năm 1907. Các yếu nhân của Trường bị xử đày biệt xứ vào Nam.
Ngày 4/12/1908, Hội đồng Phụ chính cố vấn đại thần triều đình Huế phải làm tờ tâu lên vua để đề nghị sửa đổi một số điểm liên quan đến sưu thuế : “Số ngày đi xâu hàng tỉnh 8 ngày giảm xuống còn 5 ngày. Trong 5 ngày đó cho chuộc 2 ngày bằng tiền. Mức tiền chuộc 0.20$/1 ngày, tùy từng tỉnh có thể ấn định từ 0.10$ đến tối đa 0.50$/1 ngày. Chính quyền không được huy động đi xâu trong lúc ngày mùa. Bố trí ứng dịch ở những nơi gần làng xã của dân để tránh khó khăn việc đi lại …” Tờ tâu nầy đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y ngày 31/12/1908.
Dân biến Trung kỳ, phong trào chống sưu kháng thuế nhanh chóng bị dập tắt, nhưng dưới mắt người Pháp thì phong trào mang một tính chất nghiêm trọng qua nhận định của Toàn quyền Bonhoure : “ Thực ra họ không chỉ nhắm giảm một vài thứ thuế, mà nhằm tạo ra sự hỗn loạn về tổ chức cai trị trên toàn quốc, và chuẩn bị sự thức tỉnh của một phong trào dân tộc … ”. Bonhoure còn cảnh báo sự tác động lâu dài của cuộc nổi dậy dân Trung kỳ, chỉ có thể ngăn chặn bằng cách thường xuyên sẵn có ở Đông Dương một lực lượng vũ trang đủ mạnh.
Sử biên niên viết thế nầy không thể gọi là khô khan. Đã hệ thống được diễn tiến cuộc nổi dậy của người Trung Kỳ đầu thế kỷ XX, một giai đoạn lịch sử ngậm ngùi nhưng cũng hào hùng,tạo sự thức tỉnh của một dân tộc đang ở trong vòng "vạn dân nô lệ cường quyền hạ".
Trả lờiXóaĐạm có nói quá cho TruongNghi không. Bài viết chưa dám gọi là sử. Chẳng qua bài chỉ biên chép lại, tổng hợp tư liệu, sắp xếp theo hệ thống biên niên để nhìn lại tiến trình Dân biến ở Trung kỳ. Mong chờ những người có tâm huyết phát hiện, nghiên cứu rõ hơn.
Trả lờiXóaCám ơn Đạm đã quan tâm bài biên chép.