“ Chúc
mừng Phương Thảo ngày 8 tháng 3 ”. Có
lẽ tôi cũng quên khuấy đi mất mai đã là ngày Quốc Tế Phụ Nữ nếu không vang lên
câu chúc mừng của mấy cậu trẻ đến thăm cô bệnh nhân Phương Thảo nằm cùng phòng. Về Sài Gòn
đâu mới mươi ngày tôi phải vội vàng ra bến để kịp chuyến xe đêm trở lại quê.
Ông Nội các cháu ở nhà đi thăm bạn đã bị xe va quẹt hồi chiều, hôm 27.02 - ngày
Thầy thuốc. Tuyến Y tế Huyện cho chuyển cụ xuống thẳng Đa khoa Tỉnh. Xe về tới
Quy Nhơn, tôi vào thẳng bệnh viện với cụ. Cụ chỉ thương tổn phần mềm bàn tay,
không có gì trầm trọng, nhưng hơn tuần lễ nay tôi như sống trong trạng thái lửng
lơ giữa bốn bề thương tật của Khoa Ngoại Chấn Thương bệnh viện Quy Nhơn.
Cuộc sống vội vội vàng vàng với áp lực mưu
sinh quên quên nhớ nhớ, con người phải nhờ vào những thiết bị công nghệ thông
tin nhắc nhở lịch làm việc hằng tuần, hằng ngày. Mấy ai nhớ chi, nhắc chi cái
ngày trời ơi đất hỡi 8 tháng 3 !
Ngày 8 tháng 3, từ lâu trên báo chí nhắc đến
nó phần nhiều bằng những tranh biếm họa, những chuyện phiếm tô đậm hình ảnh chẳng
tốt đẹp gì về thân phận người phụ nữ ngay chính ngày vinh danh người phụ nữ. Từ
lâu hầu như mọi người vốn đã xem ngày 8 tháng 3 như là một ngày “dụ dỗ” phụ nữ. Nhớ ngày 8 tháng 3 là tỏ ra ta nhớ, ta biết chăm sóc, ta
chia sẻ những gì chẳng nặng nề nhưng khá nhọc nhằn mà người phụ nữ đã còng lưng
gánh vác trong năm. Từ lâu tôi thường đùa với bạn bè sao không chia sẻ những
công việc không tên đó hằng ngày, sao không xem ngày nào cũng phải là ngày 8
tháng 3 ! Mọi đáp trả không phải từ cánh đàn ông mà từ các cô bạn gái là thà được
một ngày bị dụ dỗ, có còn hơn không (!?).
Nhìn nét mặt hân hoan của cô bé Phương Thảo cùng phòng với cụ nhà, cô bị
nạn phải tháo khớp mất một ngón tay, đã mấy đêm rồi cô thường bật khóc mỗi khi
ngắm bàn tay thương tật của mình, nhưng nay được đón nhận bó hoa cùng lời chúc
mừng của bè bạn xuống từ tận Gia Lai, có vẻ như niềm vui đã khỏa lấp hết mọi đớn
đau trong cô. Tôi không rõ cô bé Thảo
có cùng suy nghĩ như mấy bà bạn già của tôi trên kia hay không ! Tôi cũng không
rõ cô bé còn đang học phổ thông nầy đã hiểu như thế nào về ý nghĩa ngày 8 tháng
3 !
Tổ chức kỷ niệm ngày Quốc Tế Phụ Nữ ở Việt
Nam, vì đã được xem là ngày “yêu chiều
phụ nữ” nên phụ nữ thường được tặng
hoa, tặng quà vào 8 tháng 3. Thậm chí năm nay một trường Trung học Phổ thông
trong tỉnh nhân ngày nầy còn tổ chức nam sinh thi cắm hoa để biết cách tặng hoa
cho đẹp hơn (!?). Có lẽ lớp trẻ không nhiều người biết rằng việc tặng hoa cho
phụ nữ ngày 8 tháng 3 là một thứ hình thức mà biểu hiện của nó đôi khi lại tỏ rõ
dấu hiệu không bình đẳng. Trong khi đó Nữ quyền và Bình đẳng lại chính là mục
tiêu tối thượng mà lâu nay người phụ nữ trên thế giới đã đòi hỏi, đã đấu tranh.
Ngày 8 tháng 3 hiện nay như một thứ phong
trào được tô điểm bên ngoài bằng phấn bằng son. Sống bằng phong trào nên mấy cậu
học sinh trên kia khi đến thăm, hoàn thành thủ tục tặng hoa, chúc mừng bạn
xong, các cậu cười đùa thoải mái, “vui hết ga” như ở nhà. Được sống bằng “nhắc
nhở” nên các cậu đã “quên béng” đi rằng các cậu hiện đang ở trong bệnh viện, nơi có nhiều người
đang cần tịnh dưỡng, nghỉ ngơi… Vào nơi đầy thương tật, hành lang chật kín các
băng ca…, có lẽ các cậu chẳng để ý ở cuối hành lang một cụ ông đang thủ thỉ,
tay vuốt vuốt mái tóc bạc của người bạn đời đang đau đớn nằm chờ giờ phẩu thuật.
Có lẽ trong các cậu không ít suy nghĩ thường cho rằng thế hệ mình đang sống, sống
văn minh hơn những ông già bà cả. Mấy ông già “gia trưởng” kia biết
cái quái gì là ngày 8 tháng 3 !
Lẩn thẩn đọc những Quy định về Y đức của người
Thầy thuốc treo khắp hành lang bệnh viện, dường như mọi điều đều đậm rõ nét là
lời căn dặn của Bác !? Tôi hy vọng các Y Bác sĩ của bệnh viện có nhiều người đã
khắc sâu trong tâm khảm lời thề Hippocrates,
có nhiều người đã ngẫm chín Y Huấn Cách Ngôn, lời ghi lại của Hải Thượng Lãn
Ông, của những danh y xưa nước Việt. Cũng giống như vậy, đừng như phong trào,
hy vọng rằng các cô, cậu bé ngày nay biết rõ cách thực hiện thế nào cho đúng với
ý nghĩa Nữ quyền và Bình đẳng qua ngày mồng 8 tháng 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét