Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

CHUYỆN THẦY TRÒ


Chuyện Thầy Trò đấm đá nhau ở Trường THPT Nguyễn Huệ huyện Tây Sơn, Bình Định đã không còn là chuyện của một Trường, một địa phương nữa. Đây đó đã râm ran thành chuyện thời sự của cả nước :

Nước ta vui thật là vui
Đứng trên bục giảng thầy “xơi” học trò
Học trò nổi đóa “gan to”
Dồn thầy vào góc đánh cho no đòn

Hình ảnh người Thầy, đứa học trò thượng cẳng tay hạ cẳng chân ngay dưới câu biểu ngữ : "Học Tập Và Làm Theo Tấm Gương Đạo Đức ..." quả là nỗi đau của một nền giáo dục. Muôn thuở chuyện Thầy Trò là Thầy phải ra Thầy, Trò phải ra Trò. Nhưng Thầy và Trò nếu không có sự gắn kết những tâm tình, những dắt dìu nhau, thì ở thời đại nào Thầy và Trò cũng có một khoảng cách to đùng. Càng ngày càng to khi giáo dục được kinh doanh, khi sự hãnh tiến vị thế xã hội được đo bằng tiền !? 

Những nhà giáo lâu năm trong nghề, nhiều năm gần gũi với lứa học trò đang dần trưởng thành theo sự phát triển của công nghệ thông tin. Hơn ai hết, họ biết rõ chỉ có cái Tâm của người Thầy biết gần gũi lớp trẻ mới dẫn dắt, làm dịu được được những tâm hồn cuồng nộ của thời đại.

Tâm tình của Gv. Trường Chuyên Lê Quý Đôn - Quy Nhơn : Trần Hà Nam nhân một Câu Chuyện Buồn Của Giáo Dục là những kinh nghiệm, những biến hóa đơn giản... quý giá biết bao cho những Giáo sinh Sư phạm sắp ra trường.



NHÂN MỘT CÂU CHUYỆN BUỒN CỦA GIÁO DỤC ...


Đọc những thông tin về vụ việc thầy trò đánh nhau trên bục giảng và kết quả xử lý kỉ luật của Sở, thật buồn! Và nhớ lại cả một chuỗi ngày đi dạy, với những tình huống tương tự tôi đã trải qua...

Tôi đi dạy khi đã 25 tuổi, sau 4 năm lăn lộn ở ngoài đời. Cũng nhờ vốn liếng trường đời mà đủ chịu đựng những trò ngỗ nghịch của đám học trò "nhất quỷ, nhì ma...". Nếu không có khát khao cháy bỏng được đứng trên bục giảng, có lẽ cũng đã giã từ ngành giáo dục để làm một nghề gì đó an nhàn hơn!

Năm đầu tiên đi dạy, là giáo viên trẻ nhất trường, trở thành đồng nghiệp của chính thầy cô mình đã từng học, điều tâm niệm đầu tiên của tôi là học hỏi kinh nghiệm sư phạm để xử lý tình huống những khi gặp chuyện khó xử lý. Nhưng thời ấy, tuổi trẻ tính nóng, không tránh khỏi có những lúc xử lý chưa tinh tế, nghĩ lại vẫn rất day dứt, khi mình chưa chịu hiểu học trò để thật sự là người bạn lớn của các em.

Năm đầu tiên về trường, làm giáo viên dạy lớp 10, lớp 11 và kiêm giám thị trong tổ giám thị chấm thi đua. Cứ nguyên tắc mà làm, nên học trò 12 ghét ra mặt "anh thầy" có bộ mặt lạnh lùng không thể chơi được! Và những học trò lớp 11 thời đó cũng đủ thành phần tìm cách chọc phá "anh thầy" trẻ mà chảnh!!!

Có lần vào lớp rồi, học trò ở trên lầu nhảy rầm rầm dội xuống phòng hiệu trưởng ngay ở dưới, trúng hôm trực giám thị. Vừa lên nhắc nhở, quay xuống đã có giọng khiêu khích của học sinh lớp 12 nào đó, và...tiếp tục rầm rầm! Tức tốc quay lên, nhìn thấy một học sinh 12 đen trùi trũi, to vật đang hô hào. Đúng là cậu này đầu têu, máu nóng dồn lên mặt, mình gằn giọng: "Em có phải học sinh trường này không?", cậu ta nhâng nháo: "Không phải học sinh thì là gì?". Nổi điên vì cái giọng xấc láo, nhưng vẫn bình tĩnh nói trước cả đám học sinh đang xúm vào xem: "Tốt, là học sinh thì tôi mời em xuống phòng giám thị làm việc, còn không phải học sinh thì tôi xử tại chỗ như trấn áp côn đồ!" (nói mạnh miệng, chứ kể cả có võ mà đụng vào thì sinh sự ngay). Cậu học trò nghe chữ "xử", tự dưng mặt tái dại đi, sau đó líu ríu xuống "làm việc" chứ không cương như ban đầu nữa!

Một lần, khi đi cắm trại, đám học sinh nam ở lớp phụ trách tự dưng nhao lên đòi qua trại trường khác "chơi". Thấy có vẻ không ổn, hỏi thì chúng nó bảo "không vui", bèn dỗ: ở đây nghe thầy đánh đàn! Cũng chẳng hy vọng gì thuyết phục vì có vẻ chúng chuẩn bị thanh toán "ân oán giang hồ". Lia mắt qua, thấy cậu học sinh to con nhất, thủ lĩnh của đám học trò giấu tay sau lưng, mặt đỏ, nghi nghi! Hóa ra cậu ta và đám nam sinh 7, 8 chàng đã lén uống rượu lấy khí thế! BGH mà hay thể nào cũng kỉ luật vì vi phạm nội quy trại! Mà ngăn chúng thì làm cách nào? Liền lóe lên ý nghĩ liều lĩnh, liền bảo thẳng: "Chúng mày uống rượu phải không, cho thầy uống với! Đưa thầy coi chai rượu giấu sau lưng!". Cậu học trò lúng túng một tí rồi đưa ra cái chai "Rhum Bà chằng" còn 1/3. Vừa cầm cái chai, liền cười: "7, 8 anh thế này mà uống có tí rượu định đi làm anh hùng à? Giờ thầy ra điều kiện, thầy uống cũng như chúng mày, rồi chúng mày ngồi chơi với thầy, không đi đâu hết, thầy hát cho chúng mày nghe!". Cả đám ngần ngừ, mình không nói không rằng, ngửa cổ dốc cạn chai rượu làm một hơi sạch sẽ (rượu vào bùng lỗ tai, may mà hồi đó trẻ!), đám học trò tròn mắt! Cười bảo: "Đưa cái guitar ra đây, thầy trò ngồi chơi, hát cho vui! Uống có tí rượu mà chúng mày định dọa đánh cả thành phố à!". Vậy là đêm đó hát hò vui vẻ, không cậu nào dám đi vì...dị với ông thầy!! Còn hậu quả là cổ họng hôm sau tắc tiếng vì mấy tiếng liền làm...con cuốc kêu thương! Giờ có thách kẹo cũng chả dám tái diễn màn ...uống rượu thu phục quần hùng nữa! Sau đợt đó, cả một loạt những học trò cá biệt ngang ngạnh răm rắp nghe thầy, đến giờ mười mấy năm chúng vẫn ghé thăm, còn "thủ lĩnh" giờ đã là phó giám đốc một doanh nghiệp lớn, vẫn cười bẽn lẽn khi nhắc lại chuyện xưa!

Khi làm chủ nhiệm, có lúc phải ra tay "đồ sát" khi lớp thi đua luôn bị trừ điểm, học trò lén đặt biệt danh"sát thủ vô tình" nhưng chưa bao giờ phải dùng đến chân tay nói chuyện! Có một lần duy nhất dùng "nhục hình", khi có một chuyện xô xát giữa học trò với nhau. Cậu học trò bị phạt là võ sinh Taekwondo, may thế! Liền hỏi: "Anh học Taekwondo đến đai đỏ có biết hình phạt khi mắc lỗi không? Bây giờ tôi phạt anh theo quy định của môn phái!". Cậu chàng ngẩn tò te vì hình phạt kì cục, nhưng cũng vui vẻ chấp hành hít đất 20 cái! Xong xuôi rồi, mình mới thủng thẳng: "Học võ để tự vệ, không phải để đánh nhau! Nên giờ với tư cách chủ nhiệm, thầy đề nghị về viết kiểm điểm nghiêm túc..". He he...!

Còn chuyện buồn khiến tôi day dứt mãi là khi phạt một học sinh lớp 12 chủ nhiệm, xếp đạo đức yếu HK1 vì liên tục vi phạm. Em học trò tên D..., đã viết một bức thư dài tâm sự. Hóa ra hoàn cảnh gia đình em khó khăn, mẹ làm công nhân, bố mất sức, em phải phụ gia đình vất vả, mệt mỏi nên hay đi trễ hay lên lớp uể oải, học kém... Tôi tự trách đã không quan tâm đến gia đình học sinh, lá thư ấy lưu lại như một bài học nhắc nhở phải quan tâm toàn diện hơn để hiểu tâm tư các em và có biện pháp hỗ trợ! 

Từng nhiều năm phụ trách lớp "cá biệt", tôi rút ra một điều: nếu xử không công bằng, các em sẽ phản ứng là tất nhiên. Giáo viên không phải là thánh, cũng có những hỉ nộ ái ố, có thể nghiêm khắc lạnh lùng nhưng đừng ép uổng học trò, các em có thể lúc đó chưa thông cảm nhưng sau này sẽ hiểu. Thầy cô giáo trẻ mà tâm lý, học trò thích gần gũi, tâm sự cả những bí mật "chỉ riêng thầy biết". Có lúc nghiêm, nhưng có lúc phải chịu thiệt thòi về bản thân mà uốn nắn học sinh từ từ, không nên nôn nóng chỉ toàn la mắng! Theo kinh nghiệm, những em tỏ ra bất cần đời, ngang ngạnh nhiều khi là do tâm lý sốc vì chuyện gia đình có trục trặc, nếu chịu khó tìm hiểu, giáo viên trẻ sẽ giúp cho các em rất nhiều và thật sự là người anh người chị lớn của các em, cho các em hướng đi đúng, dù tuổi đời có thể chỉ hơn các em không bao nhiêu! (Thầy già thì trò ngại tâm sự hơn!!!)

Chuyện xảy ra trong ngành GD tỉnh nhà vừa rồi, đáng tiếc là giáo viên còn quá trẻ và nóng nảy, nên phải chấp nhận hậu quả nặng nề. Nhưng nếu em có quyết tâm làm lại, đứng lên từ sai lầm, tôi tin em sẽ là một thầy giáo tốt. Chặng đường phía trước còn dài, em có thể làm lại từ đầu và hiểu những giọt nước mắt của học trò khi tiễn em đi lúc này! Và những người làm giáo dục, có thể rút ra nhiều bài học từ sai lầm của một giáo viên tuổi đời mới 23!

Trần Hà Nam
Gv. Trường Chuyên Lê Quý Đôn - Quy Nhơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét