Chắc
cũng giống như mọi người, ngày xuân mà giới tay chân hằng ngày lấm mực ngẫm đến
ý xuân thì họ nhớ liền ngay tới 2 câu cuối trong bài kệ của Mãn Giác Thiền Sư :
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Chớ bảo xuân tàn
hoa rụng hết
Đêm qua - sân trước
- một cành mai.
Hai
câu cuối của bài kệ nổi tiếng đến nỗi ai cũng nhớ, cũng thấm. Nhớ đến nỗi không
cần nhớ cả toàn bài. Thấm đến nỗi khi đọc Đình tiền - Tạc dạ - Nhất chi mai … một
không gian (sân trước), một khoảng thời gian (đêm vừa qua), một sự vật (một cành
mai), những thành tố rời rạc đến vậy mà người đọc, người nghe tự liên tưởng đến
ngay một cành mai vừa đâm chồi nẩy lộc vào đêm qua ở trước sân, liên tưởng đến
ngay một sự sống chớm dậy dù xuân đã tàn.
Ca
từ của Trịnh Công Sơn cũng rời rạc giống vậy như trong Ngụ Ngôn Mùa Đông :
Một ngày mùa đông
Trên con đường
mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
…
Nhưng
không như “tạc dạ nhất chi mai”, “ngụ
ngôn mùa đông” phải cần đến một thành
tố khác nối tiếp để diễn giải cho sự việc cần nói đến :
Người chết hai lần
Thịt da nát tan …
Thi
kệ là vậy. Ẩn dụ trong nó sẽ được người đọc, người nghe tự chứng nghiệm. Tương
truyền bài kệ Mãn Giác Thiền Sư đọc trước khi viên tịch vào cuối tháng 11 năm
1096, được chép trong Thiền Uyển Tập Anh, rồi người đời sau - Lê Quý Đôn đặt
cho cái tiêu đề là Cáo Tật Thị Chúng - Có Bệnh Báo Cho Mọi Người.
Thiền
sư Mãn Giác (1052 - 1096) mất ở tuổi 45, chẳng rõ ông mất có phải vì bệnh hay
không nhưng lời ông để lại là cả một sức sống vĩnh trường. Ông mất vào mùa đông,
nhưng ý xuân lại ngồn ngộn trong lời ông để lại :
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân đi trăm hoa
rụng
Xuân đến trăm hoa
nở
Dòng đời trước mắt
trôi
Cái già trên đầu tới
Chớ bảo xuân tàn
hoa rụng hết
Đêm qua - sân trước
- một cành mai.
Xuân
Ý - tự trong nó là những Cái Đẹp ở trên đời. Khi đón nhận sự việc chung quanh là
Cái Đẹp thì cuộc đời giống như trăm hoa khai nở. Từ xưa đến nay ai cũng đều xem
sự đời như bóng câu qua cửa sổ, với dòng đời đang trôi qua trước mắt, cái già sẽ
theo tới trên đầu ngay tức khắc. Chuyển biến thời gian của cuộc sống là vậy, nhưng
trên cõi tạm ngắn ngủi của thế gian con người còn có một lẽ sống là đừng để Cái
Đẹp rời đi như trăm hoa rụng xuống. Cái Đẹp có từ mỗi nhận thức, mỗi chứng ngộ
của một bản ngã. Khi đã gọi nó là Cái Đẹp thì nó vĩnh cửu trong lẽ sống. Tuần
hoàn tự nhiên của vạn vật là đổi thay, với Cái Đẹp, chớ có bảo khi xuân tàn thì
trăm hoa đều rụng hết, chỉ một cành mai ở trước sân vừa chớm dậy trong đêm qua
sẽ nở trăm hoa, rồi sẽ cho cả mùa xuân.
Với
Thiền Sư Mãn Giác, một vị sư tiêu biểu của dòng Thiền Vô Ngôn Thông, Ý Xuân - Cái
Đẹp vượt lên cả tuần hoàn của sự sống. Sanh sau ông 200 năm, Thiền Sư Huyền
Quang (1254 - 1334), Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng có cái nhìn huyền
diệu giống như ông, Ý Xuân của Huyền Quang trải dài theo lẽ sống cho đến khi nào
chuyển động của vũ trụ không còn tồn tại :
Khả liên vô hạn thương xuân ý.
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
(Xuân
Nhật Tức Sự - Huyền Quang)
Miên man xuân ngập
ý tình
Tận nơi lặng tiếng
dặm nghìn thoi đưa
Thiền
sư là những bậc chân nhân lấy thanh tịnh làm gốc, hành vi của họ phần nhiều có
dáng dấp của thiền vị ở bên trong. Với các Thiền nhân, thơ văn của họ không chỉ
để bộc bạch nỗi lòng mà trong đó còn ngụ thiền, dù không đạt đến mức thành những
câu kệ để khai ngộ chúng sinh thì ít ra cũng biểu hiện được sự chứng ngộ của một
bản ngã. Những thi nhân nổi tiếng các đời Đường Tống của Trung Hoa như Vương
Duy, Trần Tử Ngang, Tô Đông Pha … ít nhiều đều có ý vị thiền trong thơ.
Xem
ra lấy thanh tịnh làm gốc, những hành vi có dáng dấp của thiền vị đâu phải là
những hành vi buông xuôi với lẽ sống. Cái Đẹp của lẽ sống với biểu hiện của nó
là những mềm mại, êm dịu nhưng có sức sống uyển chuyển, mãnh liệt. Vào thời Lý
Trần là thời kỳ liên miên xảy ra chinh chiến, mọi sức lực của quốc gia được điều
động để bình loạn, để kháng cự sự xâm lược của quân Tống, quân Nguyên. Binh lửa
tràn lan. Nhưng những di chứng máu lửa, tàn khốc của chiến chinh đã được làm dịu
đi là nhờ lúc nầy xã hội đã nhuần thấm hương vị của Thiền tông : Phật ở tại Tâm,
Tâm là Niết Bàn, Tâm thanh tịnh là tạo cho mình tránh được những phiền não
chung quanh …
Đạo
Phật thời Lý Trần có lẽ được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo. Dù
nhiều tông phái khác nhau cùng du nhập, nhưng tư tưởng Phật giáo vẫn là tư tưởng
chính thống hòa cùng tín ngưỡng dân gian chi phối mọi sinh hoạt trong đời sống
xã hội. Nhiều Thiền sư trong thời kỳ nầy đã được mời tham gia chính sự, một số đã
có những cái nhìn xuyên suốt sức sống của vạn vật, của lẽ tử sinh. Ảnh hưởng của
họ, của Phật pháp đã tạo cho các nguyên thủ cầm quyền thành những người uyên thâm
đạo học, có những chính sách cai trị nhân ái, khoan sức dân. Tiêu biểu như Lý
Thánh Tông, được biết đến là một ông vua tận tụy với công việc, biết thương dân
như con, biết đối xử tốt với tù nhân, là người cho lập ra Thiền phái Thảo Đường
thời nhà Lý. Tiêu biểu như Trần Nhân Tông, vị vua anh minh từng 2 lần điều động
quân binh kháng cự quân Nguyên Mông, là người sáng lập, là Thủy tổ Thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền của chính người Việt Nam.
Riêng
thời Lý có đặc điểm là cả đạo Phật, Nho giáo và Đạo giáo đều cùng tồn tại và
phát triển. Xã hội nhìn nhận “tam giáo
đồng nguyên”, triều đình cho lập cả
khoa thi tam giáo tuyển người thông hiểu giúp vua lo việc chính sự. Vương triều
Lý tồn tại đến hơn 200 năm, không thể phủ nhận là có sự đóng góp của sự dung hòa
mềm mại uyển chuyển nầy. So với nhà Hậu Lê sau đó mang nặng tư tưởng tôn quân của
Nho giáo, so với sách sử thì Lý Thánh Tông có thể không có công lao bình thiên
hạ mở rộng cương vực cho dân tộc như Lê Thánh Tông. Nhưng cũng với sách sử thì
2 ông vua có cùng miếu hiệu là Thánh Tông nầy có 2 mùa xuân đáng để suy ngẫm :
Mùa
đông tháng 10 năm Ất Mùi (1055) trời rét đậm, vua Lý Thánh Tông bảo với các
quan tả hữu : Trẫm ở trong cung sưởi than
xương thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Nghĩ đến người tù bị giam trong ngục,
gông cùm khổ sở, xét hỏi chưa xong, ngay gian chưa rõ, ăn không no bụng, mặc
không kín thân, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương xót. Nói rồi lệnh cho Hữu
ty cấp chăn chiếu và cấp [cho tù nhân] cơm ăn ngày 2 bữa (Đại Việt Sử Ký Toàn
Thư).
Mùa
đông tháng 11 năm Canh Dần (1470), Ngày 16 vua Lê Thánh Tông ngự giá bình Chiêm,
khởi hành trời mưa nhỏ, gió bấc. Tư thiên
giám Tạ Khắc Hải tâu rằng : “Mưa là
mưa nhuần quân, gió từ phương bắc là gió hòa”. Cho nên khi thuyền đi vua có câu thơ rằng “Bách vạn sư đồ viễn khai hành, Xao bồng vũ tác nhuận quân thanh” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Vua
nhà Lý ngày đêm có thể ăn chẳng ngon, ngủ không yên vì luôn áy náy tù nhân
trong ngục bụng không no cơm, thân không ấm áo. Nhưng mùa xuân năm Bính Thân ấy
(1056), chắc chắn lòng của vua được thanh tịnh hơn khi người tù đã được cấp chiếu
chăn. Rồi những mùa xuân năm sau, nhờ tấm lòng thương dân như con, giảm nhẹ hình
phạt của vua mà thời vua cai trị ít có biến loạn, giặc giã hơn các triều đại khác.
Vua
nhà Lê đưa trăm vạn quân đi đánh cõi xa, gặp lúc mưa phùn gió bấc, có thể ông vẫn
thản nhiên ngủ ấm vì xem tiếng mưa gõ vào mui thuyền như tiếng gõ nhịp làm tăng
thêm thanh thế tiếng quân đi - Bách vạn
sư đồ viễn khai hành, Xao bồng vũ tác nhuận quân thanh. Nhưng điều chắc chắn
là mùa xuân Tân Mão (1471), ở hành tại tại Thuận Hóa, tâm vua Lê không thể nào
yên khi trước biên địa là giặc. Và những mùa xuân năm sau tâm vua Lê chắc cũng
khó mà thanh tịnh khi nghĩ đến trận chiến đã chém hơn 4 vạn thủ cấp khi tiến vào
thành Đồ Bàn năm ấy !?
Cái
Đẹp của lẽ sống không phải là sự chiến thắng trong một cuộc chiến mà là chiến
thắng chính bản thân mình. Mọi sự việc trên đời hiện hữu từ nhận thức của con
người, nên đều có những giai đoạn khởi đầu, hưng thịnh và suy tàn. Nhưng với Ý
Xuân - Cái Đẹp, không là chân lý nhưng ý tình của nó lan đến tận tại đình châm bất ngữ thì, trong cái
suy tàn đã có cái khởi đầu cho một tương lai mới đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét