Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

MÙA LÚI LÊN


Đèn trong xe chợt bật sáng lên, xe chầm chậm tấp vào lề nhưng ra vẻ không muốn dừng hẳn lại. Anh phụ xe lách cửa nhảy vội xuống biến vào màn đêm. Loáng thoáng ngoài kia những vệt đèn tín hiệu xanh đỏ quét hất lên trần xe. Chỉ là trạm lưu động của công an giao thông đang làm việc, một vài người khách kéo vội cái chăn đắp trùm lên mặt, họ lơ mơ ngủ tiếp. Thoáng chốc cánh cửa xe đã đóng lại, đèn trong xe tắt phụt chỉ còn lốm đốm vài ánh đèn ngủ tờ mờ. Chiếc xe khách lại tăng ga lao vụt trên đường dài.

Đồng hồ điện tử ở cabin xe nhấp nháy báo đã gần 2 giờ sáng. Ở giường ghế phía trước thằng Kha nằm im lìm không động đậy. Tôi biết nó cũng giống như tôi, từ hôm giờ nó không có ngủ. Đường về quê sáu - bảy trăm cây số, ngày rày lên xe đánh một giấc là sáng đã về tới nhà. Ai cũng nói như vậy. Nhưng tôi với thằng Kha chẳng khi nào ngủ được ngon trên xe trong những chuyến về quê, cho dù bây giờ xe khách đi lại đã có nhiều dễ chịu, tiện nghi hơn lúc trước đây. Lâu lâu mới về quê, ai đã từng trải qua cảnh nầy mới thấy được những thao thức chỉ để đo để đếm từng phút từng giây bước đường trở về…
-  Noel - Tết Tây kỳ nầy tao về quê. Mầy về cùng không ?

Dĩ nhiên là tôi Ừ cái rụp. Hôm ấy tôi trả lời liền câu hỏi của Kha không do dự, không một chút đắn đo. Noel nầy tôi chẳng còn chút hào hứng nào để lang thang với đường đèn Sài Gòn nữa. Hình ảnh của Hoa lạnh lùng ngó lơ ánh mắt của tôi, thản nhiên cặp tay anh chàng cùng sóng bước vào một nhà hàng sang trọng vẫn còn đau nhói trong tôi. Tôi biết tôi cần phải đi đâu đó. Mùa Noel nầy không phải của tôi. Tôi không rõ rủ rê của Kha có phải là sắp xếp dành cho riêng tôi hay không. Nhưng dù sao tôi đã thường và đã vốn quen với những quyết định thường bất ngờ, khác đời của thằng bạn nối khố. Tôi không lạ gì cái tính đã nói là làm ngay tức khắc của thằng Kha. Nó là vậy đó, nhưng lần nầy tôi cũng có hơi là lạ trước sự quyết liệt đi ngược lại cái tác phong làm việc lâu nay của nó. Từ ngày cùng với Kha may mắn vừa ra trường là xin được việc ở đất Sài Gòn đúng với ngành đã học, tôi chưa bao giờ thấy nó nghỉ việc vào những ngày nghỉ lễ. Bạn bè của hai thằng tôi, đứa có việc, đứa còn đang xin việc, nhưng hễ có ngày nghỉ thì bọn chúng không du hí chốn nầy cũng rủ nhau đi chơi chỗ nọ. Thằng Kha thì khác. Nó là cái thằng chuyên xung phong đăng ký làm việc ngày nghỉ lễ. Nó hùng hục làm, làm bất kể. Ngay như những ngày cuối năm ai cũng lo vé tàu vé xe về ăn Tết ở quê, còn thằng Kha thì điềm nhiên tuyên bố :
-  Tao ở lại làm, Rằm tháng giêng, xin nghỉ phép năm tao về. Vẫn còn xuân mà. Hễ ngày được nghỉ cứ coi như là ngày Tết.

Những ngày nghỉ lễ khác là để xả hơi, là để đi chỗ nầy chỗ nọ. Ngày nghỉ Tết Nguyên đán là ngày về cùng với cả nhà, với ông bà tổ tiên. Xã hội công nghiệp, gì thì gì cũng phải giữ gìn chút xưa để lại. Ấy đấy, nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng cũng vì cả xã hội phải lăn thân đi làm mướn với muôn vàn bận rộn nên cũng chẳng ai buồn để ý đến quyết định của thằng Kha. Ai cũng phải chạy đôn chạy đáo sắp xếp chuyến về sum họp gia đình, chẳng ai buồn để ý đến cái quá quắt, khác người của nó.

Má nó thì khác. Đã mấy năm rồi, năm nào má nó cũng sang nhận quà Tết của nó gởi tôi mang về, không lúc nào là bà không lẩm bẩm :
-  Thằng Kha năm nay nó cũng không về hở con. Cái thằng thiệt tệ ! Ham làm, chẳng thiết gì tới mẹ tới cha.

Ấy vậy mà khi ai thăm Tết hỏi đến nó, bà lại liếng thoắng :
-  Ai cũng về quê, không kịp hàng, thiệt tội cho công ty cháu. Mấy ông xếp phải năn nỉ cháu nó ở lại, ra Tết cho nghỉ bù.

Tôi đã từng thầm cười trong bụng cái xã hội nầy mà chủ biết năn nỉ thợ chắc tới Tết Công gô mới có. Nhưng tôi cũng đã phải từng cay cay, rướm nước mắt khi thấy má thằng Kha xa xăm ngong ngóng đâu đâu trong những ngày giáp Tết… Lành lạnh, tôi kéo chăn lên cho kín cổ. Phía trước thằng Kha cũng hơi trở mình. Nó vẫn chưa ngủ. Không biết nó có đang lan man với những chuyện mà đầu không ra đầu, đuôi không ra đuôi như tôi hay chăng.

*  *  *
Vừa tới bến xe Phú Phong, thằng Kha ngoái xuống tôi nói rành rọt từng tiếng :
-  Tao không xuống ở đường Núi Một đi qua Quán Nổng về Hà Nhung tao nữa. Về thẳng Đồng Phó của mầy. Mầy ra bến đò cũ với tao rồi mới về nhà.

Cái thằng ôn dịch. Nó nói như ra lệnh với ai đó chớ không phải với tôi. Chầm chậm ngó chừng chung quanh, tôi ngồi dậy nhỏ tiếng :
-  Mầy đã điện con em đem xe đón ở Núi Một. Không lẽ… bảo nó quay về. Lên Đồng Phó với tao, tao ra bến với mầy rồi về cũng được, nhưng lỡ không có đò cho mầy thì sao.
-  Để tao điện nó quay xe ngược lên. Chẳng xa xôi gì, thêm mấy cây số nữa cũng chả sao. Tao muốn ra thăm bến đò cũ. Mầy lâu nay cũng chưa biết tới cái mặt bờ kè ngoài bến sông mình mà.

Đúng là cái thằng trời đánh. Nó đã muốn cái gì là phải làm cho bằng được mới thôi. Không lẽ nó muốn dắt tôi về bến đò xưa, nơi còn đọng những kỷ niệm ngày đi học của tôi với nó và… Hoa. Để làm gì nhỉ. Gì nữa đâu mà phải níu kéo kỷ niệm, những thứ đó với tôi bây giờ chỉ còn là những ngu ngơ, những thứ không đâu. Tôi lặng lẽ nhìn sang Kha. Nó chẳng buồn để ý đến tôi, mắt nó như đang kiếm tìm cái gì đó trên cánh đồng mới sạ chạy lướt ngoài cửa xe, những mảng đất lún phún màu xanh dưới trời sương chưa ánh nắng. Đã sang tiết Đông chí, Noel đã tới rồi kia mà ! Tôi biết ruộng ở nhà nó chắc cũng đã sạ hết rồi. Bên nó đất lúa đâu có nhiều nhõi gì. Có lẽ bây giờ ba mẹ nó đang chuẩn bị đất cho vụ đỗ phộng. Qua tiết Đông chí, trời không mưa nữa là sửa soạn xuống giống vụ đỗ tháng ba. Quê tôi với quê nó cách nhau chỉ một bến sông, tên quê của chúng tôi vốn đã từng vang xa theo câu hát ru em :

Củ lang Đồng Phó
Đỗ phộng Hà Nhung
Chàng bòn thiếp mót đổ chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Chàng giận chàng đá cái gùi lăn đi
Chim kêu dưới sưối Từ Bi
Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi !

Những bòn mót chung nhau cùng đổ vào một gùi. Sao nỡ lại đá cái gùi lăn đi vậy nhỉ. Chỉ vì là sùi sụt duyên nợ với nhau thôi sao. Tôi ngơ ngác. Ngơ ngác !

*  *  *
Lưới Sõng - Ảnh của Hồng Trần

Thằng Kha nó đi mà như chạy. Tôi lúp xúp tuôn theo nó không kịp thở. Ánh mặt trời đã lên phía núi Mả Mẹ Chàng Lía, gió sáng hiu hiu lạnh tấp vào mặt nhưng trán tôi đã túa cả mồ hôi. Những nhánh dâu đẫm sương bên bờ đường quét ướt cả vạt áo khoác ngoài, tôi đi mà như đi dưới cơn mưa. Đây đó mấy vốc rác còn bám quấn lấy những gốc dâu, vết tích của con lũ tháng trước còn sót lại đã cho tôi thấy quê tôi vừa rồi phải chịu đựng khó khổ như thế nào.

Ra đến bến sông, thằng Kha dừng lại ngó mông lung. Bên nầy sông vắng lặng, xa xa một bóng người ngồi như bất động trên bờ kè. Bên kia sông, ngút tầm mắt là những cặp bò đang kéo dài mấy vệt đường cày buổi làm sớm. Bên nây là bờ kè đá. Bên kia cũng bờ kè. Bến sông của chúng tôi như đã rộng thêm ra nhưng trông nó có vẻ trụi lủi, trọc tròi thế nào ấy. Không còn những hàng tre xanh chắn tầm mắt tìm nhau của chúng tôi ngày xưa nữa. Những đụn cát giữa lòng sông, những dãi rù rì xanh loáng thoáng áo học trò đã biến mất đi đằng nào rồi !? Dễ chừng thằng Kha cũng giống tôi. Mấy năm rồi tôi không đứng trước bến đò xưa. Đi rồi về, về rồi phải đi liền. Mấy năm rồi đến nay tôi mới tận mặt bờ kè của bến sông. Nay bến đò không một bóng đò. Sông thì ngăn ngắt nước. Mọi thứ đã khác xưa. Rồi nay mai có lẽ sẽ nhiều khác xưa hơn nữa. Mọi thứ đã đổi thay, những gì chỉ mới đấy thôi mà… nhưng giờ như đã xa, xa lắm. Chính tôi giờ cũng đang là một kẻ xa lạ giữa quê mình…

-  Bờ kè xây lấp mất móng nền cái đền của Hời rồi mầy Thuận !

Trông cái vẻ ủ rũ của thằng Kha ngồi xuống cái phịch não nuột buông ra tiếng thở dài làm tôi bật cười. Nó chẳng bao giờ hé răng nói trước những chuyện nó sẽ làm. Té ra nó đùng đùng dắt tôi ra bến đò nầy chỉ vì cái vết tích của thiên của địa, cái móng nền loe hoe vài viên gạch Chăm lộ ra từ bờ đất bị sụp xuống sông trong một kỳ lũ năm chúng tôi còn đi học. Chẳng biết từ lúc nào mà thằng Kha lại đâm ra mê cái thứ không đâu vào đâu nầy đây chứ. Tôi dí dí mạnh tay vào trán nó cho đỡ ấm ức :
-  Nghe đâu cặp đèn đất nung của ngôi đền người ta lấy đem chưng ở dưới Quy Nhơn kia kìa. Còn mấy viên gạch Hời hồi mầy không lấy anh Tám Đôn đã đem về lót sân, muốn thì vô nhà ảnh xin lại.

Thằng Kha ngó lơ xuống sông. Khói sông đã tan, ánh nắng phất bóng nước lấp lánh lên bộ mặt thiểu não của nó, trông mặt nó càng giống cái mặt của thằng đời xưa mất sổ gạo.
-  Thôi đi về thằng quỷ sứ. Em mầy đã lên tới nơi kìa!

Nói như thánh phán, tôi vừa dứt lời đã có tiếng em gái của nó trên dốc cao vọng xuống :
-  Anh Hai ! Anh Thuận !

Trên kia con Lan đứng cùng với một cô gái trạc chừng tuổi nó. Cô nào đó có quen với hai thằng tôi không mà lại đang ra dáng cúi chào chúng tôi. Thằng Kha uể oải đứng dậy. Còn tôi thì ngẩn ra cố nhận xem ai là người đứng với Lan.
-  Anh Thuận … Anh không nhớ gái Thanh của lớp em hay sao mà nheo nheo mắt thế kia. Dân ở thành phố đâu thèm nhớ thứ quê mùa bọn em phải hôn?

Có vẻ như Thanh đang nhéo Lan vì con Lan bỗng la Oái lên một tiếng làm như đau điếng lắm. Thằng Kha, cái thằng kỳ cục, nó bỗng dưng khác hẳn cái bản mặt thằng mất sổ gạo vừa rồi, đi chưa tới nơi nó đã bô bô cái miệng :
-  Thanh đấy à. Lâu ngày gặp thấy Thanh lớn ra, đẹp ra…
-  Anh Hai ẩu nghen… Mấy đứa em còn đang đi học đó nghen.

Hai anh em nó đứa tung đứa hứng. Đúng là … anh với em.

-  Sao Thanh biết anh với Thuận về mà theo Lan ra đây đón. Đón anh hay đón Thuận đây ?
-  Dạ, em ra bến sông đưa Nội về.
-  Nội của Thanh !?

Không hẹn, thằng Kha với tôi đồng loạt kêu lên, cả hai như tranh nhau cùng quay về phía bóng người tận trên xa nãy giờ vẫn còn ngồi bất động. Nội của Thanh, bóng ông ngồi in lên nền trời như bóng một pho tượng.

-  Nội con Thanh mấy bữa rày ngày nào cũng ra đây hết anh Hai. Ông ra xem cá Lúi lên chưa. Mùa Noel cũng là mùa Lúi lên mà anh Thuận.

Tôi quên khuấy đi mất ! Tôi biết chắc là thằng Kha lâu nay cũng quên bặt đi những ngày lạnh tháng 11 âm lịch là ngày Cá Lúi về nguồn. Cá Lúi sông Côn quê tôi giờ đã ít đi nhiều. Nhưng đàn cá Lúi con bây giờ cũng chẳng khi nào quên chuyện về nguồn tìm mẹ. Sau mùa lũ ít lâu, khi đã săn da chắc thịt chúng rủ nhau ngược nước đi lên. Chúng đi thành bầy như những tấm chiếu trải, dù không trải kín cả con sông như ngày xưa.

-  Anh đi với Thanh đưa ông về !?
-  Cảm ơn anh Thuận. Em lên đó đi với ông theo ngã Suối Cát về nhà cũng gần mà. Lúc nãy theo Lan vào gửi xe ở nhà anh thấy Bác trông anh lắm. Anh Kha, con Lan cũng đang vội đưa anh về bên bển đó. Cho em gởi lời thăm Bác.

Thanh chào chúng tôi rồi vội vã dọc theo bờ kè đá quay ngược lên. Những bước chân của Thanh như gõ nhip trong tôi. Tôi biết, tôi biết tôi phải chạy về nhà ngay, thanh âm của Thanh vẫn còn dìu dịu đó : Bác trông anh lắm !

Mùa Noel 2013

5 nhận xét:

  1. Cá Lúi sông Côn có một đặc điểm là cái đầu của nó không đắng như các khu vực khác như : Vực Ông Đô, sông Hà Thanh chảy qua Diêu Trì, vùng Phước Nghĩa - Tuy Phước...Cá Lúi sông Côn mà đem kho nghệ thì cũng ngon lắm rồi. Nhưng có lẽ ngon nhất là làm mắm. Quê tôi vùng Mỹ Cát - Phù Mỹ, ăn tết xong khai ruộng muối. Bữa cơm chiều lá giang nấu canh với mắm ruốc và vài con Lúi chưng tương thơm phức. Đã lắm anh em ơi ! Tiếc rằng mọi thứ đã là quá khứ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cá Linh ở miền Tây Nam bộ xương cũng mềm nhưng đầu thì cứng ngắt, ăn không ngon bằng đầu Cá Lúi Sông Côn.
      Đầu Cá Lúi Sông Côn mềm, không có vị đắng. Nhưng ai thích cái vị nhân nhẩn thì khi chế biến không cần làm ruột Cá Lúi. Cá Lúi kho nghệ, nghệ và ruột Cá Lúi tạo nên một hương vị đặc biệt chỉ có ở vùng sông Côn.
      Chắc HT đã thử qua !?

      Xóa
  2. Chỉ là gợi mở như, là một lời mời gọi khởi đầu cảm xúc nhưng cả người viết lẫn người đọc đều có được những xúc cảm trọn vẹn của riêng mình : Mênh mông, dào dạt và thấp thoáng những ý vị của hương xưa.....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những ai đã có tuổi thì thường gặm nhắm quá khứ, tìm lại ý vị của Hương Xưa phải không anh !
      Đồng điệu của nhau là ở đó. Không biết lớp trẻ bây giờ chỉ biết có Noel mà có biết chăng mùa nầy là Mùa Lúi Lên đi tìm mẹ !?

      Xóa
  3. hehe ! Anh Trương Nghị nói đúng khi đó là cá Lúi dọc sông Côn bờ cát thôi nha. Nếu anh xuôi một đoạn nữa tới đoạn Sông Côn gặp nước từ bàu Sấu Nhơn Mỹ chảy ra mà cá Lúi không làm ruột, thì anh có tài mấy cũng không ăn nổi. Cái này thì rành quá rồi. hehe

    Trả lờiXóa