Từ
thời Gia Long đến Thiệu Trị, sĩ tử các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận được
phân phối ứng thí như sau: Các tỉnh từ Ðèo Cả trở ra thi ở trường Thừa Thiên, từ
Ðèo Cả trở vào thi ở trường Gia Ðịnh.
Ðến
năm Canh Tuất (1850), Tự Ðức thứ 3 mới bắt đầu thành lập trường thi Bình Ðịnh để
nhận thí sinh các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa. Về sau, trường
Bình Ðịnh còn nhận thêm thí sinh của tỉnh Bình Thuận rồi Ninh Thuận. Nếu không
kể trường thi An Giang lập năm 1863, mở một khoa rồi phải xóa tên vì bị Pháp
chiếm, thì có thể nói trường thi Bình Ðịnh là trường thứ 7, ra đời muộn nhất,
sau cả trường Thanh Hoá , được tái sinh (1848).
Trường
thi Bình Ðịnh được xây dựng trên nền đất gò, thuộc thôn Hòa Nghĩa, tổng Thời
Ðôn, huyện Tuy Viễn phủ An Nhơn. Trường thi nằm phía tây nam thành Bình Ðịnh và
hữu ngạn nam phái Sông Côn, lại gặp khúc cong nên 3 mặt tây, bắc, đông đều có
sông ngăn cách, tiện cho việc canh phòng. Khu vực trường thi là một cái nền rộng,
chu vi chừng 1.000 mét, cao gần 2 mét, xây bằng đá ong, mặt nền bằng phẳng và lộ
thiên. Ðến kỳ mở khoa thi, quan tỉnh mới sai dựng hàng rào dày xung quanh, cất
nhà tạm cho quan trường và chia vi cho thí sinh.
Ngày
thi, sĩ tử được gọi vào vi đã phân lô, tự cất lều để làm bài suốt một ngày. Tuyệt
đối không được qua lại lều người khác trong giờ thi.
Khoa
Nhâm Tý (1852), Tự Ðức thứ 5, trường Bình Ðịnh mở khoa thi đầu tiên. Bộ Lễ qui
định số người đậu Cử Nhân trên toàn quốc mỗi khóa là 124 người, phân định cho
các trường như sau:
Thừa
Thiên lấy đậu 20 người, Nghệ An 18 người, Thanh Hóa 20, Nam Ðịnh 20, Hà Nội 20,
Bình Ðịnh 13 và Gia Ðịnh 13.
Bộ
Lễ cũng đã xếp trường Bình Ðịnh vào nhóm trường Thừa Thiên, Nghệ An, Gia Ðịnh,
tổ chức thi Hương vào tháng bảy âm lịch ở những năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu (định lệ
về năm, đôi khi không thực hiện đúng) còn nhóm thứ hai gồm trường Thanh Hóa,
Nam Ðịnh, Hà Nội, thi vào tháng chín những năm trên.
Tính
từ khoa Nhâm Tý (1852), Tự Ðức thứ 5, đến khoa Mậu Ngọ (1918), Khải Ðịnh thứ 3
là năm chấm dứt vĩnh viễn nền Hán học, triều đình nhà Nguyễn đã mở 29 khoa thi
Hương. Trường thi Bình Ðịnh chỉ tham dự 23 khoa, còn sáu khoa trường này không
tổ chức thi bởi các lý do:
-
Năm 1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Ðịnh. Rồi năm 1861,
các tỉnh Ðịnh Tường, Biên Hòa thất thủ. Tiếp đến 1862 triều đình ta phải nhường
đất ba tỉnh miền Ðông Nam kỳ cho Pháp. Biến cố dồn dập, đất nước có rất nhiều
việc khẩn trương phải giải quyết, nên trường thi Bình Ðịnh tạm đóng cửa. Vì vậy,
khóa thi năm Tân Dậu (1861), Tự Ðức thứ 14, sĩ tử ở trường Bình Ðịnh phải ra Huế
thi chung với trường Thừa Thiên. Còn khoa thi năm Giáp Tý (1864) thì theo lệ
cũ, nghĩa là các tỉnh từ Phú Yên tới Quảng Ngãi ra thi ở trường Thừa Thiên; các
tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận vào thi ở trường An Giang (thay thế cho Gia Ðịnh)
Năm
Quí Dậu (1873), Tự Ðức thứ 26, đúng hạn kỳ mở khoa thi Hương trên toàn quốc
(không kể Nam kỳ đã bị Pháp chiếm), thì ở Bắc kỳ lại gặp biến (Hà thành thất thủ
lần thứ nhất). Các trường thi Hà Nội và Nam Ðịnh không thi được, nên triều đình
mở khoa Giáp Tuất (1874) với tính cách là khoa Quí Dậu triển hạn, để sĩ tử hai
trường trên ứng thí. Trường Bình Ðịnh đã mở khoa Quí Dậu nên không mở khoa này.
Trường
Bình Ðịnh còn bị gián đoạn ba khóa nữa. Ðó là khóa Bính Tuất (1886), Ðồng Khánh
nguyên niên, trường Bình Ðịnh đã thi xong ở khóa Ất Dậu (1885) nên nay không
thi nữa. Ðến khoa thi năm Ðinh Hợi (1887), Ðồng Khánh thứ 2, phong trào Cần
Vương ở các tỉnh miền nam Trung Bộ đang lúc sôi động, nên trường Bình Ðịnh
không mở được khoa thi, và sĩ tử miền này cũng không ra Huế ứng thí. Rồi khoa
thi năm Mậu Tý (1888), Ðồng Khánh thứ 3, tình hình chưa ổn định, trường Bình Ðịnh
vẫn bị đình và chỉ một ít sĩ tử miền này ra Huế thi chung với trường Thừa
Thiên.
Căn
cứ vào Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục, bản dịch của Nguyễn Thuý Nga
và Nguyễn Thị Lâm, 23 khoa thi của trường Bình Ðịnh gồm:
1-
Khoa Nhâm Tý (1852), Tự Ðức thứ 5, lấy đậu 13 người. Trong đó, Bình Ðịnh 11, có
Giải Nguyên. Quảng Ngãi 2, có Á Nguyên.
2-
Khoa Ất Mão (1855), Tự Ðức thứ 8, lấy đậu 13 người. Bình Ðinh 4, có Giải
Nguyên. Quảng Ngãi 7, có Á Nguyên. Phú Yên 2.
3-
Khoa Mậu Ngọ (1858), Tự Ðức thứ 11, lấy đậu 13. Bình Ðịnh 1, có Giải Nguyên. Quảng
Ngãi 6, có Á Nguyên.
4-
Khoa Ðinh Mão (1867), Tự Ðức thứ 20, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 14, chiếm cả
Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Quảng Ngãi 4. Kể từ khoa này, trường Bình Ðịnh nhận
thí sinh của Bình Thuận.
5-
Khoa Mậu Thìn (1868), Tự Ðức thứ 21, lấy đậu 15 người. Bình Ðịnh 8. Quảng Ngãi
7, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên.
6-
Khoa Canh Ngọ (1870), Tự Ðức thứ 23, lấy đậu 16 người. Bình Ðịnh 7. Quảng Ngãi
8, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Phú Yên 1.
7-
Khoa Quí Dậu (1873), Tự Ðức thứ 26, lấy đậu 15 người. Bình Ðịnh 8, có Giải
Nguyên. Quảng Ngãi 4. Phú Yên 1. Bình Thuận 2, có Á Nguyên.
8-
Khoa Bính Tý (1876), Tự Ðức thứ 29, lấy đậu 12 người. Bình Ðịnh 7, có Á Nguyên.
Quảng Ngãi 3, có Giải Nguyên. Phú Yên 1. Bình Thuận 1.
9-
Khoa Mậu Dần (1878), Tự Ðức thứ 31, lấy đậu 11 người. Bình Ðịnh 6, có Giải
Nguyên. Quảng Ngãi 5, có Á Nguyên.
10-
Khoa Kỷ Mão (1879), Tự Ðức thứ 32, lấy đậu 8. Bình Ðịnh 5, có Á Nguyên. Quảng
Ngãi 3, có Giải Nguyên.
11-
Khoa Nhâm Ngọ (1882), Tự Ðức thứ 35, lấy đậu 11 người. Bình Ðịnh 6, có Á
Nguyên. Quảng Ngãi 5 có Giải Nguyên.
12-
Khoa Giáp Thân (1884), Kiến Phúc thứ 1, lấy đậu 18. Bình Ðịnh 12, có Á Nguyên.
Quảng Ngãi 5, có Giải Nguyên. Phú Yên 1.
13-
Khoa Ất Dậu (1885), Hàm Nghi thứ 1, lấy đậu 8. Bình Ðịnh 7, chiếm cả Giải
Nguyên và Á Nguyên. Quảng Ngãi bỏ thi.
14-
Khoa Tân Mão (1891) Thành Thái thứ 3, lấy đậu 17 người. Bình Ðịnh 10, có Giải Nguyên.
Quảng Ngãi 4, có Á Nguyên. Phú Yên 1. Khánh Hoà 1 và Bình Thuận 1.
15-
Khoa Giáp Ngọ (1894), Thành Thái thứ 6, lấy đậu 19. Bình Ðịnh 9, có Á Nguyên.
Quảng Ngãi 5, có Giải Nguyên. Phú Yên 1. Khánh Hòa 1. Bình Thuận 1 và các tỉnh
khác 2.
16-
Khoa Ðinh Dậu (1897), Thành Thái thứ 9, lấy đậu 18. Bình Ðịnh 9. Quảng Ngãi 6,
chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Phú Yên 2, Khánh Hòa 1.
17-
Khoa Canh Tý (1900), Thành Thái thứ 12, lấy đậu 24 người. Bình Ðịnh 9. Quảng
Ngãi 10, chiếm cả Giải Nguyên lẫn Á Nguyên. Phú Yên 1, Khánh Hòa 1. Bình Thuận
3.
18-
Khoa Quí Mão (1903), Thành Thái thứ 15, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 8, có Giải
nguyên. Quảng Ngãi 5. Phú Yên 1. Bình Thuân 1. các nơi khác 3, người Hà Nội đoạt
Á Nguyên. Kể từ khóa này có thêm thí sinh tỉnh Phan Rang (tức Ninh Thuận).
19-
Khoa Bính Ngọ (1906), Thành Thái thứ 18, lấy đậu 24 người. Bình Ðịnh 12, chiếm
cả Giải nguyên lẫn Á Nguyên. Quảng Ngãi 3. Phú Yên 3. Khánh Hòa 2. Bình Thuận
1. Các nơi khác 3.
20-
Khoa Kỷ Dậu (1909), Duy Tân thứ 3, lấy đậu 16 người. Bình Ðịnh 7, chiếm cả Giải
Nguyên lẫn Á Nguyên. Quảng Ngãi 2. Phú Yên 1. Ninh Thuận 2 (tỉnh mới lập, từ
năm 1901 đến 1913). Bình Thuận 1. Các nơi khác 3.
21-
Khoa Nhâm Tý (1912), Duy Tân thứ 6, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 8, có Á Nguyên.
Quảng Ngãi 5, có Giải Nguyên. Khánh Hòa 1. Ninh Thuận 1. Các nơi khác 3.
22-
Khoa Ất Mão (1915), Duy Tân thứ 9, lấy đậu 18 người. Bình Ðịnh 10, có Giải
Nguyên. Quảng Ngãi 1. Phú Yên 3, có Á Nguyên. Các tỉnh khác 4. Tỉnh Ninh Thuận
giải thể, thí sinh lại nhập vào hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận.
23-
Khoa Mậu Ngọ (1918), Khải Ðịnh thứ 3, lấy đậu 12 người. Bình Ðịnh 2. Quảng Ngãi
4, có Giải Nguyên. Phú Yên 2. Các nơi khác 4, người Quảng Nam đoạt Á Nguyên.
Trên
danh nghĩa, trường thi Bình Ðịnh đã đóng góp cho nền Hán học 23 khóa thi Hương,
nhưng trên thực tế chỉ có 22 lần thi tại trường Bình Ðịnh. Vì lần thi cuối
cùng, khoa Mậu Ngọ (1918), sĩ từ miền này phải vác lều chõng ra Huế để thi trường
Thừa Thiên. Nhưng danh sách thí sinh, hạng ngạch lấy đậu và bảng trúng tuyển đều
lập riêng, không dính dự gì đến sĩ tử trường Thừa Thiên.
Số
chỉ định trúng tuyển cử nhân ở trường thi Bình Ðịnh, mỗi khóa 13 người. Qui định
ấy, giữ đúng được 3 khóa đầu, kể từ lần thứ 4, tức khoa Ðinh Mão (1867), không
còn tuân thủ nữa.
Tổng
kết, trường thi Bình Ðịnh đã cung cấp cho đất nước 355 cử nhân Hán học. Trong
đó, Bình Ðịnh 186 người, có 12 Giải Nguyên và 10 Á Nguyên. Quảng Ngãi 104 người,
có 11 Giải Nguyên và 9 Á Nguyên. Phú Yên 22 người, 1 Á Nguyên. Khánh Hòa 7 người.
Ninh Thuận 3 người. Bình Thuận 11 người, có 1 Á Nguyên. và sĩ tử các vùng khác
cư ngụ trong vùng này đậu 22 người. Ðó là trường hợp con của các quan theo cha
đến lỵ sở, công chức đang làm việc.
Những
người đậu cử nhân trẻ nhất của trường Bình Ðịnh là các ông: Văn Vĩ người thôn Hữu
Pháp, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Ðịnh, đậu hạng 12 khoa Mậu Ngọ (1918) lúc 16 tuổi.
Rồi đến Trần Quí Hàm người thôn Tri Thiện, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, đậu
Á Nguyên năm Bính Ngọ (1906) lúc 18 tuổi. Và Nguyễn Thuyên, người thôn Nam An,
huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đậu thứ 20 khoa Bính Ngọ (1906) lúc 20 tuổi.
Những
người lớn tuổi nhất còn vác lều chõng đi thi và đậu cử nhân ở trường thi Bình Ðịnh
là các ông: Phan Hành người thôn Biểu Chánh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, đậu
hạng 8 ở khoa Quí Mão (1903) lúc 55 tuổi. Võ Văn Quy người huyện Mộ Ðức, tỉnh
Quảng Ngãi, đậu hạng 4 ở khoa Giáp Ngọ (1894) lúc 53 tuổi, và Ðinh Hữu Quang
người thôn Hưng Lạc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh, đậu hạng 13 cũng khoa Giáp
Ngọ lúc 52 tuổi.
Trường
thi Bình Ðịnh cũng có những khoa thi mà danh sách thí sinh trúng tuyển khi bộ
duyệt lại, phải thay đổi ở giờ chót, hoặc bị truất bớt, hoặc được thêm vào. Xem
ra việc chọn người trúng tuyển ngày xưa rất cẩn trọng, phải qua hai lần duyệt
xét, ở trường thi và ở trung ương mới được chính thức đậu.
-
Bộ truất vì có bài bị điểm liệt: Khoa thi Mậu Thìn (1868), trường thi Bình Ðịnh
do Bố chánh Quảng Yên là Lê Hữu Tá làm chánh chủ khảo, Toản tu sử quán Phạm Quí
Ðôn làm phó chủ khảo, đã lấy 18 người vào bảng cử nhân. Bộ duyệt lại thấy Nguyễn
Lương, Phạm Khởi và Lê Văn Cơ có bài bị điểm liệt, nên chỉ cho đậu tú tài. Bảng
cử nhân chỉ có 15 người chính thức đậu.
-
Bộ truất vì không có bài được điểm bình trở lên: Khoa thi năm Bính Tý (1876)
ban giám khảo trường Bình Ðịnh lập danh sách trúng tuyển là 15 người. Bộ duyệt
lại, truất ba người cuối bảng cử nhân là Nguyễn Bá Ðệ, Trịnh Hữu Bằng và Trần
Quang Khởi, chỉ cho đậu tú tài, vì thấy trong quyển thi không có điểm ưu hoặc
bình.
-
Bộ đánh hỏng vì bài trùng nhau: Việc xét duyệt ở bộ, không chỉ thông qua ở các
số điểm ban giám khảo đã cho, mà còn xét rất kỹ từng bài thi. Chẳng hạn, ở khoa
Kỷ Dậu (1909), trường Bình Ðịnh do Tham tri bộ Học Ðặng Như Vọng làm chánh chủ
khảo và Tế Tửu Quốc Tử Giám Trần Tấn Ích làm phó chủ khảo, lấy đậu 18 người. Bộ
duyệt thấy bài kỳ nhất (môn văn sách) của Lê Toại (đậu thứ 15) và Ðoàn Văn Mân
(đậu thứ 17) có ba bài trùng nhau và ba bài nhiều đoạn giống nhau nên đánh rớt
cả hai.
-
Bộ truất vì bài thi có dấu lạ: Khoa thi Nhâm Tý (1912), Tham Tri Bộ Lại Trần Trạm
và Ðốc học trường Hậu bổ Nguyễn Duy Tích được cử làm chánh, phó chủ khảo trường
Bình Ðịnh, đã xếp Trần Tuân vào bảng cử nhân và Vũ Liêm Sơn vào bảng Tú tài. Bộ
duyệt lại, thấy quyển thi kỳ nhất của Trần Tuân, trong bài văn sách thứ tư ở
trên chữ "đệ" có một dấu mực. Theo luật trường thi, phạm phải lỗi thiệp
tích, tức là lỗi làm dấu bài để thông đồng với giám khảo. Dù là vết mực vô tình
cũng qui tội, nên bộ giáng Trần Tuân xuống bảng tú tài. Nhưng không phải lúc
nào bộ cũng tìm cách bắt lỗi thí sinh mà ban giám khảo không thấy hoặc đã bỏ
qua. Bộ còn duyệt xét vớt, hoặc ân giảm vài trường hợp:
-
Bộ vớt vì có một bài điểm cao. Ðó là trường hợp của Vũ Liêm Sơn ở khoa Nhâm Tý
(1912) điểm hạn ngạch chỉ được đậu tú tài, nhưng kỳ thi chữ Pháp có điểm trội
hơn những người tú tài khác, nên bộ vớt lên cho đậu cuối bảng cử nhân.
-
Bộ còn gia ân cho trường hợp của Phạm Thiếu Am, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận,
thi khoa Kỷ Dậu (1909). Bài làm kỳ thứ 3 và kỳ phúc hạch (kỳ 4), chữ viết không
giống nhau, nghi là có kẻ làm dùm bài. Nhưng được biết đương sự vừa thi xong
thì ngã bệnh, sau khi nghe tin đậu thứ 16 thì bệnh trở nặng và đã chết, nên bộ
gia ân miễn xét, vẫn để cuối bảng cử nhân y như ban giám khảo đã xếp hạng.
(còn
tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét