Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

TRƯỜNG THI BÌNH ĐỊNH (2)


TRƯỜNG THI TRONG LỊCH SỬ:

Trước tình thế căng thẳng của đất nước, Pháp luôn luôn tìm cớ để chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam kỳ, trong cuộc họp các quan đại thần vào những ngày đầu năm Ất Sửu (tháng 2-1865), triều đình quyết định bỏ hẳn ý định dành lại 3 tỉnh miền Ðông. Từ nay chỉ dồn lực lượng giữ các tỉnh còn lại.

Ðáp ứng với nhu cầu quốc phòng, tháng giêng năm Ðinh Mão (1867), Tự Ðức thứ 20, trường thi Bình Ðịnh bắt đầu mở khoa thi Hương võ. Ðịa điểm thiết lập trường thi Hương võ không xa với trường thi Hương văn, chỉ cách ba thôn về phía Tây và vẫn nằm bên hữu ngạn nam phái sông Côn. Ðó là thôn An Thành, cùng tổng, huyện với thôn Hòa Nghi (thi Hương văn), nhưng nay An Thành thuộc xã Nhơn Lộc. Ðịa bàn thu nhận thí sinh Hương võ của trường cũng từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và cũng theo lệ 3 năm một lần mở khoa thi. Như vậy chỉ sau Hương văn 3 khoa, Hương võ Bình Ðịnh cũng đã cung cấp cho đất nước nhiều võ quan trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng. Trường thi Bình Ðịnh lại một lần nữa không hổ danh, vì đã xây cất từ miền đất mang truyền thống thượng võ:

Ai về Bình Ðịnh mà coi
Con gái Bình Ðịnh múa roi, đi quyền.

Thế rồi, khoa thi Hương năm Ất Dậu (1885), các trường thi khác chưa đến ngày mở khoa, duy có trường Bình Ðịnh đang thi, bỗng nghe hung tin kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào. Hội đồng giám khảo quyết định tiếp tục thi cho xong. Tuy nhiên tinh thần sĩ tử không còn hăng hái nữa. Bảng đã yết kết quả kỳ nhất, thí sinh Quảng Ngãi vẫn kéo nhau ra về hết, chỉ còn lại sĩ tử Bình Ðịnh và một số ít các tỉnh khác còn nán lại, tiếp tục thi. Vào phúc hạch chỉ có 8 người đều đậu cả.

Biến cố ở kinh đô đã kích thích lòng yêu nước của các sĩ tử. Bài Vịnh Sĩ Tử ở trường thi Bình Ðịnh của tân khoa Mai Xuân Thưởng đã phản ánh rõ nét:

Cửa trường tiếng dạ vẫn còn hơi
Cờ nghĩa treo lên đã ngất trời
Ðạo trọng vua tôi mình dám quản
Oán hờn người Pháp có vơi đâu
(Khuyết danh dịch)

Vậy, Mai Xuân Thưởng là ai, đã để lại những gì trong trang sử chống ngoại xâm của nước nhà?

Nhớ lại, khoa thi năm ấy, trường thi Bình Ðịnh do Bố Chánh Quảng Nam BùiTiến Tiên làm chánh chủ khảo nằm mộng thấy một bà lão đem biếu ông một cành mai mà chỉ có một bông nở to, nhụy vàng cánh trắng, tỏa hương dịu dàng thơm phức. Quan đỡ lấy nhành mai, đoá hoa độc nhất ấy rụng vào nghiên son và bà lão biến mất. Tỉnh dậy, ông suy nghĩ mãi về điềm mộng ấy. Ông bèn xem trong danh sách trúng tuyển cử nhân thấy có một người họ Mai, đó là Mai Xuân Thưởng. Xem lại quyển thi, quả thấy văn chương có khí phách, đoán rằng người này sẽ làm nên nghiệp lớn.

Ngày xướng danh, quan Chánh Chủ Khảo mời riêng Mai công vào phòng, nhắn nhủ: "Lúc này nước nhà còn hay mất, phần lớn là do nơi đám sĩ phu. Làm việc phải hết sức thận trọng".

Khi ban áo mão cho các vị tân khoa, quan chánh chủ khảo tặng một bài thơ:

Sơn hà phong cảnh dị tiền niên
Hoành giám du khan thử địa huyền
Hận mãn xương môn trần ám ngoại
Lệ linh văn viện bút đình biên
Lịch triều giáo dục ân như hải
Bát giải thanh danh phẩm thị tiên
Nhất dự y quan nan tự hủy
Cương thường khán thử cổ anh hiền.

Bản dịch trong Non Nước Bình Ðịnh:

Non sông xưa đã khác rày
Gương "hoành công khí" nơi này còn treo
Cửa Rồng hận ngất trần hiêu
Bút hoa tuôn lệ tiêu điều viện văn
Lịch triều lai láng biển ân
Dụ hàng bát tuấn thêm phần thanh cao
Áo xiêm trót đã buộc vào
Cương thường noi dấu anh hào nghìn xưa.

Việc quan Chánh Chủ khảo nằm mộng, viết theo Quách Tấn, chỉ là chuyện tương truyền. Có điều chắc chắn là sau khi lãnh áo mão Cử Nhân vinh qui bái tổ về làng, Mai Xuân Thưởng bắt tay ngay vào việc mộ quân ứng nghĩa và nhanh chóng trở thành một lãnh tụ tài ba của Phong Trào Cần Vương tỉnh Bình Ðịnh.

Hai mươi năm sau, 1905, trường thi Bình Ðịnh lại xảy ra một sự kiện cũng liên quan đến lịch sử, không những hâm nóng bầu nhiệt huyết của các sĩ tử ở Bình Ðịnh mà còn là " một tiếng sét đánh vang lừng cả nước" (lời Huỳnh Thúc Kháng), mở đầu cho phong trào Duy Tân kháng thuế ở miền Trung (1908).

Năm ấy, ba vị đại khoa của tỉnh Quảng Nam là Trần Quí Cáp, Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, cũng là ba nhà chí sĩ cách mạng, rủ nhau vào Nam tìm đồng chí. Lúc đi ngang qua Bình Ðịnh, ông Trần có quen với Nguyễn Quí Anh, con của học giả Nguyễn Thông hiện cư ngụ tại tỉnh này nên ghé lại thăm. Nhân lúc quan Bình Ðịnh mở kỳ thi tuyển sinh, chuẩn bị cho khóa thi Hương năm tới (1906), ba nhà chí sĩ muốn dùng đề thi của quan trường làm tiếng chuông cảnh tỉnh giới sĩ tử, đánh thức họ dậy lo việc cứu nước, không nên đắm mãi trong giấc mộng khoa cử lỗi thời.

Hôm thi kỳ hai, sĩ tử đông đến sáu bảy trăm người. Viên Ðốc Học Bình Ðịnh là Hồ Trung Lượng, người huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đậu tiến sĩ 1892, vì nhà có tang nên không thể chủ trì cuộc thi, quan đầu tỉnh phải thay thế. Nhân cơ hội ấy, ba chí sĩ giả dạng sĩ tử chen vào trường thi, chia nhau hành động. Ông Trần làm đề phú, ông Phan làm đề thơ, ông Huỳnh lo việc xem xét tình hình. Bài làm, lấy một tên chung là Ðào Mộng Giác, với ý nghĩa là đã tỉnh mộng. Quan trường ra đề phú là Lương Ngọc Danh Sơn, lấy vần "cầu lương ngọc tất danh sơn" (tìm ngọc quí ở nơi núi đẹp có tiếng) và đề bài thơ là Chí Thành Thông Thánh (lòng chí thành, thấu suốt đạo thánh), diễn ra thất ngôn bát cú Ðường luật. Hai ông đã nạp quyển như bao nhiêu thí sinh khác nhưng văn không khai triển đầu bài, chỉ nhắm vào ý hướng khơi dậy lòng yêu nước, khuyên sĩ tử nên bỏ lối học cử nghiệp và mộng làm quan. Xong việc, cả ba vội lên đường, rời khỏi Bình Ðịnh.

Chấm quyển thi Ðào Mộng Giác, quan trường sửng sốt, choáng váng nhưng không thể dấu nhẹm vì tin tức đã loan khắp. Các quan đành phải đệ quyển thi ấy về triều và khấu đầu chịu tội. Quan đầu tỉnh giận lắm, thét lính bủa vây, buộc phải tìm cho ra thủ phạm. Khổ cho đám sĩ tử vô tội, nhất là những thí sinh họ Ðào bị nghi ngờ xét hỏi đủ điều. Người ta nhắm vào nhóm họ Ðào làng Vinh Thạnh (của Ðào Tấn) và nhóm họ Ðào làng Biểu Chánh (của Ðào Phan Duân) vì hai họ Ðào này có nhiều người theo Cử nghiệp. Trong khi ấy, ba chí sĩ đã vượt địa giới Bình Ðịnh, đang thong dong qua Phú Yên, trên đường vào Nam.

Sau đó, ông Trần Quí Cáp dịch ra Việt văn cả hai bài ấy, rồi nhờ ông Hồ Thanh Vân bí mật đem ra Bắc, chuyển cho Nguyễn Hải Thần để truyền bá trong đám nho sĩ Bắc Hà.

Nguyên văn bài Chí Thành Thông Thái của Phan Châu Trinh:

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương thụy mộng trung
Trường thử bách niên cam thóa mạ
Bất tri hà nhật xuất lao lung
Chư quân vị tất vô tâm huyết
Bằng hướng tư văn khán nhất thông.

Trần Quí Cáp dịch:

Ngoảnh lại giang sơn luống lẩng lơ
Anh hùng rầu rĩ khóc người sơ
Muôn dân tôi tớ phường quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ
Dày mặt mỉa mai đành chịu mãi
Thoát thân trói buộc biết bao giờ
Người ta ai cũng tâm can ấy
Nghĩ đến văn này đã thấm chưa?

Bài thơ trên và bài phú dưới đây, hiện nay có nhiều bản dịch hay hơn bản dịch của Trần Quí Cáp, nhưng bản đầu tiên vẫn có gía trị lịch sử vì đã được các nhà chí sĩ thuở ấy bí mật phổ biến khắp nơi.

Nguyên tác bài Lương Ngọc Danh Sơn Phú có 6 vần, gồm 38 câu bằng Hán văn. Tác giả đã dịch ra Việt văn bằng thể thơ song thất lục bát, cả thảy 84 câu. Dưới đây là đoạn đầu và đoạn cuối:

Kìa châu Á trong vòng hoàn hải
Khi đồng bào vác nỗi mây tuông
Ngắm xem một cõi dinh hoàn
Ðều trông thấy kẻ lo buồn xiết bao
Việc thế sự xôn xao sóng bể
Mặt anh hùng rầu rĩ non sông
Nói ra ai chẳng thẹn thuồng
Sao ta cứ một cái lòng thế thôi?
Sực thấy chữ tương lai mà sợ
Còn mơ màng giấc ngủ như không
Ai ôi đứng dậy mà trông
Nước ta một góc Á Ðông kém gì!
Trên Hồng Lạc dưới thì Trần Lý
Kẻ nhơn tâm sĩ khí ai bì
Kìa xem Lãnh Biểu xưa kia
Mã Nhi thuở nọ còn bia đành rành
Một trận đánh Chiêm Thành đã khiếp
Bấy nhiêu năm Chân Lạp mở cương
Nước ta xưa vẫn phú cường
Những điều hay lạ có nhường chi ai...

...Việc nhơn thế thử coi mà gẫm
Vận tang thương một bóng xanh xanh
Trời Nam bể Sở mông mênh
Cái thân chích địa nghĩ mình xót xa
Nhìn thu lạnh sương sa lác đác
Cửa thần môn lén bước, buớc ra
Ngắt trời một giải xa xa
Thuyền tiên trông đã vượt xa non thần
Bến Dịch Thủy chần ngần đứng nghỉ
Tiễn đưa người giọt lệ chứa chan
Một lời như khóc như than
Thôi còn Lương Ngọc, Danh Sơn làm gì?

Đào Đức Chương
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét