Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

TRƯỜNG THI BÌNH ĐỊNH (3)

Vợ Chồng Nhà thơ Yến Lan bên Bến Trường Thi


GÓP VÀO ÐẤT NƯỚC:

Ðiều đáng nói là trường thi Bình Ðịnh đã đóng góp cho đất nước những anh hùng cứu nước, những nhân tài, những bậc đại khoa.

Các thủ lãnh của Phong Trào Cần Vương (1885) ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa hầu hết xuất thân từ trường thi Bình Ðịnh:

- Lê Trung Ðình (1863-1885) đậu cử nhân thứ 17 khoa Giáp Thân (1884), người thôn Phú Nhơn, huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, là lãnh tụ phong trào Cần Vương tỉnh Quảng Ngãi.

- Nguyễn Tự Tân (?...1885), đậu tú tài, người thôn Phước Thọ, huyện Bình Sơn, cùng Lê Trung Ðình và Vũ Hội dựng cờ khởi nghĩa, chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi được 5 ngày.

- Nguyễn Duy Cung (1843-1885) đậu Á Nguyên khoa Mậu Thìn (1868), người thôn Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nay thuộc xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa, bỏ chức án sát Bình Ðịnh để gia nhập cuộc ứng nghĩa ở Bình Ðịnh, làm tham mưu cho nguyên Tổng Ðốc Ðào Doãn Ðịch.

- Mai Xuân Thưởng (1860-1887), đậu cử nhân thứ 7 khoa Ất Dậu (1885), người làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, tức thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Ông là lãnh tụ Cần vương có óc tổ chức, có tài thao lược. Từ hai bàn tay trắng, tiếp nhận 600 quân của Ðào Doãn Ðịch, ông đã gầy dựng một lực lượng kháng chiến hùng hậu, với các chiến khu Lộc Ðổng, Linh Ðổng và Hương Sơn.

- Nguyễn Trọng Trì (1854-192), đậu cử nhân thứ 8 khoa Bính Tý (1876), người thôn Vân Sơn, tổng Thời Ðôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, giữ chức Hiệp Trấn thứ Hương Sơn trong lực lượng Cần Vương của Mai Xuân Thưởng.

- Võ Phong Mậu, đậu cử nhân thứ 5 khoa Quí Dậu (1873), người thôn Kiên Phụng, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tức Bình Khê) tỉnh Bình Ðịnh, giữ chức Tham Trấn thứ Hương Sơn, trong lực lượng của Mai Xuân Thưởng.

- Nguyễn Thành Phương, đậu tú tài, là thủ lãnh Cần Vương nổi tiếng nhất của Phú Yên, bản doanh đặt tại đèo Quán Cau, thuộc huyện Tuy An.

- Nguyễn Khanh, đậu tú tài, cùng với Trần Ðường, Trịnh Phong ứng nghĩa Cần Vương ở Khánh Hòa. Ông được phong Tán Tương Quân Vụ, đóng quân tại trung tâm tỉnh, lo việc tuyển quân và tiếp tế lương thực cho hai mặt trận phía bắc và phía nam của tỉnh.

Ðến phong trào Duy Tân, chống sưu kháng thuế ở miền Trung năm 1908, các thủ lãnh và ban chỉ đạo của phong trào phần lớn đều xuất thân từ trường thi Bình Ðịnh.

Ở Quảng Ngãi, các cử nhân đã lãnh đạo phong trào tại tỉnh nhà gồm có:

- Nguyễn Sụy (?...1916) đậu thứ 9 khoa Quí Mão (1903), người thôn Hổ Tiếu, huyện Chương Nghĩa, nay là xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa. Án khổ sai 9 năm, đày Côn Ðảo. Năm 1916, tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân, việc bại lộ, ông tự sát trong ngục (1)

- Lê Ðình Cẩn (1870-1914), đậu thứ 3, cùng khoa với Nguyễn Sụy. Người thôn Hòa Vinh, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc huyện Tư Nghĩa. Án đày Di Lăng, rồi Côn Ðảo.

- Nguyễn Ðình Quản, đậu thứ 14 khoa Ðinh Dậu (1897), người thôn Phong Niên, tỉnh Quảng Ngãi. Án chém nhưng cải đày Côn Ðảo và chết ở đó.

- Nguyễn Mân, đậu thứ 15, cùng khoa với Nguyễn Ðình Quản, người thôn Kim Giao, tỉnh Quảng Ngãi. Án đày Côn Ðảo.

Các tú tài tham gia tích cực phong trào tại tỉnh nhà gồm có:

Phạm Chẩm và Nguyễn Tuyên, án khổ sai 9 năm đày Côn Ðảo; Nguyễn Thoa, án khổ sai 9 năm; Trần Kỳ Phong (1873-1941) bị đày Côn Ðảo.

Ở Bình Ðịnh các cử nhân lãnh đạo phong trào gồm có:

- Hồ Sĩ Tạo (1869-1934), đậu thứ 3 khoa Tân Mão (1891), rồi năm Giáp Thìn (1904) đậu Tiến sĩ. Người làng Hòa Cư, tổng Thời Ðôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn. Án trảm quyết, cải trảm giam hậu khổ sai chung thân.

- Lê Chuân (còn gọi là Truân, Quốc Triều Hương Khoa Lục, bản dịch), đậu Giải Nguyên khoa Bính Ngọ (1906), lúc 23 tuổi, người thôn Thanh Lương, tổng Trung, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay thuộc huyện Hoài Ân. Án xử 100 trượng, đày 3.000 dặm, cải khổ sai 9 năm.

- Nguyễn Du, đậu thứ 6 khoa Ðinh Dậu (1897), người thôn Ðại Thuận, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh (2). Bị cách hết phẩm hàm chỉ còn bằng cử nhân.

Các tú tài tham gia phong trào gồm các ông:

Bùi Phiên Dự, thôn Hòa Cư; Ðặng Thành Tích, thôn Ðại Bình đều thuộc huyện An Nhơn; Nguyễn Phát, thôn Dương Liễu và Lê Cương thôn An Lương huyện Phù Mỹ đều bị quan tỉnh Bùi Xuân Huyến đề nghị mức án từ giảo giam hậu đến phạt trượng rồi đày Côn Ðảo.

Trường thi Bình Ðịnh còn cống hiến một danh nhân văn hóa: Ðào Tấn (1845-1907), đậu cử nhân thứ 8 khoa Ðinh Mão (1867), người thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. ông vừa là nhà thơ, vừa là nghệ sĩ viết tuồng, nhà lý luận sân khấu. Nói đến nhân tài của tỉnh, người đời thường nhắc: "Bình Ðịnh có hai ông vua: Quang Trung vua Võ, Ðào Tấn Vua văn".

Trường thi Bình Ðịnh cũng là nơi xuất thân của hai nhà thủy lợi:

- Ðào Trọng Trấp (1876-1934), đậu cử nhân thứ 17, khoa Quí Mão (1903), người thôn Vinh Thạnh, tỉnh Bình Ðịnh. Khoảng năm 1920, khai tạo Khẩu Tư còn gọi là khẩu mới. Lưu Phật Tĩnh ở thôn Phú Mỹ xã Phước Lộc đem nước vào đồng ruộng mênh mông của hai xã Phước Lộc và Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Từ đấy cánh đồng trở nên trù phú, cấy được hai vụ, khỏi phải cầu mong nước trời.

- Ðặng Cao Ðệ (1869-?) đậu cử nhân thứ 9 khoa Canh Tí (1990) người thôn Kỷ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. Khoảng năm 1930, ông cùng Quang Lộc Tự Khanh Ðào Trọng Trấp (Vinh Thạnh) và nhân sĩ Tô Văn Phong (thôn Công Chánh, xã Phước Nghĩa) đắp phân thủy bờ bạn Thông Chín ở làng Tân Lộc (xã Phước Lộc), lấy nước dồi dào cho các khẩu trên bờ bạn.

Trường thi Bình Ðịnh còn là nơi xuất thân của các nhà canh tân ngấm ngầm hoài bão làm giàu đất nước, mở mang dân trí, giúp học sinh giỏi của tỉnh nhà du học. Họ lập ra Phước An thương hội, qui tụ các nho sĩ Bình Ðịnh:

- Lê Doãn Sằn (1877-?), đậu cử nhân thứ 7 khoa Nhâm Tí (1912), người thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, giữ chức Hội Trưởng.

- Trần Trọng Giải (1884-1946), đậu tú tài khoa Ất Mão (1915), người thôn Cảnh Vân (nay là Cảnh An) xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, giữ chức Hội Phó.

- Tú tài Lâm Thúc Mậu ban kiểm soát, cử nhân Ðào Trọng Trấp hội viên cổ đông.

Trường thi Bình Ðịnh còn cống hiến cho đất nước một nhà giáo nổi tiếng: Nguyễn Diêu, đậu tú tài khoa Tân Dậu (1861), người thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, người đời thường gọi là cụ Tú Nhơn Ân. Danh nhân Ðào Tấn đã nhắc thầy qua bài Sơ Thu Vãng Yết Nghiệp Sư Nhơn Ân Nguyễn Tiên Sinh Sơn Phần Cảm Thuật (Ðầu thu, viếng mộ Nguyễn tiên sinh thầy dạy nghề ở Nhơn Ân, cảm xúc viết ra)

Thu khí bán sơn hoàn cổ mộ
Xuân phong nhất nguyệt (3) ức tiên sinh
Càn khôn nộ tán qui lai vãn
Không phụ ngô sư hối nhữ tình.

Việt Thao dịch:

Mộ cổ thu quyện núi đồi
Nhớ thầy, nhớ thuở gió xuân ơi
Ðất trời điên đảo nhưng về muộn
Làm phụ thầy ta đã dặn rồi

Sau cùng trường thi Bình Ðịnh cũng là nơi khởi đầu của các bậc đại khoa như:

- Kiên Tòng, còn gọi là Kiên Lâm (1825-?) đậu Á Nguyên khoa Ất Mão (1855), người thôn An Ðại, huyện Chương Nghĩa (nay là Nghĩa Hành) tỉnh Quảng Ngãi. Ðậu tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1862), làm quan tới chức Bang Biện Ngãi Ðịnh.

- Phan Văn Hành (1847-?) đậu Giải Nguyên khoa Bính Tí (1876), người thôn Thuận Phước, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đậu Phó bảng khoa Ðinh Sửu (1877), chưa kịp làm quan.

- Ðỗ Duân (1869-?) đậu Á Nguyên khoa Tân Mão (1891), người thôn Châu Sa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ðậu Hội Nguyên Tiến Sĩ khoa Ất Mùi (1895). Cháu nội của Phó bảng Nguyễn Ðăng Ðệ.

- Hồ Sĩ Tạo, đã nói ở phần trên.

- Ðào Phan Duân (1864-1947) đậu cử nhân thứ 6 khoa Giáp Ngọ (1894), người thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. đậu Phó bảng năm Ất Mùi (1895) lúc 31 tuổi. Làm quan đến chức Tuần Phủ, lấy đức giáo hóa dân, không chịu sự xúc phạm của viên Công Sứ Khánh Hòa, ông cãi lại rồi xô ghế bỏ quan về nhà, sáng lập Phước An thương hội, giữ chức cố vấn tối cao.

SĨ TỬ TRANH TÀI:

Mặc dù thường xuyên có sĩ tử của năm tỉnh dự thi, nhưng chỉ có Quảng Ngãi và Bình Ðịnh tranh nhau thủ khoa. Suốt ba khoa thi đầu là Nhâm Tí (1852), Ất Mão (1855) và Mậu Ngọ (1858), Giải Nguyên đều về tay người Bình Ðịnh, đó là Cao Văn Tuấn, người thôn Thắng Công, huyện Tuy Viễn (khoa 1); Nguyễn Ðăng Tuyển, người thôn Chánh Trạch, huyện Phù Mỹ (khoa 2); Nguyễn Ðức Lộc, người thôn Xuân An, huyện Phú Cát (khoa 3). Sự bất quá tam, Bình Ðịnh đoạt thủ khoa 3 lần, trong khi Quảng Ngãi cố tranh sát nút nhưng chỉ đậu Á¨Nguyên ba lần; đó là Phan Văn Ðiển, người thôn An Thổ, huyện Mộ Ðức (khoa 1); Kiều Tòng, người thôn An Ðại, huyện Chương Nghĩa (khoa 2); Phạm Thúc, người thôn Trà Bình, huyện Bình Sơn (khoa 3). Sự việc ấy còn ghi lại trong câu ca dao của vùng:

Tiếc công Quảng Ngãi đường xa
Ðể cho Bình Ðịnh thủ khoa ba lần.

Ðến khoa Ðinh Mão (1867), Bình Ðịnh chẳng những đoạt cả Giải Nguyên, Á Nguyên, đó là Lê Ðăng Ðệ và Nguyễn Tạo cùng ở huyện Phú Cát, mà còn chiếm liên tục đến hạng 8; Quảng Ngãi chỉ chen được vị thứ 9, rồi liên tục từ 10 đến 13 lại là người Bình Ðịnh, lập thành tích Bình Ðịnh 14, Quảng Ngãi 4.

Bị thua liên tiếp 4 khoa, sĩ tử Quảng Ngãi quyết tâm vùng lên. Họ đã thành công rực rỡ ở hai khoa liền (5 và 6) mang lại vinh dự cho tỉnh nhà. Ðó là khoa Mậu Thìn (1868), Nguyễn Luật, người thôn Mỹ Khê, huyện Bình Sơn đoạt Giải Nguyên và Nguyễn Duy Cung người thôn Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa chiếm Á Nguyên. Tiếp khoa Canh Ngọ (1870), Trương Ðăng Tuyển người thôn Phú Nhơn, huyện Bình Sơn và Phạm Viết Duy người thôn Chánh Mông, huyện Chương Nghĩa đoạt cả giải nhất nhì và Quảng Ngãi còn vượt trội tỷ số đậu. Lúc bấy giờ ca dao có câu:

Tiếc công Bình Ðịnh xây thành
Ðể cho Quảng Ngãi vô dành thủ khoa.

Trong các khoa thi của trường thi Bình Ðịnh, hai khoa Tân Mão (1891), lần thứ 14 và Giáp Ngọ (1894) lần thứ 15 là vui vẻ nhất vì cả năm tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận (lúc đó chưa lập tỉnh Ninh Thuận) đều có người thi đậu cử nhân, còn hai giải nhất nhì chia đều cho Bình Ðịnh và Quảng Ngãi. Dù vậy vẫn có câu: "Một tỉnh KhánhHòa không bằng một nhà Hưng Lạc", bởi khoa Giáp Ngọ (1894), ở Bình Ðịnh tại thôn Hưng Lạc (nay thuộc xã Mỹ Thành) huyện Phù Mỹ có nhà họ Ðinh, cha con cùng thi và cùng đậu cử nhân. Cha là Ðinh Hữu Quang, 52 tuổi, đậu thứ 13. Con là Ðinh Trọng Cát, 22 tuổi, đậu thứ 15; cũng khoa đó, Khánh Hòa chỉ đậu có 1 người, ở hạng thứ 19 là Phạm Tấn, người huyện Tân Ðịnh.

Những câu ca dao trên phản ảnh phần nào tinh thần tranh đua của thời xưa; không những họ tranh đua trong khoa cử, mà còn cả tranh luận văn chương để thử tài nhau.

Theo Non Nước Bình Ðịnh của Quách Tấn, một hôm trong quán nước, ông tân khoa Quảng Ngãi gặp ông thủ khoa Bình Ðịnh, liền buông lời trêu chọc. Nhân trong quán có thờ Cửu Thiên Huyền Nữ (vị nữ thần đời thượng cổ Trung Hoa đã dạy binh pháp) trước trang thờ có câu đố "Trạc trạc khuyết linh, Dương dương tại thượng", vị tân khoa liền quay về phía vị thủ khoa, ra câu đố: "Trạc trạc khuyết linh, anh thấy em xinh, dương dương hồ tại thượng". Vế ra này vừa mượn cảnh vừa mượn chữ sẵn có trước mặt, đòi hỏi vế đối cũng phải thỏa các điều kiện ấy nên không dễ gì trong phút chốc mà đối được.

Liền khi ấy. một người khách đang ngồi trong quán lên tiếng: "Tôi là kẻ thi rớt mà còn thấy câu đối ấy quá dễ, không xứng tài của ngài thủ khoa, nên tôi xin đối thế". Nói xong, người ấy hối chủ quán đem món nhậu ra để gợi hứng, vừa để tạo cảnh, tạo chữ cho vế đối. Chủ quán vội chạy đi lấy rượu và gọi vợ bưng đồ nhậu lên gấp. Người vợ ở trong bếp, nghe tiếng chồng hối thúc, liền dạ lớn để chồng yên tâm.

Tiếng "dạ" vừa dứt, người "thi rớt" liền ứng khẩu đối ngay: "Cấp cấp bất hạ, chồng kêu vợ dạ, đản đản kỳ nhiên tai".

Vừa nghe xong vế đối, vị tân khoa sửng sốt, nhìn kỹ lại, đoán biết ngay người ấy không ai khác hơn là Phạm Trường Phát, một danh sĩ của Bình Ðịnh. Quả thật ông thi rớt nhiều lần, không phải vì học kém mà chính bởi hay chữ quá thành cuồng sĩ. Khoa nào ông cũng đi thi, làm bài xong, đọc lại thấy đoạn nào vừa ý, lấy bút khuyên trước "chứ để quan trường không khuyên uổng" Thành ra quyển thi đầy lỗi thiệp tích, làm sao đậu được!

MỘT THỜI ÐÃ QUA:

Những ngày huy hoàng của nền Hán học rồi cũng tắt. Ngày 21-12-1917, Toàn Quyền Ðông Dương Albert Sarraut ra nghị định ban hành "qui chế chung về ngành giáo dục ở Ðông Dương", thường gọi là "học chính tổng qui", áp dụng nền giáo dục Pháp Việt trên toàn cõi Ðông Dương. Ở miền Bắc, sau khoa Ất Mão (1915) là chấm dứt nền Hán học. Còn ở miền Trung, gắng gượng một kỳ thi Hương nữa, tức khoa Mậu Ngọ (1918) rồi cũng vĩnh viễn cáo chung. Trường thi Bình Ðịnh mới có 68 tuổi đời (1850-1918) chịu chung số phận như các trường thi khác!

Ðã một thời, trường thi này cũng cờ lọng rợp trời, đi đầu là cờ biển vua ban, biểu tượng cho quyền hành và chức vụ của Hội Ðồng Giám Khảo. Có hai thớt voi đi kèm đầy đủ yên bệ, đoàn quân nhạc rập rình xen lẫn tiếng trống cồng, vang dội một vùng. Các quan trường triều phục chỉnh tề ngồi trên kiệu, có lính hầu, tàn che lọng rũ. Còn sĩ tử từ nửa đêm đã vác lều chõng đứng đợi gọi tên vào vi dành cho thí sinh.

Ngày xướng danh còn long trọng hơn nữa. Trên khán đài có đủ mặt hội đồng quan trường và các quan lớn nhỏ thuộc vùng đến dự. Các sĩ tử cùng thân nhân bè bạn đến nghe xướng danh đứng chật khán đài. Trên chòi cao, vị truyền lệnh sứ bắc loa gọi từng người đậu cử nhân, đủ cả tên họ, tuổi tác, quê quán. Từ trong đám đông, vị tân khoa lên tiếng "dạ" lớn, lách mình tiến đến trước khán đài trình diện để được ban áo mão cân đai và tàn lọng trước sự trầm trồ ngưỡng mộ của mọi người.

Nếu trong lễ xướng danh, tân khoa được rạng rỡ tại trường thi, thì lễ vinh qui bái tổ lại được mở mày mở mặt tại quê nhà. Theo lệ, người đậu tú tài được cấp làng đón rước, đậu cử nhân được hàng tổng đón rước. Khi về tới địa giới của quê quán, tân khoa được hàng chức sắc và dân chúng ứng trực sẵn đưa về tận nhà. Ðám rước đông đảo, long trọng, cờ mở trống giong, tiền hô hậu ủng, "ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau".

Thi đậu, không những bản thân vị tân khoa được vinh dự mà thầy dạy học, cha mẹ, vợ con và họ hàng cũng được vẻ vang, đúng với câu" dương thanh danh, hiển phụ mẫu". Vì vậy, sự mến chuộng học hành đã trở thành truyền thống của dân tộc. Quan niệm "nhất sĩ nhì nông" đã ăn sâu vào lòng người, thể hiện qua câu ca dao:

Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

Dân chúng cũng trọng khoa (thi đậu, học vị) hơn hoạn (làm quan) như trường hợp ông cử nhì Trần Ðình Thoại (tức Trần Ðình Phu) ở làng Thậu Thái (xã Nhơn An, huyện An Nhơn) nhà có hai anh em đều đậu cử nhân, ông đậu Á Nguyên khoa Nhâm Tí (1912) nhưng từ chối không ra làm quan dưới thời Pháp thuộc. Tuy vậy, dân chúng vẫn nhất mực xin gọi bằng quan và được nhà họ Lê, giàu có danh giá nhất làng Thanh Giang (xã Nhơn phong, huyện An Nhơn) kêu gả con với của hồi môn 100 công cấy ruộng.

Thời ấy, mỗi khoa thi kéo dài hơn một tháng trời, người đi thi, kẻ đi xem, thêm gia nhân và quyến thuộc lên đến hàng vạn người. Quán xá tuy chỉ dựng tạm thời nhưng rộ như nấm mọc. Trong những ngày ấy, con đường từ xã Nhơn Hòa về thành Bình Ðịnh đến chợ Gò Chàm qua lối bến đò Trường Thi trở nên phức tạp. Chàng trai phải đưa người yêu của mình tới tận bến sông, đợi nàng bước lên đò mới yên tâm trở về nhà, vì:

Ðưa em cho tới bến đò
Kẻo em thơ dại, "học trò" phỉnh em.

Ðó là khúc sông ôm choàng lấy thôn Hòa Nghi một đoạn hình vòng cung trên dòng nam phái sông Côn, có tên Trường Thi với bến đò Trường Thi cát trải vàng óng, nước sông trong xanh, đò ngang thưa khách. Phong cảnh nên thơ ấy đã gợi cảm hứng cho nhà thơ Yến Lan (quê ở thành Bình Ðịnh) sáng tác bài Bến My Lăng, một thời nổi tiếng:

Bến My lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buồn câu
Trăng thì dày rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén hôn râu...

Thời huy hoàng ấy đã qua rồi! Dấu vết Trường thi Bình Ðịnh cũng đã phai mờ theo năm tháng. Các vị cử nhân và tú tài Hán học xuất thân từ trường này, dù ở khoa cuối cùng, cũng không một ai còn sống. Ngày nay, nếu không có người chỉ dẫn, không ai có thể biết được nơi đây, ngày xưa, chỉ mới 70 năm trước, còn là một cái nền khổng lồ vuông vức và cứ mỗi ba năm một lần, triều đình tập hợp thí sinh 6 tỉnh về đây để tuyển chọn hiền tài.

Đào Đức Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét