Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

NHỚ BẠN HIỀN

NHÂN ĐỌC “TRONG NHƯ TIẾNG HẠC BAY QUA” CỦA HUỲNH KIM BỬU


“Trong Như Tiếng Hạc Bay Qua” là tập tản văn & bút ký thứ 2 (tác phẩm thứ 3) của Huỳnh Kim Bửu vừa được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành vào quý 3 năm 2011. Tác phẩm đầu tay là:”Nơi Con Sông Côn Chảy Qua” (nhà XB Trẻ 2009). Tôi đã được đọc cả hai tập tản văn & bút ký này của anh bởi chúng tôi vẫn thường gặp nhau và gởi tặng “quà sách” cho nhau như một niềm vui, niềm an ủi cần chia sẻ trong cái phố thị nhỏ hẹp buồn hiu này…

Vẫn giọng văn trong sáng, giản dị, và thâm trầm – HKB đã nhẩn nha, đã tẩn mẩn, đã thong dong ghi lại những điều quanh anh ( cả quá khứ & hiện tại) một cách thích thú và chăm chỉ! Anh từ tốn, chậm rải, có chút trang trọng nhớ thương trong hoài niệm để miệt mài ngày đêm bên trang viết - đi hết những khắc ghi nầy, đến sự mô tả kia – những gì đã cho anh một thời quan tâm, gắn bó, sồng và nhớ đến như một điều không thể nào quên trong đời.Đọc văn anh – những bài bút ký về những đề tài hết sức gần gũi, có thể nói là tầm thường (như cái chõng tre, cái phản, cái ao làng. cái nhà bếp. bộ ngựa gõ, cho đến ổ bánh mì nòng giòn, cau, gác trọ…) – nhưng tôi luôn luôn “tủm tỉm cười” vì sự thích thú, đôi khi ngạc nhiên vì sự tế nhị chăm chút tỉ mỉ của anh để làm cho những gì “đã chết đi” sống trở lại tươi mát và mới lạ!


Bên cạnh những bài bút ký ghi đậm tính chất của “hoài niệm”và “tư liệu” được anh khéo léo (và trầm tĩnh) trình bày – là những  bài tản văn mượt mà hơn, dung dị và tinh tế hơn – đã được HKB “kể lại” như lời thì thầm trò chuyên thân tình.( nào là: kỷ niệm chiều, thưa mẹ quê xưa, ngồi buồn nhớ những rạ rơm, chim kêu dưới suối Từ Bi, tản mạn buổi Thu sang, cho đến đêm Xuân Hòa còn nghe tiếng vó ngựa Tây Sơn, quê nhà, nắng mới… vân vân), Bón mươi bốn bài tản văn (& Bút ký) trong “Trong Như Tiếng Hạc Bay Qua” là một cuộc hành trình dài đầy thú vị đưa đẩy người đọc “sống lại & nhớ thương” bao kỷ niêm thời vàng son xa cũ, dồng thời truyền đến hơi ấm đậm đà của quê nhà, của nghĩa tình qua bao đổi thay dâu bể!

Theo thiển ý của tôi – một bạn văn & bạn đọc, thì ở Bình Định -ngoài nhà văn lão thành kỳ cựu Võ Phiến – HKB là một trong vài người đã viết bút ký thành công với lòng đam mê hiến dâng, cùng sự kiên nhẫn cao độ cho dầu anh đã qua khỏi lớp tuổi “xưa nay hiếm” là một điều  rất đáng trân trọng.

Có một điều lạ lùng là – mỗi khi đọc văn anh (tản văn hay bút ký), tôi như hình dung ra được con người anh, đang gặp anh, đang được nghe anh từ tốn kể chuyện vậy! Hình ảnh anh hiện ra cùng trang viết êm nhẹ, tươi mát, mời gọi. Tôi “biết” anh (cũng như anh “biết tôi”) từ những năm trước 75 khi anh đang dạy học ở Phú Phong, còn tôi đang dạy học mãi tận Tuy Hòa. Là đồng hương (và đống môn Cường Đễ Quinhon) nhưng vì hoàn cảnh đi lại khó khăn, nên chúng tôi không có dịp gặp nhau. Thuở ấy – HKB cũng chưa dành thời gian để viết nhiều – chỉ “làm thơ cho vui” vậy thôi. Tôi thật sự được “gặp & kết thân” với anh từ những năm đầu năm 2000 khi tôi đã về quê An Nhơn được 20 năm, đang giúp Hội VHNT An Nhơn làm công tác biên tập văn xuôi, mà HKB là một tác giả thường xuyên cộng tác.

Bận nào về thăm quê Nhơn An (anh đã về sống tại Qui Nhơn) – HKB cũng ghé thăm tôi một chút. Anh luôn đi với một người bạn đồng hương láng giềng chở giúp vì không thể đi xe gắn máy. Dù chỉ thăm hỏi, trò chuyên mươi phut (đủ uống một tách trà,  hút một điếu thuốc – tôi hút, anh thì không) cũng là giây phútthật vui, thật ấm tình bằng hữu. HKB thường về quê “ăn giỗ” (của bà con ở quê, của bè bạn cũ , hay của các chùa làng mà anh rất thân thiết với vị tru trì…) – thường  ghé “rủ tôi ăn giỗ” cùng anh! Chưa bao giờ tôi được đi “ăn giỗ” với anh cả ( dù đã trên mười lần anh ghé chơi & mời) – vì tôi rất bận bịu việc nhà. Tôi cười: “ Ông không nhớ ông bà dặn rồi sao? “ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày” mà!”! “ Và tôi không hề muốn “lỗ bữa cày” nên về sau – anh chỉ ghé thăm chơi mà không mời “ đi ăn giỗ với mình” nữa!

Tôi thường rủ anh đến một quán café nào đó có chỗ ngồi thoáng mát yên tĩnh – để trò chuyện cho thoải mái trước khi anh về lại Qui Nhơn. Anh không hề hút thuốc. Được mời mọc – nể tình lắm, anh cầm điếu thuốc phì phà, trông tội nghiệp! Từ đó, tôi chỉ “hút một mình” – không dám mời! HKB cũng không “ghiền” café. Có lần ( vì vô tình – chưa biết rõ ý bạn) tôi gọi 2 ly café, anh cũng uống. Nhưng chỉ “uống cầm chừng & cầm cự” – không thấy anh thoải mái – nên những lần gặp sau – tôi để tùy anh gọi…

HKB sống rất chừng mực và điểu độ trong mọi sinh hoạt.Anh là một thầy giáo đã về hưu. Cuộc sống ổn định. Sáng sớm nào cũng cùng bạn (có khi với NTH, NPL HH, T …) đi bộ tập thể dục, ra biển bơi lội (hay ngắm thiên hạ chơi…) – trước khi vào bàn viết buổi sáng - sinh hoạt rất đều đặn. Anh luôn quan tâm đến bạn bè; hòa đồng, gần gũi, thân tình với tất cả anh em, chưa hề vắng mặt trong các dịp chia sẻ vui buồn cùng các bạn và gia đình – nên những người cầm bút ở Bình Định rất quý mến và trân trọng anh.( Cách nay mấy hôm – nhận được tin trễ & không được khỏe –anh phone lên thăm hỏi – và nói “ cho mình đóng góp như anh em khi phúng diếu gia đình phía vợ TQK nhé!”. Tôi đã cười: “ Anh yên chí – không sao. Xong rồi!”). Dù có tuổi – nhưng anh luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt văn nghệ. Các dịp gỡ & phát hành báo cuối năm của Hội VHNT AN, anh cũng gắng lên tham gia (cách xa nhà trên 20 cây số). Anh quan tâm đến các sinh hoạt văn học nghệ thuật trong tỉnh – nhất là những người viết trẻ. Nhiều lần anh đã nhắc tôi: “ Anh nên động viên MN làm đơn gia nhập Hội VHNT tỉnh để có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tiến bộ - bởi tôi nhận thấy trong rất hiếm người viết văn xuôi nữ của Tỉnh, MN viết rất chững chc, có tiềm năng, và rất triển vọng! Tôi sẽ là người tình nguyện giới thiệu MN…”

Dường như Tết nào anh cũng về thăm quê và ghé thăm tôi với Đặng Tấn Tới. Tôi được quen (và thân ) với TVD – cũng nhờ anh giới thiệu. (TVD là học trò của anh thuở trước 75 ở Tây Sơn). Dịp nào nhà văn nầy về thăm quê QN – anh và TVD cũng thường lên AN thăm chơi. Tết năm 2005. chúng tôi có tấm ảnh chụp chung “bộ tứ” tại nhà ĐTT rất ưng ý! ( xin gởi kèm theo đây để cùng “coi chơi” vậy). Tôi cảm thấy “hơi thất lễ” với anh – bởi anh ghé thăm tôi thì nhiều – mà tôi đến nhà thăm anh (ở QN) thì ít cho dầu BĐ- QN chỉ cách nhau 20 cây số! Cần gì – thì chúng tôi “hú”nhau qua điện thoại – cũng vui! Tôi nghĩ, có lẽ - anh rất hiểu tôi mà không nỡ giận?

Ngồi viết đôi điều tản mạn về anh nhân đọc “Trong Như Tiếng Hạc Bay Qua” mà anh đã gởi tặng tôi khá lâu, như một lần thăm anh – cho đỡ nhứ vậy!

Hẹn gặp uống tách trà Cung Đình nhà anh nhé – bạn hiền!

Đêm 23 tháng 8 năm 2012
MANG VIÊN LONG

2 nhận xét:

  1. Một tình bạn “văn” thật trong sáng ,”xa xa gần gần”nửa thế kỷ mà vẫn đượm nét văn…
    Chúc hai nhà văn lão thành HKB_MVL vẫn “trong như tiếng hạc bay qua” dòng đời mặc cho tuổi chiều bóng xế…

    Cảm ơn anh TN đã post “nhớ bạn hiền”để người đọc chiêm nghiệm…Chúc khỏe !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người văn chương có phong cách riêng đối với bạn văn chương là vậy đấy NgocTho.

      Xóa