Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

THI THOẠI CỦA QUÁCH TẤN

THI THOẠI TRONG DI CẢO CỦA NHÀ THƠ QUÁCH TẤN CHƯA CÔNG BỐ


Hiện nay gia đình nhà thơ Quách Tấn còn trân trọng lưu giữ một chiếc hộp chứa 4 món đồ mà thuở sinh tiền nhà thơ đã xem như báu vật. Đó là tập sách Tô Văn Trung Thi Hiệp Chú, tập Lữ Đường Thi, một khúc sừng sơn ngưu, cùng ba lá mận khô. Với đời thường, giữa cuộc sống bon chen tay làm hàm nhai, những món đồ nầy chẳng đáng được xem là báu vật. Nhưng đối với nhà thơ, mỗi báu vật của ông đã có một mảnh đời luôn sống bên cạnh ông, cùng đi với ông trong khung trời của tâm hồn Mùa Cổ Điển.


Báu vật thứ nhất : Ba lá mận khô, những chiếc lá cuối cùng của cây mận trước nhà. Nhà ông ở trước chợ Đầm Nha Trang, nơi xôn xao kẻ bán người mua, nhưng là nơi các bạn thơ một thời của ông thường lui tới. Tán lá cây mận trước nhà ông đã từng là nơi quây quần của những tâm hồn thanh thoát trước chợ đời. Trước khi rũ héo, cây mận kịp để lại cho ông 3 cánh lá, đem đến cho ông những suy tư thân phận để ghi lại Bóng Ngày Qua.

Báu vật thứ hai : Một khúc sừng tê, đó là món quà mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã tặng cho ông chữa bệnh mắt năm 1973. Nhà thơ đã trân trọng gói kỹ, ghi lại ngoài bì : “Vật kỷ niệm quý hơn vàng ngọc Xứ Trầm”. Đối với ông, ông quý vật “không ở giá trị vật chất hay công dụng của chúng, mà quý những ân tình, những hình ảnh chúng chứa đựng bên trong …”

Chỉ với hai món đồ nầy đã thấy ở nhà thơ có một tấm chân tình đối với bằng hữu, với kỷ niệm, với cuộc đời … Báu vật của ông chính là tấc lòng của những bạn văn chương. Thật quý giá cho những ai là bạn văn của ông đã để lại cho ông những dấu tích mà ông trân trọng gìn giữ cho đến cuối cuộc đời, gìn giữ cho đến xa sau thể hiện trong văn, trong thơ của ông.

Lớp hậu bối chúng tôi từ xưa đã ngưỡng vọng ông dưới hình ảnh bậc trưởng thượng của quê mình, ông đã có những bài viết về quê hương mà càng đọc càng tự hào non nước nơi mình chôn nhau cắt rốn. Thuở còn đi học, chúng tôi được chính ông kể cho nghe những giai thoại về Hát Bội Bình Định, đâu quãng cuối năm 1973, ông có về thăm quê, ghé lại Trường Trung Học Quang Trung Bình Khê để nói chuyện với thế hệ trẻ chúng tôi. Bước vào đời, tôi có duyên được đọc một vài bài thơ của ông mới vừa viết xong. Những năm sau 1975, Thầy Nguyễn Đồng, người anh em đồng hao của ông lúc ấy đã nghỉ giảng dạy, tôi thỉnh thoảng xuống Phú Phong thăm Thầy, có khi Thầy cho xem và nhờ mang giúp những bài thơ mới viết ấy của ông về cho Bác họ ở nhà là Mai Đình Nguyễn Hoài Văn (cũng là bạn văn của ông). Gần đây, tôi lại cũng có may mắn đọc được những Thi Thoại Hương Vườn Cũ của ông trên trang Thư Viện Quách Tấn (quachtan.net), trang Web chuyên lưu trử thông tin và tài liệu liên quan đến nhà thơ. Tôi đã từng dùng một ít tư liệu, thi thoại đó để minh họa một vài sự kiện liên quan đến đất Bình Khê, đất Bình Định. Nay trang Web Thư Viện Quách Tấn quý giá nầy đã hạn chế truy cập công khai.

Trong Quách Tấn, tôi thấy cả một khung trời xưa cũ ngập tràn nỗi hoài cổ. Nỗi hoài vọng về ngày xưa không giúp có được cuộc sống sung túc cho con người, nhưng nó giúp cho con người có được niềm tin yêu, có khoảng lặng bình yên để đứng vững với cuộc đời. Có lẽ có cùng chút đồng điệu nầy nên duyên may đã đưa đẩy cho tôi tiếp cận được tư liệu liên quan đến món đồ mà nhà thơ Quách Tấn đã lưu giữ như báu vật là tập Tô Văn Trung Thi Hiệp Chú. Gia đình của người đã tặng cho ông bộ sách Tô Văn Trung đang có một phần hồi ức của ông viết năm 1971. Những trang hồi ức này đến nay chưa được công bố. Đọc được những trang tư liệu nầy mới thấy khối tình chất chứa trong ông, hiểu được vì sao một tập sách nhỏ bé lại là báu vật của ông.

Khoảng sau năm 1945, gia đình ông từ Nha Trang tản cư về Phú Phong tránh giặc. Sống ở quê nhà Bình Định lần nầy, ông kết bạn vong niên với Tam Hà - Trần Thiếu Du người thôn Thuận Nghĩa, cùng chung một huyện với ông. Theo hồi ức của ông : “… Anh Tam Hà lớn hơn tôi đến 10 tuổi. Thời Pháp thuộc tham gia tổ chức cách mạng của Đồng Sỹ Bình và Bửu Đình, bị bắt giam ở Lao Bảo ngót 10 năm. Năm 1936, Mặt Trận Bình Dân Pháp lên cầm quyền, được phóng thích, về nhà vui thú điền viên …”

Cụ Tam Hà sinh năm Tân Sửu 1901, là con cháu họ Trần ở Bình Khê có mối quan hệ với triều đại Nhà Tây Sơn. Sau khi ở Lao Bảo về, cụ tham gia biên tập cho tờ Nhành Lúa, tờ báo chống chính quyền bảo hộ thời Pháp thuộc. Tờ Nhành Lúa tòa soạn đặt tại Huế hoạt động chỉ trong vòng 2 tháng, ra được số thứ 9 ngày 19/3/1937 thì bị Pháp đình bản, nhưng đã gây được tiếng vang trong giới thanh niên ở Trung Kỳ thời ấy. Cụ Tam Hà không những vững Pháp Văn, mà còn thông thạo cả Hoa Văn. Nói như Quách Tấn thì cụ tuy không lều chiếu vào trường thi, song Ngũ Kinh Tứ Thư đều thông suốt, các nhà nho ở địa phương đều nể vì. Chính ở kiến văn nền Nho học của cụ Tam Hà và tâm hồn cổ thi của Quách Tấn đã đưa hai người thành bạn tâm giao. Mối tâm giao đã xóa bỏ khoảng cách niên kỷ giữa hai người trong khi đàm luận văn thơ với nhau. Chính cụ Tam Hà là người đã giúp cho Quách Tấn những hiểu biết rộng hơn về Hán ngữ, ít nhiều đã cung cấp cho Quách Tấn những giai thoại văn thơ xưa.

Tháng chạp năm Bính Tuất, khoảng giữa tháng 1 năm 1947, cụ Tam Hà cùng cậu tiểu đồng mang đến tặng cho Quách Tấn bộ Tô Văn Trung gồm 20 quyển in trên giấy quyến làm quà Tết. Sau nầy Quách Tấn thố lộ rằng nhờ bộ sách ấy mà ông biết rõ hơn thân thế và sự nghiệp văn chương, thi tài, bút pháp của Tô Đông Pha, nhờ những chú giải trong bộ sách ấy mà ông biết thêm, biết nhiều về những điển cố, những sự tích văn thơ xưa. Đáp lại thịnh tình của cụ Tam Hà, ngày nguyên đán năm ấy, Đinh Hợi 1947, Quách Tấn có bài thơ viết trên lụa điều tặng cho cụ Tam Hà  :

TẠ LÒNG
Quà tết nâng niu chồng sách cổ
Mở chồng sách cổ mở lòng anh …
Muôn dòng thơ chảy long lanh ngọc
Nghìn dặm xuân đưa bát ngát tình
Ngọn bút yên hà xuân điểm thắm
Mối duyên bình thủy mắt dồn xanh
Tạ lòng biết lấy chi mà tạ ?
Tâm sự người xưa, mình với mình.

Chính cụ Tam Hà - Trần Thiếu Du cũng là người đã giúp cho Quách Tấn ra công sức tập làm Văn tế. Hồi ức của Quách Tấn có đoạn chép :
        
“ Văn tế là môn sở trường của anh Tam Hà. Từ ngày ở Lao Bảo về, ảnh trổ nghề làm Thầy lễ. Trong quận Bình Khê mỗi lần có tế thần, có đám tang, người ta thường rước ảnh đến viết văn và đọc chúc.

Vào khoảng cuối năm Tuất âm lịch, đầu năm dương lịch 1947, bộ đội kháng chiến đóng ở Kiên Mỹ (Bình Khê) đến xin ảnh một bài Văn Tế Trận Vong Chiến Sĩ. Ảnh lại đưa đến tôi, lấy cớ rằng tôi là danh sĩ nên phải nhượng. Từ trước tôi chưa hề làm một bài văn tế nào. Nhưng vì sợ thất thể diện trước người lạ, nên tôi phải nhận lời. Rồi cố gắng, không ngờ lại thành công. Từ ấy ảnh thường nói với bạn quen :

-  Không ngờ lão Tấn thơ giỏi mà văn tế cũng tài ! Học ai không biết ? Lão làm mình hết dóc nổi.

Té ra anh Tam Hà tập tôi làm văn tế …”
         
Như vậy có thể xác định là bài Văn Tế Trận Vong Chiến Sĩ cho bộ đội kháng chiến ở Bình Khê năm 1947 là bài đầu tay của Quách Tấn viết cho thể loại nầy. Bài văn tế ấy, cụ Tam Hà - Trần Thiếu Du đã tạo sự đùn đẩy để Quách Tấn ra công trên văn đàn. Nhưng cũng ngậm ngùi thay, tập làm được văn tế, chẳng bao lâu sau Quách Tấn phải chấp bút viết bài văn tế cho chính cụ Tam Hà !

Mùa hạ năm 1947, trong một chuyến tản cư tránh giặc về vùng Thuận Ninh, cụ Tam Hà vướng phải nước độc rừng thiêng sinh bệnh, ngày hồi cư về đến nhà thì mất. Cụ Tam Hà mất sớm, song thân già yếu khóc măng non, vợ yếu như liễu chiều chích nhánh bận bịu ba đứa con thơ, trong đó đứa trai út chỉ mới vừa ba tháng tuổi … Hình ảnh nầy hiển hiện rõ trong bài Khóc Bạn của Quách Tấn :

KHÓC BẠN
Mười mấy năm trời dạ ước ao …
Điềm hùng mới ứng giấc chiêm bao
Nén hương cúng Phật lòng chưa thỏa
Cánh hạc về Tiên bạn nỡ nào ?
Chích nhánh ủ ê chiều liễu yếu
Khóc măng quằn quại bóng tre cao
Nhớ ngày dương cửu chung cay đắng
Tiếng cuốc canh khuya luống nghẹn ngào !

Vợ của cụ Tam Hà là em gái của chí sĩ Đồng Sỹ Bình, người xứ Huế sông Hương núi Ngự về làm dâu vùng núi Tượng, non Trưng của Bình Định. Qua hồi ức của Quách Tấn, đối đáp qua lại giữa vợ chồng với nhau, bà Tam Hà không hổ danh vốn dòng gia thế đất thần kinh. Chồng mất, bà gánh vác gia đình vượt bao nỗi khó khăn thời loạn lạc. Ngày cúng Tiểu tường (tuần giáp năm) cụ Tam Hà, Quách Tấn viết trong Hồi ký :
        
“Ngày Tiểu tường của ảnh, nhân đồng bào đã hồi cư, tàu bay cũng thưa bớt khủng bố, tôi đề nghị cùng chị Tam Hà tổ chức buổi lễ cho long trọng để làm vui lòng người chín suối. Và soạn cho chĩ một bài văn tế, cho tôi một bài, nhờ anh Hương Sơn (Hương Sơn - Nguyễn Đình Mẫn) đọc …”
         
Phải nói bài văn mà Quách Tấn chấp bút soạn cho Bà Tam Hà đứng ra tế chồng, tạm gọi là bài Văn Tế Chồng, là một tuyệt bút trong các bài văn tế được biết của Quách Tấn. Viết cho tình bạn, bút pháp của ông trào ngập khối tình, lướt qua khỏi những bỡ ngỡ, ngập ngừng của bước đầu tập làm Văn tế :

VĂN TẾ CHỒNG

Hỡi ôi,
Sông gãy cầu ô,
Núi gầy thân đá !
Cõi trần hạc mơ màng một giấc, có có không không;
Máy huyền vi tráo trở trăm chiều, sanh sanh hóa hóa.
Nhớ lương nhân xưa :
Nghiệp dõi Châu Trình,
Thú quen Vương Tạ.
Trên nước nhà trung hiếu hai vai,
Ngoài bạn lứa tín thành một dạ.
Gốc Tử nhớ ngày bóng ngã, miền Hương giang phận xót liễu bồ;
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa, trời Tượng lĩnh thân nương tòng bá.
Cuộc phong lãng mười năm về trước, nhắc làm chi cho ruột thêm đau !
Cảnh gia viên mấy độ gần đây, vun bén lại xem tình chút thỏa.
Ngựa hồng khớp bạc, hôm sớm đi về;
Ruộng lúa soi dâu, tháng ngày thong thả.
Nhìn dưới gối trên mười đông, chữ thập vô dù thốt,
nàng Ban ả Tạ, giá văn chương trước mắt những mơ màng;
Tựa bên nôi gần ba tháng, câu nhất hữu thường ngâm,
non quế sân hòe, vẻ xiêm áo trong mơ cười hỉ hả.
Lòng những chắc trời thương đất tưởng, thú phong lưu còn đãi khách hào hoa;
Nào hay đâu gió tạt sương sa, miền cố thổ bỗng cướp người phong nhã.
Ôi !
Tuổi chửa bao lăm,
Trời sao vội vã !?
Con thơ vợ dại, biết nhờ ai tủ nắng che mưa !
Mẹ yếu cha già, đành thiếu kẻ nằm băng khóc giá.
Thảm thiết bấy phòng khuê đêm tối, giấc bàng hoàng trở dậy hỏi Cha đâu … ?
Não nùng thay cửa vắng ngày chiều, thân lảo đảo thở ra Trẻ đã … !
Thềm đãi nguyệt mưa chan khóm trúc, tơi bời giọt lệ Tương Phi!
Gác thừa lương dế rỉ hơi sương, vắng vẻ cung đàn Tư Mã!
Ba thước đất không xa mà cách, nẻo thăm tìm cánh bướm bơ vơ !
Bốn phương trời về đó là đâu, xe ngày tháng bóng câu giục giã !
Đen mịt mịt bóng mây trủng quạnh, mới ngày nào tiếng nhạn thương thu !
Xanh dờn dờn sắc cỏ gò cao, kìa nay đã hồn quyên khóc hạ !
Nhìn lui ngó tới, cảnh khó làm khuây;
Thương dập nhớ dồn, tình khôn xiết tả.
Nay
Tuần tiểu tường vừa đến, chút tinh thành bát nước nén hương,
Miền âm cảnh có hay, về phù hộ con thơ vợ góa.
Có thiêng xin chứng.
Án Mạnh Thị nén hương bát nước, sóng khơi sầu, than đốt tủi,
thoảng hơi may tâm sự luống tơi bời
Đàn Chu Lang phím trúc đường tơ, thương lạc điệu, nhớ chùng giây,
nghe tiếng dế tình hoài thêm bức rức
Mai trắng phau phau miền Lộc Đỗng, bẽ bàng thay ai kẻ thân tri !
Tre xanh dợn dợn bến Côn Giang, lơ lửng đấy bóng người tương thức.
Đưa nếp tử mơ màng còn nhớ lúc, ruột tằm lau chưa ráo lệ năm vần !
Vút xe tiên thắm thoát đã đầy năm, hồn cuốc lại khêu thêm sầu một bức !
Người chin suối thấu trời truy ức, bước theo về ngọn gió hiu hiu,
Rượu ba tuần lóng giọt tinh thành, niềm tưởng tới mùi hương phức phức.

Phục duy
Thượng hưởng

Một áng văn hay, một bài thơ ý vị khi trong nó có hình ảnh của một giai thoại.
Một món đồ kỷ niệm đáng quý khi trong nó có bóng dáng của tình thương.
Tập sách Tô Văn Trung mà Quách Tấn đã xem như báu vật, vì bên trong của nó đã có chứa bóng hình của người bạn vong niên ở quê nhà thời loạn lạc.

Đọc được những thi thoại trong di cảo của Quách Tấn, biết được cội nguồn món báu vật của ông, thật cảm khái !

Ngậm ngùi hơn, bộ sách 20 tập ấy, may mà còn lại được 1 cuốn!
Từ năm cụ Tam Hà giã biệt trần đời, kháng chiến, tản cư, chạy giặc liên miên … Quách Tấn vẫn mang theo bên mình bộ sách Tô Văn Trung. Đến năm 1953, gia đình kiệt sản, một nải bạc tín phiếu chỉ mua được con cá mòi, vợ đau con đói … Ông cầm lòng bán bộ sách. Bán cho cơ quan văn hóa để còn hy vọng chuộc lại, nhưng ai đâu ngó ngàng đến, ông đành phải bán cho người ta làm giấy quấn thuốc hút để lấy 100 kg lúa. Đau lòng, ông đi chuộc lại 1 cuốn với tâm niệm sau nầy để lại lời trăn trối cho cháu con : “Không được bán sách !”

Cuộc đời của Quách Tấn gặp khá nhiều truân chuyên như câu thơ của ông :

“Sách quý bán cho đời hút thuốc
Thân tàn để mặc chúng làm bia …”

Nhưng ở trong ông chất chứa những nỗi niềm, thể hiện Một Tấm Lòng không chỉ là tiêu đề của tập thơ đầu tay in năm 1939, ở trong ông có Một Tấm Lòng hiển hiện rõ hình ảnh của lớp Nho sĩ còn sót lại trên cõi tạm thế gian. Những thi thoại trong văn thơ của ông để lại cho đời luôn mang những thân phận đáng để người hữu tình suy gẫm …

Lan nguyệt, Nhâm Thìn niên
Trường Nghị

Chân thành cảm ơn nhà văn Quách Giao, cảm ơn anh Trần Thiếu Bảo - con của cụ Tam Hà, đã cho tôi đọc được phần hồi ức có thủ bút của thi sĩ Quách Tấn mà nhà văn Quách Giao đã gởi tặng cho gia đình anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét