Cristophoro Borri là một giáo sĩ Dòng Tên người Ý đã đến Đàng Trong truyền giáo những năm đầu thế kỷ mười bảy. Bên cạnh việc phụng mệnh Chúa, trong năm năm lưu trú tại Đàng Trong, ông chăm chỉ học tiếng bản ngữ, quan sát phong tục tập quán của người Việt để rồi cuối cùng đã ghi lại các trải nghiệm cùng nhận xét của mình trong bản tường trình về xứ này.
Tác phẩm của Cristophoro Borri được viết bằng tiếng Ý, xuất bản lần đầu năm 1631 tại Rome, hiện tại bản sách này còn được lưu giữ tại Vatican. Về sau, nó được dịch ra các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, v.v… và nay là tiếng Việt, với tựa là Xứ Đàng Trong năm 1621. Bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị
CHƯƠNG 1: VỀ QUỐC HIỆU, VỊ TRÍ VÀ DIỆN TÍCH
Xứ Đàng Trong [1] được người Bồ gọi như vậy nhưng trong tiếng bản xứ là Annam [2] có nghĩa là miền Tây. Đối với nước Tàu, xứ này thực sự nằm ở phía Tây. Nhưng người Nhật gọi xứ này là Cochi [3], trong tiếng bản xứ của họ, cũng có nghĩa là Annam trong tiếng Đàng Trong. Nhưng người Bồ đã vào nước Annam để buôn bán, họ dùng tiếng Nhật Coci và tiếng Tàu Cina mà làm thành tiếng thứ ba là Cocincina để chỉ xứ này, chủ ý phân biệt Cocin cạnh Cina với tỉnh Cocin thuộc Án Độ, do người Bồ chiếm đóng. Còn trong các bản đồ thế giới thì xứ Đàng Trong thường được ghi là Cauchinchine hay Cauchine hay tương tự, ấy chỉ là vì do ghi sai hoặc vì tác giả làm bản đồ muốn cho người ta biết xứ này như là cửa vào và là khởi đầu của Trung Quốc.
Xứ này, về hướng Nam, giáp vĩ tuyến 11 [4], về hướng Bắc, xế về Đông Bắc, giáp xứ Đàng Ngoài, về hướng Đông, có biển Đông và về hướng Tây, xế về Tây Bắc, giáp nước Lào.
Còn về diện tích thì tôi chỉ nói về Đàng Trong vốn là một phần của đại vương quốc Đàng Ngoài, trước kia thuộc về ông cố của chúa đương thời [5] cai trị Đàng Trong, người đã chống lại chính vua nước Đàng Ngoài. Cho tới nay người Bồ chỉ buôn bán với xứ này và các cha Dòng chúng tôi cũng chỉ hoạt động ở xứ này để thiết lập đạo Kitô.
Xứ Đàng Trong trải dài hơn một trăm dặm theo bờ biển, ở vĩ tuyến 11, cho tới khoảng vĩ tuyến 17 [6], chỗ bắt đầu quốc gia của chúa Đàng Ngoài. Bề rộng không lớn lắm, chỉ chừng hai mươi dặm Ý, đất bằng, một bên là biển và một bên là dãy núi chạy dài có Kẻ Mọi ở [7], tên gọi này có nghĩa là man di. Mặc dầu họ là người Đàng Trong, nhưng họ không nhìn nhận chúa cũng không thần phục ngài. Họ đóng đô và chiếm giữ miền núi rất hiểm trở.
Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam[8], nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia [9]. Thứ tư là Quingnim [10], người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Renran [11].
CHƯƠNG 2: VỀ KHÍ HẬU VÀ ĐẶC TÍNH LÃNH THỔ ĐÀNG TRONG
Như đã nói ở trên, xứ này ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, do đó, nóng chứ không lạnh. Tuy vậy xứ này lại không nóng như An Độ, mặc dầu cũng vĩ tuyến như nhau và thuộc về miền nhiệt đới như nhau. Lý do sự khác biệt này là ở An Độ không phân rõ bốn mùa. Mùa hạ kéo dài tới chín tháng liên tục. Trong thời gian đó, không thấy có một chút mây trên trời, ngày cũng như đêm, thành thử không khí luôn luôn bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời. Ba tháng còn lại được kể là mùa đông, không phải vì thiếu nóng, mà là vì mưa liên tục, thường là cả ngày lẫn đêm trong mùa này. Nói theo kiểu bình thường thì mưa liên tục như thế hẳn phải làm không khí mát dịu. Tuy nhiên, vì mưa vào tháng năm, tháng sáu, tháng bảy, lúc mặt trời ở điểm cao nhất, ở tột đỉnh của An Độ và lại không hề có ngọn gió nào khác ngoài những ngọn gió thật nóng, nên không khí rất ngột ngạt, làm cho nhiệt độ khó chịu hơn là vào chính giữa mùa hạ vì lúc này thường có gió nhẹ thổi từ biển vào đem khí mát cho nội địa. Nếu không có sự an bài đặc biệt, thì không sao ở được trong những xứ sở này.
Ở Đàng Trong thì không thế bởi vì có đủ bốn mùa trong năm, tuy không rõ ràng như ở Châu Au vốn có khí hậu ôn hòa hơn. Mùa hạ gồm ba tháng sáu, bảy, và tám, cũng rất nóng vì ở vào miền nhiệt đới và mặt trời trong những tháng đó cũng ở điểm cao nhất trên đầu chúng ta. Nhưng vào tháng chín, mười và mười một thuộc mùa thu thì hết nóng và khí hậu dịu bởi có mưa liên tục, nhất là ở miền núi Kẻ Mọi. Do đó nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày. Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đất phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa là thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ. Còn vào ba tháng mùa đông – tháng chạp, tháng giêng và tháng hai thì có gió bắc thổi, đem mưa đủ lạnh để phân biệt mùa đông với các mùa khác trong năm. Sau cùng vào các tháng ba, tư và năm, hiện rõ các hiệu quả của một mùa xuân thú vị, tất cả đều xanh tươi và nở hoa.
Nhân tiện nói về lụt, tôi xin kể thêm ở chương này một vài sự kỳ lạ người ta gặp thấy trong dịp này.
Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã đến lụt” [12] có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa cũng vậy.
Nhưng thường thì nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tư bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ. Do đọ họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi hay những nơi cao hơn.
Vào trường hợp này, có một luật kì lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, nhưng đương nhiên thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điều làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình.
Còn trẻ con thì tuỳ theo tuổi, chúng để mắt và vui thú rình trên cánh đồng lúa mênh mông đầy rẫy chuột lớn, chuột bé, vì hang ngập nước nên chúng phải ngoi ra, bò lên cây để thoát, thành thử thật là rất vui mắt khi được nhìn thấy những cảnh cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con trên các chiếc thuyền nhỏ của chúng tới rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Trò đùa nghịch và giải trí của trẻ con, nhưng thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng cho những cánh đồng rộng lớn.
Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm. Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà. Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ và tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ.
Nguyễn Khắc Xuyên
Chú thích
[1] Chúng ta đang ở thời kỳ Nam Bắc phân tranh, chúa Trịnh ở Bắc và chúa Nguyễn ở Nam.
[2] An Nam, miền Nam được bình định, chứ không phải miền Tây như Borri nói. Lý Anh Tôn được nhà Tống tôn làm An Nam quốc vương. Đó là năm Giáp Thân 1164.
[4] Về ngành hàng hải, người Bồ và người Tây rất thành thạo. Người Hà Lan cũng đã giỏi về thuật đi biển và người ta đã bắt đầu vẽ bản đồ thế giới với những vĩ tuyến, đường xích đạo. Vào thế kỷ 15, 16 trung tâm địa dư là ở Roma.
[5] Lúc ngày Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) làm chúa ở Đàng Trong tục gọi là chúa Sãi. Như vậy ông cố tức là Nguyễn Kim thân sinh của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng (1600-1613), tục gọi là chúa Tiên.
[6] Kỳ lạ thay, Hiệp định Genève đã coi vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc (1954).
[11] Theo bản đồ 1651: 1. Quảng Bình (Dinh Công); 2. Thuận Hóa (Dinh Cả); 3. Quảng Nam (Dinh Chiêm); 4. Quảng Ngãi; 5. Quy Nhơn (Nước Mặn, Nước Ngọt); 6. Phú Yên (Ranran, Dinh Phó An)
[12] Buzomi tới Đàng Trong năm 1615, de Pina tới năm 1617 và Borri với Marquez tới năm 1618. Cha De Pina rất thông thạo tiếng Việt và là thầy dạy De Rhodes sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét