Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

HỒI ỨC NGÀY QUA

Đình Mỹ Thuận ngày nay


Năm 1950, khi trường cấp II Bình Khê mở năm học đầu tiên tại huyện nhà. Bấy giờ chúng tôi hãy còn rất trẻ, tuổi trên dưới 15. Nam nữ bên nhau cắp sách đến trường chăm lo đeo đuổi học hành.

Những đứa con của làng quê trìu mến, thời bấy giờ đi học trong tình cảnh vô cùng khó khăn nghiệt ngã. Bom đạn chiến tranh, vạn sự thiếu trong đời sống.

 
*

Ngày 01 tháng 05 năm 2012 vừa qua, tại khách sạn cao cấp Hoàng Anh Gia Lai thành phố Pleiku êm đềm thơ mộng, chúng tôi được tay bắt mặt mừng, họp mặt nhau trên 200 nam nữ bạn học và thầy cô xưa. Tuổi tác ai cũng đã đi vào tám mươi và cách xa nhau đã hơn 60 năm. Chúng tôi thật vinh hạnh có người bạn cũ Đoàn Tiến Quyết đã giúp cho tất cả cựu học sinh trường cấp II Bình Khê chúng tôi bày tỏ tinh thần Tôn sư trọng đạo, nối lại vòng tay tình bạn học ngày xưa. Ba năm về trước, với nguyện vọng chân tình, bạn Đoàn Tiến Quyết đã ước mong được đứng ra tổ chức ngày họp mặt cựu học sinh cấp II Bình Khê. Và hôm 01/05, nhờ ở sự sắp xếp của bạn Đoàn Tiến Quyết, chúng tôi ở mọi mơi, mọi nẻo Bắc Trung Nam đã quy tụ về vui nhau ngày họp mặt.

Bạn Đoàn Tiến Quyết còn cùng với bạn Quách Hiếu đảm nhận chân ban biên tập thực hiện tập “Kỷ Yếu” về nhà trường và về đời học sinh cấp II Bình Khê. Từ đó tôi có khiêm tốn đôi giòng hồi ức quãng đời qua khi chúng tôi còn đi học bên nhau.

CẮP SÁCH ĐẾN TRƯỜNG

Trường phổ thông cấp II huyện Bình Khê – Bình Định thành lập niên khóa đầu tiên 1950 – 1951 tại khuôn viên Đình Mỹ Thuận – Xã Bình An, xây dựng bằng tranh tre phên liếp đơn sơ trống trải. Trường gồm ba dãy, xếp thành hình chữ U.

Ngày 18 – 8 – 1950 trường nhận đơn học sinh thi vào các lớp năm và sáu. Thứ hai, ngày 02 – 10 – 1950 thi vào các lớp sáu. Thứ sáu ngày 06 – 10 – 1950 thi vào các lớp năm. Học sinh xa gần nô nức đến nộp đơn thi học, không hạn chế tuổi, không phân biệt địa phương nào ở trong hay ngoài huyện. Khi công bố kết quả xếp lớp: Tôi vào học lớp sáu. Bạn gái Trần Thị Lộc vào học lớp năm. Trường khai giảng vào ngày 09 - 10 – 1950, dạy và học thời gian máy bay Pháp thường xuyên oanh tạc, khủng bố đó đây. Trường trống trải, học sinh đông, khi có máy bay thì rất hỗn loạn. Để an toàn, trường dời lên Miễu Kê, phía Bắc chân tháp Dương Long, An Chánh, Bình An, Bình Khê

Miễu Kê ngày nay

Bấy giờ chiến tranh ác liệt, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ban hành lệnh động viên để đáp ứng công cuộc kháng chiến chống Pháp. Trường cấp II Bình Khê nhận lệnh. Thứ hai ngày 16 – 10 – 1950 ban tuyển quân về trường động viên học sinh tòng quân. Thứ 7 ngày  21 – 10 – 1950 học sinh chúng tôi về thăm gia đình. Thứ sáu ngày 27 – 10 – 1950 ra chợ Gồm Phù Cát khám sức khỏe, học sinh nào đủ tiêu chuẩn thì lên đường gia nhập Vệ quốc quân.

Ngày 27 - 10 – 1950 học sinh chúng tôi ra địa điểm khám tuyển quân. Trường có tổ chức lễ tiễn đưa nam sinh lên đường nhập ngũ.  Buổi lễ tổ chức đơn sơ long trọng. Khán đài được dựng giữa sân trường, có nhiều khẩu hiệu: Hồ Chủ Tịch Muôn Năm. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Muôn Năm … Quan khách, đoàn thể các cấp đến dự thật nghiêm trang. Trước khán đài những nam sinh đi tòng quân sắp từng hàng, sau là những dãy ghế dành cho các cán bộ các cấp xã huyện và các giáo sư nhà trường.

Cổng trường là hai trụ biểu của đình còn lại, vào trước khán đài có hai dãy nữ sinh xếp thành hai hàng hai bên lối đi, giữa hai bên trái nhìn ra có người bạn gái Trần Thị Lộc của tôi. Đoàn tòng quân đi, hiệu trưởng trao kỷ vật, trao khăn cho học sinh lên đường, có lời nhắn nhủ của cán bộ, tiếng nhạc trổi, lời ca cất cao giọng những bài Lên Đường, Tổng Động Viên, Xếp Bút Nghiên, Nụ Cười Sơn Cước… Giờ tiễn chân đã đến, nhiều tràng pháo tay nổ vang, báo hiệu giờ chia tay lên đường …

CHIẾC NÓN LÁ NĂM XƯA

Tháng chín – Âm lịch trời mưa dầm gió bấc, mưa phùn lâm râm không ngớt. Đoàn vừa đi ra khỏi sân trường mưa lại càng lớn, quần áo lấm tấm bắt đầu… ướt. Làm sao quên được!

Bầu trời xám ngắt phủ một màu đen, gió bấc thổi pheo pheo, đoàn người ai nấy đều lững thững bước ra khỏi sân trường, vai mang “ ba lô” tay giữ nón mũ, xắn quần cho gọn. Người đi lưu luyến. Người ở chạnh lòng.

Tôi đi gần sau đoàn người ra đi, bước chậm mà như đi mau, đầu đội mũ vải rộng vành. Mưa vẫn mưa, mưa rơi lộp độp lên chiếc mũ có vành khăn tang của cha mình. Biết thế nào mũ nầy trước sau gì rồi cũng phải ướt, nhưng tôi vẫn đội theo đoàn người tiến bước.

Tôi đi vừa đến gần chỗ Lộc đứng tự bao giờ, tự dưng tôi bước chậm lại, lặng lẽ đưa mắt nhìn Lộc. Và đáp lại, Lộc chớp mắt nhìn tôi một cách khác thường. Tôi thấy buồn, bước nhanh và lướt qua mặt … Bỗng Lộc lên tiếng gọi tên tôi … Các bạn bè chăm chăm nhìn về phía chúng tôi… Tôi bỡ ngỡ dừng lại , Lộc ngượng ngùng nhanh tay lấy “chiếc nón Gò Găng” đang đội trên đầu xuống, tay đưa vội cho tôi, giọng rụt rè: “Đốc đội chiếc nón này cho đỡ ướt chớ đội mũ đi ra tới chợ Gồm ướt hết cả mình mẩy, đưa mũ cho Lộc cất giữ cho”. Bất ngờ, tôi bâng khuâng nhận, cầm vội chiếc nón. Nón mũ trao xong tôi thẫn thờ bước đi chẳng nói năng được gì, mắt đưa nhìn nhau âm thầm, lưu luyến. Người đứng nhìn tới đăm đăm, kẻ đi ngoái lại sững sờ!

Trời vẫn tiếp cơn mưa này đến cơn mưa khác. Dọc đường đoàn người tòng quân ai nấy đều ướt như mèo. Sức trai không biết lạnh, mà đi vừa ca hát hào hứng, cười nói âm vang đủ thứ chuyện. Lội qua suối nước nóng Phù Cát, nước cao tới ngực ai nấy đổ xô ra tắm, nô đùa thỏa thích. Đến chợ Gồm Phù Cát địa điểm tuyển quân thì trời gần tối, tuy ngày 17 âm lịch có trăng nhưng vì mưa nên không sáng. Đoàn người ướt lem nhem, lẹp nhẹp đi gom củi đốt lửa sưởi ấm, thay quần áo khô. Vừa nghỉ xong có lệnh hiệu đoàn trưởng báo đi khám tuyển. Lao nhao chuẩn bị đi thì có lệnh đình. Đoàn tuyển quân dời đi lúc nào không ai rõ lý do, đoàn trường tuyên bố giải tán, về tiếp tục đi học lại.

Nghĩ lại, đời học sinh dưới mái trường xưa, ngoài trang sách vở còn có rất nhiều điều kỳ diệu. Đào tạo con người có kiến thức, có học vấn giúp ích cho đời, Nam Nữ học sinh còn có lắm lứa đôi xây tổ ấm. Tôi và nữ sinh Trần Thị Lộc từ dịp ấy đã nên duyên vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau cho đến tận bây giờ …

NGUYỄN VĂN ĐỐC
Phú Mỹ, Tây Phú, Tây Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét