Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

XỨ ĐÀNG TRONG NĂM 1621 (7)


Người Xứ Đàng Trong (Barrow - 1792)

CHƯƠNG 7 : LỰC LƯỢNG CỦA CHÚA ĐÀNG TRONG

Như đã nói ở đầu bản ký sự này là Đàng Trong trước kia là một tỉnh tách rời khỏi xứ Đàng Ngoài. Cụ cố [1] của chúa đương thời đã vô cớ chiếm đoạt, lập nhà nước và phản nghịch cùng chúa Đàng Ngoài. Rồi họ trở nên mạnh dạn hơn khi được cung cấp trong một thời gian rất ngắn, nhiều thứ súng lớn tịch thu và lượm nhặt được do tàu và thuyền chiến bị đắm trôi dạt vào bờ biển: thực ra tàu người Bồ cũng như người Hòa Lan[2] thường đâm vào cồn đá và người bản xứ vớt được như ngày nay có thấy.


Nguyên trong phủ chúa cũng có tới sáu mươi cỗ và có những cỗ rất lớn. Ngừơi Đàng Trong tinh xảo và có kinh nghiệm sử dụng, họ vượt cả người Châu Âu đến nỗi họ chẳng làm gì khác mà chỉ ngày ngày bắn đạn giả và rất lấy làm hãnh diện. Vì thế họ tự cho là có thế lực đến nỗi vừa thấy những chiếc tàu của Châu Au chúng ta cập bến của họ thì liền bắn súng để thách thức, nhưng người của chúng ta biết rằng súng của họ chẳng địch lại được súng của chúng ta, nên người của chúng ta hết sức tránh né tầm bắn. Người của chúng ta biết rằng theo kinh nghiệm, ta có thể chắc chắn bắn vào chỗ nào ta muốn với súng của mình, còn họ với súng hỏa mai là một thứ gậy thì không nhằm bắn trúng được. Điều giúp chúa rất đắc lực trong cuộc dấy binh chống chúa Đàng Ngoài, đó là ngài có một trăm thuyền chiến và hơn nữa, chúa rất mạnh về đường biển, như đã mạnh về đường bộ vì có súng ống. Thế là chúa dễ dàng thi hành ý đồ và âm mưu chống chúa Đàng Ngoài là chủ mình. Việc họ buôn bán thường xuyên với người Nhật đã đem lại cho chúa rất nhiều đao hay gươm đao theo kiểu Nhật Bản, với nước thép rất tốt. Trong nước còn có rất nhiều ngựa, tuy thấp bé hơn, nhưng rất tốt và rất can đảm, dùng để cưỡi và bắn nỏ, hằng ngày không ngớt thao luyện. Thế lực của chúa rất mạnh đến nỗi khi ngài muốn, ngài có thể cho tuyển ngay được tám mươi ngàn quân binh chiến đấu. Với tất cả lực lượng này ngài vẫn còn sợ chúa Đàng Ngoài vốn có lực lượng lớn hơn gấp bốn lần. Vì thế, để có sự thỏa hiệp và giao hảo tột thì chúa nhận triều cống về những gì vương quốc của ngài có thể có cho xứ Đàng Ngoài, nhất là vàng, bạc, lúa gạo, cung cấp ván và gỗ để đóng thuyền chiến.

Về binh pháp và cách cai trị trong chinh chiến thì cũng gần như ở Châu Au. Họ cũng giữ các luật lệ để huấn luyện binh lực, đánh du kích, tấn công và rút quân.

Ngoài ra chúa còn chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Campuchia, cung cấp cho vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với vua Xiêm. Vì thế mà vũ khí của Đàng Trong đã lừng danh và nổi tiếng khắp các nơi qua đường biển cũng như đường bộ.

Ngoài biển họ chiến đấu trên thuyền như đã nói, mỗi thuyền có súng đại bác và nhiều súng musqueton. Và người ta sẽ không lấy làm lạ khi biết chúa Đàng Trong luôn luôn có tới một trăm thuyền chiến có đủ súng ống và nghiêm chỉnh nghênh chiến khi người ta biết những thứ này đuợc thành lập như thế nào.

Cần phải biết rằng người Đàng Trong không có lệ dùng những phạm nhân hay người bị án khổ sai để chèo thuyền [3]. Khi họ cần người để chiến đấu trên biển hay để làm một việc gì đó thì tức khắc họ có thể tuyển mộ ngay được đủ số theo cách thứ sau đây: Họ ngấm ngầm phái đội trưởng và uỷ viên lúc không ai ngờ rảo khắp xứ đem lệnh chúa bắt ngay lập tức tất cả những trai tráng có sức cầm tay chèo và dẫn cả tới thuyền, không đếm xỉa tới con nhà sang hay người có thế giá, bởi vì không ai được miễn. Việc này thực ra không khó khăn gì như lúc đầu người ta tưởng, vì thứ nhất họ được đối xử tốt trong thuyền cũng như bất cứ nơi nào khác và được trả lương cao. Hơn nữa, vợ con họ và cả gia quyến họ đều được chúa cung cấp hết tất cả những gì họ cần, tuỳ theo cấp bậc, thanh thế, trong suốt thời gian chồng họ vắng nhà. Và những người này không phải chỉ được dùng để chèo mà còn chiến đấu khi cần và họ chiến đấu rất anh dũng. Để làm việc này, người ta trao cho mỗi người một súng hỏa mai hay musqueton với đạn, dao hay mã tấu. Người Đàng Trong không giả đò, họ rất hăng hái và dũng cảm, với mái chèo, súng và dao, họ can đảm tấn công và trong hỗn chiến, họ tỏ rõ lòng dũng cảm hiếm có của họ. Thuyền chiến của họ không lớn cũng không đặc biệt rộng như của ta, nhưng rất lẹ và được trang trí vàng bạc trông rất ngoạn mục. Đặc biệt mũi thuyền vốn được coi là chỗ trọng vọng nhất thì toàn bằng vàng. Đó là chỗ của thuyền trưởng và của những người có chức vị cao, và lý do là vì người thuyền trưởng luôn luôn phải là người đầu tiên xuất trận, thế cho nên rất hợp lý, vì mục đích đó mà ông đứng ở đằng đầu và ở chỗ nguy hiểm nhất trong chiếc thuyền.

Trong số những vũ khí tự vệ dùng trong trận chiến thì có những chiếc khiên nhỏ hình bầu dục, hoàn toàn rỗng, cao, có thể dễ dàng chắn cả thân người và rất nhẹ, dễ cầm và không hề vướng víu bận bịu chút nào. Cũng rất có ích cho việc bảo vệ thành trì ở xứ này, đó là cách thức họ dựng nhà chỉ toàn bằng ván và trên cột gỗ như chúng tôi đã nói. Nếu quân địch hùng mạnh kéo tới và họ không muốn chống cự, lúc đó mỗi người đem theo nồi niêu bát đũa và trốn lên núi, sau khi châm lửa đốt nhà và chỉ để lại không gì khác ngoài đống tro tàn. Quân địch không thể tìm ra được thứ gì để ăn và sinh sống nên họ phải rút quân về, và họ trở về dựng lại những căn nhà khác trong một thời gian rất ngắn và khôi phục lại thành phố như trước.

Nguyễn Khắc Xuyên

Chú thích

[1] Ông cố, chỉ Nguyễn Kim.
[2] Coi Pierre Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Viet Nam de du Campa EFEO, 1972. Tác giả chứng minh cụ thể là vào thế kỷ 16-17 thương gia người Bồ, Hà Lan thường đi dọc bờ biển Đàng Trong, rồi chiếu thẳng đi Macao hay Nhật Bản, ít khi lên tới Đàng Ngoài. Vì thế trong một thời gian, chưa ai để ý tới xứ Bắc.
[3] Bên Châu Au người ta dùng tù binh khổ sai để chèo thuyền, vì thế nói đến galères là nói hình khổ nhục nhã, trái với Việt Nam, chèo thuyền chiến là việc của quân binh thiện nghệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét