Xứ Đàng Trong qua tranh của Barrow vẽ năm 1792 |
CHƯƠNG 5 : VỀ TÍNH TÌNH, PHONG HÓA, TỤC LỆ NGƯỜI ĐÀNG TRONG, CÁCH SỐNG, CÁCH ĂN MẶC VÀ THUỐC MEN CỦA HỌ (tiep theo)
Dân Đàng Trong rất trọng những tục lệ của họ. Họ khinh những tục lệ của người ngoại quốc như người Tàu. Các cha không cần thay đổi y phục, thực ra không khác cách ăn vận chung ở khắp An Độ. Các ngài mặc áo chùng bằng sợi bông rộng gọilà elingon thường làm màu thanh thiên và ra nơi công chúng như thế không thêm áo dái hay áo choàng [7]. Cũng không đi giầy như tục người Châu Au hay người bản xứ: vì giầy Châu Au thì làm gì có mà đi và cũng không ai biết làm [8], còn dép bản xứ thì không sao đi được vì rất bất tiện cho người chưa quen, nên đau chân, bởi vì các khuy làm cho ngón chân dãn ra, ngón nọ cách xa ngón kia, do đó, các ngài ưa đi chân không và bị đau chân hoài nhất là trong lúc đầu, vì đất ẩm ướt, và vì chưa quen. Vẫn biết là sau một thời gian thì theo tính tự nhiên cũng quen dần, da cứng lại đến nỗi không có thấy khó chịu, mặc dầu phải đi trên đường có nhiều đá sỏi và gai. Riêng tôi, tôi đã quen lắm đến nỗi khi trở về Macao, tôi không chịu được giầy, cảm thấy chúng thật nặng nề và làm chân tôi vướng víu làm sao. [9]
Thức ăn thông thường nhất của người Đàng Trong là cơm và thật là điều kỳ lạ: toàn lãnh thổ có rất nhiều thứ thịt, gà, vịt, cá và trái cây đủ loại, thế mà bữa ăn ngon nhất lại là cơm, họ xới thật nhiều cơm, ngay khi ngồi vào mâm, rồi chỉ gắp sơ sơ và nếm náp các món thịt như để theo nghi lễ. Lương thực chính yếu của họ là cơm như bánh mì là lương thực chính của chúng ta; họ ăn không, nghĩa là chỉ có cơm, không cần nước sốt hay món gì khác vì sợ dần dần đâm chán. Họ không bỏ thêm bơ hay muối hay dầu mỡ hay đường. Họ thổi cơm bằng nước lã. Họ đổ vừa vừa nước thôi để cho cơm không dính vào nồi hay bị cháy. Vì thế hạt cơm còn nguyên vẹn, chỉ mềm một chút và dẻo. Họ còn kinh nghiệm thấy rằng không thêm mắm muối vào cơm, nên cơm dễ tiêu hơn. Vì thế hầu hết các người sống ở phương Đông thường ăn mỗi ngày bốn lần và ăn rất nhiều để cung cấp cho đủ sự cần dùng thiên nhiên đòi hỏi.
Người Đàng Trong ngồi trên đất để ăn, chân xếp lại, trước một bàn tròn (mâm) cao ngang bụng, mâm được khắc vẽ chạm trổ tỉ mỉ, riềm bịt bạc hay vàng tuỳ gia thế và khả năng của người dùng. Mâm này không lớn vì theo tục lệ mỗi người một mâm riêng [10], cho nên trong bữa tiệc có bao nhiêu khách mời thì là bấy nhiêu mâm. Khi ăn riêng ở nhà họ cũng giữ như vậy trừ khi thỉnh thoảng vợ chồng, cha con dùng chung một mâm. Họ không dùng dao hay xiên trong mâm, thực ra họ không cần dao, xiên. Họ không cần dao vì họ đã thái thịt thành từng miếng nhỏ ở trong bếp và thay vì xiên thì họ dùng những đũa nhỏ rất nhẵn nhụi họ cầm giữa các ngón tay để gắp một cách rất khéo léo, rất sành sỏi, nên không cần gì khác. Họ cũng không cần khăn ăn vì không hề dùng tay, không bao giờ lấy thịt mà không dùng đũa.
Tiệc tùng cũng khá thông thường giữa lân bang với nhau, trong đó họ dùng nhiều thứ thịt khác nhau, những thứ tôi đã nói trước đây. Họ không cần cơm vì cho là ai cũng sẵn ở nhà mình. Và mặc dầu người mời là người nghèo, người ta không tin ông thành thực, nếu mỗi khách mời không có trong mâm ít nhất là một số các món ăn. Bởi vì họ có thói quen mời tiệc tất cả bạn bè, họ hàng lân bang, nên bao giờ bữa tiệc cũng có chừng ba mươi, bốn mươi, năm mươi người, có khi một trăm và tới hai trăm. Có lần tôi được mời dự một đám tiệc rất linh đình có tới gần hai, ba nghìn người. Cho nên tiệc này phải làm ở thôn quê là nơi có chỗ rộng để bày mâm. Không ai cho là kỳ lạ khi thấy những mâm nhỏ như chúng tôi đã nói. Trên đó bày tới cả trăm món, vả trong những dịp này, họ có một kế hoạch rất khéo, họ đặt mâm trên một cái gác với những thanh nứa nhiều tầng. Trên đó họ bày và chồng chất rất ngoạn mục hết các món, gồm tất cả những thổ sản trong xứ như thịt, cá, gà vịt, thú vật bốn cẳng, gia súc hay dã thú, với hết các thứ trái cây có thể có trong mùa. Nếu chẳng may thiếu một thứ gì thì gia chủ bị quở trách nặng, và người ta không coi bữa ăn đó là bữa tiệc. Chủ nhà ăn trước còn gia nhân bậc trên thì đứng hầu, khi chủ ăn xong thì tới phiên toán gia nhân bậc trên có đầy tớ bậc kém hơn phục dịch. Sau cùng mới đến lượt những người đầy tớ bậc thấp này. Và để không làm phí phạm tất cả những món đầy rẫy đó và theo tục lệ thì tất cả các món phải dùng cho hết và phải dùng cho thoả thuê. Một mâm khác dành cho đầy tớ cấp thấp nhất: chúng ăn thuê thỏa, còn thừa thì cho vào những túi dành riêng cho việc này và đem về nhà cho vợ con được no nê [11]. Thế là chấm dứt hết các nghi lễ ở đây.
Đàng Trong không có nho, do đó cũng không có rượu nho, họ dùng làm rượu một thứ gạo cất có mùi vị như rượu của ta, giống cả về màu sắc, về vị cay gắt, tinh tế và độ mạnh. Có rất nhiều rượu đến nỗi mọi người đều uống rất thông thường tuỳ sở thích và không hề buồn vì không có rượu nho ở những miền này. Thế nhưng, những người khá giả thường có thói quen pha thêm một thứ rượu cất ở cây trầm hương làm cho mùi vị có một hương thơm đặc biệt, sự pha trộn này rất thành công.
Trong ngày họ có tục dùng một thứ nước rất nóng, trong đó nấu một thứ rễ cỏ [12] gọi là trà, cũng là tên thứ nước uống đó, thứ nước này rất bổ và giúp cho tan các chất xấu trong dạ dày và làm cho dễ tiêu. Ngừơi Nhật và người Tàu cũng dùng, trừ ở Tàu, người ta không dùng rễ mà dùng lá và ở Nhật người ta tán nhỏ, nhưng hiệu lực thì cũng giống nhau và tất cả đều gọi là trà.
Thật là một sự không thể tin được là người Châu Au chúng ta ở đây có rất nhiều thịt thà và dồi dào về đủ mọi thứ, thế mà chúng ta vẫn còn đói, còn khát, không phải vì thiếu thịt mà vì không quen với các thứ đó, bản tính không chịu nổi sự thiếu bánh mì và rượu nho một cách đột ngột. Và tôi tin rằng người Đàng Trong cũng sẽ cảm thấy như thế, nếu họ tới Châu Au ở đó không có cơm, mặc dầu có nhiều thứ thịt ngon và rất dồi dào. Tôi kể ở đây một việc đã xảy đến với một quan cai trị xứ Đàng Trong. Ông này là bạn thân của chúng tôi, chúng tôi mời ông đến nhà chúng tôi dùng cơm và để tỏ mối thịnh tình khăng khít của tôi đối với ông thì chúng tôi dọn nhiều món theo lối Châu Au của chúng tôi. Ông ngồi vào bàn và thay vì như chúng tôi tưởng ông sẽ chiều ý chúng tôi mà khen ý tốt lành của chúng tôi và cảm ơn về sự mới lạ này, bởi vì chúng tôi đã không tiếc công, nên thử dọn cho ông hết các món liên tiếp. Thế nhưng không có món nào ông có thể dùng được, mặc dầu ông cố gắng tỏ ra hết sức lịch thiệp và thành tâm [13]. Đến nỗi chúng tôi đành phải đem lên những món thịt làm theo lối bản xứ. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng cố gắng hết sức. Lúc ấy ông mới ăn ngon lành và hài lòng, còn chúng tôi mới thỏa dạ. Thế nên, về việc ăn uống cũng như về những gì chúng tôi đã nói như về việc đi chân không, bản tính tự nhiên cũng cho quen dần với nếp sống bản xứ, tập cho thành thục và làm rất đúng đến nỗi thức ăn ban đầu trở nên kỳ dị khi dùng trở lại. Điều này chúng tôi đã nghiệm thấy, khi tôi về từ những nước đó: bởi vì tôi không ao ước gì bằng được ăn cơm xứ Đàng Trong mà tôi thấy dễ chịu hơn tất cả những gì ở đây người ta đem cho tôi.
Còn về thầy thuốc và cách chữa các bệnh nhân, tôi phải nói là có rất nhiều, người Bồ cũng như người bản xứ, và người ta thường thấy nhiều bệnh vô danh và các thầy thuốc Châu Au không chữa được thì đã được khám phá và được các lương y bản xứ chữa khỏi một cách dễ dàng. Không ít lần các thầy thuốc người Bồ đã chê một bệnh nhân, coi như xong rồi, thế nhưng bệnh nhân này sẽ được chữa lành một cách dễ dàng nếu gọi được một lương y bản xứ.
Phương pháp của họ là thoạt vào phòng người bệnh, họ ngồi nghỉ một lát gần giường bệnh, để cho dịu cảm xúc khi tới đây. Rồi họ bắt mạch, rất chuyên chú và cẩn thận. Sau đó họ nói ông hay bà mắc chứng gì và nếu là chứng nan y thì họ cũng thành thật cho biết, tôi không có thuốc chữa bệnh này. Nếu họ đoán là bệnh nào và có thể chữa được bằng thứ thuốc nào của họ thì họ cũng cho biết, tôi có cách chữa ông, bà và trong bao lâu, tôi sẽ chữa ông bà khỏi bệnh. Sau đó họ bàn về tiền thù lao cho lương y trong trường hợp khỏi bệnh. Tiền nhiều ít tuỳ theo tính chất và sự nặng nhẹ của bệnh và có lần hai bên có hợp đồng với nhau. Rồi chính lương y bốc thuốc, không cần tới dược sĩ, vì thế họ không có dược sĩ, họ làm lấy và sợ lộ bí mật của các liều thuốc họ cho, vì thế họ hết sức giấu, một phần cũng vì họ không dám tin tưởng vào một người nào khác bốc thuốc theo đơn họ đưa ra. Nếu bệnh nhân phục hồi sức khoẻ trong thời gian đã ấn định khi bàn về giá cả, thường diễn ra như vậy, thì buộc phải trả tiền như hai bên đã thỏa thuận với nhau, nhưng nếu không khỏi thì lương y mất cả công, mất cả thuốc.
Thuốc họ cho bệnh nhân uống thì không như thuốc chúng ta, vừa khó uống lại làm yếu và làm cho bụng ươn lười, nhưng dễ uống như canh [14] và cũng rất bổ, không cần ăn thêm món nào khác. Vì thế họ cho bệnh nhân uống mỗi ngày mấy lần như chúng ta thỉnh thoảng cho uống nước thịt. Các vị thuốc đó không biến đổi cơ thể, nhưng giúp các chức năng hoạt động thông thường, làm khô kiệt những chất hư mà không động tới người bệnh. Có một điều phải tường thuật lại ở đây vào chương này. Số là có một người Bồ ngã bệnh cho mời lương y Châu Au tới và lương y này sau khi đã chữa chạy ít lâu thì bỏ bệnh nhân coi như chết không trở lại thăm nữa. Người ta liền mời thầy thuốc bản xứ, ông này hứa chữa trong một thời gian, và căn dặn rất nghiêm khắc là trong thời gian ông chữa bệnh, người bệnh phải kiêng đàn bà, nếu không thì cực kỳ nguy hiểm và ông không thấy có thuốc nào trong y khoa có thể cứu thoát cơn nguy hiểm bệnh nhân đang chịu và chỉ cần điều kiện đó thôi. Hai bên thỏa thuận là lương y sẽ chữa khỏi trong vòng ba mươi ngày. Người bệnh uống thuốc theo đơn lương y cho và trong một ít ngày, bệnh nhân đã khỏi, nhưng không chịu nghe theo điều thầy thuốc đã cấm đoán rõ ràng. Thế là lương y đến thăm và bắt mạch thì thấy có sự thay đổi. Ông biết chắc là người bệnh đã không chịu kiêng. Lương y liền cho biết là bệnh nhân phải chuẩn bị chết vì không còn hy vọng gì và không còn thuốc nào cứu chữa được nữa. Nhưng bệnh nhân vẫn phải trả tiền thù lao như đã thỏa thuận bởi vì người bệnh chết nhưng lỗi không phải tại thầy thuốc. Người ta xử việc này và tòa ra lệnh cho bệnh nhân phải trả tiền cho lương y, sau đó người bệnh nhắm mắt lìa đời.
Họ cũng dùng cách chích máu, nhưng họ tiết kiệm máu hơn cách người ta làm ở Châu Au và họ không dùng kim chích thông thường: họ có nhiều lông ngỗng, trong đó có ghép những mảnh sứ nhỏ rất sắc và được dùng như những lưỡi cưa, có cái lớn có cái nhỏ. Và khi phải đâm vào mạch máu thì họ lấy một trong số các lông ngỗng này, lớn nhỏ tuỳ theo nhu cầu và lấy ngón tay ấn nhẹ lên trên, để mở mạch máu, mũi mảnh sứ chỉ đâm đủ theo nhu cầu mà thôi. Nhưng điều kỳ diệu hơn hết là khi đã lấy đủ máu thì họ không cần băng bó, không cần miếng gạc, không cần buộc cột gì cả: họ liếm ngón tay cái cho có nước bọt và ấn trên vết thương, làm cho da khép lại, máu ngừng tức thì và vết thương lành ngay. Được vậy tôi cho là do cách thức họ mở mạch máu với mũi sứ nhọn làm cho sạch máu bít lại và lưu thông dễ dàng.
Không nhiều nhà giải phẫu có nhiều bí quyết kỳ diệu. Tôi không muốn đưa ra chứng cớ nào khác bằng việc họ đã làm cho chính bản thân tôi và một bạn đồng sự của tôi. Tôi ngã từ một nơi cao xuống và bên chỗ có dạ dày va phải một tảng đá, tức thì tôi bắt đầu thổ ra máu và ngực tôi cũng bị đau. Thế rồi người ta cho tôi mấy liều thuốc theo cách bên Châu Au của chúng ta, nhưng tôi chẳng thấy bớt chút nào. Trong khi đó may có một thầy giải phẫu bản xứ tới, thầy lấy một thứ cỏ nào đó giống như cỏ xổ [15] làm thành một thứ cao và đắp trên dạ dày, rồi cũng sắc những thứ cỏ đó cho tôi uống, lại cho ăn sống nữa và trong mấy ngày tôi hoàn toàn hồi phục. Để thí nghiệm lại, chính tôi đập gãy chân một con gà mái ở nhiều chỗ, sau đó lấy cỏ xổ làm thành cao và đắp trên những vết chân gãy, thế là sau ít ngày nó khỏi hẳn.
Một con bọ cạp đã cắn vào cổ một bạn đồng sự của tôi và ở xứ này đây sẽ là vết tử thương. Tức thì cổ sưng vù và khi chúng tôi chuẩn bị làm phép xức dầu thì người ta mời một thầy giải phẫu tới. Thầy cho nấu tức khắc một thứ bột gạo, rồi đắp vào chân người bệnh, lấy vải quấn chung quanh cho hơi và khói nóng không bay đi. Thế là hơi bốc lên tận vết thương và người đồng sự của tôi cảm thấy bớt đau nhức, cổ bớt sưng vù và được khỏe mạnh như thể chưa bao giờ bị đau.
Người ta còn có thể thêm nhiều thí dụ tương tự, nhưng tôi chỉ nói rằng thuốc ở những miền này có hiệu lực hơn thuốc ở đây (Châu Au). Và riêng tôi, tôi có thể thêm rằng tôi đã đem theo tôi cây đại hoàng[16] trong một hũ nhỏ, vốn là một thứ thuốc rất tốt. Khi tôi về tới Châu Au sau hai năm hành trình, tôi thấy cây đại hoàng của tôi đã biến chất khiến tôi không nhận ra nữa, nguyên chất mất hết công dụng khi chuyển từ những xứ đó về xứ chúng ta.
Nguyễn Khắc Xuyên
Chú thích
[7] Thời đó, bên Châu Au, linh mục ra ngoài đường phố thì khoác thêm một áo choàng. Philipphê Bỉnh có nói tới tục này trong sách “Sổ Sang chép các việc”.
[8] Nhận xét rất đúng, người Việt Nam chưa biết đóng giầy như ở Châu Au.
[9] Giáo sĩ quen nếp sống bản xứ: xem thêm việc ăn cơm.
[10] Theo Borri thì trong khi hội họp đình đám vẫn mỗi người một mâm
[11] Tục lấy phần về
[12] Thường thì lá cây chứ không phải rễ.
[13] Theo lịch sự, thì cho dù mình không thích nhưng cố gắng dùng và khen cái mối thịnh tình của người ta.
[14] Không phải là canh, cũng không hẳn là cháo, nhưng là thứ “potage” bằng nước thịt hay nước các thứ rau nấu chín.
[15] Mercurialle, theo Đỗ Tất Lợi thì có Mercurialis indica Lour (lộc mai) thuộc loại thầu dầu, không biết có phải vậy không?
[16] La rhubarbe. Đỗ Tất Lợi, sd, về cây đại hoàng, tr.468. Ở Pháp người ta làm mút với thân cây này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét