Hồ Trung Tú
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (SKTT) chép : « Đến khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả … »
III/ 1402-1471 ÐÃ XẢY RA QUÁ TRÌNH CHĂM HÓA RỒI SAU ÐÓ MỚI VIỆT HÓA.
Có thể nói rằng sau 1402 với những cuộc di dân rầm rộ dưới triều Hồ Hán Thương vùng Quảng Nam nay, người Việt đã đến ở và không phải bỏ chạy vì những cuộc phản công đòi đất trở lại của Chiêm Thành khi quân Minh đến hổ trợ cho Chiêm Thành lấy lại đất cũ. Chính quyền Chiêm Thành lấn ra trở lại tới vùng Thuận Hóa ( bắc Hải Vân) dưới thời thuộc Minh, dân Chiêm số người bỏ đi cũng trở lại quê hương bản quán, nhưng các di dân Việt đã vào không phải vì thế mà bỏ đi.
Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (SKTT) chép "Ðến khi Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ dân di cư sợ chạy tan cả".
Tất nhiên là như vậy rồi nhưng ngược lại, trường hợp Nguyễn Rỗ được Chiêm cho làm quan to cho phép ta hình dung tình hình không đến nổi khó khăn lắm đối với các Việt kiều, mặc dù Nguyễn Rỗ đã từng cai trị họ. Gia phả họ Hồ ở Cẩm Sa, Ðiện Nam, Ðiện Bàn là một ví dụ. Gia phả này đã chép được vị thủy tổ dòng họ này đã vào Quảng Nam từ thời đó, dưới triều Hồ Hán Thương. Con cháu đến nay cũng đã đến đời thứ 25-26. Ðây có phải là một trường hợp đặc biệt? Những cuộc điều tra là không khó và chúng tôi tin rằng đây không phải là trường hợp duy nhất.
Suốt từ đó, 1402, cho đến 1446 thì Nam Hải Vân hoàn toàn dưới sự cai trị của người Chiêm, vùng chịu nhiều cảnh binh đao là Hóa Châu, vùng Quảng Trị-Thừa Thiên ngày nay. 44 năm yên bình đối với vùng Quảng Nam. 44 năm hoàn toàn không có những di dân mới. Ðã có hai thế hệ người Việt lớn lên bên cạnh người Chiêm, những cuộc hôn nhân giữa hai dân tộc chắc chắn là nguồn mối của sự tồn tại. Những người Việt có thể phải nói tiếng Chiêm ngoài xã hội nhưng trong gia đình những con dâu, con rể người Chiêm có thể cũng phải nói tiếng Việt. Người Việt nói tiếng Chiêm không thể giống như người Chiêm và dĩ nhiên người Chiêm nói tiếng Việt cũng chẳng giống như người Việt vùng Thanh Hóa- Nghệ An. Dĩ nhiên giai đoạn này tiếng Chiêm là ngôn ngữ chính thống của vùng này. Ðến 1446 thì quân đại Việt đánh một trận lớn đến tận Chà Bàn (Quy Nhơn), bắt vua Chiêm là Bí Cai về Thăng Long. Vua Lê Nhân Tông là một ông vua nhân từ, bao nhiêu tù binh ông đều thả sau khi làm lễ cáo thắng trận ở Thái Miếu. Chính sự bao dung của Lê Nhân Tông trở thành điều quyết định cho số người Chiêm không chọn con đường di tản sau 1471 là đáng kể.
Giai đoạn 70 năm, 1402-1471 này là một giai đoạn lý thú đối với sự tiếp biến văn hóa Chàm Việt. Nếu 44 năm đầu ở đây diễn ra quá trình Chàm hóa số người Việt đã đến dưới thời nhà Hồ thì 25 năm cuối quá trình Việt hóa diễn ra trên cơ sở hỗ trợ của những Việt kiều vào trước. Chúng tôi nghĩ rằng chính nhờ giai đoạn chuyển tiếp này đã không tạo nên một cú sốc tâm lý đối với những người Chàm ở vùng này. Xin nhắc lại là lúc ấy kinh đô đã ở tận Chà Bàn, Quy Nhơn nay, những người Chàm ở lại vùng Quảng Nam sau khi kinh đô chuyển đi xa như thế hẳn chỉ là những xóm làng chài lưới, nông nghiệp không quan tâm lắm đến chính trị. Cuộc tiến đánh sử chép khá hiền lành năm 1446 có lẽ không gây nên một cú sốc khiến họ phải tất cả cuốn gói ra đi. Ðây là một tiền đề để những di dân sau 1471 đến vùng này không phải là đến vùng đất trắng không bóng người. Ðó là những giả định nhưng quả thật khó mà hình dung mọi chuyện khác đi. Với thời gian chắc chắn rằng sẽ không khó để tìm đủ được những chứng cứ để chứng minh cho những giả định ấy.
Tác giả Bình Nguyên Lộc không phải là không có cơ sở khi viết công trình "Nguồn gốc Mã Lai của người Việt". Chúng tôi nhận thấy ở đó thực sự có những bằng chứng thuyết phục, ít ra là xứ Ðàng Trong chứ không phải cả nước Việt nam như Bình Nguyên Lộc cố chứng minh. Thậm chí những cuộc hôn nhân chồng Việt vợ Chàm giai đoạn này rất phổ biến, phổ biến đến mức năm 1499 SKTT chép rằng: "Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ (chiếu dụ tháng 8 ngày 9 năm Cảnh Thống thứ 2)". Dĩ nhiên lấy đó làm bằng chứng không lấy vợ Chàm thì thật ngớ ngẩn, đó chẳng qua là vì người ta lấy vợ Chàm quá nhiều, thành phong trào từ thân vương đến dân đen, nên mới có cái chiếu dụ như thế, để cho phong tục được thuần hậu!
IV/. 1471-1671, 200 NĂM CỦA NHỮNG LÀN SÓNG DI DÂN, NGƯỜI CHĂM Ở LẠI HAY RA ÐI ?
Ðến năm 1471, cái mốc quan trọng và dứt khoát để chấm dứt những cuộc giằng co, lấn qua lấn lại giữa Việt và Chiêm thì những cuộc di dân là không thể kiểm soát được nữa. Ngoài số sắc chỉ năm 1476 quy định "tội nhân bị tội lưu đày ở châu gần thì sung làm quân vệ Thăng Hoa, ở châu ngoài thì sung làm quân vệ Tư Nghĩa, những kẻ được tha tội chết thì sung quân vệ Hoài Nhân", chúng ta còn hiểu rằng những năm mất mùa đói kém nhân dân từ Thanh Hóa trở vào cũng sẵn sàng lên đường vào Nam, vụ đại hạn mất mùa từ Nghệ An ra Bắc năm 1608 là một ví dụ. Hình tượng ông Ba Bị có lẽ hình thành trong giai đoạn này. Sách "Phủ Tập Quảng Nam Ký Sự", viết vào thế kỷ 16 có nói quân của Bùi Tá Hán nhận lệnh diệt quân Mạc ở Cổ Lũy, ông dẫn quân vào cho nghỉ ở cù lao Ré rồi giả làm đoàn người di cư, lén đổ bộ lên bờ và tấn công. Như thế ta hiểu là những đoàn người di cư vào năm 1545 ấy là đông đúc đến dường nào, nó đủ sức để một đạo quân cải trang lẩn trong ấy.
Những cuộc di dân như thế kéo dài được cho đến năm 1631, năm chuá Nguyễn cho xây lũy Trường Dục, chính thức chia đôi Nam Bắc, có nghĩa không còn di dân tự do. Những dòng họ nào di dân vào giai đoạn này cho đến nay đều có số đời từ 15 (1631) cho đến 21 (1471). Ðiều này cũng đúng với thực tế đối với đa số các gia phả ở Quảng Nam bây giờ. Những gia phả có số đời ít hơn đều có vấn đề để nói và chúng ta sẽ bàn đến kỹ hơn. Ðiều quan trọng nhất cần nhấn mạnh ở giai đoạn này là số lượng người Chàm ở lại là nhiều hay ít?
100 năm sau khi Lê Thánh Tông bình Chiêm, sách "Ô châu cận lục" mô tả vùng Quảng Nam - Thừa Thiên ngày nay : nói tiếng Chiêm có thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm có con gái làng Thủy Bạn, nhiều xã còn giữ thói dâm phong mây mưa, thói quen cổ truyền cũng đã lâu lắm. Sách "Phủ Tập Quảng Nam ký sự" đã nói kể chuyện ông Bùi Tá Hán trong những năm 1545-1568 có những chính sách với người Chiêm như : lập ở vùng biên giới Tuy Hòa nay, ba đồn lớn ở đó lập ba nơi giao dịch cho phép người Kinh-Chàm mang các thứ tới đây buôn bán. Người Chàm nếu có ai ra vào cửa khẩu vùng biên để thăm bà con thân thuộc thì đều phải trình báo rñ ngày giờ sới các quak đ!E1��n. Ðiều này cùng với mô tả trong "Ô châu cận l!E1��c" cho thấy khu vực người Chiêm còn ở lại là khá rộng, trải từ Quảng Bình tới Phú Yên, Tuy Hòa. Dĩ nhiên tình hình bây giờ không còn giống như hồi 1402-1471, họ buộc phải nói tiếng Việt khi giao tiếp ngoài xã hội. Ðó có phải là tiền đề của giọng người Quảng Nam bây giờ như giáo sư Trần Quốc Vương nói? Số lượng họ là bao nhiêu? Nhiều hay ít? Họ chuyển thành Việt như thế nào? Không ai biết nhưng có một số điều khiến ta có thể nghĩ rằng họ rất nhiều chứ không phải là thưa thớt như lâu nay ta nghĩ.
1/. Người Việt thời ấy ở ngoài bắc ăn bận như thế nào ta có thể hiểu được khá rõ qua các sắc chỉ về ăn bận của các triều vua mà SKTT ghi lại khá rõ. Nhưng ăn bận như Cristophoro Borri mô tả trong "Xứ Ðàng Trong năm 1621" : Phụ nữ mặc tới 5 - 6 váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia, và tất cả có màu sắc khác nhau. Ðàn ông thì quàng một tấm rồi cũng thêm 5 hay 6 áo dài thì quả thật rất khó hiểu, khó hình dung. Trong khi đó y phục của các văn nhân, tiến sĩ và quan lại thì rất quen thuộc và dễ hiểu như : họ choàng lên trên tất cả một áo dài đen. Họ còn khoác lên vai một thứ khăn. Vậy những tấm váy dân lao động mặc kia là ở đâu ra vậy? Bùi Tá Hán cũng có một sắc lệnh cấm phụ nữ mặc quần không đáy nhưng đến thời Borri vẫn thế cho thấy lệnh ấy không hiệu quả mấy. Và ở "Ô châu cận lục" ở chương Tổng luận về phong tục, mục huyện Điện Bàn cũng mô tả thật trùng khớp với Cristophoro Borri : "phụ nữ thì để tóc xỏa xuống vai, có người để tóc dài chấm đất, càng dài càng được coi là đẹp. Ðàn ông cũng để tóc dài như đàn bà, cho xỏa tóc tới gót chân và cũng đội nón." Người ngoài Bắc không thế.
Thậm chí đến cuối thế kỷ thứ 18, qua các bức vẽ của người phương Tây vẽ một nhóm người An Nam ở Ðà nẵng ta còn nhận ra y phục của người Ðàng trong rất giống với những gì bây giờ người Chàm, Ninh Thuận đang mặc. Có thể kết luận được không rằng : " số lượng người Chàm ở lại đông đến mức đủ sức áp đặt những thói quen ăn mặc, sinh hoạt, giọng nói cho những di dân mới đến?"
Thậm chí chúng tôi còn ngờ rằng đây không phải chỉ đơn thuần là sự tiếp thu cái mới của người Việt như một số người bảo vệ quan điểm cho rằng người Việt chỉ tiếp thu một số yếu tố văn hóa của người Chàm ngoài ra không có gì khác. (Ngay cách này cũng bộc lộ mâu thuẫn: con người ta không thể tiếp thu cái gì ở chỗ trống không, người Việt không thể tiếp thu bất cứ điều gì nếu người Chàm đều bỏ đi cả, hoặc giả cứ gặp họ là đuổi đánh, mà cái tiếp thu được thì nhiều lắm. Vậy những làng người Chàm ấy biến đi đâu?), mà đó là những cộng đồng người Chàm nguyên vẹn 100% chỉ có điều họ không nói tiếng Chàm. Người Việt đến chỉ là số nhỏ, nhưng có quyền lực hòa nhập trong đó. Dĩ nhiên cái tỷ lệ số lượng Chàm - Việt ấy nó không đồng đều, giống nhau từ vùng quê Trung Du, xứ biển làng chài với các khu thị tứ, dinh trấn, bến cảng. Ðọc sử, đọc những ghi chép đương thời đều chỉ thấy người Việt. Những vùng quê như Tiên Phước, Ðại Lộc, Quế Sơn...(những nơi có di tích Chàm) mọi chuyện có thể diễn ra một cách lặng lẽ, không tư liệu nào chép lại, nhưng dữ dội hơn nhiều. Sự tích tháp Bằng An là một ví dụ: Người Việt và người Chàm tranh đất, sau khi đã thỏa thuận nhất trí tổ chức một cuộc thi xây tháp trong một đêm, ai thua phải đi nơi khác. Người Chàm xây bằng gạch thật, người Việt làm một tháp bằng tre bồi giấy và đã thắng. Chúng tôi cũng đã đọc được một bản "Bắc địa tấu từ", một bản tâu gởi triều đình năm Lê triều Ất Hợi, 1455, kể chuyện xây tháp giành đất khiến hơn 3300 người Chàm (cổ thổ nhơn) phải bỏ chạy vào núi. Tháp Bằng An được xây dựng từ năm 977 nên khó mà biết được hư thực bản tấu ấy như thế nào nhưng qua đó và một số bản tấu khác trong giai đoạn này(1446-1471) nó phản ảnh được cái điều là người Việt lấn đất không phải bằng gươm giáo, ít ra là trên chính thống. Vậy những làng người Chàm, cứ cho là họ bị đuổi lên vùng trung du, thì sau này họ biến đi đâu? Và cái chiếu dụ tháng 8 ngày 9 năm Cảnh Thống thứ 2 ấy không lẽ làm ra để cấm cái chuyện không có?
Có người không đồng ý với ý kiến cho rằng vùng đất Quảng Nam từ 1306 đến 1602, năm Nguyễn Hoàng cho xây ở bờ bắc sông Thu Bồn dinh trấn Thanh Chiêm, là có tròn 300 năm không chính phủ, là 300 năm giao lưu văn hóa Việt - Chàm để hình thành nên tính cách người Quảng Nam. Bằng chứng đưa ra là lúc nào cũng có các quan trấn thủ của nhà Lê ở xứ nầy như Bùi Tá Hán. Chúng tôi không phản đối nhưng nghĩ rằng cần phải phân kỳ ra trước 1471 và sau 1471 lúc có các quan trấn thủ thì quyền lực của quan trấn thủ e cũng không được rộng khắp cho lắm. Ở Quảng Nam giỏi lắm là vùng Ðiện Bàn, Thăng Bình khu vực dọc theo sông Trường Giang ven biển chứ lên đến Ðại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước thì...Ngay cả Bùi Tá Hán thì cũng được SKTT (1568) gọi là thổ quan Quảng Nam cho thấy nền hành chánh ở đây cũng lỏng lẻo lắm, nó không như sau 1602. Chính sự lỏng lẻo ấy là điều kiện cần có để sự giao lưu, giao thoa, tiếp biến v.v...diễn ra một cách tự thân, hồn nhiên và sâu đậm, đủ để trở thành một bản sắc.
(Còn nữa)
Ở chỗ đây, có một "non nước Bình Khê" rất giống "non nước Bình Khê" của Trường Nghị!
Trả lờiXóaThì đúng là Non Nước Bình Khê của mình, không hề chi giống hay rất giống.
Trả lờiXóaTheo BuuChau như vậy nên vui hay không nè !?
意 在 言 外 !
Trả lờiXóa