Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

MÂM CƠM

CHÚ BÉ NGƯỜI NHẬT VÀ MÂM CƠM VIỆT NAM


Tháng 3 vừa qua, khi Nhật Bản hứng chịu trận động đất - sóng thần khủng khiếp, rộ lên chuyện chú bé Nhật mới 9 tuổi đã biết ý thức cộng đồng, biết chia sẻ nhau trong khốn khó.

Người Nhật đã từng gặp không ít tai ương, thảm họa. Những tai ương ập đến từ thịnh nộ của thiên nhiên, những thảm họa trút xuống do cuồng say tham vọng của con người … Nhưng người Nhật trước tai ương, thảm họa vẫn đứng lên được trong nhẫn nại. Sau khi đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945, chỉ 25 năm sau, Hội chợ Expo Osaka 1970 đã chứng tỏ sự vươn dậy của nền kinh tế Nhật. Động đất 1995 tàn phá sạch thành phố, nhưng chỉ 3 năm sau Kobe đã trở lại sầm uất, Thịt bò Kobe Nhật vẫn củng cố được thị trường.
Người Nhật vượt qua được các cơn hoạn nạn không hẳn riêng họ đã quen với thiên tai, không hẳn riêng họ có sẵn tính kiên cường, kỷ luật trong đối phó, không hẳn riêng họ có niềm tin tuyệt đối vào chính quyền sẵn đủ bản lĩnh chăm lo cho họ … cái của họ có mà mọi người phải khâm phục là những tấm lòng mà mới 9 tuổi họ đã biết chứng tỏ, biết thực hiện như là một việc tự nhiên trong cuộc sống.
Chưa rõ nền nếp giáo dục Nhật có những yếu tố chính yếu nào đã tạo cho những đứa trẻ Nhật biết sẻ chia, biết nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ ?
Từ lâu đời, Việt Nam chúng ta đã có sẵn tính giáo dục biết sẻ chia qua mâm cơm hằng ngày.
Không như cách ăn của Tây phương là ăn theo món, đĩa ai nấy ăn, mâm cơm Việt Nam chứa hết cả các món từ canh, rau đến cá, mắm … , nghĩa là mọi món đều dọn cả lên mâm để tất cả cùng ăn. Học ăn, học nói, học gói, học mở … Trong một cộng đồng nhỏ bé là gia đình, học biết sẻ chia bắt đầu ngay chính từ miếng ăn.
Với mâm cơm Việt Nam, cùng ngồi nhau ăn, tùy sức chứa của bao tử, người nầy có thể ăn nhiều hay ăn ít hơn, tùy vào khẩu vị, người kia có thể gắp món nầy mà không gắp món khác. Hẳn nhiên nếu dọn theo món, đĩa ai cũng đều phải có món đó, lỡ không thích cũng đành rán nuốt hoặc đôi khi phải bỏ thừa lại.
Cái chính yếu trong ăn uống là lúc vào mâm, phải biết “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Ăn không nên ăn lua ăn láu. Phải biết dừng chén khi trông vào nồi thấy cơm đã vơi. Biết dừng đũa để người khác gắp thêm miếng thịt, phải biết gắp thêm cho ông, cho bà một miếng chả ngon. Vợ nhường cho chồng, ông bà nhường cho cháu, đầm ấm của một mâm cơm trong ý thức sẻ chia …
Mâm cơm Việt Nam, bàn ăn của Việt Nam ngày xưa cùng thường là hình tròn. Ngồi tròn lại với nhau, quây quần bên nhau … Ngồi sát vào mâm lắm té ra là kẻ ham ăn, ngồi xa mâm quá sẽ giống như kẻ bên lề. “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, ngồi vào mâm quây quần sao để cùng trao đổi nhau chuyện hằng ngày, quây quần sao để cùng thuận tiện chăm sóc miếng ăn cho nhau … trong một mái ấm cùng chung mấy thế hệ.
Tính cộng đồng sẵn có từ truyền thống gia đình, tính sẻ chia sẵn có trong mâm cơm hằng ngày, nhưng ý thức sẻ chia trong hoạn nạn, trong khốn khó, hiện nay người Việt thể hiện được qua những hiện thực nào đáng để suy gẫm !?

1 nhận xét:

  1. Phải thừa nhận là thịt bò Kobe Nhật ác liệt thật, lấn sân sang cả Việt Nam.

    Khách sạn Vườn Thủ Đô vào những buổi sáng cuối tuần thường khó tìm chỗ đậu xe ôtô vì nhiều người đánh xế hộp tới ăn phở bò. Món phở bò Kobe 850 nghìn đồng/bát rất đắt khách, bất chấp nỗi lo phóng xạ ở Nhật Bản. Cách đây chưa lâu, bát phở bò Kobe loại Gyu này chỉ 750 nghìn đồng, dường như để “hưởng ứng” cơn bão giá, người ta tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi bát nhưng không vì thế mà số người ăn giảm xuống.

    Đoạn trên tôi cóp từ Tiền phong online hôm qua đấy.
    (http://www.tienphong.vn/Phong-Su/534210/Nhung-bua-tiec-vang.html)

    Trả lờiXóa