Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

THẦM LẶNG

VỀ QUÊ ĂN TẾT

Ai xa xứ cũng đều muốn có mặt ở quê 3 ngày Tết. Tết Nguyên Đán là ngày đoàn tụ gia đình. Dù đang ở chân trời góc biển, dù đang sống nơi phố thị phồn hoa, Tết đến, có cái gì đó thôi thúc trong lòng người xa xứ phải về quê. Về ăn Tết ở quê …
Về quê ăn Tết, một chút ấm cúng không khí gia đình rồi phải hối hả đi thăm bà con láng giềng, họp mặt thầy cô, bạn bè … Thế mà đã kỳ họp mặt thứ 22 !  Rồi tất bật với công việc phải quay lại Saigon. Quay cuồng với hối hả, cả tuần nay mới ngồi lại viết đôi dòng.
Nhớ năm nào cô bạn nhỏ tâm sự về năm đầu tiên phải ăn Tết Saigon thời thập niên 70, 80 sáng mồng 1 ra ngồi vỉa hè, ước gì có được chuyến xe về quê ăn Tết muộn. Về được đến quê, gặp ngay người lâu nay ghét cay ghét đắng đi nữa cũng ôm chầm lấy mà cười như pháo Tết ! Cái thôi thúc của quê hương sao mà lạ, nó mang cả sự bao dung, hiền dịu đến cho con người. Nơi phố thị dù cũng có láng giềng, dù cũng có niềm vui gặp gỡ, thăm hỏi nhau 3 ngày Tết, nhưng cái ý tưởng ăn Tết ở quê thôi thúc phải đi, phải về … con người chấp nhận quần quật với cái hối hả của cuộc sống.
Năm nay về quê ăn Tết, cuộc sống ruộng đồng làng quê miền Trung hình như cũng bị cái hối hả lấn chen. Năm ngoái đến thăm một nhà quen, cô con gái chủ nhà niềm nở mời “chú dùng với cháu miếng mứt gừng riêm ấm bụng …”, năm nay đến nhà chỉ toàn bánh mức công nghiệp, cô cháu gái ở thành phố cũng chỉ kịp về hôm 28 tháng chạp. Các loại bánh ăn chơi 3 ngày Tết thuở xưa đòi hỏi sự kỳ công làm nên đã vắng bóng lần. Bánh mè, bánh tai yến, bánh thuẫn, bánh bò … của đất Bình Định hình như không còn thấy hiện diện trên đĩa bánh Tết. Đĩa bánh Tết ngày xưa không những để ăn chơi mà còn thể hiện sự khéo tay của người con gái trong gia đình. Sự kỳ công trong bánh trái tạo nên nữ hạnh, nữ công hình như nay đã không còn cần thiết trong cuộc sống xô bồ, hối hả … Khái niệm nữ hạnh, nữ công cho rằng không cần thiết nên đã có vài cô gái thản nhiên mặc quần soóc đi giữa làng quê giống như đi giữa đường phố Saigon. Cũng thật lạ, cái gì ở phố phố chê thì mang về làng biểu diễn, cái gì ở làng làng chán thì mang ra phố khoe khoang. Khoe cả cung cách ngồi ghếch cả 2 chân lên bàn mặc nơi đó là hàng quán hay công sở.
Tết ngày xưa qua diễn tả của cụ Tú Xương :
Công đức tu hành, Sư cũng lọng
Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe
(Năm mới)
Hình như thời buổi nầy cũng chẳng khác gì thời cụ Tú 100 năm trước. Cái gì khoe được cứ mang ra khoe. Ngày thường còn khoe được huống chi 3 ngày Tết. Có ai cùng nghĩ rằng sự khoe khoang là đầu mối hám danh hám lợi để rồi đẻ ra nhiều tệ nạn khác, đẻ ra nhiều nguy hại khác cho xã hội !? Lễ khai ấn Đền Trần, giẫm đạp lên nhau để mua cho được lá ấn Đền Trần đêm rằm vừa rồi ở Nam Định không còn là đức tin dân gian nữa mà đã “hiện đại hóa, cụ thể hóa” tính cách hám lợi, hám danh.
Cũng may, đây đó còn có những người thầm lặng làm được những gì cứ làm cho những người chung quanh. Năm nay cùng về ăn Tết ở quê, người bạn học cũ là Bác Sĩ Trưởng Khoa của một bệnh viện ở Biên Hòa, cũng như mọi năm, mồng 3 Tết khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo nơi mình đã cắt rốn, chôn nhau. Gọi là gì cũng được, cứ xem như là sự tri ân với quê hương, cứ xem như là một việc làm khi về quê ăn Tết.
 Một công việc thầm lặng chắc chắn là không vì lợi, vì danh …

Bs G.  phía trái ngoài cùng


2 nhận xét:

  1. Đọc bài này của TruongNghi làm tui cũng sực nhớ lại là cái tết Tân Mão vừa rồi mình cũng toàn thưởng thức bánh kẹo công nghiệp, trừ bánh chưng & bánh tét dứt khoát là không thể sản xuất theo kiểu công nghiệp. Bánh thuẩn, bánh in... ôi, còn đâu! Còn chuyện khoe khoang, hám danh hám lợi lại trở thành cái "mốt" thời đại, thiệt hết biết! Mượn một đoạn nhạc trong bài "Tôi muốn..." của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà để bạn bè cùng đồng cảm nha: "...Tôi muốn cười vào những khoe khoang, tôi muốn khóc trông đời điêu tàn..."

    Trả lờiXóa
  2. Có khoe thì đã có thầm lặng. Không sao không sao. Thế mới là xã hội. Có điều bây giờ trên chỗ Luyện mà có còn cái bánh khô nào thì cắn một cắn, hớp một hớp trà ... Đúng là vẫn còn Tết, quá đã phải hôn !? Ngấm Tết để ngấm cơn bão giá đang loạn ngoài kia !

    Trả lờiXóa