Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

ĐỒ DÊ


Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu được sáng tác từ hồi giữa thế kỷ thứ 19. Ở câu 1971 trong truyện thơ nầy, nhân vật Bùi Kiệm háo sắc được cụ Đồ phệt bút qua hình ảnh là một người mang dòng máu Dê :

Còn người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu

Té ra từ xửa từ xưa con Dê đã là biểu tượng của cái tật ba lăng nhăng. Qua vậy anh nào hay léng phéng, sàm sỡ với mấy nường, lâu nay đã được thiên hạ gán cho ngay cái tên chẳng mỹ miều gì là đồ Dê ! Chẳng hiểu đồ Dê có mối tương quan như thế nào với mấy con số mà thay vì gọi đồ Dê, thiên hạ còn gọi là đồ 35. Có mấy anh bước đến niên kỷ nầy mà buộc phải trả lời khi bị hỏi tuổi, mấy ảnh phải nói trớ ra rằng năm ngoái được 34, sang năm tới mới 36. Thật tội cho mấy con số, mấy con Dê… phải ngượng mặt vì sánh đôi cùng với mấy tay có máu sàm sỡ.

Đúng ra ngày xưa Dê được nuôi dùng cho tế lễ, người nuôi phải chăm chút trông nom sao cho vật tế được tinh khiết, có thịt có da. Thực Lục Chính Biên ghi vào năm Minh Mệnh thứ 17 (năm 1836), vua lệnh mua 220 con dê đực và 100 dê cái để nuôi, chọn ra 20 con đực giao cho Tế sinh lo việc cho lễ tế Nam Giao. Năm thứ 21 (năm 1840) vua còn khuyến khích ai nuôi dê được nhiều sẽ ban thưởng. Ngày xưa Dê được coi trọng trong đàn gia súc. Chẳng vậy mà Dê đã dám kể công tranh hơn với ngựa, trâu, gà, chó… trong áng văn cổ Lục Súc Tranh Công” :

Dê vốn thật thuộc về vật lễ, 
Để hòng khi về hạng tư-văn,
Để dành khi tế thánh, tế thần,
Lại có thủa kỳ an, kỳ phước,
Hễ có việc lấy dê làm trước,
Dê dâng vào, người mới lạy sau
Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao
Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa…

Dê đem tế thần nhưng trước sau gì Dê chẳng sa vào bao tử của kẻ phàm phu tục tử. Quý ông sành nhậu đẫm mùi phương châm ăn gì bổ nấy, cái món dê luôn là món hàng đầu đưa lên thực đơn để trợ giúp sự sung sức khi lâm trận trên giường. Mấy khứa kháo nhau là ăn Chân Dê hầm với câu kỷ, Pín Dê hầm dâm dương hoắc… yêu cả ngày không biết mệt. Chắc vì dùng nhiều thần dược có món Dê nên quý ông thấm đẫm máu Dê trong người, đi đâu cũng phưởng phất mùi Dê tránh sao khỏi bị gọi là đồ Dê.

Kể ra Dê cũng là một trong những con vật gần gũi với con người, được xếp vào hàng thập nhị Chi - Tý Sửu Dần Mẹo… Theo Dịch học ngày xưa, 12 con vật nầy là tượng hóa của thuật toán tính toán sự chuyển vận của cuộc sống. Thừa tướng Gia Cát Lượng thời tam quốc Ngụy Thục Ngô bên Tàu được cho là một nhà Dịch học đã sử dụng nhuần nhuyễn chúng trong ứng xử cai trị, đánh trận, thu dụng nhân tài…

Ngày nay thiên hạ cũng cho rằng dùng phương thức Khổng Minh Tầm Hữu của ông, qua ngày sanh tháng đẻ của một người có thể chiêm đoán ra ngay tính tình của người đó. Chả biết mấy nhà tuyển dụng nhân sự cho nước nhà trên thế giới (trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay) có học sách của chiến lược gia đại tài Khổng Minh - Gia Cát Lượng không !? Ví dụ theo tuần tự vận hành Bì, Can, Đởm, Trường… của tháng sinh trên thập nhị Chi, nếu Trường (ruột) mà an vị ở Mùi, thì bụng dạ người đó khúc khuỷu, cong vẹo, là người không được thẳng ngay. Còn nếu Giác (sừng) mà an vị ở đó thì nhất định đó là người có tính húc báng thiên hạ, phải né tránh không nên gần gũi (hic !). Khúc ruột, cái sừng của con Dê thật đúng là đồ Dê !

Cái sừng con Dê, cái tính húc báng của Dê cũng hiện diện trong văn học Việt Nam :

Ấy khuôn hay mẹo thợ nào lừa ?
Mướp đắng khen ai đổi mạt cưa
Rắn đói đâu từ con cóc thối
Mèo thèm chi dỗi miếng nem thừa
Ong già buông nọc châm hoa rữa
Dê yếu văng sừng húc giậu thưa
Ơ hở tiền chi mua vải nối
Nồi nào vung nấy khéo in vừa
(Tương Phùng - Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

Cặp luận Ong già buông nọc châm hoa rữa / Dê yếu văng sừng húc giậu thưa sau nầy cũng có mặt qua đôi câu của Bà Chúa Thơ Nôm vào đầu thế kỷ 19 :

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ,
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
(Mắng Học Trò Dốt - Hồ Xuân Hương)

Dê xồm, già Dê … là hình ảnh hiếu dục, dâm đãng của những chàng Bùi Kiệm. Dê cỏn là hình ảnh gán cho mấy anh tập tọng, vênh mặt ngọng nghịu chuyện văn thơ. Dê nào mà chẳng đồ Dê.

Xem ra thế chớ trong cuộc sống đâu phải lúc nào hình ảnh của con Dê cũng đều không được tốt đẹp. Chữ Cát Tường với ngữ nghĩa là may mắn, tốt đẹp, trong Hán tự thì Tường ( nghĩa là tốt lành) được viết dưới tự dạng chữ Dương ( nghĩa là con Dê). Mấy anh ba Tàu còn có câu chuyện Hán Lưu Bang lúc còn lẹt đẹt với chức Đình trưởng, đêm nằm mộng thấy mình đuổi theo, bẻ được sừng và bứt đứt khúc đuôi một con dê. Người giải mộng bảo rằng con dê là chữ Dương (), bỏ 2 sừng và đuôi đi thì còn thành chữ Vương ( có nghĩa là Vua). Quả nhiên sau đó Lưu Bang khởi binh diệt Tần Thủy Hoàng, tranh bá đồ vương đánh tan Hạng Vũ, rồi lên ngôi lập ra nhà Hán. Vậy chẳng phải hình ảnh con Dê đã làm nên cơ nghiệp 400 năm cho nhà Hán bên Tàu hay sao.

Dê có tiếng kêu be be có thể làm khó chịu một số người (chắc bị ám thị cái giọng cười Dê cụ be he he…), nhưng với mấy đứa nhỏ đang tập nói mà nghe được tiếng kêu của Dê, khi hỏi Dê nó kêu sao con. Nói chắc như cua gạch là khi nghe chúng nó nhái lại giọng Dê kêu, ai mà chẳng thấy sảng khoái trước hồn nhiên của trẻ thơ.

Trong cuộc sống của cõi ta bà, tốt hay xấu, trắng hay đen, hay hay dở… cũng đều từ cái tâm, góc nhìn của chính con người. Đâu phải lúc nào gặp Dê cũng đều phệt thẳng tay là Đồ Dê hết ráo!

ĐỒ GÀN XXI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét