Già Lạc lặng lẽ bước ra đường, cánh cửa Am nhẹ
khép phía sau lưng nhưng giữa đêm thanh vắng nên cũng gây thành tiếng động rõ
to. Mùi hương trầm đuổi theo thoang thoảng như còn muốn níu lấy đôi chân Già nán
lại chốn thiền thêm chút nữa. Già thầm trách mình sao lắm chuyện. Chỉ mỗi một
câu chuyện cần phải hỏi, rồi chuyện vãn kéo dài đến nỗi Già quên cả giờ giấc. Sư
cụ Am Tịnh Liên sau thời kinh chiều cũng mải mê đàm đạo với Già bỏ cả nghỉ ngơi.
Nếu đêm chưa khuya, chắc Già cũng chưa phải quay gót.
Ngẩng lên nhìn trời, Già Lạc thấy sao Cày đã lên
quá trên đỉnh đầu, trăng thượng tuần xê xế phía Tây bóng khuất sau tàu cau cao.
Mọi thứ chung quanh chìm trong yên ắng. Già Lạc trầm ngâm đạp lên cái bóng đổ dài
của mình trên đường. Chốc nữa thôi. Cũng đã sắp tới giờ nghe tiếng Hổ gầm phát
ra từ phía Hoàng cung.
Hôm trước đem củi vào bán trong chợ Hoàng
thành, Già Lạc nghe được tin ngọc thể của Hoàng thượng chẳng ổn. Không hiểu sao
mình mẩy Vua bỗng ngứa ngáy sinh ra đầy lông lá. Hình như các Ngự y trong cung
không biết đó là căn bệnh gì, tất cả đều bó tay trước hình dạng quái ác của nhà
Vua. Người trong Hoàng thành còn tán với nhau là khi mấy đại quan vào vấn an,
Vua vụt chồm lên chụp phải một người nhe răng cắn lấy cắn để. Cả triều thần đều
một phen kinh hoảng. Từ ấy đến nay, hằng đêm người ta nghe tiếng gầm gừ vang ra
từ chốn hậu cung. Thoạt đầu chỉ nghe lơi lơi tiếng hừng hực, nhưng càng về sau
thốt lên thành tiếng gầm xé tai của loài dã thú chốn sơn lâm. Mọi người cho là
Vua đã hóa thành Hổ.
Già Lạc chợt bật cười thầm. Bấy lâu nay lăn lộn
với núi rừng, không chỉ với Thỏ Sóc Hươu Nai…, Già đã từng gặp gần như đủ hết các
loài ác thú. Giờ Già bỗng muốn được thấy bóng dáng con người trong hình hài của
Chúa sơn lâm. Không khéo lại phạm húy mất. Nhưng nói để mà vui chớ với kẻ thường
dân như Già dễ gì diện kiến được long nhan. Mà kể ra cũng lạ, chuyện người hóa
Hổ biết được trong đời Già, lần nầy có phải là lần thứ nhất đâu.
Bốn mươi, bốn mốt năm về trước, quãng ấy Già chừng
đâu được hai lăm, hai sáu, thuở mà vợ chồng Già mới xuôi về đây che tạm cái lều
bên lạch Phù Khê, Già thường theo cửa Quảng Phúc vào ra Hoàng thành đổi chim
muông lấy gạo lấy mắm. Già còn nhớ dạo đó cả Thành râm ran câu chuyện người hóa
Hổ muốn hại Vua lan ra khắp ngõ hẻm hang cùng. Năm ấy Tiên đế Lý Nhân Tông đang
ngự thuyền ở Dâm Đàm xem đánh cá, trời bỗng chợt nổi mây mù mịt mà chung quanh
lại có tiếng mái chèo rào rào bơi sát bên thuyền Rồng, Vua sợ có biến nên lấy
giáo từ bọn thị vệ ném ra. Mây mù theo đó lắng tan nhưng mọi người hoảng kinh
thấy trên thuyền tự nhiên xuất hiện một con Cọp dữ. Người đánh cá vội lấy tay lưới
chụp trùm lên con thú. Khi định thần nhìn rõ thì té ra con thú trong lưới đó lại
chính là Thái sư Lê Văn Thịnh. Sau nghe đâu triều đình bắt tội là Thái sư học
được phép lạ hóa ra Hổ định làm chuyện thí nghịch, nhưng Tiên đế xét vì Thái sư
đã có nhiều công trạng với đất nước nên chỉ đưa đi an trí trên miệt Thao Giang.
Già Lạc chép miệng thở dài. Thuở trước là
Thái sư, dạo nầy lại là Hoàng thượng. Sao vậy nhỉ. Người hóa thú không phải Quan
thì cũng là Vua, không phải kẻ cầm cân nẩy mực thì cũng là người có quyền uy tối
thượng !
Xa xa phía trước bóng Hoàng thành chìm dưới
chân trời. Ánh trăng mờ mờ soi chẳng rõ đường đi nhưng Già Lạc vẫn rảo bước. Mấy
khi nay Già đã vốn quen đi lại, đã quen từng vạt cỏ bờ cây trên đường nầy. Nơi
sơn thôn hoang dã lèo tèo mấy nóc nhà, chỉ riêng Già là thường qua lại chốn vắng
vẻ nầy để hầu chuyện cùng với Sư cụ Am Tịnh Liên. Am Tịnh Liên chỉ là một mái
lá nhỏ dựng bên bờ đầm chừng ba năm nay. Sư cụ là người trước đây như thế nào, ở
đâu về đây… Lâu nay Già không tiện hỏi hay đúng hơn là không muốn hỏi. Già chỉ
cần biết khi bước vào thảo am của Sư cụ xem có vẻ nghèo nàn so với những ngôi
chùa Phật vàng tráng lệ do triều đình xây dựng trong thành, nhưng chỉ có ở đây Già
mới thấy mình phiêu phiêu như ở giữa chốn hư vô. Già chỉ cần biết khi tiếp chuyện
cùng Sư cụ với bao nhiêu chuyện trên đời không riêng gì là chuyện của cửa thiền,
Già thấy mình như nhẹ hẳn ra sau những nhọc mệt với công việc hằng ngày. Nhưng
đêm nay… Đêm nay trên đường rời thảo am trở về nhà, Già thấy vẫn còn cái gì đó
chưa làm thanh thản được bước chân. Tại sao những người đầu tắt mặt tối như Già
không sinh ra chuyện hóa thành ác thú như vậy. Rồi trong hình hài ác thú, con
người có hay không có bản tính của con người… !? Già chưa kịp hiểu hết những gì
lúc nãy Sư cụ đã nói.
Đang rảo bước Già Lạc bỗng dợm chân đứng lại.
Một bóng đen thoáng vụt qua lao biến trong màn đêm dao động cả tàng cây bên đường.
Phía trước mặt là một khe nước cùng với nhịp chân chạy vừa rồi, Già biết chắc
bóng đen lúc nãy hẳn là một con nai tơ. Ừ, nếu con nai vừa rồi là một con nai
trắng thì hay biết mấy. Nếu muốn Già sẽ theo dấu nó đến cùng và chẳng muộn gì
nó sẽ dính bẩy sập của Già. Chẳng cần phải dùi mài kinh sử như Thái sư tiền triều
làm gì, chẳng cần chi phải đeo đuổi khoa cử, vì dưới triều Hoàng thượng hiện
nay đã có lắm người được triều đình ban tước lộc chỉ nhờ vào mỗi một việc là
dâng lên cho Vua những con rùa, con chim, con hươu trắng…
Già Lạc soải chân bước qua khe nước rộng. Nói
cho cùng, việc Hoàng thượng ưa điềm lành thích vật lạ đâu có gì đáng để phải
tán chuyện. Hồi nhận được báo tiệp của Thái phó Lý Công Bình ở Châu Nghệ An
phía nam gởi về, Hoàng thượng xa giá đến tận các kiểng chùa, các đạo quán trong
thành để lạy tạ ơn trên đã ngầm giúp cho Thái phó thắng giặc. Điều đó tỏ thấy Hoàng
thượng rất sùng đạo, đắm vào đạo hơn cả Vua cha. Cả Hoàng thái hậu tiền triều
là Linh Nhân Hoàng hậu Ỷ Lan được tiếng mộ đạo cũng chẳng thể so bì. Già Lạc trầm
ngâm. Thế thì nay sao Hoàng thượng lại hóa thành ác thú cuồng loạn cắn xé làm ai
cũng phải sợ, triều đình phải sắm “kim
lung” cho Hoàng thượng ở tạm trong
đó. Sao vậy nhỉ !?
* *
*
Ánh đèn tờ mờ trong nhà không đủ sáng để xuyên
qua phên liếp thưa. Tiếng con Mốc rít khe khẽ ở bên trong. Già Lạc vừa đẩy tấm
phên bước vào nó đã quắn quíu vẩy đuôi, dụi đầu quấn lấy chân Già.
- Ông
nó về rồi đấy à.
- Bà nó cũng chưa ngủ sao.
- Mới vừa hãm ấm nước đấy, lấy Ông nó uống
nghe.
Nhìn bọt nước lá vối lăn tăn nổi trào trên miệng
bát đất, Già Lạc hít một hơi dài lắng nghe cái mùi ngai ngái của lá vối đậm hơi
khói bếp xông sâu vào trong lồng ngực. Mùi sương đêm hầu như đã rũ bỏ hết bên
ngoài sân. Mấy mươi năm rồi vợ chồng Già đạm bạc bên nhau, nó nồng nồng, chan
chát nhưng lúc nào cũng quyện sánh như màu sắc cùng mùi vị của bát nước lá vối.
- Sao
Bà nó không uống cùng.
- Ừ, Ông nó uống trước đi. Tiếng trong cung đêm
nay… có vẻ muộn hơn mọi khi Ông nó nhỉ !?
Có vẻ là vậy, Già Lạc ngập ngừng đưa bát nước
lên môi. Hoàng cung là nơi quyền quý cao sang, chắc Hoàng thượng chưa từng dùng
tới thứ nước dân dã nầy. Nghe đâu thiên hạ cho rằng Hoàng thượng chính là hóa
thân của Đức Thánh Láng Từ Đạo Hạnh. Già còn nghe nói Đức Thánh Láng trước khi
hóa có bảo cùng đồ đệ rằng vì túc nhân chưa hết nên phải thác thai vào cung ! Già
chưa thấy hết sự huyền diệu của đạo pháp nhưng dưới cặp mắt tục thế của mình,
Già nghĩ đã bước vào chỗ chức quyền là nơi phải chấp lấy sự quyết liệt chốn trần
đời. Nơi ấy, dễ gì Hoàng thượng đã có được cảnh ấm cúng như Già nâng bát nước
mà vợ của Già vừa mới rót cho. Chốn quan trường, chỗ triều trung là nơi cuốn
xoáy cuộc sống của tứ dân. Thế nào mới gọi là đủ đạo hạnh để bước vào nơi hiểm
ác đó mà vẫn ung dung, thanh thản. Rong chơi trong cõi tồn sinh, dễ gì đạo hạnh
thắng được cám dỗ của hưởng thụ và quyền lực… Già Lạc thấy mình như càng lúc càng
đắm chìm vào những vướng bận không đâu.
- Ông
nó nè, tiếng nó… đấy.
Già Lạc tỉnh người khẽ buông bát nước xuống
bàn. Xa xa phía hoàng cung đã vọng đến tiếng gầm của hằng đêm. Ban đầu còn văng
vẳng, càng lúc tiếng càng rõ dần. Ban đầu thưa từng tiếng một, càng lúc tiếng
càng dồn dập xé màn đêm. Đã chờ đã quen lắng nghe nhiều đêm rồi, Già bỗng nhiên
thấy tiếng chúa sơn lâm đêm nay nó khang khác làm sao ấy. Tiếng gầm vang rõ sức
thị uy nhưng chất chứa niềm cô độc, có cái gì đấy bi thương, dằn xé ở bên
trong. Con Mốc dưới chân Già không nép mình mẹp dí xuống đất giống mấy đêm trước,
nó nhổm dậy như muốn cất tiếng sủa lại. Già Lạc nhẹ tay vỗ vào đầu nó mấy cái.
Con Mốc lặng lẽ bò sang nằm bên ngạch cửa. Già chợt thừ người ra nhớ lại bài kệ
mà Sư cụ Am Tịnh Liên bảo rằng đó là của Đức Thánh Láng. Sao nhỉ, đại khái là :
Cho
rằng Có thì cát bụi đều Có
Cho
rằng Không thì hết thảy đều Không
Có
và Không giống như trăng dưới nước
Chớ
chấp vào Không là Có hay Không
- Sao
vậy ! Sao Ông nó thừ cả người ra vậy !
Vợ của Già lặng người. Bà thấy hình như Già
không nghe tiếng của bà hỏi, hình như Già cũng không nghe tiếng gầm nơi cung cấm
còn vang vọng tới. Bà thấy rõ rằng Già đang để tâm lắng nghe tiếng nói ở trong
Già.
Lan nguyệt, Giáp Ngọ niên
Trái tim già Lạc sống bình yên
Trả lờiXóaNghĩ cũng đơn giản quanh bao chuyện
Thắc mắc thoáng qua rồi đắm chìm..
Đi vào thế giới tịnh cùng đêm
Ngoài kia vẳng xa tiếng hổ gầm...
Nỗi lòng ác thú đồn cung cấm?!
Chẵng còn tác động Gìa lạc lòng
Chỉ như bóng nước trăng xao động..
Tâm an ngoài động có như không!
Ngoài yên tâm động không như có!
Dữ ác- hiền lành tự Ta đó!?
Tự Tâm sinh chuyển hóa tự do...
Đạo Pháp bảo bối trấn không- có?
Nên -hư áp đảo để chọn lựa?
Con đường ngay thẳng đi là mơ...
Bình yên
An nhiên....