Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

"LŨ" Ở TÂY SƠN CÒN ĐÓ NGỔN NGANG


Con lũ ở Tây Sơn - Bình Định đã qua rồi nửa tháng, nhưng những ê chề trong cuộc sống của bà con vẫn còn đó những ngổn ngang. Những hình ảnh mà đại chúng biết về con lũ, có lẽ đọc được sớm nhất từ trang Thanh Niên Online :

Sáng 15.11.2013, nhiều người dân ở các xã Tây Giang, Tây Thuận (huyện Tây Sơn) gọi điện đến các cơ quan chức năng cầu cứu. Theo người dân, lũ lớn nhanh và quá bất ngờ nên nhiều gia đình không kịp trở tay. Trụ điện cao thế tại thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận nằm sát suối Cát bị ngã gây mất điện nhiều khu vực huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh. Cầu bắt qua Suối Cát, vốn đầu tư xây dựng hơn 2,5 tỉ đồng, vừa được khánh thành vào giữa năm 2012 cũng bị lũ cuốn trôi.

Đến trưa cùng ngày, nhiều nơi trên Quốc lộ 19 bị ngập, giao thông bị chia cắt. Đặc biệt, nhiều khu vực tại thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) lần đầu tiên bị ngập lụt.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

XUÂN NHẬT TỨC SỰ



春 日 即 事
二 八 佳 人 刺 繡 持,
紫 荊 花 下 轉 鸝。
可 憐 無 限 傷 春 意,
盡 在 停 針 不 語 時。
玄光

XUÂN NHẬT TỨC SỰ.
Nhị bát giai nhân thích tú trì .
Tử kinh hoa hạ chuyển Hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý.
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
Huyền Quang

Với tay thêu cô gái 16 xuân xanh, gấm hoa chầm chậm hiện ra
Dưới tàng hoa Tử kinh rộn ràng tiếng của Hoàng Ly
Lòng vô vàn thương cảm ý xuân
Lan tận đến khi không còn tiếng động của mũi kim thêu

NGÀY XUÂN NGHĨ CHUYỆN
Xuân chầm chậm dệt xuân sang
Dưới hoa oanh thốt rộn tàng Tử kinh
Miên man xuân ngập ý tình
Tận nơi lặng tiếng dặm nghìn thoi đưa


Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

ABC


Có lẽ ngày xưa các cụ của ta hẳn bấn loạn ghê gớm khi bỏ bút lông cầm lấy cây bút sắt để viết chữ quốc ngữ - kiểu chữ abc (!). Cái chữ ta, chữ Nho của Hán ngữ mà lâu nay các cụ tụng như tụng kinh, theo các cụ đó là chữ của thánh hiền. Chữ thánh hiền là chữ của đạo nghĩa. Không ít người kể lại chuyện các cụ khi tập viết chữ, viết xong phải nhai chúng nuốt vào bụng. Chữ của thánh mà vứt bỏ bậy bạ sẽ ô uế, tỏ ra bất kính. Không biết có phải vậy không, nhưng cũng không ít người kể lại rằng các cụ nuốt chữ vào bụng là để chữ ở luôn hẳn trong người, may ra khi đi thi còn có chữ lấy ra tranh làm ông Nghè ông Cống với thiên hạ !