QUẬN BÌNH KHÊ : 4 TRƯỜNG
15 - Trung Học Quang Trung:
Vị
trí trường nằm phía Tây Bắc thị trấn Phú Phong, cách quốc lộ 19 chừng 200 mét về
hướng bắc, cách Quận Đường chừng 1 km về hướng tây, sát với ngã ba sông. Nơi
đây, sông Đá Hàng (tên một phụ lưu của sông Côn, phát nguyên từ vùng núi An Tượng
ở Vân Canh chảy về hướng bắc, vòng qua Hầm Hô rồi đổ ra Phú Phong theo hướng
tây nam – đông bắc), gặp sông Hà Giao (tên của sông Côn ở đầu nguồn) chảy từ
tây bắc xuống đông nam. Khuôn viên trường là một phần đất của hãng Delignon
(công ty dệt tơ tằm của Pháp ngày xưa), mặt tiền (hướng bắc) và mặt hông (hướng
tây) ngó ra sông nên cảnh trí rất thơ mộng.
Niên
khóa đầu tiên (1964 - 1965), Trung Học Quang Trung chỉ có 2 lớp Sáu và 1 lớp Bảy.
Trường sở là dãy nhà trệt 4 phòng, nằm phía đông của khuôn viên, đối diện với
trường Tiểu Học Quận Bình Khê. Vị Hiệu trưởng trường Tiểu Học này là thầy Nguyễn
Đồng, kiêm nhiệm luôn cả chức Hiệu trưởng Trung Học, cho đến năm 1968. [Niên khóa đầu tiên của Trung Học Quang Trung 1965 - 1966,
trường tuyển 2 lớp Đệ Thất, sau gọi là lớp 6. Cơ sở Trường chưa có, phải học nhờ ở
Trường Tiểu Học Quận Lỵ Bình Khê - QuangTrung BinhKhe chú dẫn]
Niên
khóa 1968 - 1969, Trường xây dãy lầu 6 phòng học và 2 phòng hành chánh, nằm giữa
sân trường, mặt ngó ra sông. Niên khóa 1971 - 1972, trường xây thêm dãy lầu 6
phòng học, nằm phía tây sân trường. Lúc này, cơ sở trường có ba dãy nhà gồm 18
phòng học, liên kết thành hình chữ môn. Ngoài ra, còn một dãy nhà trệt, nằm bên
tay phải cổng vào, gồm 3 phòng làm việc, dành cho hiệu trưởng, giám học và giáo
sư. Nhận thấy dãy phòng học ở phía đông là nhà trệt không cân xứng nên trường định
sẽ phá bỏ để thay thế bằng dãy lầu. Ngoài ra trường cũng đã mua đủ kính, dự định
hè năm 1975, sẽ thay thế toàn bộ cửa sổ lá sách các phòng, bằng cửa kính cho
sáng sủa và ấm áp, trong mùa đông gió bấc phải đóng kín cửa.
Trường
Trung Học Quang Trung, lúc đầu chỉ có 6 giáo sư, với 3 lớp đệ nhất cấp, trải
qua 11 niên khóa, Trường phát triển đến 36 giáo sư chính thức (không kể giáo sư
phụ dạy giờ), với 32 lớp gồm: 2 lớp Mười hai (mới có trong niên khóa 1974 -
1975), 3 lớp Mười một, 4 lớp Mười, 5 lớp Chín, 5 lớp Tám, 6 lớp Bảy và 7 lớp
Sáu.
Thành
phần Ban Giám Đốc của trường, Hiệu trưởng từ 1964 - 1968 là thầy Nguyễn Đồng, từ
1968 - 1975 là thầy Trần Văn Thái. Giám học là thầy Trần Cẩm Tú từ 1972 - 1975.
Tổng Giám thị, từ 1968 - 1972 là thầy Nguyễn Thao, từ 1972 - 1975 thầy Trương
Di. Dự trù niên khóa 1975 - 1976, trường sẽ có đủ số lớp quy định để Bộ Quốc
Gia Giáo Dục bổ nhiệm thêm chức Phụ tá Giám học và Phụ tá Tổng Giám thị.
16 - Trung Học Bồ Đề Bình Khê:
Trường
tư thục Đệ Nhất cấp do Giáo Hội Phật Giáo Bình Khê thành lập năm 1964. Ngày khởi
công xây cất có Thượng tọa Thích Tâm Châu đến dự và đặt viên đá đầu tiên. Trường
sở gồm 4 phòng trệt, ngó ra quốc lộ 19 và nằm ngay trước mặt Quận Đường Bình
Khê. Niên khóa đầu tiên (1964 - 1965) có 6 lớp gồm 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục,
1 lớp Đệ ngũ, 1 lớp Đệ tứ. Từ năm 1964 - 1966, thầy Quách Vĩnh Khương làm Hiệu
trưởng, từ 1966 - 1975 thầy Nguyễn Minh đảm nhận chức vụ này.
17 - Trung Học Tiến Đức:
Trường
Tư thục Đệ Nhất cấp do ông Huỳnh Sô và một số giáo sư ở địa phương sáng lập,
khai giảng từ niên khóa 1963 - 1964 có 2 lớp Đệ thất và 1 lớp Đệ lục. Ban điều
hành mướn 2 căn phố liền nhau để làm phòng học, cơ sở nằm trên con đường nối liền
Quốc lộ 19 đến Điện thờ Tây Sơn. Trường chỉ hoạt động trong hai niên khóa và Hiệu
trưởng là Huỳnh Sô.
18 - Trung Học Trần Quang Diệu:
Nguyên
là trường Tiểu Học xã Bình Thành, nằm trên địa bàn của thôn Kiên Mỹ, gần Điện
Tây Sơn. Niên khóa 1971 - 1973, nâng cấp thành trường Công lập Đệ Nhất cấp, thầy
Đặng Thành làm Hiệu trưởng kiêm nhiệm cả tiểu học lẫn trung học. Niên khóa 1974
- 1975 phát triển đến lớp 9.
QUẬN PHÙ CÁT : 3 TRƯỜNG
19 - Trung Học Phù Cát:
Trường
Công lập Đệ Nhị cấp, được thành lập từ niên khóa 1967 - 1968, mới đầu chỉ có 2
lớp Đệ thất. Đến niên khóa 1974 - 1975, qua 8 năm hoạt động, Trường phát triển
đến mức mở được 15 lớp Sáu (niên khóa trước có 7 lớp Sáu), và 4 (?) lớp Mười
hai (2A, 2B). Cũng như Trung Học Tuy Phước, học sinh lớp 12 của Trường này,
không kịp thi lấy bằng Tú tài phổ thông trong niên khóa cuối cùng.
Trường
có 3 dãy nhà trệt vách gạch, lợp ngói, liên kết thành hình chữ U. Về nhân sự điều
hành, lúc mới thành lập, ông Bành Quang Khánh tạm thời xử lý thường vụ trong
vài tháng. Cũng ngay trong niên học đầu, Bộ Giáo Dục cử thầy Nguyễn Văn Mẹo giữ
chức Hiệu trưởng (1967 - 1975). Rồi theo đà số lớp gia tăng nhanh chóng, Bộ
Giáo Dục đã cử thầy Trần Văn Thương làm Giám học, thầy Cao Công Điện Phụ tá
Giám học, thầy Đặng Hồng Sanh Tổng Giám thị và thầy Huỳnh Văn Phẩm Phụ tá Tổng
Giám thị.
20 - Trung Học Giuse Phù Cát:
Trường
Trung học Tư thục Đệ Nhất cấp, Giám học (?) Trần Long Bá.
21 - Trung Học Bồ Đề Phù Cát:
Tại
xã Cát Nhơn, có trường Trung học Tư thục Đệ Nhất cấp của Giáo Hội Phật Giáo Thống
Nhất, do Thượng tọa Thích Nguyên Trí làm Hiệu trưởng.
QUẬN PHÙ MỸ : 4 TRƯỜNG
22 - Trung Học Lê Chất:
Tháng
10 - 1964, thành lập trường Trung Học Công Lập Phù Mỹ. Khai giảng niên khóa đầu
tiên (1964 - 1965), trường mở 1 lớp Đệ thất, thầy Nguyễn Văn Tân làm Hiệu Trưởng,
và mượn phòng của trường Tiểu Học Phù Mỹ để giảng dạy.
Niên
khóa 1967 - 1968, Trường có 4 lớp: 1 Thất, 1 Lục, 1 Ngũ, 1 Tứ. Giữa năm học,
ông Nguyễn Văn Tân nhận lệnh nhập ngũ. Ngày 8-1-1968, thầy Trương Quang Tấn về
làm Xử lý thường vụ. Cũng trong niên khóa này trường Trung học dời về địa điểm
mới, ở cây số 1, cách Quận Đường 1 km về hướng Nam. Trường mới, có 3 phòng xây
lợp tôn, nằm về phía Bắc của khuôn viên rộng hơn nửa mẫu tây, ở bên trái Quốc lộ
1 nếu từ Nam ra Bắc. Tháng 3-1968, Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ cho Trường 4 phòng
đúc, nhưng họ chỉ cung cấp sắt cây, 200 bao ciment và 200 tấm tôn. Sau khi chiết
tính, Trường chỉ đủ xây 2 phòng và đóng trần cho 3 phòng cũ. Phải bán hết sắt với
một số ciment, để mua gạch, cát và trả tiền công thợ.
Niên
khóa 1968 - 1969, trường tăng 6 lớp, vì thu nhận đến 3 lớp Đệ thất.
Năm
khóa 1969 - 1970, trường có đến 11 lớp, ngoài 3 Thất chính thức, Trường còn nhận
thêm 3 lớp Thất dự khuyết. Mỗi học sinh dự khuyết phải đóng cho Hội Phụ Huynh
10.000$ để xây cổng trường và bờ rào. Đáp ứng với đà gia tăng sĩ số, Bộ Giáo Dục
cho xây 6 phòng lợp ngói. Dãy lớp này, nhà thầu Nguyễn Hợp thi công, ở phía Nam
và đối diện với 5 phòng phía Bắc qua một sân trường rộng. Bấy giờ trường có 9
phòng học và 2 làm văn phòng.
Giữa
năm 1970, Nguyễn Văn Tân trở lại Trường và làm Hiệu trưởng trong hai niên khóa
(1970 - 1972). Ông được thuyên chuyển vào Sài Gòn, bàn giao chức vụ Hiệu trưởng
cho Trương Quang Tấn theo Sự vụ lệnh của Bộ Giáo Dục. Sau đó, thầy Tấn vào Sài
Gòn học khóa Quản trị Học đường và được hợp thức hóa bằng Nghị định.
Niên
khóa 1972 - 1973, Trường mở một lớp 10 ban B, và xin Bộ Giáo Dục cấp giấy phép
trường Đệ Nhị cấp.
Niên
khóa 1973 - 1974, Trường có 23 lớp, gồm: 9 lớp Sáu, 6 lớp Bảy, 4 lớp Tám, 2 lớp
Chín, 1 lớp 10B, 1 lớp 11B. Bộ Giáo Dục cử thầy Trần Đại Nghĩa làm Tổng Giám Thị
bằng Sự vụ lệnh và hợp thức hóa bằng Nghị định. Đồng thời Bộ cũng chi ngân sách
cho xây cất dãy phòng phía tây bằng xi măng cốt sắt. Đợt đầu xây 4 phòng trệt,
giữa có gian cầu thang rộng, tiện việc lên xuống nhiều người cùng lúc.
Niên
khóa 1974 - 1975, Trường phát triển 32 lớp, gồm: 9 lớp Sáu, 9 lớp Bảy, 6 lớp
Tám, 4 lớp Chín, 2 lớp 10 (1A+ 1B), 1 lớp 11B, 1 lớp 12B. Dãy 8 phòng ở phía Tây,
tiếp tục xây 4 phòng lầu, nhưng mới thực hiện được 3 phòng, thì chấm dứt. Và
đây là niên khóa cuối cùng của trường Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Lê Chất,
trong khi học sinh lớp 12B, sau 7 năm theo học bậc trung học, chưa kịp thi lấy
bằng Tú tài phổ thông.
23 - Trung Học
Toàn Mỹ:
Trường
Trung học tư thục Đệ Nhất cấp của Công Giáo, thành lập từ niên khóa 1960- 1961,
Linh mục Hóa làm Hiệu Trưởng. Trường xây cất bằng vật liệu kiên cố, có lầu và tọa
lạc trên một khu đất rộng, ở thôn An Hoan xã Mỹ Chánh. Cảnh trường rất nên thơ,
nằm cạnh khúc sông đẹp, gần bến ghe bầu, buôn bán tấp nập. Nhờ có trường Trung
Học Toàn Mỹ, con em các gia đình nghèo ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ
Cát, Mỹ Tài... đỡ phần thất học vì không đủ đài thọ đi xa để theo học ở Trung Học
Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn hay Trung Học Cường Để Qui Nhơn.
24 - Trung Học
Đồng Công ở Nhà Đá:
Trường
Trung học tư thục Đệ Nhất cấp của Giáo Hội Công Giáo, ở xã Mỹ Hiệp, thành lập từ
niên khóa 1964 - 1965.
25 - Trung Học
Bồ Đề Phù Mỹ:
Bồ
Đề Phù Mỹ là Trung học Tư thục Đệ Nhất cấp của Giáo Hội Phật Giáo, ở quận lỵ,
thành lập khoảng năm 1964 và phát triển đến lớp Đệ tứ.
QUẬN AN TÚC :
1 TRƯỜNG
26 - Trung Học
Đề Thám:
An
Túc nguyên là quận Tân An của tỉnh Pleiku, được sáp nhập vào tỉnh Bình Định, đổi
tên là quận An Túc theo Sắc lệnh số 63-NV của Tổng Thống VNCH ký ngày 13-3-1959
[20]. Ngoài ra còn có thêm 3 xã K. Gol, Kon
Pong, Kon Vong của tỉnh Kon Tum cũng được sáp nhập vào quận An Túc.
Giữa
thập niên 1960, dân cư quận An Túc trở nên đông đúc vì Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Không
Vận Kỵ Binh Mỹ đóng ở đây, các dịch vụ buôn bán và quán xá mỗi ngày một nhiều.
Thêm nữa, số người ở An Lão, Hoài Ân, Tam Quan, Vĩnh Thạnh tản cư lên đây càng
ngày càng đông. Trước nhu cầu giáo dục, năm 1967 Trung Học Đề Thám được thành lập
ngay tại thị trấn, sát sân Vận động và cách Quận Đường chừng 200 mét. Trường sở
gồm 3 dãy nhà liên kết hình chữ U, đáy là khu nhà đúc 2 tầng có 8 phòng học và
một cầu thang rộng ở giữa. Hai dãy nhà hai bên, một dãy dùng làm khu văn phòng,
dãy đối diện dùng làm phòng hội và thư viện, nhưng ngày thường vẫn dùng làm
phòng học.
Vị
Hiệu trưởng đầu tiên là Nguyễn Đình Hà, kế đến Trần Hữu Lam, sau rốt là Đỗ Công
Tiếp. Những năm cuối cùng, Trường mới có Tổng Giám thị và thầy Nguyễn Đình Hinh
giữ chức vụ này. Ngoài ra, Trường có các Giáo sư chính thức như: Châu Văn Tâm,
Hà Ngọc Đăng, Lê Trọng, Nguyễn Bình, Nguyễn Đình Long, Nguyễn Hữu Tấn, Nguyễn
Văn Cang, Nguyễn Văn Tể, Trần Văn Minh, Hải (không rõ họ), và các Cô: Bùi Thị
Trà, Phan Thị Hồng.
Niên
khóa đầu (1967 - 1968) Trường chỉ có 1 lớp Đệ Thất. Qua 8 năm hoạt động, niên
khóa 1974 - 1975, trường phát triển đến 25 lớp, gồm: 6 lớp Sáu, 6 lớp Bảy, 5 lớp
Tám, 4 lớp Chín, 2 lớp Mười, 2 lớp Mười Một; và trở thành Trường Trung học Công
lập Đệ Nhị cấp.
QUẬN HOÀI NHƠN
: 2 TRƯỜNG
27 - Trung Học
Tăng Bạt Hổ:
Trường
Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn khai giảng ngày 5-11-1955, thu nhận học sinh các
quận ở Bắc Bình Định, từ Phù Mỹ trở ra và cả quận Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi.
Niên khóa 1955 - 1956, Trường mở 6 lớp gồm 1 Đệ thất, 3 Đệ lục, 1 Đệ ngũ, 1 Đệ
tứ. Lúc ấy, Trường chưa kịp xây cất, các lớp phải học tạm tại nhà dân hay các
trường làng ở thôn An Tây như Miễu Chòm, Liên Nông và các nhà dân ở thôn Phụ Đức;
còn văn phòng đặt tại tư gia ông Thủ Sắc (thân sinh Bác sĩ Minh).
Bộ
Quốc Gia Giáo Dục cử thầy Đoàn Nhật Tấn làm Hiệu Trưởng, thầy Phạm Khắc Thành
làm Giám thị. Niên khóa đầu, Ban giảng huấn gồm các giáo sư: Đoàn Nhật Tấn người
Tài Lương xã Hoài Thanh, Hoàng Đôn Trịnh người Tam Quan, và quý vị ở Huế vào
như ông Lê Văn Thự, Lê Tú Vinh, Nguyễn Đức Duyên, Trần Đình Đàm, Trần Xuân Dưỡng
[21], rồi có thêm Phạm Đức Bảo từ Sài Gòn ra.
Sau nữa, là các giáo sư Nguyễn Diễn (Quảng Ngãi), Phạm Ngọc Liễn (Bắc), Phạm
Xuân Điềm, Trần Đình Cang (Nhạc sĩ Phương Mai), Trương Ngọc Phú...
Thi
xong Đệ Nhất lục cá nguyệt, khoảng đầu năm 1956, trường dời về cơ sở mới [22], gồm 6 phòng học vách đất tô vôi, lợp tôn, trần bằng
cót tre. Trường xây cất trên khoảnh đất khá rộng, trước kia là đồn lính Pháp,
quen gọi là khu "Đất Đồn". Nơi đây, mặt trước giáp Quốc lộ 1, tại ngã
ba đường lên An Lão, mặt sau có đường xe lửa xuyên Việt.
Từ
niên khóa 1957 - 1958 trở đi, có thêm các thầy: Bùi Xuân Diêu, Dương Công Ấm,
Dương Thanh Tùng, Đặng Ngọc Tốt, Đặng Vĩnh Hồng, Đinh Phúc Văn, Hà Công Bê,
Hoàng Minh Phương, Huỳnh Hữu Dụng, Huỳnh Văn Gi, Lê Minh Tâm, Lê Văn Dung, Lê
Văn Minh, Mai Trọng Hòa, Nguyễn An Hảo, Nguyễn Chư, Nguyễn Đình Tự, Nguyễn Hứa
Phương, Nguyễn Kiệt, Nguyễn Tích, Nguyễn Văn Trợ, Phạm Phú Dương, Phạm Thành,
Phạm Văn Song, Phan Viết Hưng, Phùng Rân, Tạ Văn Ry, Trần Công Ly Tao, Trần
Đình Du, Trần Đình Uẩn, Võ Thành Công, Võ Thu Lương... Và các cô: Hồ Thị Thu Thủy,
Nguyễn Thị Hoàng Lan, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Thu
Ba, Trần Thị Thu Hà, Trương Thị Tạo, Văn Thị Mận, Võ Thị Trà Liên... [23]
Trong
số Giáo sư của Trung Học Tăng Bạt Hổ, có hai vị trước là cựu học sinh của Trường:
Ông Phạm Thành, học Đệ tứ (1955 - 1956), sau về làm Hiệu trưởng từ 1970 - 1972,
lúc Trường ở Bồng Sơn. Kế đến, ông Lê Văn Minh, học Đệ lục, ngũ, tứ (1955 -
1958), sau về làm Hiệu trưởng, niên khóa 1972 - 1973, lúc Trường dời về Qui
Nhơn.
Một
dấu ấn khó quên, niên khóa đầu tiên 1955 - 1956, khoa thi Trung Học Đệ Nhất Cấp
(lấy bằng Thành chung) kỳ 1, vào tháng 6 năm 1956, Hội Đồng Thí Vụ mở tại trường
Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn, dành cho thí sinh 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên
ứng thí. Nhưng khi chấm bài thi, Ban Giám Khảo phân đôi: Một nhóm vào Qui Nhơn
trú sở, phụ trách bài của thí sinh trường Cường Để và trường Nguyễn Huệ ở Tuy
Hòa. Nhóm kia, vẫn trụ tại Bồng Sơn, chấm bài của thí sinh trường Tăng Bạt Hổ
và Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi. Chánh Chủ Khảo là Giáo sư Trần Văn Việt, Hiệu trưởng
trường Chu Văn An Sài Gòn, vẫn đặt Tổng Hành Dinh tại Bồng Sơn suốt cả thời
gian mở khoa thi. Vì vậy, tất cả thí sinh đỗ thi viết, phải trở lại Bồng Sơn để
thi vấn đáp (oral). Và đây là lần đầu, cũng là lần cuối, trường Tăng Bạt Hổ được
Bộ Quốc Gia Giáo Dục chọn mở khoa thi [24].
Niên
khóa 1958 - 1959, Trung Học Tăng Bạt Hổ vẫn chưa có Đệ tam, số học sinh khi tốt
nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp, muốn học tiếp, phải vào Trung Học Cường Để Qui
Nhơn [25].
Khoảng
niên khóa 1962 - 1963, Trung Học Tăng Bạt Hổ có Nghị định chuyển thành trường Đệ
Nhị cấp. Tính đến năm 1975, Trường có tuổi đời 20 niên khóa, trải qua 8 vị Hiệu
trưởng hoặc Xử lý thường vụ.
Đặc
điểm thứ 2, Trung Học Tăng Bạt Hổ, có hai địa điểm sinh hoạt: từ năm 1955 -
1972, đóng tại Bồng Sơn; từ năm 1972 - 1975 dời về Qui Nhơn. Bài này, chỉ đề cập
đến giai đoạn ở Bồng Sơn.
-
Từ 1955 - 1962, Hiệu trưởng Đoàn Nhật Tấn, Giám thị Phạm Khắc Thành, rồi Nguyễn
Bá Hoàng, sau lại Phạm Khắc Thành. Niên khóa 1961 - 1962 bắt đầu mở Đệ tam.
-
Từ 1962 - 1966, Hiệu trưởng Hoàng Đôn Trịnh, Tổng Giám thị là Huỳnh Ngọc Anh,
Giám thị Phạm Khắc Thành.
-
Từ 1966 - 1969, Hiệu trưởng Huỳnh Hữu Dụng, Tổng Giám thị Huỳnh Ngọc Anh, kế tiếp
là Đặng Ngọc Anh.
Niên
khóa 1969 - 1970, Trường có 22 lớp, gồm: 4/6, 4/7/, 4/8, 4/9, 3/10 (2A+ 1B),
3/11 (2A+1B). Trường bắt đầu có Giám học, nhưng đến khoảng tháng 11-1969, Hiệu
trưởng Huỳnh Hữu Dụng chuyển về Qui Nhơn, Giám học Phạm Thành kiêm Xử lý thường
vụ Hiệu trưởng.
-
Từ 1970 - 1972, Hiệu trưởng Phạm Thành, Giám học Lê Ninh Hậu, Tổng Giám thị Đặng
Ngọc Anh (chưa có Phụ tá Giám học và Phụ tá Tổng Giám thị).
Niên
khóa 1970 - 1971, Trường có 26 lớp, gồm: 6/6, 4/7, 4/8, 4/9, 3/10 (2A+ 1B),
3/11 (2A+1B), 2/12 (1A+1B).
Niên
khóa 1971 - 1972, Trường có 29 lớp, gồm: 7/6, 6/7, 4/8, 4/9, 3/10 (2A+ 1B, 3/11
(2A+1B), 2/12 (1A+1B).
Thời
điểm này trường phát triển cao nhất, và xếp hàng thứ 2 các trường trung học
trong tỉnh (tính đến 1971 - 1972), chỉ sau Trung Học Cường Để.
Tháng
3 năm 1972, đồng bào ba quận Bắc Bình Định di tản chiến thuật, vào trại tiếp cư
ở Phú Tài và Qui Nhơn, trường Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn dời về thị xã Qui Nhơn và tiếp
tục hoạt động thêm 3 niên khóa nữa (xem Trường Tăng Bạt Hổ Qui Nhơn, trong Phần
I)
28 - Trung Học Bồ Đề Bồng Sơn:
Nguyên
là trường Tư Thục Tương Lai của Giáo sư Huỳnh Văn Gi, chưa có cơ sở phải tạm mướn
nhà hai phòng ở đường Quốc lộ 1 làm lớp học và khai giảng niên khóa 1958 -
1959. Sau, Hội Phật Giáo tiếp nhận trường này, dời về địa điểm mới, đối diện với
chùa Phật Học và đổi thành trường Trung Học Bồ Đề Bồng Sơn. Năm 1972, trường
đóng cửa vì chiến cuộc.
NHA TAM QUAN : 1 TRƯỜNG
29 - Trung Học Bán Công Tam Quan:
Trường
Đệ Nhất cấp, Hiệu trưởng Thái Vĩnh Thung, sau là Nguyễn Chí Thống. Ban Giảng huấn
gồm các thầy như Đinh Bá Thắng, Nguyễn Kim Tâm... có mặt từ lúc trường mới
thành lập.
Niên
khóa đầu, 1956 - 1957, Trung Học Bán Công Tam Quan mượn rạp hát của tư nhân, gần
ga xe lửa. Nơi đây, phòng ốc rộng rãi nhưng tối tăm, nên chỉ dạy tạm trong thời
gian ngắn:
Sơ
sinh trường ở gần ga
Trong
một rạp hát tư gia chung hùn.
Xung
quanh rợp bóng dừa um
Rộng
rãi thì có, song trùm âm u. [26]
Trường
dời đến địa điểm gần lò nung vôi, nơi đây phòng ốc sáng sủa nhưng gặp trở ngại
khói thoát ra nồng nặc, học sinh bị viêm đường hô hấp:
Tháng
ngày cứ hít hơi vôi
Học
hành trở ngại, tìm nơi xa nồng.
Niên
khóa 1957 - 1958, Trường lại dời về ngôi chùa cổ ba gian của người Hoa, cách chợ
Tam Quan khoảng 500 mét về hướng nam:
Niên
khóa mãn, học sinh đông.
Kẹt
đường dọn xuống chùa Ông, Tân Thành.
Nơi
đây thoải mái học hành
Dừa
xanh rợp bóng, vắng tanh tiếng ồn.
Nhưng
rồi chùa Ông cũng không đủ chỗ để dung nạp nhu cầu phát triển của trường. Để
đáp ứng sự hiếu học của dân địa phương, năm 1958, chính quyền xây cất trường sở
tại khu Rừng Quýt, thuộc thôn Tân Thành xã Tam Quan:
Hoài
Nhơn, quan chức xuống lên,
Thấy
trường nề nếp lại thêm trẻ nhiều.
Đoạn
về kiến nghị yêu cầu
Tam
Quan Trung học, quá nhiều học sinh.
Học
hành tạm bợ chùa đình
Nên
xây trường lớp, hợp tình Bán Công.
Tỉnh
Đường chấp nhận vui lòng
Ngân
sách có hạn, quận phòng phụ thêm.
Niên
khóa 1958 - 1959, Bán Công Tam Quan khai giảng ở cơ sở mới:
Thời
gian sáu tháng đã xong
Trường
xây bốn lớp, văn phòng liền chung.
Niên
khóa 1959 - 1960, lớp Đệ tứ trường này lần đầu tiên ra quân tham dự kỳ thi
Trung Học Đệ Nhất Cấp, đã đạt thành tích vẻ vang: Với 39 thí sinh, 17 người
trúng tuyển, trong đó có 2 đoạt hạng bình, 6 bình thứ, và 9 hạng thứ [27], chiếm tỷ lệ 43,58%. Trong lúc tỷ lệ trúng tuyển
trung bình là 40% cho kỳ thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.
Trung
Học Bán Công Tam Quan đang đà phát triển. Hội Phụ Huynh học sinh dự trù đóng
góp tiền để xây thêm phòng ốc. Nhưng, khoảng năm 1966, tình hình ở Tam Quan trở
nên mất an ninh, trường Bán Công Tam Quan vĩnh viễn đóng cửa!
Bút
nghiên được mấy năm trời,
Chiến
tranh khói đạn, bom rơi lửa tràn.
Trường
phải đóng cửa bỏ hoang,
Thầy
trò tứ tản, mỗi đàng, mỗi nơi. [28]
TỔNG KẾT TRƯỜNG TRUNG HỌC TỈNH BÌNH ĐỊNH
Ngày
16-5-1955, Chính quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Bình Định. Khai giảng niên khóa đầu
tiên (1955 - 1956), toàn tỉnh chỉ có 2 trường Trung học là Cường Để ở Qui Nhơn
và Tăng Bạt Hổ tại Bồng Sơn. Cọng lại, có 14 lớp Đệ Nhất cấp, gồm: 4 Thất, 5 Lục,
3 Ngũ, 2 Tứ. Qua 20 niên khóa (1955 - 1975), mặc dù trong cảnh chiến tranh lan
tràn, nhưng nền giáo dục Miền Nam Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói
riêng, vẫn phát triển nhanh chóng.
Tính
đến niên khóa 1974 - 1975, tỉnh Bình Định không có quận nào hoàn toàn an ninh,
nhưng vẫn có 29 trường trung học ở các quận. Trong đó, gồm 11 trường công, 2
trường bán công, 16 trường tư; chia ra có 11 trường Đệ Nhị cấp và 18 trường Đệ
Nhất cấp. Trong quá trình phát triển, điển hình một số trường hợp:
-
Trung Học Đào Duy Từ (Bình Định), nguyên có tên Trung Học Công Lập An Nhơn, suốt
4 niên khóa đầu (1961 - 1965) chưa có phòng ốc. Trường phải tạm trú tại Trung Học
Bán Công, và mượn thêm phòng ở trụ sở Hiệp Hội Nông Dân, hoặc khu công sở đối
diện với Quận Đường, mới đủ chỗ cho sự phát triển các lớp học. Từ năm 1965,
Công Lập An Nhơn có trường sở chính thức. Trong 10 niên khóa sau (1965 - 1975),
Trường phát triển rất nhanh, từ 7 lớp (1965 - 1966), tăng thành 56 lớp (1974 -
1975). Với mức tăng kỷ lục, vào 14 tuổi đời (1961 - 1975), trung bình mỗi niên
khóa Trường tăng lên 4 lớp.
-
Trung Học Phạm Đăng Hưng ở Đập Đá (1969 - 1975), tuổi đời chỉ có 6 niên khóa,
tăng 22 lớp, trung bình mỗi niên khóa có thêm hơn 3,6 lớp.
-
Trung Học Phù Cát, riêng lớp Sáu đạt mức tăng kỷ lục, niên khóa 1973 - 1974 có
7 lớp, niên khóa 1974 - 1975 mở đến 15 lớp.
Nếu
tính cả thị xã Qui Nhơn và các quận, toàn tỉnh Bình Định có 49 trường [29], gồm: 2 trường Cao đẳng [30]
chuyên nghiệp, 21 trường Đệ Nhị cấp, 26 trường Đệ Nhất cấp.
Tỉnh
Bình Định cũng có đủ 7 loại trường, chia ra: 20 trường công lập (gồm phổ thông,
kỹ thuật, chuyên nghiệp, tỉnh hạt), 2 trường bán công, 2 nghĩa thục, 25 tư thục.
Những
dữ kiện trình bày trên, cho thấy sự phát triển vượt bực về giáo dục của tỉnh
nhà. Và có thể nói, trong thời Việt Nam Cộng Hòa, Bình Định là một trong vài tỉnh
có trường trung học nhiều nhất và phát triển nhanh nhất.
San Jose, USA
Đào Đức
Chương
GHI CHÚ
[20]
Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành
Chính 1945- 1997 (Hà Nội, nxb Văn Hóa – Thông Tin, 1997); trang 121.
[21]
Theo Lê Tú Vinh (Giáo sư Trung Học Tăng Bạt Hổ từ thuở đầu tiên), Sự vụ lệnh bổ
dụng 6 người, nhưng ông Ngô Kha không đi.
[22]
Các lớp Tăng Bạt Hổ dời về trường mới, có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm:
Theo Lê Tú Vinh (Giáo sư Cố vấn Lớp Đệ ngũ TBH, 1955 - 1956), sau kỳ thi Đệ nhất
lục cá nguyệt, tức khoảng đầu năm 1956, các lớp Trung Học Tăng Bạt Hổ dời về
trường mới. Theo Phạm Thành (cựu học sinh Đệ tứ TBH, 1955- 1956), khoảng đầu
tháng 12-1955, dời toàn bộ các lớp Trung Học Tăng Bạt Hổ về trường mới ở khu
"Đất Đồn". Theo Lưu Kỷ Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng
Sơn, Xuân Tân Tỵ 2001, qua bài viết của Ban Biên Tập "Vài Nét về Trường
Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn", trang 1, có đoạn chép "...Đầu tháng
10-1955, hai dãy trường lợp bằng tole trên khu 'Đất Đồn' được xây dựng xong,
văn phòng nhà trường và tất cả các lớp được dời về đó..."
[23]
Giáo sư Trường Tăng Bạt Hổ khoảng 85 người.
[24]
Như đã nói trên, thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp niên khóa 1955 - 1956, kỳ 1
thi ở Bồng Sơn; kỳ 2, vào tháng 8-1956, Hội Đồng Thi cũng chung cho ba tỉnh
nhưng mở tại Qui Nhơn.
[25]
Nguyễn Thanh Phước; Lớp Đệ Lục III (1955- 1956); "Lưu Kỷ Cựu Học Sinh Trường
Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn", Xuân Tân Tỵ 2001; trang 127-138.
[26,
27, 28] Tài liệu do ông Nguyễn Công Lượng, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Đặc San Lại
Giang, cung cấp: các bài văn "Anh Thái Vĩnh Thung" của Đinh Bá Thắng
(cựu Giáo sư Bán Công Tam Quan), "Từ Ngôi Chùa Cổ" của Trương Ngọc Lệ
(cựu học sinh Bán Công Tam Quan), và bài thơ "Lịch Sử Trường Trung Học Bán
Công Tam Quan" của Phạm Xuân Điềm (cựu Giáo sư Trung Học Tăng Bạt Hổ).
[29]
Tính cả Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn (ở quận) và Trung Học Tăng Bạt Hổ Qui
Nhơn (ở thị xã), tỉnh Bình Định có 49 trường.
[30]
Trường Sư Phạm Thực Hành, tuy thu nhận học sinh cấp 1 và giảng dạy chương trình
Tiểu học, nhưng mục đích chính là dành cho giáo sinh thực tập và luyện tay nghề.
Giờ thực tập của mỗi Giáo sinh, có Thầy dạy ở Trường Sư Phạm đến hướng dẫn và
chấm điểm, có Giáo viên phụ trách lớp dự khán phê bình, có các Giáo sinh cùng lớp
dự thính để học hỏi. Vì vậy, cũng có thể coi là trường Cao đẳng, đào tạo thầy
giáo ngạch Giáo Học Bổ Túc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/
PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI:
-
Ngày 14-11-2004 và 30-03-2011, phỏng vấn: Nguyễn Công Lượng, nguyên học sinh
Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ (1958- 1964), cựu Phó Quận trưởng Hoài Nhơn và An
Nhơn, hiện ở Huntington Beach, California (CA).
-
Ngày 19-11-2004 và 28-03-2011, phỏng vấn Huỳnh Hữu Dụng, cựu Hiệu trưởng Trung
Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn (1966- 1969), hiện ở San Jose, California (CA).
-
Ngày 28-11-2004, phỏng vấn các ông: Nguyễn Hữu Thời, cựu Dân Biểu VNCH, hiện ở
Lake Forest, California (CA); Võ Bá Hà cựu Phụ tá Tổng Giám thị Trung Học Phạm
Đăng Hưng, hiện ở Elk Grove, CA.
-
Ngày 29-11-2004, phỏng vấn Trần Cẩm Tú, cựu Giám học trường Trung Học Quang
Trung Bình Khê hiện ở Fairfield, California (CA).
-
Ngày 5-12-1004, phỏng vấn Bùi Chí Lương, cựu Giáo sư trường Trung Học Bồ Đề Đập
Đá, dạy từ 1964- 1966 hiện ở Pflugervillr, Texas (TX).
-
Ngày 22-9-2005, thư góp ý của Trần Quý Cảnh, người huyện Phù Mỹ, hiện ở 113 Rue
De La Gaité, 1070 Bruxelles, Belgique.
-
Ngày 17-4-2010, phỏng vấn Lâm Phú, cựu Quản đốc Trung Học Tỉnh Hạt Diêu Trì, hiện
ở Maplewood, Minnesota (MN).
-
Ngày 9-3-2011, phỏng vấn các ông: Dương Lễ, cựu Hiệu trưởng Trung Học Tuy Phước
(1968 - 1975), hiện ở Qui Nhơn, Việt Nam. Và Nguyễn Văn Mẹo, cựu Hiệu trưởng
Trung Học Công Lập Phù Cát (1967 - 1975), hiện ở Qui Nhơn, Việt Nam.
-
Ngày 10-3-2011, phỏng vấn Đặng Văn Hiệu, cựu Giám học Trung Học Tuy Phước
(1973- 1975), hiện ở Tân Bình, Sài Gòn.
-
Ngày 13-3-2011, phỏng vấn Lê Văn Dung, cựu Hiệu trưởng Trung Học Bán Công An
Nhơn (1973- 1975), hiện ở Garden Grove, California.
-
Ngày 16-3-2011, phỏng vấn Hồ Sĩ Phùng, cựu Hiệu trưởng Trung Học Đào Duy Từ, An
Nhơn (1972 - 1975), hiện ở Quận 12, Sài Gòn.
-
Ngày 17 và 18-3-2011, phỏng vấn Trương Quang Tấn, cựu Hiệu trưởng Trung Học Lê
Chất, Phù Mỹ (1972 - 1975), hiện ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
-
Ngày 22-3-2011, phỏng vấn Lê Tú Vinh, cựu Giáo sư Tăng Bạt Hổ (1955 - 1958), hiện
ở Fountain Valley, California.
-
Ngày 26-3-2011, phỏng vấn Phạm Thành, cựu học sinh lớp Đệ tứ Tăng Bạt Hổ (1955 -
1956), và cựu Hiệu trưởng TBH (1970 - 1972), hiện ở Suối Cát, Xuân Hiệp, Đồng
Nai.
-
Ngày 27-3-2011, phỏng vấn Võ Ngọc Uyển, cựu học sinh lớp Đệ tam và Đệ nhị Trung
Học Tăng Bạt Hổ (1962 - 1964), và cựu Giáo sư Trung Học Nguyên Thiều (1967 -
1968), hiện ở Midway, California. Cùng ngày, phỏng vấn Diệp Thị Bích Hồng, cựu
học sinh lớp Đệ thất đầu tiên (1961 - 1962) Trung Học Công Lập An Nhơn.
-
Ngày 31-3-2011, Email của Nguyễn Mạnh An Dân, Chủ bút Đặc San Cường Để & Nữ
Trung Học Qui Nhơn, góp ý về trường Bồ Đề Nguyên Thiều và trường Đề Thám An
Túc.
-
Ngày 9-5-2012, phỏng vấn Nguyễn Đình Hinh, cựu Tổng Giám thị Trung Học Đề Thám.
2/
NGUYỄN QUANG ÂN; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành
Chính 1945 - 1997; Hà Nội, nxb Văn Hóa – Thông Tin, 1997.
3/
NHIỀU TÁC GIẢ; Đặc San Xuân Canh Tuất; Trường Trung Học Bán Công An Nhơn xuất bản,
1970.
4/
NHIỀU TÁC GIẢ; Tăng Bạt Hổ Niên Kỷ – Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ;
xuất bản tại Việt Nam, 1999.
5/
NHIỀU TÁC GIẢ; Lưu Kỷ Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn; xuất
bản tại Việt Nam, Xuân Tân Tỵ 2001.
5/
NHIỀU TÁC GIẢ; Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975 (Education in South Vietnam
before 1975); Santa Ana (CA), Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành và xuất bản,
2006.
6/ SỞ
HỌC CHÁNH BÌNH ĐỊNH, Bản Kê Giáo Sư Dạy Giờ Phụ Trung Học Đào Duy Từ; Sự Vụ Lệnh
Số 3614/SHC/BĐ/NV/SVL, ký ngày 24- 12- 1973 của Chánh Sự vụ Sở Học Chánh Bình Định-
Qui Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét