Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

BÀI VĂN BIA CA NGỢI CÔNG ĐỨC QUANG TRUNG HOÀNG ĐẾ

Tượng Quang Trung và Bài Ký được phục dựng ở sân Trường Quang Trung Tây Sơn

Ngày 29 tháng 7 Âm lịch hằng năm là húy nhật của Quang Trung Hoàng Đế.
Người dân Bình Khê luôn tưởng tiếc, kính nhớ ân đức của ba anh em Nhà Tây Sơn. Thời nhà Nguyễn, nhân dân Bình Khê bí mật thờ ba ngài ở Đình làng Kiên Mỹ. Sau nầy, trên nền Đình làng đổ nát ấy, Đền thờ Tam Kiệt Tây Sơn được dựng lên, trước sân có đặt tượng bán thân của Quang Trung Hoàng Đế, và dựng Bi Đình có bài văn bia tán tụng công đức của Ngài. Xuân kỳ Thu tế, cũng như hằng năm địa phương đều tổ chức kỷ niệm Chiến Thắng Đống Đa, ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch, khách khắp nơi đổ xô về tham dự, ngựa xe như nước …

Sau 1975, Đền thờ được tu tạo, xây thêm Bảo Tàng Quang Trung bên cạnh, nhưng Bi Đình cũng như bài văn bia bị hủy. Thật tiếc cho giới văn chương muốn tìm hiểu những công trình văn học xưa. Bài Ký nhân dân Bình Khê tán tụng công đức Quang Trung Hoàng Đế do Quách Tấn chấp bút năm 1961, đã hơn 50 năm, cũng đủ để bài Ký viết theo thể văn biền ngẫu thuở xưa là món cổ.

Gần đây, Bài ký được in lại trong cuốn Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao. Sân Trường THPT Quang Trung Tây Sơn (trước kia là Trung Học Quang Trung Bình Khê) có dựng tượng Quang Trung Hoàng Đế và cũng cho khắc lại Bài Ký đó, có lẽ sao lấy từ cuốn Nhà Tây Sơn. Nhưng bản in cuốn Nhà Tây Sơn có quá nhiều lỗi chính tả, và tam sao thì dễ thất bổn, việc sao chép khắc lại bài Ký đã dùng nhiều từ sai lệch. Một số trang mạng như trang báo điện tử Bình Định cũng cho đăng bài Ký, nhưng đăng bài văn dưới dạng câu cú tràng giang đại hải, không đúng với thể văn nầy (!?), và cũng phạm nhiều lỗi đáng tiếc, không trân trọng những gì mà người xưa đã viết về Hoàng Đế Quang Trung.

Gắng sao lục lại và vụng về chú giải những điển tích xưa sử dụng trong bài Ký, một việc không lớn, nhưng mặt nào đó giúp cho lớp trẻ Tây Sơn đọc được chuyện xưa, biết người xưa, tự nghĩ cũng là việc nên làm … Chỉ mong được góp ý, bổ sung, để bài văn bia của nhân dân Bình Khê ngày xưa được trọn vẹn, được đi vào lòng người.


BÀI KÝ TÁN TỤNG CÔNG ĐỨC QUANG TRUNG Ở ĐIỆN TÂY SƠN NGÀY TRƯỚC


Ðức Vũ Hoàng,
Họ Nguyễn, húy Huệ
Ứng hùng năm Quý Dậu (1753)  [1]
Thừa long năm Nhâm Tý (1792)  [2]
Thọ 40 tuổi, ở ngôi 5 năm.
Niên hiệu Quang Trung  [3]
Miếu hiệu Thái Tổ Vũ Hoàng Ðế.  [4]

Tổ tiên vốn người Châu Hoan, dời vào ấp Tây Sơn được bốn đời. Trước ở Phú Lạc, sau xuống Kiên Thành. Buổi tiềm long, chính nơi đây là Tây Kỳ cơ chỉ.  [5]
Vũ Hoàng có ba anh em
Anh là Vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc, thiệp thế đa mưu.
Em là Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ, thành tín nhân hậu.
Còn Vũ Hoàng :
Sức mạnh cử đảnh, tài dụng binh như thần, lại sùng thượng kính văn, quý trọng đạo lý. Kẻ cao tài đạt đức được tôn kính vào bậc thầy. Văn võ dưới cờ đều những trang khai quốc tuấn kiệt.  [6]
Thân bố y, tay trường kiếm, Vũ Hoàng gồm cả khí tượng họ Hạng họ Lưu.  [7]
Quả là cái thế anh hùng vậy.

Năm Tân Mão (1771), thống tâm vì cảnh đất chia nước loạn, trăm họ hết chỗ đặt tay chân, ba anh em Vũ Hoàng chiêu tập nghĩa binh, chịu gian nan mà dấy nghiệp. Lấy thành Quy Nhơn làm căn cứ. Rồi đánh vào Nam, tiến ra Bắc. Lòng xa gần đều theo. Trăm trận trăm thắng. Thanh thế nhà Tây Sơn lẫy lừng.

Riêng Vũ Hoàng :
Bốn lần bạt thành Gia Ðịnh, ba lần vào thành Thăng Long. Thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh. Thu non sông về một mối, dựng nên cơ nghiệp Võ Thang.  [8]
Lại hai phen thảo quân xâm lược :
Năm Giáp Thìn (1785) quét sạch 300 chiến thuyền Xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước tới.
Năm Kỷ Dậu (1789), đánh tan 20 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân lĩnh về.
Nhờ vậy mà dân tộc thoát ách vong nô.
Nhờ vậy mà tổ quốc vững nền độc lập.
Công thật cao như Trường Sơn,
Ân thật sâu như Nam Hải.
Non sông đãng định, Vũ Hoàng chăm lo việc trị bình  [9]
Ðắp quốc cơ theo tôn chỉ phú cường. Sửa chính sự cho kỷ cương nghiêm túc. Dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự. Lập Sùng Chính viện để đào tạo nhân tài.
Và cái nhục cống người vàng cho Trung Hoa rửa xong, Vũ Hoàng luyện tướng nuôi binh, quyết khôi phục phần đất Lưỡng Quảng.  [10]

Nhưng than ôi !
Năm sắc đá rèn gan, trời chưa kịp vá,  [11]
Chín tầng mây lấp núi, rồng thoát bay xa.  [12]
Khiến nhà Tây Sơn lâm vào bước suy vong !
Khiến nước Việt Nam lỡ mất cơ cường thịnh !

Tuy nhiên,
Danh Vũ Hoàng vẫn cùng mặt trăng mặt trời mà sáng,
Ân Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng núi Tượng mà cao.  [13]
Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng :
Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.  [14]

Tiết Trọng Xuân năm Tân Sửu (1961)
Nhân dân Bình Khê cẩn ký. [15]


CHÚ GIẢI

[1]  Sinh năm Quý Dậu (1753). Hùng theo Hán ngữ là con Gấu. Ứng hùng : con gấu xuất hiện theo mộng triệu. Có lẽ sử dụng theo điển Văn Vương (Cơ Xương) thời Ân Trụ (Trụ Vương – Đắc Kỷ) nằm mộng thấy con cọp có cánh nhảy xổ vào mùng. Triều thần Táng Nghi Sanh giải mộng là Văn Vương sẽ gặp được bậc tôi hiền. Ít lâu sau Văn Vương gặp được Khương Tử Nha (Lã Vọng) có biệt hiệu là Phi Hùng về giúp diệt Trụ, lập nên nhà Chu bên Tàu.
[2]  Mất năm Nhâm Tý (1792). Thừa long là cỡi rồng đi. Ngày xưa vua băng hà cũng gọi là thừa long. Có lẽ lấy ý từ Kinh Dịch : “Thời thừa lục long, Du hành bất tức” (Thường cỡi trên sáu con rồng, Đi khắp nơi không ngừng nghỉ)
Có bản chép Thừa long năm Nhâm Tị là chép sai. Theo Lịch pháp của Âm Dương Lịch mà Việt Nam đang sử dụng, Nhâm thuộc Dương Can, ghép theo Địa Chi thì chỉ có Nhâm Tý, Nhâm Dần, Nhâm Thìn, Nhâm Ngọ, Nhâm Thân, Nhâm Tuất. Còn Tị thì chỉ ghép được với Âm Can như Ất Tị, Đinh Tị, Kỷ Tị, Tân Tị, Quý Tị. Quy chiếu năm Âm lịch sang Dương lịch thì năm Nhâm Tý là năm 1792.
[3]  Niên hiệu là tên gọi cho một triều đại, tên hiệu của ông Vua, theo đó mà tính năm, ghi chép về triều đại ấy. Thời xưa quy ước năm, tháng, ngày, giờ không số hóa như Tây phương, Dương lịch. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế năm 1787, lấy niên hiệu là Quang Trung, năm ấy gọi là Quang Trung năm Mậu Thân, còn gọi là Quang Trung nguyên niên, sau gọi là năm Quang Trung thứ 1. Năm 1792 băng hà gọi là Quang Trung năm Nhâm Tý, sau gọi là năm Quang Trung thứ 5.
[4]  Miếu hiệu là tên hiệu truy tôn cho một ông vua khi chết, thờ ở Thái miếu. Khi cúng tế hoặc về sau ghi chép về ông Vua ấy, chỉ được dùng tên gọi nầy. Lê Tư Thành lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Thuận (từ 1460 đến 1469), sau đổi là Hồng Đức (1470 – 1497). Miếu hiệu của ông là Thánh Tông.
[5]  Châu Hoan là địa danh của đất Nghệ An ngày xưa. Châu Ái là Thanh Hóa bây giờ.
Tiềm long theo Hán ngữ là con Rồng còn ẩn dấu hình tích. Có nghĩa là người tài ba, đức độ chưa xuất hiện giúp đời.
Tây Kỳ là vùng đất phía Tây. Xưa Chu Văn Vương và sau đó con là Võ Vương (Cơ Phát) nhờ Khương Tử Nha phò trợ, khởi binh ở Tây Kỳ đã diệt được Trụ Vương nhà Ân.
Buổi tiềm long, chính nơi đây là Tây Kỳ cơ chỉ : Thuở chưa xuất hiện giúp đời, chính nơi đây (Phú Lạc, Kiên Thành xem như là đất Tây Kỳ của Chu Văn Vương) là đất xuất phát, cơ ngơi, nền móng cho việc khởi binh về sau. (Có bản chép : Tây Sơn cơ chỉ là đã sao chép sai đi bổn cũ).
[6]  Đảnh (còn gọi là đỉnh) là cái vạc lớn bằng đồng, có 3 chân. Cử là đưa lên, nâng lên. Xưa Hạng Võ có sức mạnh nâng được đỉnh đồng nặng cả nghìn cân (cân lạng xưa).
[7]  Bố y có nghĩa là áo vải. Thân bố y có nghĩa là người không thuộc dòng quyền quý.
Họ Hạng là Hạng Tịch, tên tự là Võ (Vũ) nên thường gọi là Hạng Võ, còn gọi là Tây Sở Bá Vương, người nước Sở, có sức mạnh cử đỉnh, cùng với Lưu Bang khởi binh diệt Tần.
Họ Lưu là Lưu Bang, được cho là người sùng thượng, kính văn, đủ trí lược điều khiển được những người dũng mãnh như Hàn Tín, Phàn Khoái, những mưu sĩ như Tiêu Hà, Trần Bình … Sau khi diệt được Tần, tranh chấp thiên hạ cùng với Hạng Võ, lập nên nhà Hán bên Tàu.
Vũ Hoàng gồm cả khí tượng họ Hạng họ Lưu : Tài ba, đức độ của Quang Trung Hoàng đế gồm cả thần lực, mưu trí của Lưu Bang lẫn Hạng Võ.
[8]  Thang là Thành Thang, người bộ tộc Thương đã khởi binh đánh thắng vua Kiệt tàn bạo của nhà Hạ ở trận Minh Điền, lập nên triều Thương, sau đổi là nhà Ân. Phù Đỗng Thiên Vương của Việt Nam đánh giặc Ân chính là đánh triều đại nầy.
Võ là Võ Vương Cơ Phát, dùng Khương Tử Nha phạt Trụ. Trụ Vương tàn bạo của nhà Ân thua trận ở Mục Dã, tự thiêu mà chết. Võ Vương lập nên nhà Chu.
Khi Cao Bá Quát phò Lê Duy Cự chống lại nhà Nguyễn, tương truyền ông có làm câu đề cờ khởi nghĩa :
Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn
Mục Dã, Minh Điền hữu Võ Thang
Ở Bình Dương và Bồ Bản (kinh đô của Nghiêu, Thuấn) không có Vua Nghiêu, Vua Thuấn (2 ông vua được tiếng là nhân nghĩa)
Thì sẽ có Võ Vương, Thành Thang tạo nên trận Mục Dã và Minh Điền.
Cơ nghiệp Võ Thang : là cơ nghiệp đánh đổ các vương triều bạo ác, xây dựng nên triều đại mới.
[9]  Đãng theo Hán ngữ là rửa gột cho sạch.
Non sông đãng định : đất nước đã yên ổn, sạch mầm gây loạn.
(Có bản chép : Non sông đã định, là không hợp với văn phong)
[10]  Nhục cống người vàng : Đánh thắng quân Minh, nhưng Lê Thái Tổ phải chấp nhận thần phục, hằng năm phải triều cống tượng đúc bằng vàng cho nhà Minh, gọi là thế mạng cho Liễu Thăng bị chém ở Chi Lăng. Mãi đến năm 1718, Nguyễn Công Hãng đi sứ dùng tài ngoại giao phá bỏ được lệ nầy. Sau khi đánh thắng Tôn Sĩ Nghị, Nhà Tây Sơn bang giao với nhà Thanh, thiên triều Trung Hoa cũng đòi phải cống nộp người vàng. Nhà Tây Sơn cương quyết bác bỏ, không thực hiện.
Đất Lưỡng Quảng : 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Tàu, nguyên xưa là đất của nước Nam Việt - Triệu Đà. Có nhiều thuyết cho rằng Quang Trung Hoàng Đế phái Đại đô đốc Võ Văn Dũng đi sứ xin đất Lưỡng Quảng để đóng đô. Việc chưa kịp xong thì trong nước Quang Trung đã băng hà. Võ Văn Dũng nuốt hận trở về.
[11]  Năm sắc đá : Theo thần thoại Trung Hoa, trụ trời bị gãy, trời thủng lỗ lớn, Nữ Oa bèn rèn đá ngũ sắc để vá lại lỗ thủng ấy.
Năm sắc đá rèn gan, trời chưa kịp vá : Chí lớn đã trui rèn mà việc lại chưa kịp làm xong.
[12]  Chín tầng mây lấp núi, rồng thoát bay xa : Trên mây chin tầng Người đã cỡi rồng đi biền biệt.
[13]  Núi Trưng : tên chữ là Trưng Sơn, là tổ sơn phía Bắc ngạn Sông Côn, bên nầy lăng Mai Xuân Thưởng ngó qua. Người địa phương gọi là Hòn Sung, Hòn Mả Mẹ Chàng Lía. Đối trĩ với nó là Hợi Sơn, còn gọi là Hòn Dũng (Vũng) ở Đồng Vụ. Hòn Mả Mẹ Chàng Lía cùng với Hòn Dũng như là 2 trụ biểu của tấm bình phong Hoành Sơn (Núi Ngang có Lăng Mai Xuân Thưởng). Dân văn chương gọi Trưng Sơn là Hòn Bút (chóp núi nhọn như ngọn bút lông viết chữ Hán), gọi Hợi Sơn là Hòn Nghiên (trên núi có vũng nước quanh năm, biểu tượng của nghiên mực).
Núi Tượng : Núi An Tượng, một danh sơn của Bình Định, phía Nam ngạn sông Côn, dưới Tây Sơn Hạ, thuộc Cù Lâm, An Nhơn.
[14]  Câu ca xuất phát từ bài Ai Tư Vãn của Ngọc Hân công chúa khóc Quang Trung có câu :
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
[15]  Một mùa được chia làm 3 giai đoạn : Mạnh, Trọng, Quý. Mạnh Xuân là tháng giêng, Trọng Xuân là tháng hai, Quý Xuân là tháng ba, Mạnh Hạ là tháng tư, trọng Hạ là tháng năm …
Cẩn ký : cẩn trọng chép.

2 nhận xét:

  1. Bài ký (nguyên bản ) và những chú giải thật dễ hiểu , nhưng tại sao khi tạo dựng lại tại sân trương THQT lại có những sai sót như vậy ! Thiết nghĩ Chính quyền và cơ quan quản lý về văn hóa địa phương cần có biện pháp chỉnh sửa hợp lý để lưu truyền hậu thế . Việc làm này vừa mang ý nghĩa tôn trọng tác phẩm của tác giả cũng như lòng ngưỡng mộ & tri ân của nhân dân Bình khê đối với bậc tiền nhân ( nhà Tây Sơn ) !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thường thì bây giờ người ta làm lấy có nên mới có những sai sót chết người như vậy.
      Việc phục dựng các công trình văn hóa cổ của thời nay có cái model là vẽ Rồng ra Rắn !

      Xóa