Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

ĐÔ ĐỐC TUYẾT NGOẠI TRUYỆN


Nguyễn Văn Tuyết vốn là kẻ vô lại ở huyện Tuy Viễn. Vì khỏe mạnh, đánh lộn giỏi mà hoành hoành ngoài chợ. Phàm những kẻ giang hồ mãi võ trước phải đến yết kiến Nguyễn, sau mới được mãi võ.

Một hôm, có ông già dẫn hai cô gái đánh chiêng mãi võ ngoài chợ. Ông già tuổi ngoài 70, râu rồng, tóc trắng như lông hạc, tinh thần quắc thước. Hai cô gái tuổi khoảng 13,  14, mặt thật xinh đẹp, cầm kiếm đối nhau mà múa, khí lạnh rợn người. Người xem vui vẻ ca ngợi như sấm rền.


Bọn đồng đảng của Nguyễn chạy đến báo cùng Nguyễn. Nguyễn cả giận nói :

-  Lão già quê mùa ở đâu dám coi thường ta ?

Bèn dẫn đồ đảng hơn mươi người đến trước ông già quát lớn :

-  Biết Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn hay không ?

Ông già cười không đáp. Nguyễn lại càng giận, vung tay hết sức đánh ông già. Ông già đứng yên không cử động. Nguyễn sợ hãi, uất ức trở về, muốn dùng kế để giết ông già. Dò xét biết ông già trú ngụ trong ngôi miếu cổ. Ban đêm, Nguyễn giấu dao trong người nhảy tường mà vào. Đã quá canh ba. Mọi tiếng động đều im, đoán ông già đã ngủ say, bèn bò như rắn vào phòng, hết sức chém vào cổ ông già. Ông già vẫn nằm ngủ say như cũ. Chém liên tiếp thì dao gãy. Nguyễn sợ quá muốn bỏ chạy. Ông già chậm rải nói :

-  Quấy nhiễu giấc mộng yên tĩnh của ta, sao khách lại tàn ác quá vậy ?

(Ông già) cười mà đuổi (Nguyễn) đi.

Nguyễn quỳ xuống đất không nhỏm dậy, xin quay mặt về hướng bắc giữ lễ đệ tử. Ông già không chịu. Nguyễn lại càng ra sức cầu xin. Ông bèn nói :

-  Ta không có thuật gì khác, chỉ có hai chữ “thoái” và “nhượng”. Tài của ngươi có thể thành tựu. Nếu thay đổi được khí chất thì ta có tiếc gì đâu. Nhưng ngươi không phải là người như thế.

Nguyễn hết sức nói đã biết hối cải, ông già mới chịu nhận làm đệ tử. Nguyễn bèn theo ông già ra đi. Năm năm sau trở về, đã có vợ. Đó là một trong hai cô gái (múa kiếm) năm xưa. Cô gái là cháu nội của ông già, họ Trần. Trần lão dẫn hai cháu gái lãng du bốn phương tìm người tài để truyền thụ võ nghệ. Được Nguyễn, bèn đem cả nghệ thuật truyền cho.

Nguyễn rất thông minh. Thầy dạy một lần là hiểu liền. Ông già cả mừng, cho gởi rể trong nhà. Ở được nửa năm, ông già gọi Nguyễn đến nói :

-  Vợ chồng con có thể về được rồi. Những lời ta dạy bảo chớ quên!

Nguyễn vâng dạ. Về đến nhà, bọn đồ đảng cũ đều đến hỏi thăm. Nguyễn bảo chúng :

-  Việc làm của bọn ta năm xưa đủ để cho bậc hào kiệt xấu hổ. Nay nên hối cải.

Bọn đồ đảng hỏi cách hối cải như thế nào. Nguyễn đáp :

 “Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi sự bất bình, đó là sở nguyện của ta. Chí nguyện và công việc đó không phải để nói với bọn ngươi. Bọn ngươi không phải là kẻ đáng để cho ta nói chuyện ấy. Vì vậy ta chỉ nói chừng ấy thôi” .

Một hôm, Nguyễn nghe Võ Vương (* Chúa Nguyễn Phúc Khoát) đi tuần về phương nam, thì cảm khái nói với vợ rằng :

-  Làm người tiêu diệt nhà Tần thì tôi không làm được. Làm ngọn chùy Bác Lãng (* hành thích Tần Thủy Hoàng) thì may ra là việc trong khả năng của tôi. Tôi không còn nhẫn nhịn được nữa.

Xa giá của Chúa Nguyễn đến Quy Nhơn. Một mình Nguyễn ban đêm vào hành cung, thấy canh giữ rất nghiêm ngặt, không thể đến gần (chúa) được, bèn rẽ vào vườn sau. Nghe ngựa hí, tiếng rất hùng tráng khác ngựa thường, biết đây là giống ngựa hãn huyết (* mồ hôi có màu máu), lòng hồi hộp, bèn lấy trộm ra. Một đêm chạy năm sáu trăm dặm đến An Khê trời chưa sáng tỏ. Ngựa tên Xích Kỳ, là cống vật của Cao Man. Chúa rất yêu thích, nên xa giá xuống phương nam cũng đem ngựa theo. Đến Quy Nhơn một đêm bỗng mất ngựa, bèn xuống chỉ tìm khắp nơi.

Lúc bấy giờ Nguyễn Khắc Tuyên làm Tuần Phủ Quy Nhơn, nghe tin sợ quá, cho người cỡi ngựa rảo tìm bắt kẻ trộm. Nhưng rốt cuộc không tìm được. Tuyên suýt phải tội. Trương Phúc Loan hết sức cứu mới được miễn.

Khi xa giá của Chúa về đến Quảng Ngãi, trong nội thất dinh thự Tuần Phủ Quy Nhơn bỗng có viết mấy chữ lớn : “Kẻ trộm ngựa của Chúa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn”. Tuyên xem sợ hãi, dặn tả hữu đừng tiết lộ, chuyện này mới im.

Văn Tuyết sau lúc về Tuy Viễn, nhiều lần muốn thực hiện chí nguyện từng ôm ấp. Gặp Nguyễn Huệ, cá nước tương phùng, cùng nhau dựng cờ nghĩa mà thành việc lớn.


Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện - Nguyễn Trọng Trì
Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xb năm 1979

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét